Bài viết ghi dấu cho con số 2.000 trên trang Blog cá nhân
Có một câu nói của Aristole: "Tất cả hành động của con người bắt nguồn từ một hoặc nhiều lý do trong những lý do sau: tình cờ, phẩm chất, bắt ép, thói quen, lý trí, đam mê, và dục vọng." (All human actions have one or more of these seven causes: chance, nature, compulsion, habit, reason, passion, and desire). Với việc viết blog, tôi không nhớ mình khởi đầu vì lí do gì; tuy nhiên chắc chắn ở tôi có hai điều đó là: phẩm chất và sự đam mê - và hôm nay trang cá nhân Mộc Nhân Lê Đức Thịnh tại địa chỉ: thinhdailoc.blogspot.com đã đạt đến con số 2.000 – là số thứ tự cũng là số lượng bài đăng tại đây.
***
Gần 60 năm trong cuộc người, 35 năm làm
nghề dạy học, 20 năm dấn thân vào trò chơi chữ nghĩa – trong đó có 10 năm cuộc chơi với
trang blogspot chợt nhận ra mình tích lũy khá nhiều; trở nên gắn bó máu thịt - dường
như sự viết lách cá nhân không thể thiếu trang blog này.
Từ con số 2.000 trên blog, thử nhìn lại
những con chữ, những trạng thái cảm xúc mà mình đã tích lũy được:
- 550 bài dịch Anh ngữ gồm thơ và ca từ âm nhạc
- 540 bài thơ là miền tự sự, cảm xúc và
kí ức cá nhân gồm đủ các thể loại: thơ tự do, thơ văn xuôi, thơ lục bát cùng
các thể thơ truyền thống khác.
- 300 bài văn xuôi + hàng trăm bài về nội dung chuyên môn bao gồm: báo chí,
tiểu luận, phê bình văn học, trao đổi dạy học, tư liệu…
- Hàng trăm bài viết được đăng trên các báo và tạp chí
- Hàng trăm bức hình cá nhân, gia đình,
bạn bè được tái hiện qua từng sự kiện
- Đồng thời, đã đăng tải, chia sẻ
khoảng 100 bài viết của bạn văn nghệ…
- Và còn nhiều nhãn loại khác như Gia đình, Thư giãn, Nhật ký, Nhạc Việt, Nhạc Pháp, Nobel văn chương... với số lượng bài trong mỗi nhãn ít thì dưới 10, nhiều thì lên đến cả trăm... đều thể hiện sở thích cũng như khả năng tìm hiểu tác giả.
***
Từ con số 2.000 trên blog, tác giả đã
trích xuất được 8 tác phẩm:
- Một cuốn sách tham khảo môn Ngữ văn
dành cho học sinh lớp 9: "Tài liệu ôn tập - Luyện thi vào lớp 10 môn Ngữ văn" (Nxb ĐN, 2010) cùng với bản quyền của tập sách này do Cục bản quyền - Bộ VHTT & Du Lịch cấp chứng nhận.
- Một tập thơ: “Những vũ điệu và
khúc ca” (Nxb Hội Nhà Văn, 2015)
- Một tác phẩm dịch ca từ âm nhạc nước ngoài: “Bụi trong gió” (Nxb Hội Nhà Văn, 2016)
- Bộ sách gồm hai tác phẩm nghiên cứu,
dịch thuật về Bob Dylan – Nobel Văn chương 2016: "Những hòn đá lăn" và "Mai sau biết đến bao giờ" (Nxb Hội Nhà Văn, 2017 và 2018)
- Một tập văn xuôi: “Chúng ta từ cõi lao đao” (Nxb Hội Nhà Văn, 2020)
- Một tác phẩm nghiên cứu về âm nhạc
The Beatles: "Yesterday - 60 năm The Beatles" (Nxb Hội Nhà Văn, 2020)
- Một tác phẩm nghiên cứu về Louise
Gluck – Nobel Văn chương 2020: Aubade (Nxb Hội Nhà Văn, 2021)
Và chắc chắn còn nhiều bản thảo đang hoài thai và sinh hạ trong thời gian sắp đến…
Đối với nhiều người thì những con số
trên là vô nghĩa vì có thể họ tích lũy và có những thành tựu đồ sộ hơn trong
cuộc văn chương; hoặc họ có những con số vật chất như tiền, nhà đất, xe cộ... đem lại những giá trị hữu ích
cho đời sống cá nhân… hơn là các con chữ.
Nhưng mọi sự so sánh đều khập khiễng;
mỗi trạng thái có những ý nghĩa và giá trị khác nhau đối với từng cá nhân.
Đối với tôi, niềm vui từ cuộc chơi chữ nghĩa đã giúp các cuộc chơi khác được thăng hoa dù chữ nghĩa mang theo trong mình nó hạnh phúc, nỗi đau, lòng trắc ẩn và chấp nhận bằng sự thành khẩn với một lòng tin mãnh liệt về tương lai và con chữ của mình.
Từ đam mê chữ nghĩa
tôi đã có những thành công trong nghề dạy học; tự xác lập cách nghĩ, cách nhìn,
thái độ và trạng thái cá nhân về nhiều vấn đề: con người, nghề nghiệp, văn
chương, đời sống, sự vật… tích góp từ đi, tìm tòi, học hỏi…
Những ký tự của tôi đứng ở một
góc nhìn nào đó là lời tri ân đối với quê hương, đời sống, gia đình, tình yêu,
bạn bè… thông qua cách tái hiện, lưu giữ, tỏ rõ tình cảm, thái độ trong từng trạng
huống - bởi ghi nhớ tức là sống với nó - mà không có cách nhớ nào đẹp bằng cách nhớ thông qua phương tiện ngôn từ, thơ ca, hình ảnh vì chúng bền vững, chắt lọc và thăng hoa.
Trong
chuyện viết lách, cảm hứng đi liền với ý thích mà ý thích thì không cần lý do.
Viết ra lúc thích rồi quên đi, thật may mắn là chúng vẫn còn nằm đó, đôi khi đọc
lại tự vấn sao mình lại viết được (hay) như thế hoặc sao mình có thể viết ra những
thứ tào lao vớ vẩn đến vậy…
Tuy
nhiên, dầu tốt hay xấu, nó vẫn là của mình, soi sáng cho mình như ngọn đèn soi
trên bàn phím mỗi đêm khuya bởi dầu gì đi nữa, không ai nói thay mình, lưu giữ
giúp mình những khoảnh khắc.
Một
người bạn của tôi có nói: chúng ta viết được nhờ có “lộc chữ” – bởi không phải
ai muốn viết đều viết được. Đành rằng thời buổi này, nhà thơ nhiều, thơ văn vần
vè nhan nhản đến mức tạo ra tâm lí chê bai, dè bỉu... nhưng cái sự viết nghiêm túc trên
một nền tri thức là một thứ lao động đáng trân quý bởi chúng ta tôn trọng mình,
tôn trọng người đọc và yêu quý những thứ mình làm ra.
Một
người viết có trách nhiệm trước con chữ cũng giống như một nhạc sĩ biết trăn trở
với bản phối để thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của mình sâu sắc hơn trên những lối
đi sáng tạo, thì thầm về các góc khuất bí ẩn cùng những sự thật, trí tưởng tượng,
sự tái hiện cùng với cá tính của mình.
***
Ban
đầu, khi đánh dấu các con số trên blog tôi chỉ nghĩ đơn giản là để dễ lục tìm
khi cần, nhưng dần dần nhận ra chúng tạo ra các hiệu ứng tâm lý - thôi thúc cả về số lượng lẫn
chất lượng các entry – tức là mình thấy được sự tiến bộ, đam mê, theo đuổi của mình và
càng có trách nhiệm với nó.
Trong thời buổi hiện tại, khi vui chơi, khoe khoang, thể hiện là một nhu cầu trên các trang mạng xã hội; nhất là khi facebook thu hút lượng người dùng kỉ lục với tính tương tác cao, khả năng thu hút bạn đọc lớn hơn nhiều… thì đa số các bloger dường như đã bỏ cuộc chơi chuyển sang làm facebooker… Lúc này tôi vẫn có chút tự tin khi giữ được trang blog của mình như một trang sáng tác cá nhân, một kho lưu giữ và chia sẻ tác phẩm mà không bận lòng đến “tương tác”, lượng viewer hay độ lan tỏa của tác phẩm...
Điều này chưa hẳn là tốt vì những gì tôi viết ra bất luận là nhằm mục đích gì đều ít người đọc hơn so với viết trên facebook; tuy nhiên tôi vẫn mê mải đi trên con đường của mình mà không cần lí do, không giải thích, không chạy theo trend, không mưu cầu hữu danh… Như đã viết ở đoạn trên là khi có "ý thích" thì không cần lý do - được làm điều mình thích là tự do, thích điều mình làm là hạnh phúc. No man can succeed in a line of endeavor which he does not like.
***
Mỗi ngày tôi nhìn ngắm và thấu hiểu bản thể trong ngôi nhà của mình, nơi này tôi có thể ngồi một mình để nghe một ca khúc, đọc những tác phẩm mình yêu thích, độc thoại với tình yêu của mình và chia sẻ với bạn bè…
Hôm nay, các cuộc chơi và con số vẫn còn đó; duy
chỉ có con số 35 - trong tuổi nghề là đã về hưu, dừng lại - còn các con số khác: 60 tuổi đời, 30 năm gắn với văn chương, 20 năm viết nhiều nhất, 10 năm viết trên blog ... sẽ mãi tiếp bước cho đến khi tự nó dừng lại.
Và cuối cùng tôi trích dẫn một stanza
trong bài thơ “Famous” của nhà thơ Mỹ Naoni Shihab Nye để thay cho lời kết của
bài viết số 2.000 này: “Tôi muốn nổi tiếng
theo cách của chiếc ròng rọc/ hoặc một cái khuy áo/ chẳng phải vì nó đã làm được
điều gì ngoạn mục/ mà bởi nó không bao giờ quên những gì có thể làm.” (I want
to be famous in the way a pulley is famous/ or a buttonhole/ not because it did
anything spectacular/ but because it never forgot what it could do).
Vâng, số 2.000 là một con số đẹp, vẻ đẹp giản đơn nên chưa phải là đẹp nhất nhưng với tôi nó thật đẹp, thật tuyệt như trái tim mình.
Trước đây tôi dự định viết đến số 1.000 sẽ dừng lại; nhưng tôi đã không dừng. Sau đó tôi nghĩ mình sẽ không đủ sức nuôi con chữ đến số 2.000, thế nhưng giờ đây nó đã đến.
Vậy nên giờ đây tôi không muốn tự nhủ, tự lượng về điều gì nữa.
Let It Be. Thôi cứ để nó hiện tồn.
-------------
Bài thơ số 2.001 - viết cho dấu mốc số 2.000
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét