4/4/20

1.741. DƯ LUẬN VỀ CHỮ VIỆT NAM SONG SONG 4.0

      MộC nHâN
Một trong hai tác giả ...
Trong tuần vừa qua, dư luận tập trung vào bày tỏ thái độ về công trình “Chữ Việt Nam song song 4.0” cùng nhóm tác giả khi báo chí loan tin nó đã chính thức nhận được “Giấy chứng nhận đăng kí quyền tác giả” từ Cục Bản quyền tác giả. Ý kiến khen chê đều có đủ cả nhưng chủ yếu là chửi bới chê bai nhiều hơn là khen ngợi.
Bạn bè và nhiều học trò cũng gởi tin nhắn, email đến hỏi ý kiến mình về vụ này. Bài viết ngắn gọn sau đây thể hiện cái nhìn, những hiểu biết cá nhân và cả thái độ phản biện về câu chuyện này.

1. Tác giả công trình: là Kiều Trường Lâm (34 tuổi) hiện tại đang làm công việc bán hàng cho một công ty xuất khẩu về gỗ ở Hà Nội và Trần Tư Bình hiện sinh sống, làm việc tại Úc. Hai người này không phải trí thức, không phải giới tinh hoa, không phải nhà chuyên môn… mà chỉ là 2 cá nhân đơn lẻ có quan tâm (động tâm) đến kí tự tiếng Việt; vậy nên nhiều người chửi 2 tác giả này mà lại chửi vơ chửi hùa luôn cả giới trí thức vào là thái độ chửi sai trái, chưa hiểu gì về tác giả của nó.

2. “Chữ Việt Nam song song 4.0” là thế nào: theo mô tả thì đây là bộ chữ Việt chỉ sử dụng 26 chữ cái Latin, trong đó dùng 18 chữ cái Latin để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ quốc ngữ. Và như vậy là mục đích của công trình này là cải tiến chữ quốc ngữ thành dạng chữ không dấu. 
Công trình nghiên cứu này bị chửi là đúng vì nó không làm được việc cải tiến chữ quốc ngữ mà làm cho chữ Việt thêm rắc rối, phức tạp, mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Ngoài ra công trình này không thuyết minh được lợi ích kinh tế xã hội mà nó mang lại so với chữ Việt hiện tại.

3. Vì sao phải cải tiến chữ quốc ngữ thành dạng chữ không dấu: theo ý tác giả hiện nay giới trẻ sử dụng nhắn tin không dấu nhiều nên dễ gây hiểu lầm tệ hại; công trình này phù hợp cho giới trẻ, tiến tới sử dụng để cải tiến ngôn ngữ tiếng Việt dẫn đến trong tương lai khi Chữ Việt Nam song song 4.0 được ứng dụng rộng rãi sẽ là một bước ngoặt đưa tiếng Việt ra khắp thế giới, nhiều người nước ngoài sẽ thích học tiếng Việt hơn vì chữ viết không còn dấu, giống như tiếng Anh…
* Đây là ý tưởng tốt nhưng sai về tư duy vì trên thế giới vẫn có nhiều chữ viết có dấu nhưng nhân loại vẫn sử dụng, chưa ai nghĩ đến cải tiến bằng cách xóa bỏ dấu. Hơn nữa chưa hẳn người nước ngoài thích loại tiếng Việt không dấu. 

4. Về việc cấp “Giấy chứng nhận đăng kí bản quyền” cho công trình này: trước hết cần phải hiểu “Giấy chứng nhận đăng kí bản quyền” là gì – thực ra đây chỉ là loại “Giấy chứng nhận” do Cục bản quyền thuộc Bộ VH-TT-DL cấp cho tác giả hoặc nhóm tác giả khi họ “đăng kí” về một công trình, tác phẩm nào đó do họ nghiên cứu đầu tiên, không sao chép của ai… Như vậy kể từ sau khi có “Giấy chứng nhận đăng kí bản quyền” này thì không ai được sử dụng những nội dung mà họ đã đăng kí (thể hiện trong hồ sơ cụ thể). “Giấy chứng nhận đăng kí bản quyền” chẳng phải là cái gì ghê gớm; sau khi nộp hồ sơ xin cấp giấy CN sẽ có tổ thẩm tra xem cái đó đã có ai đăng kí chưa… nếu chưa thì họ cấp giấy CN cho người đăng kí; thậm chí ngoài xã hội đã có ai đó nghiên cứu cái đó rồi nhưng chưa xin cấp “Giấy chứng nhận đăng kí bản quyền” thì người nào xin cấp GCN trước thì sẽ được xem xét cấp.
Bất cứ ai có cái gì độc lạ đều có thể xin “Giấy chứng nhận đăng kí bản quyền” cả; cũng như ông Bùi Hiền năm 2017 công bố công trình “Cải tiến chữ quốc ngữ” và cũng xin cấp GCN bản quyền đấy thôi.
Cá nhân tôi cũng đã từng xin và được cấp GCN bản quyền cho 1 tác phẩm của mình.
Cơ quan cấp “Giấy chứng nhận đăng kí bản quyền” không có nhiệm vụ đánh giá công trình đó đúng hay sai, hợp lí hay không – họ chỉ xem xét là công trình ấy “có hay chưa có” , vi phạm chính trị tư tưởng thuần phong mỹ tục quốc gia hay không thôi.
Vậy nên nhiều người chửi luôn cả Cục bản quyền sao lại cấp GCN cho công trình này là chửi sai, chửi ngu, không biết mà cũng chửi a dua theo.

5. Có cần phải lo lắng công trình này sẽ đưa vào sử dụng không?
Câu trả lời chắc chắn 100% là không vì khoảng cách giữa cái “Giấy chứng nhận đăng kí bản quyền” và thực tế áp dụng có khi là quá xa, thậm chí là không liên quan nhau. Đó là chưa kể khi đưa nó đưa vào hệ thống văn tự quốc gia phải qua HĐ chuyên môn thẩm định, qua Quốc hội xem xét, Chính phủ phê duyệt, nhân dân đồng tình…
Nhiều người sẵn dịp này chửi cả giới ngôn ngữ làm ngơ, chửi Bộ GD-ĐT và Chính phủ cho công trình này được phổ biến … cũng là dạng chửi a dua.

6. Thái độ cá nhân về chuyện này:
- Tôi tôn trọng nghiên cứu cá nhân của hai tác giả này (xem như đó là quyền của họ) dù bộ chữ cải tiến này đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận; cá nhân tôi cũng không đồng tình với cách kí âm tiếng Việt như vậy.
- Tôi hiểu việc cấp “Giấy chứng nhận đăng kí bản quyền” của Cục bản quyền là hành động văn minh, đúng luật pháp quốc gia.
- Tôi phản đối thái độ chửi bới vơ cào của những người thiếu hiểu biết, chửi tầm phào tứ phương: họ chửi tác giả là “ngáo”, “điên”; chửi công trình là “vớ vẩn”; chửi báo chí là đăng tin để câu view; chửi các nhà ngôn ngữ là ngu dốt; chửi Cục bản quyền cấp giấy CN là sai; chửi Bộ GD-ĐT và chửi cả nhà nước rằng đã tạo điều kiện cho bọn này phá tiếng Việt…
          * Cần nhớ rằng ngôn ngữ của một quốc gia hoàn thiện từ cuộc sống chứ không phải từ một công trình trong ngày một ngày hai và không một cá nhân nào có thể thay đổi TV. Tiếng Việt đã trải qua hơn 2 thế kỉ mới ổn định như hôm nay và sẽ còn tiếp tục hoàn thiện nữa. Cái gì không hợp lí thì cộng đồng sẽ thay đổi và dần đào thải.

          Có câu danh ngôn: “Cái gì hợp lí thì tồn tại và cái gì tồn tại thì chắc chắn nó phải hợp lí”.
           Hãy cứ xem như đây là chuyện vui trong ngày, vậy nhé.

Không có nhận xét nào: