Theo nhưng gì chúng ta đọc được thì kể
từ sau Chiến tranh thế giới II đến nay, có lẽ đây là những tháng ngày khó khăn
nhất mà nhân loại trải qua khi dịch Covid19 bùng nổ toàn cầu. Mọi thứ đều đảo
lộn: từ cuộc sống, các thói quen, cách duy trì mối quan hệ, các tiếp cận con
người và sự việc… mọi thứ đều đảo lộn và khác thường trong trạng thái e dè,
ngại ngùng, cẩn trọng…
Lâu nay chúng ta sống trong sự tự tin
về sức mạnh của mình, về mong muốn thống lĩnh và làm chủ mọi thứ, thậm chí đang
tiến tới khám phá và tranh ngôi vị làm chủ vũ trụ giữa các cường quốc… Các quốc gia đều mong muốn những điều ấy phát
triển cao hơn và tin rằng trí tuệ loài người đủ sức tiếp cận, thu phục các sức
mạnh tự nhiên.
Nhưng rồi, bên cạnh đó những trở ngại
bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Những vấn đề nan giải lần lượt xuất hiện như: ung
thư, bùng nổ dân số, môi trường suy thoái ô nhiễm trầm trọng, chiến tranh, tài
nguyên cạn kiệt, các nền văn hóa bị phá hủy, khủng hoảng toàn cầu… Và mới nhất
kể từ cuối năm 2019 đến nay là dịch Covid-19. Tất cả đang thách thức sự sống
của loài người. Chúng ta bắt đầu nhìn lại năng lực bản thân và một điều chắc
chắn là trí tuệ nhân loại làm được nhiều điều kì diệu lớn lao nhưng lại lúng
túng trước con virus bé tí.
Chúng ta bắt đầu chứng kiến cuộc khủng
hoảng dịch bệnh tồi tệ bắt đầu từ Trung Quốc. Nó tiếp tục bùng phát càng lúc
càng mạnh hơn và lan tràn toàn cầu, kéo hầu hết các quốc gia vào vòng xoáy dịch
bệnh. Con người đang làm quen với ý nghĩa các cụm từ: cách ly, giãn cách xã hội, phong tỏa… mỗi từ có mức độ sắc thái ý
nghĩa khác nhau. Thậm chí những cụm từ mạnh mẽ và quyết liệt hơn như ngăn sông cấm chợ, giới nghiêm… cũng bắt đầu được dùng đến khi kẻ thù vô hình mà lại
có sức đe dọa sự tồn vong nhất đã lộ diện.
Lúc này, lúc nào hết, chúng ta ý thức
được điều vốn quý nhất là sức khỏe. Tiền bạc, danh vọng, địa vị đều bị xóa
nhòa. Con virus tấn công con người không phân biệt giàu nghèo, quan hay dân thường,
chủ hay tớ, khỏe hay yếu… Đọc tin tức thế giới chúng ta thấy rõ ràng là từ các
nguyên thủ quốc gia từ cấp phó tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng… đến giới nhà
giàu hay đi đây đi đó và người lao động bình thường… bị nhiễm bệnh dịch.
Nguy cơ và rủi ro xuất hiện đầy rẫy,
nhưng mọi thứ đều có hai mặt để duy trì sự tồn tại của sự vật hiện tượng. Sau
mọi khó khăn, sự sàng lọc của tự nhiên, chúng ta thấy có cơ hội để nhìn lại
mình. Đây có lẽ là thời điểm thích hợp nhất để loài người thay đổi mô hình tăng
trưởng, mối quan hệ giữa các cá nhân các quốc gia, dân tộc và với muôn loài.
Người ta nói rằng có nhiều điều vĩ mô
mà bao lâu nay con người không (hoặc chưa) làm được nhưng con virus Corona đã
làm được như: giảm lượng khí thải toàn cầu, giảm ô nhiễm môi trường đô thị, đình
chiến vô điều kiện tại Syria… Tuy nhiên đi kèm với nó là những con người, những
số phận, những xu hướng, những suy giảm hay tan vỡ chưa thể nói trước.
Với sự tự mãn về khả năng vô biên của
mình cộng với lòng tham lam, loài người đã khai thác cạn kiệt tài nguyên, sử
dụng phung phí mọi thứ mẹ trái đất ban cho, xả thải ra đại dương. Chính con
người đã góp phần khiến môi trường sống trở nên tiêu cực nhanh hơn, tự đẩy mình
và muôn loài vào vòng diệt vong. Chúng ta không có phương cách phát triển kinh
tế khác hài hòa với tự nhiên? Câu trả lời là có, nhưng chúng ta đã quen với
cách cũ. Đã có những người tư duy mới triển khai các dự án thân thiện môi
trường, những người trẻ đã ý thức hơn về trách nhiệm của họ để duy trì sức khỏe
cho thế hệ sau. Tuy nhiên các nhà hoạt động chính trị thì chậm chân hơn. Họ
đang bị giữ lấy bởi các ràng buộc về lợi ích ngắn hạn, các quy định lỗi thời.
Tôi tin chúng ta sẽ dần thay đổi để tốt hơn, nhưng sẽ là đến khi nào nếu tốc độ
thay đổi vẫn diễn ra như hiện tại. Có lẽ cần gắn thêm turbo tăng áp để nâng
công suất cao hơn nữa, vì tôi cho rằng thời hạn của chúng ta sắp hết rồi.
Giờ đây, khi dịch bệnh kéo đến chúng ta
mới hiểu hơn lúc nào hết, tính sống còn của con người không phải là khư khư giữ
lợi ích của mình mà là sự hợp tác và thấu hiểu. Nếu một cá nhân, dân tộc tự
tách khỏi khối liên minh chung là cộng đồng thì trước hết họ sẽ tự cô lập và
tiêu vong. Ngoài ra chính các rủi ro họ gặp phải quay sang tấn công lại các cá
nhân, dân tộc còn lại. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần xích lại gần nhau, không
phải ở khoảng cách địa lý, cái bắt tay mà chung ý thức về trách nhiệm cộng
đồng, trách nhiệm với muôn loài.
Không ai có thể biết được điều gì sẽ
xảy ra với các quốc gia và nhân loại sau đại dịch này. Chúng ta không còn cơ
hội để rút kinh nghiệm lần hai bởi mọi thứ sẽ khốc liệt hơn rất nhiều. Lúc này,
chúng ta hãy đoàn kết để sinh tồn thuận theo tự nhiên! Con người cần cân bằng
với muôn loài để tránh diệt vong.
MN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét