Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh
Đọc “Mặt trời trong xác lá” – Trương Vũ Thiên An (Nxb Hội Nhà Văn, 2020)
Bài đăng trên Tạp chí Đất Quảng số 203 (Tháng 8/ 2021)
Vậy là anh được xếp vào hàng thọ. Anh đã đi quá một vòng hoa giáp. Người xưa nói “Lục thập nhi nhĩ thuận” – sáu mươi tuổi thì không còn nhìn đời thấy chướng tai gai mắt do đã hiểu căn nguyên của nhân tình thế thái, nên dễ thông cảm và có thái độ khoan dung. Có thể đây là trạng thái mà trong thơ anh gọi là Thấu hoặc – “chúng ta không hề lạ lẫm” (1).
Nếu
lấy trăm năm cuộc người cùng chất người được hun đúc và phát tiết từ nghiệp chữ thì cái sự ra đi của anh cũng là điều
tiếc nuối bởi mốc đời anh mới là hạ thọ (2) - như bắt đầu vào chiều, giữa lúc tài năng đã chín mà chưa cạn; trí tuệ, văn
tài, tấm lòng mở toang ra để “bắt đầu cuộc chất vấn về cuộc đời thứ nhất” trong
tâm thế của Nhà văn.
***
Trong hai vai
nhà giáo và nhà văn, tôi yêu mến, kính trọng anh trong cái cốt cách nhà giáo
nhiều hơn. Nói như thế không có nghĩa là tôi không cảm phục văn tài của anh mà
bởi cái chất nhà giáo trong anh nó xâm chiếm, ngự trị, thuyết phục tôi nhiều
hơn tất thảy - và nó xuyên thấu qua cả chất nhà văn trong anh.
Thật may mắn,
trong những cuộc tiếp xúc, trò chuyện hay cùng trong nhóm công tác chuyên môn với
nhau, anh gieo vào tôi cái tinh phách nhà giáo: tài hoa, có tầm, có tâm hồn nghệ
sĩ, kiến văn rộng, đối thoại thẳng thắn, nhân cách đáng trọng. Điều ấy đã truyền
lửa cho bao thế hệ học trò và đồng nghiệp.
Và có lẽ cái chất
nhà giáo khu trú trong anh khá thâm sâu đến mức người đọc không khỏi xúc động
biết bao khi đọc lại đoạn thơ trong Ngày
không nơi: “Nơi lưu trú của thầy là tiếng trống trường xưa/ nơi âm vang hoa
phượng rơi bị trục xuất khỏi lao xao tiết mùa sen nở/ nơi âm vang lũ học trò
móc đầy tường rêu thành khóa xe thương nhớ/ chở thầy an trú mình vào những âm
thanh không đâu”.
Với anh, mái
trường là thiên đường và học trò là những thiên thần bé nhỏ thương yêu, đồng
hành với anh trong suốt cuộc nghề. Và nhìn ở một góc khác, nó cũng là nguồn thi
liệu cho người thơ dọc đường văn nghệ triền miên tâm cảnh với nhiều nghịch lưu
cùng gia tốc. Khoảng cách giữa các thế hệ càng giăng rộng theo dòng thời gian
khiến đôi khi anh cảm thấy trống trải khi đến tuổi từ giã bục giảng của mình –
đó là cái ngày mà anh gọi là Ngày không
nơi: “tiếng trống trường xưa vụn vỡ/ Ngày về hưu thầy thành kẻ không nhà”.
Có một mẩu đối
thoại ngắn giữa anh với bạn văn khiến tôi hiểu về anh hơn: Bạn nói rằng thơ anh
rất hay, chỉ cần anh vung vẩy, phá phách, cách tân hơn chút nữa thì thơ anh sẽ
lên một tầng bậc mới. Anh cười mà rằng: giữa hai cái danh nhà thơ và nhà giáo,
anh chọn nhà giáo chứ không chọn nhà thơ.
Nhà giáo trong
anh đã là một tầng bậc mà cũng ít người bước tới.
Tự anh đã mặc định,
thấu hiểu mình trong cái chỉn chu, chừng mực mà đủ để mê đắm và Thấu hoặc trong những Phân khúc sáng tạo: “quay về đâu cũng trở
lại chỗ ban đầu”.
Trong cảm nhận
của tôi - giữa những người cùng một đam mê nghề nghiệp - thì sự chọn lựa của
anh là một chọn lựa quyết liệt, chín chắn, đứng về phía sự nghiệp của người đau
đáu với trang giáo án.
Với công việc bề
bộn của một nhà giáo chuyên trách, anh giao lưu gặp gỡ nhiều, bạn nhiều, đủ mọi
tầng lớp vai vế… và với bất cứ ai, anh cũng phả vào hồn người đối diện cái linh
hoạt, tươi trẻ, kịch liệt, thông thái, tài hoa của người đi nhiều, tiếp xúc nhiều,
hiểu rõ và làm chủ điều mình đang nói.
Trong suốt hành
trình đó, mỗi hình ảnh, mỗi vết tích dù nhỏ nhoi, đối với anh đều là ký ức đơn
sơ, đẹp đẽ, thuần khiết, đủ xúc động tâm cảm bùi ngùi tưởng tiếc khi đứng trước
Hoàng hôn bậc thang: “đừng nhàu úa
như chiếc lá bị cây vò/ đừng để tim anh phải đau thắt như một chân chiều trốc rễ
bị hoàng hôn bắn hạ”.
Giờ đây, khi đọc lại mấy câu mà anh dự cảm trong An nhiên mùa: “Một ngày nào đó bạn có thể
buồn vì không thấy tôi/ thực ra tôi vẫn còn đó bên bạn chỉ có điều dưới một
hình tướng mới”; tôi nhận ra những ưu tư, tự vấn, nỗi đau, cái chết ẩn chứa trong
những góc nhỏ trữ tình, sâu lắng khiến bạn đọc cảm thấu và xúc động.
***
Thơ của anh là
những tầng bậc xúc cảm chảy theo các hành trình khác nhau của đời sống. Đó là lập
ngôn của người cầm bút (Nhà văn, Chữ),
những cảnh sắc (Hoàng hôn bậc thang),
tạo vật (Những bông hoa), niềm xúc động
từ cái đẹp (Mùa dâu còn lại, Mùa hoa sưa),
mối cảm kích (Những vuông đá lát), những
chỉ dấu đời sống (Đậu hủ), các địa
danh quê xứ (Hòn Kẽm Đá Dừng), ngẫu
tác nhân vật (Bùi Giáng, Trịnh), suy
nghiệm về con người và cuộc sống (Họ, Dự
cảm), những tự vấn bản thể (Ngày
không tóc, Ngày anh đau)…
Thật ra đó là những
phân định tương đối, cảm tính vì cảm xúc trong thơ là mối tổng hòa từ hình tượng
mà anh cảm nhận với vẻ đẹp của ánh sáng lung linh họa tiết, cùng những bi kịch,
định mệnh, bản ngã trong thời gian và không gian của nó. Đó là cái thế giới mà
Louise Glück (3) diễn tả trong
bài thơ Aubade là: “Thế giới thật rộng
lớn/ rồi nó nhỏ lại… rất nhỏ, để vừa vặn với não bộ/ Vô hình sắc, mà là tất cả/
không gian bên trong: không có gì/ thời gian lặm vào mọi ngõ ngách/ chiều kích
kịch tính”.
***
Trong suốt hành
trình Chữ của anh, nơi mà “tại đó mùa
bay lên” tôi chợt nhận ra cảm thức thời gian hiện lên khá rõ với các nhan đề hiển
ngôn Ngày tiểu muội, Ngày không nơi, Ngày
phục hưng, Ngày không tóc, Ngày con đường, Ngày mất dấu, Ngày con lên 3 tuổi, Ngày
anh đau, Ngày tôi soi … phải chăng đó “là mã kí hiệu” chỉ dấu các ý niệm kí
ức theo dòng tự sự và biểu cảm.
Nó không chỉ là
kí ức quá khứ - hiện tại mà còn nằm trong tương quan dòng trôi của bản thể, thế
sự cùng với bọt bèo hay mầm xanh cho mùa hoa trái mới. Cũng có thể là phiến hóa
thạch Ngày phục hưng viết ở ranh giới
những điều có thể nói ra và những điều không thể: “Em mãi là cô học trò 16
trong tôi/ ngày nắng ướt vai và cơn mưa cháy nước/ con đường cứ thụt lùi thụt
lùi ra trước/ áo dài mai phục sau lưng anh”.
Trong cảm thức ngày của thơ anh, chúng ta chạm vào những
điều bình thường. Con người nhân loại bắt gặp từ Ngày con đường trong đời sống nhưng lại khiến ta ngạc nhiên như là
không nhớ ra đã gặp nhau ở đâu: “gió đi xuyên qua tôi khi mùa đổ tới/ rồi kéo
tôi dài như kẹo sải… Người bán vé số bên đường bầu chọn tôi/ bằng những dấu
chân không số… Những hàng cây già ven tôi/ đi đủng đỉnh làm như thanh xuân
không hề tính…”.
Từ đây, tôi nhận
ra sức mạnh của cảm xúc, khả năng vượt qua ranh giới đời thường để mang đến sự
bất ngờ, tự làm mới, tất nhiên với những mức độ khác nhau mà qua đó anh đối thoại
giữa hiện thực và tưởng tượng cùng các giá trị nhân sinh.
***
Với danh nhà
thơ, anh thuộc về lớp người có ý thức làm mới thơ ca như là một nhu cầu, một
trăn trở để khởi phục: “Đôi lúc tôi tàn tạ trong thế giới khu vườn thế giới đá/
rồi lách cách làm mới mình thật vuông vắn dưới chính chân tôi” (Những vuông đá lát).
Phải chăng đó
là một tư duy thơ hiện thực nhưng giàu tưởng tượng, tuy minh bạch nhưng lại có
những trằn trọc đời sống. Mỗi bài thơ của anh là một cấu trúc vừa khép vừa mở,
đôi khi không sẵn sàng câu trả lời: “Đã bao lần chạy dọc hét lên hỏi sông/ hỏi
những bè tre trôi ngày hai phía/ Chỉ thấy âm thầm cá nhảy/ Chỉ thấy nhớ thương
quá giang trên mớ rong xớn xác tìm về” (Sông
và tôi).
Anh viết trong
dòng ý thức về hiện thực được lãng mạn hóa. Nó vừa tạo ra cảm giác hạnh phúc
khi đối diện với vô thường, tựa như tới gần điểm cuối của cảm xúc - nhất là
trong những Ngày anh đau: “Dòng hóa
chất dùng dằng chưa giọt lủng nổi phổi anh/ anh biết vì đã lọc qua tình em mãnh
liệt/ đã xuyên thấm qua đời em da diết/ đã treo vào mặt trời đức tin đỏ rực em
anh”. Anh đã cố gắng mang nỗi niềm khi đọc được “sinh tử trạng” của mình trong
trạng thái chấp nhận cùng hấp lực hạnh phúc. Nơi ấy, anh đi thẳng vào sự thật
như bước qua một cánh cửa, vào căn phòng, ở đó không có gì phải che giấu - dẫu
đối với nhiều người không phải là điều dễ dàng.
Nỗi đau thân
xác vô thường trong anh trầm tĩnh, trịnh trọng lắng xuống, không dằn xóc, nhưng
chẳng hề nguôi ngoai khi nhận ra “dáng hình lừng lững như bóng núi… con mắt em
lẫm liệt” đã mang anh đi qua cánh rừng trọc của Ngày không tóc.
***
Thời gian trong
anh còn là một ký ức lập thể. Chúng phô diễn những hình khối và góc cạnh, tách
biệt và chồng khít, kết hợp và tan rã… để
làm nên những ký ức mới - đi từ “sảng khoái giang hồ” trong Ngày tiểu muội đến lúc “lòng không còn nặng”
khi Ngày tôi soi: “Tuổi 20, 30 soi
vào gương thấy nguyên bản mình/ thấy mình đẫm ước mơ trán mình xé nắng… Tuổi 40
soi gương thoáng phiên bản mình/ thấy thích kể về ước mơ trán mình có bóng nắng…
Tuổi 50, 60 soi gương thấy kẻ quen lạ hoắc sừng sững trước mặt mình… 70 tuổi
không soi vào gương mà soi vào chính mình/ lẩn thẩn nắn nót từng ước mơ trán
chiều sót nắng…”.
Dẫu vậy, cảm
giác về sự bình an, nguyên vẹn, rất rõ trong thơ anh – kể cả khi một điều gì đó
đã trôi đi, rồi quay về tái hợp trong cái đẹp: “Tôi đi dọc qua họ/ như cơn gió
làm lạnh tự mình/ tôi cũng làm người yêu tôi lạnh/ mỗi người phụ nữ yêu tôi đều
có một khăn quàng” (Họ).
***
Những bài thơ
viết về cái chết của anh là những dự cảm, đón nhận, chấp nhận và an trú trong
tình yêu gia đình, người thân; không một nét đớn đau hay than trách.
Anh tin rằng
thân xác cũng là yếu tính của tình yêu, là chỗ cần nương tựa, là hiện thực,
cùng những bất an: “Bình hóa chất móc vào tháng chạp tôi nỗi đợi chờ chưng cất…
Em ngồi dưới tháng chạp/ trời cuối năm đè nặng đôi vai em/ hứng dùm khẽ khàng
tôi từng giọt hóa chất trắng xóa/ em cũng thụng thịnh trắng như hoa mận Mộc
Châu/ chao ơi tháng giêng thương như trời Tây Bắc” (Móc vào trắng).
Nếu nhìn một
góc khác thì cái chết là sự tàn nhẫn cố hữu của tồn tại, khi sự sống bị
phản bội; khi sự sung sức bị đánh gục bởi tàn phai; khi trái chín rụng rơi bởi
ung nhọt… Nhưng đó là quy luật tự nhiên mà chỉ có những người thấu hiểu mới
bình thản đón nhận, trầm tư về tình yêu và đời sống một
cách thanh thản, buông bỏ, dung hợp để cho mùa tái sinh: “anh sẽ dùng
chính thân xác này lấp kín đường vào sơn đạo/ gió và mây trời không còn nhận ra
anh con ngựa quen đường cũ không tìm ra anh tất cả/ trừ em” (Sơn đạo).
Những câu thơ trong trạng
thái như thế chuyển từ thế giới ngoại cảnh sang nội
tâm để thành triết luận với những ẩn dụ mới. Nó chuyên chở kinh nghiệm chấn
thương hay tan vỡ mà anh đang trải qua để hướng tới đời sống: “Giữa những chiếc
chậu đã vỡ tan/ những cái chết đơn thân không báo trước” … “Sự xung đột giữa
lòng tham và thói ích kỉ của loài người/ đã làm tàn lụi những kiếp hoa” (Vườn vỡ).
Phải chăng, ngày
như thế sẽ đến - hôm nay với bạn, ngày mai với tôi - dù nó không báo trước
nhưng ở đó có những khoảnh khắc dồn tụ, thức tỉnh chúng ta.
***
Từ những cảm thức
thời gian của Mặt trời trong xác lá,
tôi nhận ra dòng tự sự của nhân vật trữ tình cùng đối thể của nó mang theo những
trải nghiệm, những tiếng nói, làm nên năng lượng và thông điệp đến với người đọc.
Tất cả được diễn
đạt bằng các biểu tượng: lá, hoa, con đường, chữ, mặt trời, khu vườn, ngày,
mùa… Chúng có một sức hấp dẫn của các hình nét sinh thái. Trở về với chúng như
trở về cội nguồn trên con đường hành hương gấp gãy nhưng anh đã tìm được sự
thăng bằng cho mình: “Lắm khi tôi rung đời tôi tôi rung nắng mưa/ làm giọt xuống
dòng sông những hình nhân không thấy bóng/ rồi lại thấy một mặt trời mỉm cười
đưa tay thật rộng/ hắt những xác nước đang chen nhau về tận chân trời chực chờ
thoái vị một mùa đông” (Mặt trời trên hạt
sầu đông).
Trong những thời
khắc như thế, chúng ta xúc động và tìm thấy sự thấu hiểu, giao hòa với ký ức –
một kiểu ký ức phi hoài niệm, tức là nó không thuộc về quá khứ mà đời sống hiện
tại sinh ra từ tình huống, tâm trạng đi về phía tương lai như một Bệ cửa mùa.
***
Tôi sẽ không
nói sâu về các vấn đề thi pháp khi anh đã đi về cõi vĩnh hằng, chỉ còn tác phẩm
của anh còn lại nơi đây cùng chúng ta. Những gì anh để lại cho bạn thơ, cho đời
là cái để chúng ta chiêm nghiệm, chia sẻ, học tập… Nó nghiêng về phía nhận thức
hơn là các phản biện; là ca từ để hát hơn là để mổ xẻ. Và chúng ta cũng tìm thấy
những điều tốt đẹp hơn cho chính mình. Nó là “dòng ý thức” (stream of conciousness) cùng với độc thoại
nội tâm của nhân vật trữ tình trong những câu thơ được viết dù khá dài nhưng
sáng sủa, khúc chiết và có sức chuyển hóa.
Tôi nhận ra thơ
anh đứng giữa ranh giới giữa thơ tự do và thơ văn xuôi (prose poem). Nhịp thơ mạnh
và nhiều tiết tấu, ngôn ngữ tự sự dồi dào, nhiều tầng bậc ẩn dụ nhưng rất thận
trọng, cân xứng, đầy dịch chuyển mang theo khát vọng - có khi bùng lên, có khi
âm ỉ nảy mầm giữa cánh đồng chữ.
Đó là sự kết nối.
Là ý thức sống điềm đạm nhưng bạo liệt với chữ; không trang điểm câu từ nhưng lại
có sức hút từ âm bản của hình tượng.
Những bài thơ
như Lộ trình kiến, Bệ cửa mùa, Vườn xưa…
là những kiểu prose poem như thế.
***
Đến đây, tôi lại
nhớ hai câu thơ trong bài Circe’s Grief của nhà thơ Louise Glück (3): “Nếu như ta lúc nào cũng có trong tâm trí bạn/
thì chúng ta mãi mãi hiện hữu trong cuộc đời nhau”.
Và chắc chắn nhà giáo
Trương Văn Quang/ nhà thơ Trương Vũ Thiên An đã hiện hữu trong câu chuyện của
chúng ta. Những đồng nghiệp gần gũi, yêu mến và kính trọng anh; những bạn văn đọc
anh với tâm thức tiếp cận cái đẹp trong Ngày
phục hưng, trong Hoàn nguyên của nắng…
Anh đã có trong tôi,
trong chúng ta.
Và mặc dầu ám tượng về sự
ra đi của anh nhưng tôi cũng xác tín rằng: “Mặt trời vẫn còn đó/ và xác lá vẫn
còn có cơ may được hoàn nguyên”.
Xin kính cẩn nghiêng
mình tiễn anh về an trú nơi cõi vĩnh hằng.
Mộc Nhân Lê Đức Thịnh – tháng Bảy/ 2021
-------------
Chú
thích:
(1) Những cụm từ in nghiêng không dẫn nguồn là
tên những bài thơ trong tập “Mặt trời trong xác lá” – Trương Vũ Thiên An. Những
câu thơ đặt trong ngoặc kép trích từ các bài thơ của anh.
(2) Hạ thọ:
tuổi thọ trên 60 (trung thọ: thọ trên 70, thượng thọ: thọ trên 80, đại thọ:
trên 90).
(3) Louise Glück: nhà thơ Mỹ đoạt giải Nobel Văn chương 2020; các trích dẫn về Louise Glück trong bài này được trích từ tác phẩm “Aubade” Thơ Louise Glück - Mộc Nhân Lê Đức Thịnh tuyển dịch & giới thiệu, Nhà xuất bản Hội nhà văn 2021.
2 nhận xét:
Bài viết sâu sắc, chí tình! Trương Văn Quang nơi nào đó hẳn vui vì những bạn văn tri kỉ
Cảm ơn anh Nguyễn Minh Hùng, người anh, người thầy tôi yêu kính đã theo dõi và có lời đồng cảm. Kính chúc anh sức khỏe và an vui.
Đăng nhận xét