“Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” là đôi câu đối mà từ lâu nay chúng ta vẫn cho là của Cao Bá Quát (1809 – 1855) - nhà thơ lớn thời Nguyễn, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Sơn Tây, chống triều đình nhà Nguyễn. Câu đối thể hiện cốt cách trong sạch, cao thượng và khí phách anh hùng của nhà thơ. Nó đã được sách vở các cấp ghi nhận là của Cao Bá Quát.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây, giới nghiên cứu đã cho
thấy câu đối này là của Ngải Tuấn Mỹ, tri phủ Hán Dương - nay là Vũ Hán, tỉnh Hồ
Bắc chứ không phải của Cao Bá Quát.
1. Theo sách “Yên Thiều bút lục” (tập sách viết bằng chữ
Hán ghi chép các lần đi sứ và nghi thức ngoại giao giữa hai nước Việt và Tàu thời
bấy giờ) của sứ thần nhà Nguyễn là Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giản (1823 – 1890), hiện
còn lưu tại Viện Hán Nôm thì đôi câu đối này là thơ của Ngải Tuấn Mỹ, tặng Nguyễn
Tư Giản ngày 9 tháng 12 năm Nhâm Thìn (1868).
Đoạn trích liên quan trong “Yên Thiều bút lục” do nhà
nghiên cứu Nguyễn Quang Hà dịch như sau:
“Ngày mồng 9, viên Đốc lương Đinh Thủ Tồn (tỉnh Hồ Bắc) có đầy đủ thư tiễn biệt.
Thư viết: Bắt đầu (từ đây), phía Nam ngàn dặm, đi về cực Bắc (Trung Hoa) thì bằng
phẳng, thuận lợi, sáo trúc báo dừng, chèo dừng ở bãi sông Hán, quét sạch công
quán ở thành Ngạc (thành của tỉnh Hồ Bắc), ý tuy giản lược nhưng có sự khác
nhau nhiều, trong lòng quyến luyến, buồn rầu, nói là đi khắp nơi thấy hết như
trong lòng bàn tay. Dựa vào những chỗ nghỉ chân tạm bợ, tin tưởng vào sự báo
đáp văn nhã mà trong lòng kiên định, màu xanh nơi sông nước. Hôm nay, có những
rặng liễu mọc hoang, xin được viết mấy lời phú về vó câu (ý chỉ sự chia ly – Nd
chú), đem đến một khúc tấu ở bến sông mùa xuân, hoa Mai cùng được đến ở chốn
Hoàng Hạc (ý chỉ khách văn chương – Nd chú). Đến nay lại được gặp nhau, không
thể nhận ra, thời gian thật nhanh. Viên quan Tri phủ Hán Dương tên là Ngải Tuấn
Mỹ tặng cho mỗi người một câu đối liễn:
- Tặng Liên Hồ (Chánh sứ):
Hữu khẩu tu ngôn thiên hạ sự
Kháng hoài bất nhượng cổ chi nhân
Dịch nghĩa:
Hãy năng bàn những chuyện thế sự trong thiên hạ
Sao lại phải chống đối với những lời của cổ nhân để lại
- Tặng cho Phó sứ Vân Đình:
Truyền thần cổ hữu Lý Tư Huấn
Vấn tự kim vô Dương Tử Vân
Dịch nghĩa:
Truyền thần xưa nay có Lý Tư Huấn
Hỏi về chữ nghĩa có Dương Tử Vân
- Tặng Nguyễn Tư Giản:
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
Dịch nghĩa:
Mười năm xuôi ngược giao du cốt tìm thanh kiếm cổ
Một đời chỉ cúi đầu bái lạy trước hoa mai.
2. Một tác giả khác là nhà văn Nguyễn Khôi – Hội Nhà văn
Việt Nam, Hội văn nghệ dân gian Hà Nội - có dẫn chứng theo sách "Như Thanh Nhật ký" thì câu này cũng là của Ngải Tuấn Mỹ tặng Nguyễn Tư Giản (năm
1868) nhân đi Sứ sang triều cống nhà Mãn Thanh.
3. Trong cuốn "Rong chơi cùng U Mộng Ảnh" của nhà văn Trung Quốc Trương Trào (1650-1707) do nhà văn, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Chiến người Quảng
Nam dịch (Nxb Hồng Đức 2020) thì đôi câu đối này là của danh sĩ đời Thanh là
Trương Chi Hạc, tự Văn Giai, nhưng lại khác câu đầu:
Tứ hải luận giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái Mai hoa
(Nghĩa: đi khắp bốn biển bàn chuyện giao du, giống như
đi tìm cây kiếm cổ. Suốt một đời chỉ cúi đầu trước hoa Mai).
Câu đầu tràn đầy hào khí mà vẫn thanh cao, câu sau bộc
lộ ngạo tâm mà vẫn vô cùng tĩnh dật. Bốn chữ đầu "Tứ hải luận giao"
được đổi thành "Thập tải luân giao"... (Thập tải = mười năm...)
Hai chữ "thập tải" (mười năm) đóng khung tâm tình người viết trong một thời gian quá hạn hẹp, không nói lên được cái hào khí cao ngạo của danh sĩ? “Mười năm” mà đối với “Một đời" thì vế đối không còn là chuẩn nữa, nhất là nó không xứng với khẩu khí của bậc danh sĩ. Còn "Tứ hải" đối với "Nhất sinh" mới đúng chuẩn "đối". "Tứ hải" nói về khoảng không gian bao trùm cõi thế - đối với "Nhất sinh" nói về chiều sâu thăm thẳm của thời trọn một kiếp người (trích theo sách đã dẫn do Huỳnh Ngọc Chiến dịch).
***
Chép lại các tư liệu này để bạn đọc có căn cứ rõ hơn về
bản quyền của câu đối hay đầy khí phách được truyền tụng là của Cao Bá Quát
cùng dị bản của nó. Có lẽ nhân dân ta quá yêu quý Cao Bá Quát nên mới gán ghép câu đối này là của ông.
--------------------
* Bài viết có tra khảo các tư liệu liên quan từ nhiều
nguồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét