25/8/21

2.151. SUY NGẪM TỪ ĐẠI DỊCH

            Mộc Nhân

Tranh của họa sĩ Lê Sa Long

Đại dịch Covid đã diễn ra liên tiếp trong 2 năm nay, lúc lên cao trào đỉnh điểm, lúc lắng xuống rồi bùng lên lại, có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ chưa hề có người nhiễm thời gian qua nhưng gần đây đã bắt đầu… Nếu nhìn vào số lượng người chết do Covid trên toàn cầu đến thời điểm này thì không bằng một cuộc chiến tranh, tỉ lệ tử vong do Covid cũng không bằng các căn bệnh và các dịch bệnh khác… Tuy nhiên nó gây ra hoảng loạn, bế tắc trong phòng chống, làm thay đổi các tư duy chiến lược, chiến thuật chống dịch bệnh của các nhà lãnh đạo…

Chúng ta đang chiến đấu với một kẻ thù vô hình, thoắt ẩn thoắt hiện, có khả năng phân thân và biến hóa cao nên tâm lý con người, tâm lý xã hội, họ sợ và hoảng loạn. Từ đó mà tình hình dịch bệnh cứ nặng dần lên.

Dường như đến lúc này con người vẫn chưa thực sự hiểu về nó.

Lúc đầu người ta vẫn nghĩ nó gây nhiễm trùng hô hấp giống như cúm, nhưng sau đó người ta biết nó trầm trọng, nguy hiểm hơn thế.

Người ta cũng cho rằng chỉ những người già, có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch thì mới có nguy cơ tử vong nhưng rồi họ cũng không thể giải thích được tại sao vẫn có rất nhiều ca bệnh trẻ tuổi, khỏe mạnh cũng bị mắc, suy hô hấp nặng và tử vong; đồng thời cũng có nhiều người già mắc bệnh nền nhiễm covid nhưng chữa khỏi. 

Ban đầu người ta cho rằng không có khẩu trang nào có thể ngăn con virus vì nó hiện diện trong không gian mọi nơi, bất cứ chỗ nào nhưng rồi người ta lại khuyến cáo dùng bất cứ loại khẩu trang nào, miễn có, là có thể hạn chế lây lan.

Ban đầu người ta nghiên cứu cho rằng loại virus này ủ bệnh trong 14 ngày nhưng rồi người ta lại thấy có khi lâu hơn hoặc ngược lại vài ngày sau khi tiếp xúc f0, f1 có thể dương tính và mắc bệnh ngay.

Chúng ta đều thừa nhận virus lây lan nhanh nhưng nhiều trường hợp rất lạ kỳ, người cùng một nhà, tiếp xúc gần nhưng người này dương tính người kia âm tính. Nhiều người chẳng đi đâu, chẳng tiếp xúc với ai, chỉ ngồi trong nhà cũng dương tính…

Rồi chúng ta vẫn cho rằng vaccine là cứu cánh duy nhất của đại dịch. Nhưng rồi bây giờ thì các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao lại có số ca nhiễm đang tăng nhanh. Nhiều người mắc bệnh dù đã tiêm chủng vắc-xin.

Tất cả những điều đó làm dấy lên vấn đề chúng ta chưa hiểu cụ thể và chính xác về con virus và đại dịch này, chúng ta vẫn còn đang nghiên cứu.

Lúc này chúng ta chỉ còn trông đợi vào sự tiến bộ trong nghiên cứu khoa học. Các câu trả lời và cách thức để loài ngươi để chiến thắng đại dịch này là vấn đề thời gian và khoa học.

***

Trong khi chờ đợi khoa học giải quyết các vấn đề của đại dịch, chúng ta hãy sống chung với nó và tự rút ra cho mình các bài học:

1. Khi phải đối diện với bệnh tật hay bất kỳ khó khăn nào trong cuộc sống, cách tốt nhất là giữ sự bình thản, thích nghi để ứng phó (chứ không phải để buông xuôi) bằng việc tự lo nấu, làm quen với không gian hẹp, quen với nằm nhà… chấp nhận mọi biến động của cuộc sống.

2. Chúng ta học cách sống chậm lại, nhìn nhận các vấn đề căn bản (sức khỏe, tâm lý, kỹ năng sinh tồn…) chứ không nên quan tâm đến những việc nhỏ nhặt, hành động theo đám đông: đổ xô đi mua giấy toilet, tích trữ mì gói…

3. Con người cần hiểu ra rằng đừng có tham lam vật chất quá. Chúng ta cần học cách trân trọng và tiết kiệm thức ăn, nước uống, đồ dùng. Không phung phí hay chê bai, thiếu thốn một chút hay bất tiện chút vẫn không sao. Tri túc, tri chỉ là vây.

4. Chúng ta cần có bài học về “Cư an tư nguy” (Lúc yên ổn nên nghĩ tới lúc nguy nan) nên cần dự phòng, tích lũy, dành dụm trong khả năng của mình. Đừng nên ăn tận, uống tận, hưởng tận vì phúc hưởng tận thì họa sẽ tới.

5. Chúng ta hiểu rõ hơn chữ “vô thường”. Trên đời không có gì là bất biến, sống chết hay an nguy rất mong manh. Vậy nên hãy quan tâm, dành thời gian cho cha mẹ, con cái, người thân; giữ gìn tốt những mối quan hệ; khi có cơ hội hãy bộc lộ cái tình người bằng chia sẻ, quyên góp… thông cảm, thân ái và tôn trọng nhau.

6. Chúng ta tiếp tục học hoặc học lại các bài học văn hóa như: xếp hàng, nhẫn nại, không tranh giành, tránh các xung đột hay va chạm khi ở gần nhau quá nhiều.

7. Chúng ta học cách sống cô đơn, thử thách sức chịu đựng của bản thân, học cách tự chữa bệnh, giảm stress hoặc nâng cao sức khỏe, phòng trị bệnh trong phạm vi bản thân có thể làm được bằng các phương cách như: ngồi thiền, yoga, thể dục trong nhà, tập thở, súc miệng nước muối, xông lá, xông tinh dầu, sử dụng các loại cây thuốc dân gian như gừng, chanh, sả, mật ong… theo hướng dẫn…

8. Và cuối cùng, yếu tố tinh thần là quan trọng nhất vì ai cũng hiểu đến giờ nầy không có thuốc nào để trị dứt Covid cả. Yếu tố tinh thần và niềm tin sẽ là chỗ nương tựa tinh thần cho mỗi người bao gồm cả an tâm tự tại và niềm tin tôn giáo.

Hãy sống lạc quan, tích cực và cầu nguyện để vượt qua địa dịch này.



Không có nhận xét nào: