15/8/21

2.143. "BẮT NẠT" LÀ BÀI THƠ DỞ

 

Năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai đưa chương trình sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 bộ mới vào giảng dạy. Có 3 bộ sách để các tỉnh, thành lựa chọn sử dụng bao gồm bộ sách Cánh Diều, bộ sách Chân trời sáng tạo, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Đã có một số tranh luận về nội dung của các bộ sách giáo khoa mới này. Gần đây nhất là bài thơ “Bắt nạt” (của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh) được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 6, tập 1, trang 27,28 - bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” (sau đây gọi tắt là SGK) bị lôi ra mổ xẻ.

Sau đây là vài ý kiến của cá nhân tôi:

1. VỀ BÀI THƠ:

Nội dung bài thơ nói đến những mặt tiêu cực, không tốt của việc đi bắt nạt người khác và khuyên bảo học sinh không nên đi bắt nạt, ức hiếp người yếu hơn mình.

Trước khi bài thơ được đưa vào SGK, nó nhận được nhiều lời khen ngợi, đại khái copy nhau các ý: súc tích, sử dụng các hình ảnh gần gũi, ngôn ngữ đơn giản, không cầu kỳ, truyền tải thông điệp về vấn nạn “bắt nạt”, nhân văn…

Điều này xét ở một góc độ nào đó thì cũng có, dù chưa phải là hay lắm. Thế nhưng tại sao khi đưa vào SGK nó lại bị chê bai.

Tôi nghĩ chuyện khen chê thơ người khác là chuyện thị phi. Một bài thơ đối với tác giả hay fans hâm mộ là hay nhưng với người khác là dở. Một tác giả viết hàng trăm bài, không phải bài nào cũng hay. Một tập thơ được xuất bản, chắc chắn sẽ có bài bị chê dở… Mà cái sự khen thơ hay – chê thơ dở là do cảm nhận cá nhân và lí giải của mỗi người. Người làm thơ bên cạnh tâm lí “thơ (văn) mình, vợ người” cũng phải hiểu được trạng thái tâm lí khi bị “chê thơ” để tránh tự ái khi người khác chê bai.

Nếu bài thơ này không đưa vào SGK thì chẳng sao cả.

Viết thơ post trên trang cá nhân, gởi đăng báo hoặc tạp chí, in sách để lưu giữ cho riêng mình hoặc để bán… là quyền mỗi người. Hay dở cũng là chuyện mỗi người, anh thích thì mua - đọc – khen – chia sẻ; còn không thích hoặc thấy dở thì thôi. Thậm chí anh chê bai tác giả cũng là chuyện của anh.

Tuy nhiên một bài thơ đưa vào SGK thì phải luôn hội đủ hai điều kiện: thứ nhất là phù hợp với chủ đề giáo dục; thứ hai là có giá trị thẩm mỹ.

Đa số giáo viên và phụ huynh học sinh khi xem qua bài thơ này đã thể hiện sự không đồng tình với việc nó được đưa vào chương trình sách giáo khoa mới. Tâm lí chúng ta luôn xem SGK là chuẩn mực, là phương diện quốc gia nên luôn đòi hỏi sự chu toàn của các kiến thức trong bộ sách.

Theo tôi, sở dĩ bài thơ này được chọn đưa vào SGK vì nó tiếp cận được chủ đề mà SGK đặt tên là “Tôi và các bạn” (nói về ứng xử). Các nhà làm sách chọn bài thơ vì nó hợp chủ đề trong khi họ coi nhẹ các giá trị nghệ thuật tác phẩm.

Hãy xem một số chỗ chưa ổn trong bài thơ:

Khổ thơ (1) có hai câu “Bất cứ ai trên đời/ Đều không cần bắt nạt” – dùng động từ “cần” là không đúng vì “cần” diễn tả một nhu cầu; trường hợp này diễn dịch về ngữ nghĩa và thái độ cho thấy đó là một ý sai - nếu thay bằng “Bất cứ ai trên đời/ Đều không nên bắt nạt” đúng về nghĩa và thái độ hơn.

Khổ thơ 7 : “Bạn nào bắt nạt bạn/ Cứ đưa bài thơ này/ Bảo nếu thích bắt nạt/ Thì đến gặp tớ ngay” mang một nội dung tầm phào, đùa không ra đùa, giáo dục thì chẳng có gì. Nó không phải là chất “hài hước” như gợi ý theo SGK mà là bỡn cợt kiểu như trẻ con hay bông phèn: “Đứa nào đánh mi thì bảo tao trị nó cho”… Một khổ thơ tào lao.

Bài thơ cũng có hợp vần nhưng đó là thứ vần vè trong một tự sự.

Về ngôn ngữ: trong 8 khổ thơ, tôi chưa tìm thấy câu nào hay, từ nào sáng giá, chưa có biện pháp tu từ nào đạt đến độ thẩm mỹ. Ngay cả việc những từ và cụm từ lặp đi lặp lại : đừng, bắt nạt, đừng bắt nạt… nó có giá trị của phép lặp liên kết vừa là điệp từ nhưng do tần suất lặp quá nhiều nên có cảm giác “nhại đi nhại lại”.

Ngay cả việc liên kết câu bằng quá nhiều “hư từ” trong bài thơ như: thì, thì là, cứ, vì… làm câu thơ không hay, nói theo kiểu các nhà phê bình cũ là lỗi thì mà là.

Hai câu cuối ở khổ 5 “Đừng bắt nạt nước khác/ Trên khắp trái đất tròn” có sự chuyển ý khá hay nhưng không giải quyết mạch thơ mà rơi sang ý bông phèng, tào lao làm mạch thơ đang lên cao thì lại rớt xuống sân khấu hài: “Bảo nếu thích bắt nạt/ Thì đến gặp tớ ngay”.

Về bản thân tác giả : khi gặp tình huống chê bai bài thơ trên truyền thông và mạng xã hội thì tác giả đã thiếu bình tĩnh nên đã có những phát ngôn thách thức  như: “ai chứng minh đây là bài thơ dở xứng đáng được trao giải Nobel Văn học”; thêm vào đó, lại nói những điều không chuẩn chẳng hạn như cho rằng những từ cái cây, học hát, hip hop là từ láy; hoặc tự nhận mình là thiên tài. 

Điều đó cho thấy tác giả rất non trong ứng xử - một người đã non trong ứng xử thì lời dạy dỗ về ứng xử ko có giá trị hoặc chỉ có giá trị với bọn trẻ tiểu học.


2. VỀ CÁC NHÀ SOẠN SÁCH:




Trong bài này có 2 ý khuyên nhủ về vấn đề "bắt nạt":

a. Khuyên nhủ trẻ em trong quan hệ ứng xử không nên bắt nạt lẫn nhau. Lời khuyên này tuy không thừa nhưng chắc chắn các em đã được dạy dỗ nhiều ở Tiểu học, nay dùng 1 "bài thơ" dở (tôi sẽ chứng minh nó là thơ dở ở phần sau - trên Blog của mình) để tiếp tục dạy về 1 điều các em đã biết thì có nâng cao hiệu quả về nhận thức và thẩm mỹ không ? Nguyên tắc của chương trình GD là "đồng tâm" nhưng vòng sau phải nâng độ khó và tính thẩm mỹ của văn bản lên cao hơn. Bài thơ này đưa vào chương trình chưa đạt được điều đó.

b. Khổ 5 theo tôi là khổ quan trọng vì nó chuyển đổi về "chất" vấn đề BẮT NẠT từ bắt nạt giữa người với người sang bắt nạt giữa quốc gia này với quốc gia khác - thể hiện qua 2 câu: "Đừng bắt nạt nước khác/ trên khắp trái đất tròn".

Dạy bài này cho các em học sinh Trung học thì đây mới chính là cốt lõi vì các em đã có nhận thức về chủ quyền quốc gia. Nếu gíao viên hỏi "trong lịch sử, ai bắt nạt nước ta nhiều nhất?" - tôi tin học sinh lớp 6 trả lời được câu này. Từ đó giáo viên "tích hơp" về các vấn đề về chủ quyền đất nước, Hoàng Sa, Trường Sa...

Tiếc là 4 câu hỏi tìm hiểu bài chỉ cào nhẹ trên bề mặt văn bản, nêu lên điều ứng xử mà các em đã biết, không đề cập đến các nội dung cao hơn để tăng nhận thức, đánh thức tinh thần dân tộc nơi bọn trẻ và cũng đồng thời giúp các em có thêm năng lực cảm thụ văn bản (dù là văn bản thơ dở).

Có thể nói các nhà soạn SGK chưa mạnh dạn khai thác, mở rộng chủ đề “bắt nạt” từ bài thơ này trong khi chỉ chú ý các nội dung mà các em đã được dạy ở tiểu học, lại bông phèn vô nghĩa.

***

       Văn bản thơ: 

BẮT NẠT

Nguyễn Thế Hoàng Linh

 

Bắt nạt là xấu lắm

Đừng bắt nạt, bạn ơi

Bất cứ ai trên đời

Đều không cần bắt nạt

 

Tại sao không học hát

Nhảy hip hop cho hay

Thời gian trong một ngày

Đâu để dành bắt nạt

 

Sao không ăn mù tạt

Đối diện thử thách đi?

Thử kẻ yếu làm gì

Sao không trêu mù tạt?

 

Những bạn nào nhút nhát

Thì là giống thỏ non

Trông đáng yêu đấy chứ

Sao không yêu, lại còn...?

 

Đừng bắt nạt người lớn

Đừng bắt nạt trẻ con

Đừng bắt nạt nước khác

Trên khắp trái đất tròn

 

Bạn nào bắt nạt bạn

Cứ đưa bài thơ này

Bảo nếu thích bắt nạt

Thì đến gặp tớ ngay

 

Cứ đến bắt nạt tớ

Bị bắt nạt quen rồi

Vẫn không thích bắt nạt

Vì bắt nạt rất hôi!


Không có nhận xét nào: