6/9/21

2.166. MÃ KÝ TỰ VĂN HÓA CỦA SỐ NĂM

          Mộc Nhân 

Bài đã đăng trên Tạp chí Đất Quảng số 204/ Tháng 9 - 2021

 


Mỗi con số bản thân nó ban đầu là một “mã kí tự” được sáng tạo ra để mang theo một thông tin, dùng cho một mục đích giao tiếp nhất định. Theo thời gian, ngoài chức năng “mã kí tự thông tin” nó còn là “mã kí tự văn hóa” với một hoặc nhiều ý nghĩa nào đó. Hai “mã” đó, đôi khi cái này có trước, cái kia có sau. Tuy nhiên, khi trở thành “mã kí tự văn hóa” thì nó được người ta quan tâm, phân tích, vận dụng, hàm chứa nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo mỗi quốc gia, vùng miền, thời đại, tư tưởng, tôn giáo, triết học…

Bài này tổng hợp “mã kí tự văn hóa” của số 5 trong hành trình ý nghĩa văn hóa của nó - tất nhiên mọi qui chiếu, qui nạp, tổng hợp chỉ là tương đối.

***

Xét trong dãy số tự nhiên có 1 chữ số (từ 1-9), số 5 là số nằm ở giữa, số lẻ, thuộc dương. Vậy nên số 5 có ý nghĩa là trung tâm, cân bằng. Mở rộng ra theo góc độ phong thủy hay thần học, số 5 tượng trưng cho quyền lực, tốt đẹp, may mắn, trọn vẹn, cân đối, chân lý… Và con người thường chọn số 5 để khái quát các giá trị.

Vũ trụ quan Phương Đông cho rằng vật chất của thế giới được tạo thành từ 5 yếu tố: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ (gọi là Ngũ hành). Kim: kim loại, cứng rắn, lạnh, cương mãnh, bền chắc. Mộc: gỗ, cây, sống, tăng trưởng, dẻo dai, chịu đựng. Thủy: nước, mềm mại, nhu thuận, sâu hiểm. Hỏa: lửa, nóng, sáng, linh hoạt, sáng tạo. Thổ: đất, đầy đặn, chịu đựng, nguồn của sinh sôi. Trong khi đó, triết gia Aristole cho rằng 5 nguyên tố cơ bản của thế giới vật chất là Nước, Lửa, Đất, Không khí, Ánh sáng. Còn thần thoại Hy Lạp thì lí giải thế giới được sinh ra từ 5 yếu tố: Đất (Gaia), Tối tăm vĩnh cửu (Erèbe), Đêm tối (Nix), Địa ngục (Tartar) và Tình yêu (Erox).

Tuy quan niệm Đông – Tây có khác nhau nhưng cả hai đều lấy số 5 làm cột trụ lí giải sự hình thành của tự nhiên.

Số 5 gắn với các chuẩn mực văn hóa, nhân sinh khá nhiều.

Nho giáo nêu lên quan niệm về “Tam cương - Ngũ thường” – trong đó “Ngũ thường” là 5 đức tính cần phải có trong con người là: Nhân (lòng yêu thương) – Nghĩa (cư xử theo lẽ phải) - Lễ (tôn trọng, hòa nhã, lễ phép) – Trí (hiểu biết, phân biệt đúng sai) – Tín (giữ lời, uy tín). Vậy nên người không Nhân sẽ trở thành kẻ Độc ác; người không Nghĩa sẽ trở thành kẻ Bội bạc; người không Lễ sẽ trở thành kẻ vô phép; người không Trí sẽ trở thành kẻ ngu dốt; người không Tín sẽ trở thành kẻ giả dối.

“Tam cương” là 3 giềng mối chủ chốt trong xã hội (Vua - Tôi, Cha - Con, Vợ - Chồng), được mở rộng ra thành “Ngũ luân” là 5 chuẩn mực đối xử trong xã hội, ngoài 3 mối quan hệ nói trên, có thêm hai giềng mối nữa là: Thầy - Trò và Bạn bè.

Trong Phật Giáo, con số 5 tượng trưng cho nhiều quan niệm, nhiều giá trị, chân lý.

“Ngũ uẩn” là 5 yếu tố tạo thành con người bao gồm: Sắc - Thọ - Tưởng - Hành - Thức. Sắc: là yếu tố sinh lý - vật lý - là hình thức con người. Thọ: là yếu tố cảm  giác, các giác quan. Tưởng: là yếu tố tri giác, là sự nhận biết. Hành: là yếu tố tâm lý, tinh thần. Thức: là yếu tố nhận thức, ý thức con người.

“Ngũ giới” là 5 điều giới luật mà Phật tử cấm làm là: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.

“Ngũ căn”, “Ngũ lực” như những phương tiện tu tập. Ngũ căn là năm yếu tố căn bản, cốt lõi của sự tu học Phật Pháp là: Tín căn – Tấn căn – Niệm căn – Định căn – Tuệ căn - giúp đi đến thành tựu giác ngộ. Giải thích ngắn gọn: “Tín” là đức tin. “Tấn” là nỗ lực để thực hành tu tập. “Niệm” là chú tâm quan sát thân với chánh niệm để tỉnh giác. “Định” tập trung cao độ (thiền định) với tâm thanh tịnh. “Tuệ” là trạng thái thấu hiểu, giác ngộ. “Ngũ lực” là năm sức mạnh sinh ra từ “Ngũ căn” giúp cho người tu vượt qua mọi khó khăn trong tu học cũng như trong cuộc đời. Có “Tín căn” sẽ có “Tín lực” và “Tấn lực” giúp cho người có sức mạnh thoát ra khỏi những cám dỗ. Có “Niệm căn” sẽ có “Niệm lực” là sức mạnh đánh tan mọi tà niệm. Có “Định căn” sẽ có “Định lực” giúp thoát ra khỏi sự chi phối của dục vọng. Có “Tuệ căn” sẽ có “Tuệ lực” là sức mạnh của trí tuệ, đật đến giác ngộ.

Lá cờ Phật Giáo có 5 màu do đại tá quân đội đã về hưu người Mỹ Henry Steel Olcoott thiết kế vào năm 1880 - ông cũng là người Mỹ đầu tiên quy y Phật. Ý tưởng về màu sắc lá cờ là vòng hào quang của đức Phật với 5 màu: xanh - tượng trưng cho tình yêu thương, hòa bình và lòng bác ái; vàng - trung đạo, tránh cực đoan, sống khổ hạnh; đỏ - thực hành, thành tựu, trí tuệ, đức hạnh, vận mệnh và phẩm giá; trắng - Phật Pháp, sự giải thoát khỏi không gian và thời gian; cam - giáo huấn của đức Phật, trí tuệ. Dải màu thứ sáu ở ngoài cùng gồm cả 5 màu đầu tiên, đại diện cho sự kết hợp của các màu trong quang phổ của vầng hào quang. Sáu cột màu tượng trưng cho lục đạo (sáu đường tái sinh, sáu thể dạng của chúng sinh trong cõi luân hồi) gồm: Cõi Trời (deva) - Cõi Thần (asura) - Cõi Người (manussa) – Cõi súc sinh (tiracchānayoni) - Cõi ngạ quỷ (petta) và Cõi địa ngục (niraya). Lá cờ biểu tượng cho sự hòa bình, từ bi, trí tuệ, không phân biệt màu da, chủng tộc, không phân biệt giữa con người và những sự sống khác đã được Ủy ban Phật Giáo Toàn cầu chọn lựa là lá cờ của tôn giáo này.

Truyền thống Kitô giáo cũng đề cập đến số 5 với các tín điều thiêng liêng. Sách Phúc Âm với  dụ ngôn Chúa phát lương thực cho dân chúng bằng 5 miếng bánh mỳ mà cả đoàn người ăn no đủ. Đặc biệt là 5 Dấu Thánh trên thân thể Chúa Jesus lúc bị treo lên thập tự giá gồm: vết thương do bị đóng đinh ở cổ tay, bàn chân; vết thương ở bên hông do bị đâm bằng giáo; vết thương ở trên trán do mũ gai gây nên và những vết thương trên lưng khi bị đánh bằng roi.

***

Trong đời sống, số 5 biểu hiện vòng “Luân hồi”: Sinh – Lão - Bệnh -  Tử - Sinh. Dân gian gọi là “trực” - đúng trực “sinh” (tức rơi vào số 5) là tốt nhất trong mọi lựa chọn. Nói nôm na là làm bất cứ việc gì người ta cũng chọn “trực sinh”.

Số 5 tượng trưng cho Ngũ phúc (5 điều hạnh phúc của cuộc sống) là: Phú (giàu sang), Quý (địa vị cao quý), Thọ (sống lâu), Khang (bình yên), Ninh (sức khỏe). Sách “Kinh Thư” (thiên “Hồng Phạm”) thì nêu lên “Ngũ phúc” là: Trường thọ: là không bị chết non, phúc thọ là lâu dài. Phú quý: là tiền của rất nhiều, địa vị tôn quý. Khang ninh: là thân thể khoẻ mạnh, tâm hồn yên ổn. Hiếu đức: là tính lương thiện, nhân hậu, bình tĩnh. Thiện chung: là có thể tiên liệu thời kỳ chết của mình.

Ngũ quan là năm bộ phận nằm trên khuôn mặt mà ta có thể dễ dàng nhận biết được, gồm: Thái thính quan (Tai), Bảo thọ quan (Lông mày), Giám sát quan (Mắt), Thẩm biên quan (Mũi), Xuất nạp quan (Miệng). Ngũ vị là khái niệm chỉ năm loại vị cơ bản trong ẩm thực là: mặn, ngọt, chua, cay, đắng. Trong cơ thể có “ngũ tạng” 5 bộ phận quan trọng bên trong là: tâm, can, tỳ, phế, thận.

Ngũ cốc là tên gọi chung để chỉ năm loại thực vật cơ bản có hạt giúp nuôi sống con người gồm: lúa, kê, ngô, mạch, đậu. Thực ra cây lương thực không chỉ có 5 loại nhưng tùy theo cách hiểu và thực tế của mỗi dân tộc mà khái niệm về ngũ cốc không hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên người ta vẫn gọi chung là ngũ cốc vì nó liên quan tới quan niệm về Ngũ Hành.

***

Có lẽ với quan niệm cho rằng số 5 là tốt tốt đẹp, cân đối, chân lý nên trong thực tế đời sống từ xưa đến nay người ta cũng chú đến số 5. Khi may áo dù ngắn hay dài đều có năm hạt nút áo; đó vừa là “trực sinh” vừa ngụ ý về những điều tốt đẹp liên quan đến những giá trị liên quan đến số 5 mà con người cần ghi nhớ trong đời. Khi làm nhà người ta cũng chọn đặt 5 cây đòn tay cho đủ “trực”, nếu mái nhà quá dài người ta sẽ chọn kéo dài trực sinh thành 9 cây là tốt nhất…

Trong văn hóa thờ cúng dân gian Việt Nam người ta quan niệm có 5 vị thần goi là ngũ vị gia thần bao gồm: Táo thần (thần bếp), Tĩnh thần (thần giếng), Môn thần (thần cửa), Hộ thần (thần nhà) và Trung lưu thần (thần gian nhà giữa). Nói đến thờ cúng là mâm thờ “ngũ quả” gồm 5 loại trái cây khác nhau tùy theo quan niệm vùng miền.

Trong thời hiện đại, khi thiết kế các giải pháp, phương pháp… người ta cũng hay chọn số 5, phải chẳng là cho cô đọng, dễ nhớ. Chẳng hạn như “5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng”. Thực ra, Bác Hồ đã dạy rất nhiều điều nhưng Bác đã cô đọng thành 5 điều cho các cháu cũng như mọi người dân dễ nhớ: “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào – Học tập tốt, lao động tốt – Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt - Giữ gìn vệ sinh thật tốt – Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.”

Gần đây, người ta lại đưa ra “5 tiêu chí giúp thành công” gọi là "SMART" – nghĩa đen là “thông minh” nhưng nội hàm của nó là viết tắt từ 5 từ tiếng Anh: Specific (có mục tiêu), Measurable (có thể đo đạc, nắm bắt), Achievable (có tính thực tế), Relevant (có liên quan nhau), Time (có thời gian hoàn thành).

Trong mùa đại dịch Covid-19, Bộ Y tế đưa ra thông điệp 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế để chung sống an toàn cho cộng đồng.

Số 5 sẽ còn tiếp tục hành trình ý nghĩa cùng các chỉ dấu trong dòng chảy đời sống và nó sẽ không dừng lại.

Nói theo Plato – triết gia Hy Lạp cổ đại: “Con người là một sinh linh trong cuộc tìm kiếm ý nghĩa” (Man is a being in search of meaning). Vậy nên người ta sẽ tiếp tục gán ghép, tạo dựng, nương tựa các ý nghĩa từ các “mã kí hiệu” - cho dù cho chúng ta đang sống trong thời đại 5G.


MN LĐT

Quê nhà, mùa Covid thứ IV. Tháng 9/ 2021






 

Không có nhận xét nào: