15/8/23

2.885. TRONG GIẤC MƠ MÀU LÁ

 Mộc Nhân

Tôi thực sự có ấn tượng với một cô gái sinh ra và lớn lên ở xứ trung du, có cái tên miền biển mà quá nửa đời gắn bó với miền sơn cước - Hải Điểu.

Bài này đã được giới thiệu trên Trang văn nghệ
Báo Quảng Nam số ra 8/ 9/ 2023

Tôi tự hỏi, có điều gì kết nối các chỉ dấu ấy không? Câu trả lời thật khó nhưng nếu dò tìm trong vỉa chữ của người thơ, có khi chính mình lại nhận ra, dưới một góc nhìn nào đó.

Có một trầm lưu trong thơ Hải Điểu xuyên qua những vực đá miền cao: “xót từng bước chân bỏng rát đến trường/ qua đèo, vượt suối/ vuốt lại con đường/ duỗi nỗi niềm thẳng mượt/ là lượt từng bóng cây, dáng núi/ đón bước em về xôn xao/ mùa lơ lang mười năm/ hồn tôi nở trắng” (Mùa lơ lang trắng); rồi chảy về dòng sông quê xứ: “gửi về bỏng rát chiều Vu Gia/ thương nắng cháy bờ tre ngày thơ ấu/ gió hai miền ru ngủ/ giấc mơ cánh diều/ nhuộm trắng cả hoàng hôn” (Đôi bờ một dòng sông); hợp lưu cùng bao suối nguồn rồi mênh mang hồn cốt phía biển: “vùi đôi chân trần trong cát/ ngoài kia sóng vỗ xa gần/ cát trắng dối lòng tản mác/ bạc đôi sợi sóng có gì” (Biển đã lên đèn) - để tác giả bày biện câu chữ trong tác phẩm của mình.

Với hai tập thơ xuất bản gần như liên tiếp - Vuốt nếp gấp thời gian (2022) và Giấc mơ màu lá (2023), Hải Điểu dường như có đủ tự tin trong cuộc tìm kiếm sự thật cõi lòng mình cùng với trạng thái viết để sở hữu cái đẹp “sóng mắt loang màu trong nắng mới/ bao nụ giao mùa rực rỡ bung” (Nụ giao mùa); để chế ngự quá khứ thành sự dịu dàng: “trên lối cũ mình thành người xa lạ/ tháng năm ơi/ dừng lai chút đi mà” (Thời gian ơi); để luyến tiếc, trách móc nhẹ nhàng: “nhánh mai già bên hiên ai thay tầng lá cũ/ mai về cỏ úa có còn đau/ rong sương thầm trách lục bình tím vội/ lia thia đi hoang quên lối rẽ ao bèo” (Hỏi mình)

Những bài thơ mang theo nhiều cảm thức giữa mộng và thực, từ biên địa đến quê nhà, từ con suối róc rách đến sóng biển mênh mang. Nơi nhen lên hồn thơ của tác giả với thanh âm “tiếng cồng đêm hôm qua vỡ nứt” (Vệt cứa lưng chiều), hình ảnh “bồ hong bám dày giấc mơ ám khói” (Gác bếp), sắc màu “những cái gùi đong đưa/ rực màu hoa chuối đỏ/ xanh búp măng non/ trắng ngần lõi sắn” (Tĩnh lặng chiều) và con người “lắng nghe câu hát chiều bên suối/ trắng sắc lơlang trắng đất trời/ em gùi mây trắng qua lưng núi/ thả xuống hồn anh sợi khói lam (Mây chiều lưng núi)

Dường như trong tôi có sự đồng cảm với người từng sống và làm việc thời gian khá dài nơi miền cao nên dễ dàng bắt gặp các vùng giao thoa trong Giấc mơ màu lá - văn hóa bản địa, đời sống và con người - mà Hải Điểu viết ra từ trải nghiệm của mình. Bạn đọc có thể dễ dàng nhận ra các chất liệu trang phục, phong tục, phong cảnh, tạo vật, tính cách, vẻ đẹp tâm hồn, lời ăn tiếng nói… của đất và người xứ núi xuất hiện khá đậm nét trong tập thơ.

Đọc thơ Hải Điểu, độc giả sẽ cảm thấy có gì đó vừa quen thuộc rưng rưng lại vừa lạ lẫm; vừa gần gũi như đất mẹ lại vừa xa xôi biên ải; vừa hiện thực ngồn ngộn lại vừa phù hư như “Giấc mơ màu lá”… Nhưng đôi khi âm hưởng và ám tượng từ hình ảnh lại nằm ngoài những con chữ, làm nao lòng người đọc: “bên suối tôi một mình/ nghe nặng nhịp chày đôi/ tôi nợ em/ nợ cả trời chiều mà tôi chưa quen biết/ con suối oằn mình chảy xiết/ ráng chiều chín đỏ về xuôi” (Gùi nắng).

Những điều ấy là căn tố đưa Hải Điểu đến với thơ ca trong niềm yêu say. Nó được biểu hiện khá phong phú trong cái nhìn mang cảm thức sinh thái, gói gởi giá trị nhân văn đối với những gì đang hiện hữu trong cuộc sống đang là: “nhặt một chiếc lá khô/ nghe chồi non thổn thức/ khi nắng gió đầy cành lá xanh bóng mẩy/ có biết gì về nỗi đau/ của lãng quên, mục nát, tàn phai” (Thu bay). Những câu thơ gợi liên tưởng, kết nối trong trục cảm xúc thời gian, không gian từ quá khứ đến hiện tại cho chúng ta thông điệp về sự lưu giữ ký ức, trân quý hạnh phúc và nỗi đau.

Đọc “Giấc mơ màu lá”, bạn cũng sẽ nhận ra cảm hứng bình dị với những thực thể gần gũi, đầy ắp ký ức. Đó là hình ảnh bến quê “ta quên mất một thời ngông dại/ cồn cát trên sông trôi mất tự bao giờ” (Sóng sông), hay biển bờ “ngọn muống biển mọc bao đời trên cát/ ngoài bờ kia cát mặn rát bờ môi/ rặng phi lao đứng bao đời bên biển/ có hiểu vì sao gió thổi sóng bạc đầu” (Chiều Hà My biển động)… Đằng sau những ký ức ấy là khoảnh khắc tĩnh lặng vây bủa nội tâm, với ưu tư trong một hồn thơ giàu nữ tính, có sức lay động “hương ký ức ngấm vào đêm nhưng nhức/ một vệt chiêm bao hoa bưởi trắng ngang mùa” (Hương tháng Ba).

Tôi nghĩ, sự xuất hiện của các khuôn mặt thơ nữ trẻ trong sinh hoạt văn nghệ là điều đáng quý, đáng trân trọng bởi họ không chỉ đi qua chính mình từ thơ ca mà còn phải vượt khỏi các định kiến, ràng buộc về giới. Và hiển nhiên, chỉ có những người thơ thấu thị, tự tin, bản lĩnh thì mới để lại các dấu ấn trong trang viết. Với hai tập thơ trình làng khá gần nhau, chúng ta thấy hiện ra một cây bút khá đĩnh đạc, điềm tỉnh dù chỉ là “cái bóng lẻ loi, đơn độc/ tần ngần trên nhánh tre khô” (Ngày muộn).

Sự sáng tạo và niềm đam mê thơ ca trong Hải Điểu có thể xem là một hành trình vận động, không ngừng nhưng dè dặt, đa dạng nhưng tinh tế, tích lũy và chia sẻ… để có thể tìm đến sự đồng cảm của bạn đọc.

Về mặt thi pháp, Hải Điểu đã thể hiện nỗ lực làm mới mình trong thơ hiện đại qua qua cách phô diễn ký tự, lựa tìm ngôn từ, kết cấu dòng thơ và trình bày các ẩn dụ lấy cảm hứng từ sinh quyển mà chị đang hiện tồn. Dẫu vậy, lời thơ vẫn chân thành, cởi mở, là chứng nhân cho bản thể và tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ “em chắp vá hai mảnh mùa còn lại/ sợi đêm tàn len vệt chỉ u u/ những chiếc lá rơi từ ngày thu trước/ ôm hạt mầm quên bật một mùa xanh” (Chạm đêm).

Thơ là nghệ thuật của sự duyên dáng, sự chọn lựa, sắp xếp ngôn từ làm cho ký ức, đời sống trở thành một diễn ngôn sinh động để tạo ra một hiện thực khác, truyền đi một ý nghĩa mới trong thế giới xúc cảm riêng mình bởi không có mảng sống nào mà không ẩn chứa chất thơ. Hải Điểu đã làm được như vậy từ đời sống và thơ ca.

Bạn cũng sẽ nhận ra những hình ảnh thơ của Hải Điểu là nhịp điệu cuộc sống mà cô mang theo. Nó làm nên căn cốt của chữ. Và nói như nhà văn đương đại người Anh gốc Thái, Lang Leav, viết trong tiểu luận “Tình yêu & nỗi bất hạnh” (Love & Misadventure): “Căn cốt là cái mà bạn không thể nhìn thấy nó nhưng những người khác thì có thể” (You can't see your identity but everyone else can).



 

 

Không có nhận xét nào: