Nói đến Phật giáo Đại thừa là nói đến Bát-nhã. Bát-nhã là đầu mối, là mạch nguồn từ đó các trào lưu tư tưởng Đại thừa kể cả Mật Tông dậy khởi. Bát-nhã Tâm kinh (Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh hay Bát-nhã Ba-la-mật Tâm kinh - Prajnaparamitahridaya Sutra) là một trong những bài kinh nằm trong bộ Bát-nhã của Phật Giáo Ấn Độ có từ 100 năm TCN. Bài kinh có nhiều năng lượng hồi hướng, khai tuệ nhãn mà tín hữu Cao Đài và Phật tử thường tụng niệm.
I. Văn kinh:
BÁT-NHÃ TÂM KINH
Quán Tự Tại Bồ
Tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa (1) thời, chiếu kiến ngũ
uẩn (2) giai không, độ nhứt thiết khổ ách.
Xá-Lợi-Tử (3), sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.
Xá-Lợi-Tử, thị chư pháp
không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất
tăng bất giảm.
Thị cố không
trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức (4). Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt,
thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (5); vô nhãn giới nãi
chí vô ý thức giới. Vô vô-minh diệc vô vô-minh tận, nãi chí vô lão-tử diệc vô lão-tử tận. Vô khổ, tập, diệt, đạo (6). Vô
trí diệc vô đắc; dĩ vô sở đắc cố.
Bồ-đề-tát-đõa (7) y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn. Tam thế chư Phật y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam bồ-đề (8).
Cố tri Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chơn thiệt bất hư.
Cố thuyết Bát-nhã
Ba-la-mật-đa chú, tức thuyết chú viết: Yết-đế yết-đế, ba-la yết-đế, ba-la tăng yết-đế, bồ-đề tát-bà-ha (9).
------------------------------------
II. Dịch nghĩa:
Ngài Bồ-Tát Quán-Tự-Tại khi thực
hành thâm sâu trí tuệ Bát-Nhã Ba-la-mật, thì soi thấy năm uẩn đều
là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn.
Nầy Xá-Lợi-Tử, sắc
chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính là không, không chính
là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như thế. Nầy Xá-Lợi-Tử, tướng
không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng
thêm chẳng bớt.
Trong cái không, không
có sắc, không thọ, tưởng, hành, thức. Không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý.
Không sắc, thanh, hương vị, xúc, pháp. Không có nhãn giới cho đến không
có ý thức giới. Không vô minh, mà cũng không có hết vô minh. Không
có già rồi chết, mà cũng không có tận cùng già rồi chết. Không có khổ, tập, diệt,
đạo. Không có trí cũng không có đắc ngộ, vì không có (cái gọi là) chứng đắc ngộ.
Khi vị Bồ-tát nương
tựa vào trí tuệ Bát-nhã nầy thì tâm không còn chướng
ngại; tâm không chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa được
cái điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết Bàn. Tam thế Phật vì
nương theo trí tuệ Bát-Nhã nầy mà đắc quả vô thượng, chánh
đẳng chánh giác.
Cho nên phải biết rằng Bát-nhã
Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là
chú vô thượng, là chú cao cấp nhất, luôn trừ các khổ não, chân
thật không hư dối.
Cho nên khi nói đến Bát-nhã
Ba-la-mật-đa, tức là phải nói câu chú: Yết-đế yết-đế, ba la yết
đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha (Vượt qua vượt
qua, hãy qua bờ bên kia, tất cả qua bên kia, sẽ được giác ngộ).
----------------------
III. Chú giải cơ bản:
(1). Bát-nhã ba-la-mật-đa: phiên âm từ Phạn
ngữ Prajnà. Bát-nhã, tiếng Hán dịch
nghĩa là Tuệ, Trí tuệ; ba-la-mật-đa hiểu nghĩa là sự hoàn hảo, trí độ - cả
cụm này đôi khi gọi tắt là Bát-nhã. Dù dịch nghĩa gì đi nữa cũng không một từ
nào trong Hán tự hay Việt ngữ lột được hết ý nghĩa hàm ẩn trong chữ Prajnà
(Bát-nhã). Cho nên các bản dịch phải dùng từ phiên
âm Bát-nhã để chỉ cho loại “Trí tuệ siêu ngộ” này, tránh mọi ngộ
nhận sai lạc cho người học.
Thông thường, cứ nói đến “trí/ tuệ”
hay “trí tuệ”, người nghe lập tức liên tưởng đến trí
năng (brain, intelligence, wisdom), một trong ba năng lực (cảm
năng, trí năng và ý chí) của con người mà các sinh vật
không có, hoặc có nhưng ở một mức độ thấp kém. Trí hay trí tuệ thường
được hiểu như trí khôn hay óc thông minh, lãnh hội dễ dàng
các kiến thức hoặc tìm tòi, phát kiến những tri thức mới - Phật giáo gọi
“trí tuệ” ấy “thế trí biện thông”, bao gồm cả tốt lẫn xấu, có lành có
dữ, gắn liền với phiền não khổ đau, hay tệ hơn nữa, nó chính là sản
phẩm của chính phiền não khổ đau.
Khác với “thế trí biện thông”, trí tuệ Bát-nhã là loại
trí tuệ vô thiện ác, vô phân biệt, đã rủ sạch phiền
não. Cho nên bản chất của nó là loại trí tuệ Bát-nhã là thanh tịnh, trống
rỗng, trong suốt như hư không, nên cũng được gọi là “không trí”. Do
đó, nó thường xuất hiện như một thứ trí tuệ sâu xa vi
diệu. Vì tính
chất nó như thế nên nó hoàn toàn tự tại trước mọi đối tượng nhận
thức, trong mọi hoàn cảnh, nó không bị đối tượng hay hoàn cảnh chi
phối ràng buộc. Từ đấy, nó soi suốt thật thể các pháp tức các hiện tượng trên
cõi đời, thấy rõ bản chất của chúng – gọi là “quán chiếu Bát-nhã”. Quán
chiếu cũng trong suốt rỗng lặng, như Bát-nhã vậy nên mới thấy được
cái thực chất nhân duyên sanh của tất cả các pháp. Vì đã
do nhân duyên sanh, các pháp thảy đều không có tự thể, thảy đều giả, đều không. Không ở đây phải hiểu là không có thật thể. Thuật ngữ Phật
giáo gọi cái không ấy là Thuấn-nhã-đa (Ínyat - dịch là tánh
không).
Bát-nhã do tu chứng mà tựu
thành, không do cái học mà un đúc nên vậy mới gọi là hành thâm Bát-nhã. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vi
diệu, nên chí có hành trì mới quán chiếu (trong kinh có 2 từ "hành thâm" và "chiếu kiến").
(2). Ngũ uẩn giai không: nghĩa là năm “uẩn” đều không có thật. Ngũ uẩn (skandha) bao gồm: Sắc (vật chất, matter, material); Thọ (cảm giác, perception); Tưởng (tưởng tượng, imagination); Hành (chuyển động, motion); Thức (nhận thức, phân biệt, conciousness, alaya, discrimination). Chữ "uẩn" mang hàm ý tích hợp, là tập hợp của nhiều phần tử để tạo ra một hiện tượng ảo hóa. Bởi vì hiện tượng ảo hóa đó kéo dài và con người không có cách nào để phát hiện tính cách giả tạo của hiện tượng nên lầm tưởng là thật, và từ lầm tưởng đó mà sướng khổ một cách vô căn cứ. Tất cả mọi sướng khổ đều là vô căn cứ bởi vì nó dựa trên tưởng tượng. Tưởng tượng này kinh điển Phật giáo gọi là “thế lưu bố tưởng” tức là tưởng tượng đã phổ biến qua nhiều đời ở thế gian. Nguyên lý của vấn đề này nằm ở chỗ kinh điển gọi là tất cả các pháp đều không có tự tính, tất cả mọi tính chất của pháp là do tưởng tượng gán ghép của con người. Dễ thấy nhất là ngôn ngữ, từ ngữ của của bất cứ ngôn ngữ nào đều không có ý nghĩa, mọi ý nghĩa đều là do con người gán ghép cho từ ngữ. Tương tự như vậy, tất cả mọi vật trong vũ trụ đều không có thực chất, mọi tính chất đều do chúng sinh gán ghép cho vật. Đó cũng chính là ý nghĩa của ngũ uẩn giai không.
(3). Xá-lợi-tử còn gọi là Xá-lợi-phất (śāriputra)
là một nhà lãnh đạo tâm linh thời Ấn Độ cổ đại. Ông cùng Mục-kiền-liên là hai đệ tử tỳ-kheo gương
mẫu nhất của Phật Thích-ca Mâu-ni và được xem là người có
"đệ nhất trí tuệ" trong Tăng-già thời Phật sinh tiền.
(4). Câu này diễn giải cụ thể "ngũ uẩn" đã nói ở chú thích số (2).
(5). Câu này nói về lục trần (6 yếu tố vật chất liên quan đến lục căn): Nhãn (mắt nhìn - sắc), Nhĩ (tai nghe - thanh), Tỷ (mũi ngửi - hương), Thiệt (lưỡi nếm - vị), Thân (thân xác, cảm giác - xúc), Ý (tư tưởng, phân biệt - pháp).
(6). Câu này đề cập đến Tứ Diệu Đế
(7).Bồ-đề-tát-đỏa (Boddhisattva) gọi tắt là Bồ-tát (Bồ-đề nghĩa là giác ngộ, tát-đỏa nghĩa là hữu tình hay chúng sanh. Hai chữ ghép chung với nhau thành ra Bồ-đề-tát-đỏa, có nghĩa là vị Bồ-tát đã giác ngộ giải thoát và giúp cho mọi chúng sinh được giác ngộ giải thoát như mình.
(8). A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề - A-nậu-đa-la
(vô thượng), tam-miệu (chánh đẳng), tam-bồ-đề (chánh giác). Cả cụm từ nghĩa là:
Vô thượng chánh đẳng Chánh giác – giác ngộ cuối cùng.
(9). Yết-đế yết-đế, ba-la yết-đế, ba-la-tăng yết-đế, bồ-đề tát-bà-ha (Vượt qua vượt qua, hãy qua bờ bên kia, tất cả qua bên kia, sẽ được giác ngộ). Yết-đế dịch nghĩa là cố gắng/ vượt qua ba-la-tăng nghĩa là "hãy đến bờ bên kia"... Câu này có ý nghĩa khuyến khích ta hãy bước vào con đường tâm thức giác ngộ bằng thiền định để đạt đến Niết bàn tối hậu.
IV. Tham khảo:
1. Coitaba.net
3. Phatgiao.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét