“My poetry is a way of coming to grips with
reality...a way of discovery and definition. It is a way of solving for the
unknowns” - Robert Hayden (Thơ của tôi là một cách để tiếp cận hiện
thực… một cách khám phá và định nghĩa. Đó là một cách giải quyết những ẩn số)
“Those winter Sundays” (Những Chủ Nhật Mùa Đông ấy) của Robert Hayden là một bài thơ về hồi ức gia đình. Chủ đề chính của bài thơ là sự hy sinh và bổn phận của cha mẹ. Điều đặc biệt về người cha ở đây lại là cha nuôi của tác giả. Ông ấy đã chăm lo cho đứa trẻ bằng tình yêu và bổn phận mà không cần hồi đáp. Chỉ có điều, phải mất nhiều năm sau để đứa trẻ thừa nhận và hiểu được điều đó.
Mộc Nhân dịch
Cha tôi dậy sớm kể cả ngày chủ nhật
mặc áo quần trong cái lạnh xanh xao
với bàn tay nứt nẻ, nhức đau
lam lũ qua bao mùa khắc nghiệt
Người đã khơi lên một ngọn lửa
chẳng ai cảm ơn ông bao giờ
tôi thức giấc trong gió đông lạnh cóng
căn phòng ấm lên, ông đánh thức giấc mơ
Thật chậm rãi tôi vươn mình mặc áo,
nỗi sợ trong ngôi nhà giận dỗi lưu niên
tôi nói chuyện với ông hờ hững
dù ông xua tan cái lạnh muộn phiền
Ông đánh đôi giày của tôi thật bóng
còn tôi thì nào biết gì hơn
liệu tôi biết trong ngôi nhà ấm cúng
có tình yêu khổ hạnh, cô đơn.
--------------------
Chú thích:
(1). Robert Hayden, tên đầy đủ là Robert Earl Hayden, (1913 – 1980) là nhà thơ, nhà giáo dục, người viết tiểu luận người Mỹ gốc Phi. Hayden lớn lên ở Detroit và lấy bằng cừ nhân tại Đại học Wayne Hoa Kỳ và giảng dạy tại Đại học Fisk, Hoa Kỳ (1946–69). Ông giành được giải thưởng lớn tại Liên hoan nghệ thuật da đen thế giới lần thứ nhất vào năm 1966 tại Dakar, Senegal. Năm 1976, ông trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên được bổ nhiệm làm cố vấn thơ cho Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Bài thơ nổi tiếng nhất của ông: "Middle Passage" đề cập đến lịch sử người Mỹ da đen. Ông đã xuất bản các tập thơ Words in the Mourning Time (1970), The Night-Blooming Cereus (1972), Angle of Ascent: New and Selected Poems (1975)…
(2). “Those winter Sundays”
(Những Chủ Nhật Mùa Đông ấy) của Robert Hayden là một bài thơ về hồi ức gia
đình. Robert Hayden thưở nhỏ sống với người cha nuôi sau khi cha và mẹ ruột của
ông chia tay, vậy nên có lẽ bài thơ ghi lại một phần nào đó kí ức của tuổi thơ
đau buồn. Tác giả nhớ lại hành động của một người cha mỗi ngày – kể cả chủ nhật,
ông dậy sớm mặc áo ấm, đôi tay lao động nút nẻ đau buốt, rồi nhóm lửa, đánh đôi
giày cho con trai mình, sau đó mới đánh thức mọi người trong nhà dậy. Lúc này,
tác giả còn hờ hững với việc làm của ông. Chỉ sau này khi lớn lên, đứa trẻ mới
nhận thức được sự hy sinh của ông: đó là một tình yêu khổ hạnh và cô đơn (love’s austere and
lonely offices).
Bài thơ ngắn gọn, vỏn vẹn 14 dòng, được chia thành ba khổ, mỗi khổ đều mang một nỗi niềm xúc động, ẩn chứa mối quan hệ cha con lạnh nhạt, kéo dài mà ông gọi là kinh niên (chronic). Tác giả nhìn lại, cố gắng hiểu tất cả những gì đã xảy ra trong một khoảng thời gian, có thể là nhiều năm. Chủ đề chính của bài thơ là sự hy sinh và bổn phận của cha mẹ. Tuy nhiên người cha ở đây lại là cha nuôi của ông, ông chăm lo cho đứa trẻ bằng tình yêu và bổn phận mà không cần hồi đáp. Chỉ có điều, phải mất nhiều năm để mối ràng buộc này được đứa trẻ thừa nhận điều đó.
(3). Đây là 1 trong số 10 bài thơ được giáo giới Hoa Kỳ xếp vào nhóm Ten Poems I Love to Teach (Mười bài thơ tôi thích dạy).
(4).
* Mộc Nhân dịch và chú thích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét