Mộc Nhân Lê Đức Thịnh
Bài giới thiệu tập thơ "Ai nghe lá hát" của Minh Thùy, Nxb Hội Nhà Văn, 2024.
Tôi đã đọc chậm rãi và nhiều lần tập bản thảo “Ai nghe lá hát” của Minh Thùy trong sự trân trọng con chữ của một tác giả trẻ; nhưng tôi đắn đo, cân nhắc thật lâu để viết ra những dòng này. Dẫu sao, đây là tác phẩm đầu tay của một tác giả nữ nên mọi sự đánh giá, khen ngợi đều đúng mực và chừng mực.
Hơn nữa, trong bối cảnh hoạt động phê bình của chúng ta thiên về khích lệ
động viên, bình nhưng ít phê, một kiểu “điểm sách” hơn là phê bình thực sự thì
mọi cân nhắc đều thể hiện tính nghiêm túc, tôn trọng tác giả - tác phẩm – bạn đọc.
Tất cả đều là điều cần có của người viết khi chia sẻ việc tiếp cận tác phẩm từ
một góc cảm nhận cá nhân.
***
Minh Thùy sinh năm 1992, quê nội ở Đại Lộc, quê ngoại ở
Núi Thành; dường như cả hai miền đất ở hai đầu xứ Quảng đều in dấu trong thơ chị
với những cảm thức quen thuộc – quê xứ, cha mẹ, đời sống, nỗi niềm, ký ức… gắn
với các chỉ dấu qua các địa danh, câu chuyện khá cụ thể trong nhiều bài thơ.
Đó là những đề tài quen thuộc của thơ ca nói chung.
Tôi nghĩ mỗi nhà thơ có thể viết khác đi hoặc khởi sinh những cảm hứng mới
nhưng những chất liệu ấy luôn là trải nghiệm, là cái mà nhà thơ người Mỹ, Carl
Sandburg nói: “Thơ ca là tiếng vọng, thúc giục một cái bóng khiêu vũ” (Poetry is an echo, asking a shadow to
dance).
Những tiếng vọng
trong thơ Minh Thùy thể hiện được tình cảm chân thực, tinh tế về người
thân: “Mẹ lật đật xin nhà bên quả chanh chưng đường phèn mỗi lần cha ốm/ Cuối
buổi về/ Trên tay là quả chanh héo/ Nụ cười cũng héo úa theo” (Nửa phố nửa quê); về quê hương: “Ái
Nghĩa/ Nghèn nghẹn cuống họng/ Day dứt và tình yêu không nói được nên lời” (Ái Nghĩa); về tình yêu và thân phận: “đừng
cố nuốt nước mắt vào trái tim vốn đã nhiều phiền muộn/ không phải ai cũng đủ
can đảm/ khóc cho phận mình” (Xin); về
đời “Cuộc đời thật quá mênh mông/ Nhưng cũng đủ chật, lòng vòng...lạc nhau” (Chỉ thế thôi); về những ký ức nào đó đi
qua trong hành trình của chị: “Nếu biết Huế vẫn buồn như vậy/ Đã không về để nỗi
nhớ đầy thêm/ Gió biển thốc cay xè khóe mắt/ Lòng chiều nay bão giông” (Về Huế)… Mọi con chữ đang khiêu vũ, người viết chỉ chú mục các tiết
điệu và chụp lại, phần cảm thấu xin dành cho bạn đọc.
Tôi lược trích nhiều như vậy để thấy rằng những trải
nghiệm cảm xúc trong thơ Minh Thùy khá phong phú và thú vị; nhất là những khoảng
giao thoa của các ý thơ dẫn dắt sự dõi theo con chữ người đọc ra khỏi một biên
độ nào đó - chẳng hạn: “Em đang sống những ngày không có tuổi/ Bận yêu cả loài
người/ Và yêu anh” (Cho tuổi mười ba);
hoặc: “Chẳng lẽ trách mẹ không hiểu lòng con gái/ Chẳng lẽ trách anh quá đỗi
nhân từ/ Ngày mai gió mưa trút xuống mảnh đất nghèo đã quen cam chịu/ Nhưng với
em bão đến từ hôm qua” (Bão đến từ hôm
qua)… Tôi nghĩ đó là những câu thơ kết nối các trường cảm xúc từ cái chung
đến cái riêng, từ hiện tại đến quá khứ trong cái tôi trữ tình. Bạn có thể tìm
ra những câu thơ như thế trong “Ai nghe lá hát” của Minh Thùy để nhận ra sự sâu
lắng, vẻ đẹp tâm hồn và thông điệp nào đó mà tác giả muốn gửi gắm qua bài thơ.
Đọc thơ Minh Thùy, tôi nhận ra những bóng chữ thể hiện
chuyển dịch từ đời sống vào tác phẩm thông qua việc tìm tòi con chữ để tác giả
trải lòng trên từng trang viết: “Chừ mình em đối diện một nửa chiều/ Nghe cô
đơn dâng tràn nơi khóe mắt/ Lục tìm trong màu tím cánh bằng băng hay giọt cafe
đắng/ Vẫn không thể tìm lại một nửa chiều mà anh đa mang đi” (Đối diện một nửa chiều)… Bóng chữ ấy là
những xúc cảm giấu kín, cân bằng xung đột, bộc lộ mơ ước, cho phép bạn ca hát
trên nỗi lòng.
***
Minh Thùy, ngoài đời thực - như nhiều
bạn thơ đã biết - là người thơ điềm tỉnh, kín đáo trong giao tiếp, ít đùa cợt
khi tụ bạ, ít bày tỏ chuyện thơ giữa bạn bè, họa hoằn mới đăng thơ trên trang
cá nhân… Nói chung cái “giao diện” của chị dường như ít chất thơ, ít bày biện một
cá tính. Vậy nên tôi đã ngạc nhiên khi đọc được “cái tôi thứ hai” trong thơ chị
với những vẻ đẹp của một tâm hồn dám sống, dám nói, dám yêu, dám mơ mộng, dám
công khai căn cước của mình trong thơ
ca: “Em có gì đâu để yêu anh/ ngoài trái tim đã từng mang vết xước/ của bồng bột
tuổi trẻ/ mà tim anh nồng ấm quá/ bao dung mọi số phận trong đời” (Em có gì đâu để yêu anh).
Thường thì trong thơ ca, bạn chỉ muốn
trình diện với thế giới một gương mặt chữ nghĩa hoàn hảo, ngôn ngữ đẹp, có sức
lay động. Nhất là thơ nữ - thơ trẻ - thơ đầu tay – bởi trang thơ cũng như trang
tình, người ta nhớ đau đáu những chi tiết và muốn tô điểm nó. Thơ Minh Thùy
cũng có các điều ấy nhưng nó có nét riêng ở giọng điệu và cách chọn chữ. Tôi thử
chắt lọc một số câu thơ: “Những cánh bằng lăng/ đưa Tam Kỳ vào chiều/ tím đường
chân trời/ tím những nỗi nhớ đã nhiều lần cố gọi thành tên” (Một chiều qua Tam Kỳ); “đôi tay đã nhiều
lần sấp ngửa/ tự vuốt lại mình/ và đi” (Còn
ta với mình); “Trong hàng vạn chiếc lá/ Có chiếc lá cô đơn/ Chỉ muốn riêng
mình một thế giới/ Cứ thế sống vui” (Chiếc
lá)… Tất nhiên, đó chưa hẳn là những câu thơ hay nhất nhưng tôi nghĩ qua
đó, tác giả đã dụng ý và dụng công khi ý thức được cái danh nghĩa – hư danh – của người cầm bút: “bỗng một ngày/ ta được gọi:
Nhà thơ/ khi những con chữ chưa làm tròn bổn phận/ không thể cứu phận người qua
đêm dài tăm tối/ ý niệm rỗng tuếch/ viết rồi quên/ chẳng cho ai/ chẳng để làm
gì” (Danh nghĩa).
Thơ Minh Thùy ít khi cao giọng, nó có
phần giản đơn của chữ, cấu tứ không quá phức tạp, không cầu kỳ trong sử dụng ẩn
dụ hay liên tưởng nên có thể nói là dễ đọc, dễ cảm thấu - nhưng không quá dễ
dãi. Nói theo Khalil Gibran, nó là kiểu thơ “thỏa thuận của niềm vui, nỗi đau,
sự hứng thú với một chút mạch lạc của từ điển” (Poetry is a deal of joy and pain and wonder, with a dash of the
dictionary) hoặc theo diễn ngôn của Eliot “Thơ đích thực có thể giao tiếp
trước khi được hiểu” (Genuine poetry
can communicate before it is understood). Tôi nghĩ đó là một phong cách cá
nhân của người thơ trong nỗ lực tìm chỗ trú ngụ trong thơ theo cách của mình,
thận trọng trong chuyển dịch ngôn ngữ thi ca hiện đại, ngay cả khi đó là một xu
hướng được đem ra trong các hội thảo phê bình.
Tôi thích thơ Minh Thùy bởi khoảng
cách giữa người viết và người đọc rất gần gũi. Dẫu từ ngữ không bao giờ hoàn
toàn ngang bằng với trải nghiệm đằng sau chúng; dẫu giọng nói trong dòng thơ tự
sự thăng hoa thành giọng thơ nhưng tôi nghĩ chúng kết nối các yếu tố thi pháp tạo
nên diện mạo tác giả.
Trên bình diện con chữ, chúng ta thấy
rõ năng lượng của Minh Thùy hứa hẹn ở những bản thảo tiếp theo bởi tôi nghĩ cái
đẹp hôm nay là hoa nhụy cho ngày trái chín mai sau. Và đó là điều dễ hiểu, là tất
yếu khi người thơ đã dấn thân vào cuộc thơ của mình: “Ngoài kia là những vỡ
tan/ Vẫn còn một kẻ hoang đàng làm thơ/ Không toan tính chẳng mong chờ/ Viết
cho mình khỏi bơ vơ giữa đời” (Ngoài kia
là những vỡ tan).
Trong thời buổi con người hờ hững, dè
bỉu với thơ và thơ hầu như nằm bên ngoài tâm hồn con người thì sự xuất hiện của
một giọng thơ nữ là điều đáng quý. Minh Thùy đã chọn thơ ca để quay về cố xứ, để
sống yêu thương và ứng xử như một nhà thơ thực sự, để tự vấn “Ai nghe lá hát”,
để cãi vã với chính mình… Vậy thì xin bạn đừng cãi vã với chữ nghĩa của nhà
thơ.
Và với niềm tin vào thơ ca và sự thấu
hiểu tác giả khi đọc tập thơ này, tôi nghĩ rằng Minh Thùy sẽ lắng nghe sự chia
sẻ, đón nhận của bạn ngay cả khi “Đối diện
một nửa chiều”. Hay nói như nhà thơ Nga, Boris Pasternak: “Thơ ca sẽ luôn ở
trong cây cỏ, cũng cần phải cúi xuống để lắng nghe”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét