Trích phần III - Thời sinh viên/ Tự truyện “Chuyện đời – Chuyện nghề” của Nguyễn Đình Phương (Sách dự kiến xuất bản quý IV/ 2023).
PHẦN BA: THỜI SINH VIÊN
Nhập
học ở Hòa Khánh, hắn là dân Đà Nẵng, không có tiêu chuẩn ở trong ký túc xá,
nhưng bọn sinh viên dân quê các huyện có vé, lại ra ngoài thuê chỗ ở cho thoải
mái, nên hắn điền vào chỗ trống đó, Ban
Quản lý không biết rõ việc này, nhưng để chắc ăn, trong mấy tuần đầu, hắn liên
tục di chuyển chỗ ngủ từ khoa Sử sang khoa Văn, quay về khoa Địa, lọ mọ tới khoa
Toán Lý, nói chung đi loanh quanh để tránh bị phát hiện đuổi ra. Hắn không có
xe đạp để đi học nên phải tùy cơ ứng biến cái đã, nghèo cũng là một cái tội.
Hành
trang sinh viên của hắn là cái rương có ổ khóa, tự chế tạo bằng đuya-ra, một khối
vuông vức dài dài như cái quách hay dùng để cải táng, nhìn cái rương-quách để đầu
giường hắn đứa mô cũng ớn ớn.
Để
tiết kiệm thời gian soạn sành sách vở, hắn mua giấy kẻ ngang tự đóng thành một
tập dày mo, bao bìa cẩn thận. Quyển vở to tướng đó hắn ghi bài tất cả các môn,
suốt 3 năm học, cây viết hiệu Pilot mẹ cho năm Đệ Thất vẫn xài tốt.
Trường
sư phạm bắt khám sức khỏe đầu năm để phân loại sinh viên, hắn cảm thấy lúng
túng, nhỏ con quá, không biết có bị loại không đây? Có bị đuổi về nhà không? Đến
khi nghe cô y tá kêu tên, bắt đứng lên cân, hắn làm theo lệnh và đồng thời thò
tay bợ nhẹ cái bàn hồ sơ bên cạnh lên. Cô y tá thấy hắn nhỏ con mà sao nặng tới
57kg, cô ngước lên nhìn thì hắn nhanh chóng thu tay về, mặt tỉnh bơ. Cô cúi xuống
nhìn con số thì hắn thò tay ra bợ cái bàn, cứ rứa ba lần, cô nổi điên lên, kéo
cái cân ra xa khỏi bàn hồ sơ. Kết quả: nam giới, tuổi 18, nặng 35kg, cao 1,55
mét. Con số nói lên một cách hùng hồn chế độ dinh dưỡng thời bao cấp đáng sợ.
Việc
học hành là chuyện nhỏ với hắn, chỉ cần lên giảng đường vừa đủ số giờ theo quy
định là sẽ được thi hết môn, còn lại cứ lang thang chơi bời cà phê cà pháo đàn
địch hát hò…Hắn ngán nhất là môn Triết học Marx Lénine (chủ nghĩa duy vật biện
chứng & chủ nghĩa duy vật lịch sử), môn Lịch sử Đảng và môn Đường lối chính
sách. Đó là môn chính trị bắt buộc đối với các thế hệ sinh viên, trường kinh tế
hay cơ khí, giáo dục hay nông nghiệp, chăn nuôi hay thú y, điện nước hay giải
phẫu… cũng đều phải dạy đủ khóa trình, không được cắt xén.
Môn chính trị vô
bổ này được coi là môn chính, sau nó mới tính đến các kiến thức chuyên môn
khác. Sau khi ra trường, hầu hết sinh viên không hề sử dụng kiến thức chính trị
được trang bị của mình để làm gì cả, nhưng vẫn phải học, phải thi chết xác môn
đó, thế mới gọi là nền giáo dục XHCN, học mà không hành.
Bạn bè trong lớp
là dân tứ xứ Quảng Nam-Đà Nẵng, xa như Núi Thành, Tiên Phước cũng có, hẻo lánh
như Hiệp Đức, Quế Sơn cũng có, đô hội như Đà Nẵng, Hội An không thiếu. Mỗi người
mỗi vẻ mười phân vẹn 1 chỉ.
Hắn nhớ mãi bữa
cơm đầu tiên ở nhà ăn tập thể trường sư phạm, chừng 11 giờ, sau khi nghe 3 tiếng
kẻng báo hiệu, sinh viên tất cả các khóa kéo xuống ăn cơm. Nhà bếp dọn sẵn mỗi
bàn một chồng gồm ba cái nồi, nồi cơm ở dưới, nồi canh ở giữa, nồi cá kho hoặc
đồ xào trên cùng. Căn cứ vào số lượng đã đăng ký, họ ghi rõ con số trên bàn ăn
(lớp nào ngồi theo lớp đó), thường là mâm 6 (6 đứa/bàn), có thể có mâm lẻ như mâm
4, mâm 3 v.v…Ví dụ: lớp đăng ký 27, sẽ có 4 mâm 6 và 1 mâm 3 (4x6+3=27). Mấy thằng
âm hồn đi sớm, rủ nhau ba đứa ngồi vô mâm 3, nhanh nhẹn đổi nồi mâm 6 của lớp
khác về bàn, tráo nồi mâm 3 qua bên kia, thế là nó ăn gấp đôi tiêu chuẩn, còn bọn
chậm chân đi sau chỉ ăn có nửa ruột.
Bọn đi sau dở nồi
cơm ra thấy ít biết liền, kêu nhân viên nhà bếp kiện, không có bằng chứng tụi
nó đổi, vì tụi nó ăn cực nhanh, phi tang xuất sắc nửa mâm 6 trong tích tắc.
Thành thử nghe kẻng cơm là phải lo đi nhanh tới liền, bọn âm hồn kia vẫn nhanh
hơn, vì nó đứng chờ trước kẻng 15 phút. Sau này trong tiếng Việt có cụm từ : “ăn
cơm trước kẻng” để chỉ các cô gái có bầu trước khi cưới.
Bữa cơm đầu tiên
hắn ăn không nổi, chén đũa hôi quá, khác xa ở nhà ba mẹ, hắn ráng nín thở nhai
nuốt mới được nửa chén thì bọn nhà quê đã thanh toán sạch sẽ ba cái nồi, đứng
lên đi uống nước. Cái gì thầy cô, ba mẹ dạy không được thì cuộc đời dạy nhanh lắm,
để “đấu tranh sinh tồn”, hắn thích nghi ngay với chuyện ăn tập thể, chuyện chén
đũa hôi, chuyện đổi mâm, nếu không thì đói móp mỏ, sáng mắt ra liền.
Sáng nào được
nghỉ học là cỡ 9 giờ mò xuống nhà bếp xin cơm cháy, lấy xẻng rong quanh cái chảo,
cơm cháy chảo dày và rất giòn, bỏ phần dưới đáy chảo có nhiều sạn, chỉ ăn phần
bên hông chảo. Cảm ơn mấy cô nhà bếp xong là cắn ăn ngay, ăn tại chỗ vì chỉ cần
có thằng khác xuất hiện là phải cưa đôi. Có lúc hắn cầm về phòng nội trú, đi
ngang khoa Toán Lý, âm hồn cả trai lẫn gái nhào ra “cướp cơm chim” trắng trợn.
Bữa sau hắn khôn lên một chút, gấp miếng cơm cháy lại lận lưng, phủ áo ra
ngoài, đường đường chính chính đi công khai ngang qua hết khoa Toán Lý tới khoa
Văn, không thằng nào con nào đánh hơi ra được.
Cơm sinh viên
thì nhiều mà đồ ăn không có, theo tiêu chuẩn hắn được 18 kg/tháng. Chan nước mắm
riết cũng ngán, nước mắm là tên gọi một thứ chất lỏng được làm bằng màu của cơm
cháy, hòa với nước muối mặn chát, đời sinh viên họ cho chi ăn nấy, đâu có quyền
lựa chọn khen chê.
Ban quản lý nội
trú lên lịch, yêu cầu sinh viên các lớp thay phiên nhau trực nhà ăn, công việc
phải làm là theo định mức, cứ bới cơm vào nồi, múc canh, gắp đồ xào hoặc cá, chồng
ba cái nồi lên nhau. Khoảng nửa tháng là tới phiên trực, trúng hôm nào trực là
tụi bạn hắn tích cực lắm, xuống nhà ăn sớm, xăng xái làm việc. Thiệt ra tụi hắn
chơi ba nhe, bới cơm cho lớp của mình là tụi nó bỏ mớ cá kho xuống dưới đít nồi,
đè cơm lên trên, cơm nén xuống cho chặt. Lớp khác cứ bới bình thường, xét cần
thì xới lên cho nó tơi xốp nhìn vô thấy đầy nồi mâm 6, có ai kiểm tra đâu. Lớp
nào tới phiên trực cũng dở trò mèo đó nên huề cả làng.
Ngoài trực cơm
còn phải đi trực đêm nữa, trường quá rộng, ông Hào xin-cò-que làm bảo vệ canh không xuể, nên trường huy động
sinh viên “phát huy tinh thần làm chủ tập thể XHCN”. Khi chia ca trực, ưu tiên
bọn con gái trực ca đầu từ 8g tới 10g tối, con trai trực từ đó tới 5g sáng, gồm
nhiều trạm, trạm nhà kho, trạm chuồng heo, trạm văn phòng, hội trường, thư viện,
nhờ đi trực đêm, lần đầu tiên hắn biết heo nái cũng ho sù sụ như người lớn.
Đêm nào đi trực
là bọn con trai không chịu ngồi tại trạm, cứ hút thuốc nói chuyện tầm phào, đi tuần
loanh quanh, chờ tới 2, 3 giờ đêm là “ngựa bịt vó người ngậm tăm”, lẳng lặng mò
qua dãy nữ sinh viên Toán Lý, rình coi tụi hắn ngủ. Trời nóng, không có quạt
máy, hai đứa một giường cá nhân, nóng quá chịu không nổi, một số đứa chỉ mặc nội
y ngủ cho mát, sự tình chỉ có vậy thôi,
chừ nghĩ lại thấy trò này “mất dạy một cách hồn nhiên vô tội”.
Ở nội trú có mấy
chiêu “cải thiện đời sống” rất tội lỗi, như mượn gàu bọn con gái ra giếng tắm
giặt, giếng tập thể đường kính hơn 2 mét rất sâu, tắm xong thả luôn gàu xuống
giếng, giả đò xin lỗi với lý do rứa khác. Lặp đi lặp lại chiêu đó cả dãy 4,5
phòng, khi đã nhấn chìm khoảng 5 cái gàu rồi, lựa một đêm tối trời, mang theo sợi
dây thừng (vì giếng quá rộng không thể leo bằng cách đạp chân hai bên thành giếng
được), cử một thằng lặn xuống vớt hết gàu kéo lên trước, kéo người lên sau. Số
gàu đó cả bọn đem lên Hòa Khánh bán rẻ lấy tiền ăn uống, bán gàu khuyến mãi
luôn sợi dây gàu.
Một chiêu nữa là
ra nhà dân xin bóng đèn tròn đã bị cháy đem về để dành một đống, giấu kỹ dưới gầm
giường. Hệ thống đèn chiếu sáng bảo vệ ban đêm có hơn 20 bóng rải khắp quanh
hàng rào trường, hôm nào tối trời thuận lợi, đồn đồn (đứng lên vai người khác) leo
lên gỡ bóng đèn mới, bắt bóng bị cháy vào, đem lên Hòa Khánh tiêu thụ. Hôm sau
bảo vệ đi tuần thấy cả mớ bóng bị cháy sẽ thay bóng mới, cứ rứa chơi đều đều,
chẳng ai nghi ngờ.
“Sửa tivi” cũng
là chiêu cải thiện rất hiệu quả, nhưng phải đi xa 3,4 cây số. Khu dân cư Đà Sơn
nằm phía sau Trường Sư phạm là vùng bán sơn địa nên nhà cửa rải rác thưa thớt,
theo tập tục nhà nào cũng có cái khóm thờ trước sân, ngày rằm hay mồng một luôn
có nải chuối thờ trên đó. Thế là “đám âm hồn sống” canh me mồng 2 âl hay 16 âl chuối
chín, âm thầm kéo nhau đi “sửa tivi”, là đi ăn cắp đồ cúng trên cái khóm thờ. Quy
định luân phiên nhau vào “sửa tivi” cho nên có thằng nhát gan, lỡ tham gia ăn mấy
lần trước rồi, chừ phải bò vào tự lấy, anh em đứng ngoài cảnh giới, thấy nó run
run cúi đầu lạy một tay, tay kia lập cập bợ nải chuối, muốn cười mà không dám
cười, sợ lộ, nín chừng mô tức cười chừng nấy.
Đó là “sửa tivi”
lén lút, còn “sửa tivi” công khai ban ngày ban mặt thì cả băng âm hồn canh đúng
rằm hoặc mồng một âl, xuống cầu Đa Cô ngồi chờ thời, bọn học sinh trường Trung
cấp Bưu điện cũng chầu chực gần đó. Xe lam chở mấy bà đi buôn dừng lại, mấy bà
leo xuống cầm lễ vật chuối bông vào thắp hương trong cái miếu nhỏ rất linh
thiêng ở đầu cầu. Lúc này phải nhanh chóng tiếp cận miếu, ngay khi xe chạy là
“hốt”, chậm chân bị hớt tay trên liền. Có lần bọn Bưu điện hốt trước, bị bọn Sư
phạm đông hơn đè xuống hốt lại, suýt đánh lộn, cứ phe nào đông hơn phe đó thắng.
Có những ngày trúng mánh, buổi chiều hốt được 5,6 nải chuối, đem về cho bọn con
gái, nói dối là tụi tau khuân vác thuê, được họ trả công, tụi nó ăn vui vẻ, mấy
bữa sau lộ ra, nó chửi um sùm.
Tối tối băng của
hắn hay trốn giờ tự học, lén đi uống café ở Hòa Khánh, ai nghe nhạc đàng hoàng
thì vô quán thầy Long, ai hút bu-đà nghe rock thì vô quán Tuấn Khờ…Tiền đâu mà
uống, bốn năm thằng kêu tượng trưng một ly đen, xin ấm nước, ngồi ké nghe nhạc
cả đêm, có lần bị chủ quán chửi khéo: “Ngồi nghe nhạc ké mà cái chưn còn bày đặt
nhịp nhịp, không biết xấu hổ”. Kinh khủng nhất là thằng H.L.Sơn, nó canh me khi
mấy bàn kia kêu tính tiền, buộc chủ quán phải ra ngoài, đúng lúc đó nó giả đi vệ
sinh, nhanh chóng lẻn vào khu chế biến hốt một mớ phin lận trong áo, sau đó rời
khỏi quán café, đem đồ ăn cắp đổi mấy tô lòng chưng ở quán gần đó, đãi anh em
ăn uống nói cười hỉ hả, nghiệp chướng nghiệp chướng.
Đời sinh viên sống
trong ký túc xá phải chịu sự quản lý của Ban nội trú, họ đặt ra những quy định
bắt buộc mọi người tuân theo, không cần biết hoàn cảnh, ý thích, tính tình, tâm
tư nguyện vọng của cá nhân nào hết, tất cả phải răm rắp thi hành, vi phạm nhân
quyền-sinh viên một cách trắng trợn. Hồi đó đứa nào cũng phản đối, cũng bất
mãn, nhưng bây giờ già rồi ngẫm lại mới thấy những nội quy đó hoàn toàn có ích
cho cả một đời người, nó rèn luyện cho con người những thói quen tốt. Ví dụ sơ
sơ như thế này:
1/ Buổi sáng phải
dậy sớm tập thể dục, hắn duy trì thói quen này suốt hơn 40 năm qua, rất tốt cho
sức khỏe. Hồi đó, khoa này thi đua với khoa khác, hơn thua nhau thể hiện ở số lượng
sinh viên có mặt ngoài sân tập, rứa là ông thầy Du răng hô, Bí thư chi đoàn
khoa Sử Địa, sáng sớm nào cũng mò vào phòng kêu dậy, lôi chân mấy đứa ngủ nướng,
miễn sao số lượng nhiều nhất là được. Hồi đó ngủ giường tầng, mấy thằng ngủ tầng
trên chơi xấu, nằm rình chờ thầy kéo chân là nó đạp thẳng vô mặt, miệng giả đò
ú ớ “Đ. mẹ để yên tau ngủ nghe Hùng”. Ổng tên Du, nó nói tên Hùng để đánh lạc
hướng, khỏi bị ổng nghi ngờ. Thầy ăn mấy đạp là sợ liền, không dám vô kéo chân
nữa, đúng là đồ sinh viên sư phạm mà “mất dạy có tổ chức”.
2/ Buổi tối phải
tự giác ngồi vào bàn học, ở ký túc xá quy định 8 giờ tối tất cả sinh viên phải
ngồi vào bàn tự học, điểm danh ghi sổ rõ ràng. Hầu như anh em sinh viên các huyện
dân quê đều thực hiện tốt quy định này. Băng của hắn hay trốn đi Hòa Khánh chơi
bời, không tuân thủ giờ giấc tự học, nhiều lần về trễ, phải leo rào, bị ông bảo
vệ đuổi chạy. Sau này hắn nhận ra muốn giỏi phải tự học, phải học trước, tự tìm
hiểu kiến thức trước, không chờ thầy cô cung cấp, giờ trên lớp là để hỏi lại những
gì mình chưa hiểu, chưa nắm bắt. Hắn đem điều này dạy cho bọn trẻ, đứa nào biết
nghe lời đứa đó thành công. Sau này hắn có học lớp Trung cấp Tin học, vẫn áp dụng
cách tự học đó, câu nói “Giáo dục chân chính là tự giáo dục” rất đúng.
3/ Sống ngăn nắp,
gọn gàng. Thầy Trang dạy chính trị giảng rất kỹ là khi phơi cái khăn trên móc hay
trên dây, phải kéo chỉnh cho hai mí khăn bằng nhau, không để cao thấp so le.
Đôi giày đôi dép, bỏ ra phải để ngay ngắn, không vứt bừa ra đó. Sáng ngủ dậy phải
xếp mùng mền chiếu gối cho đàng hoàng, không được gùi một đống. Đồ đạc cái gì để
ở đâu, dùng xong để lại đúng y chỗ của nó, khỏi mất thời gian tìm kiếm…Đến bây
giờ hắn vẫn áp dụng lời đó.
4/ Chi tiêu phải
có kế hoạch, không để xảy ra tình trạng nợ nần trong sinh viên với nhau. Quy định
này đúng hoàn toàn, không bàn cãi gì ở đây, hắn chỉ xin bổ sung mấy câu kinh điển
là: “Tiền bạc phân minh, bè bạn tốt”, hoặc “Cố sống sao cho đừng mắc nợ ai hết,
cũng đừng để ai mắc nợ mình”, sau này hắn biết thêm câu “Cái gì mua được bằng
tiền thì đều là rẻ cả”, cha nội trùm giang hồ Năm Cam còn dạy hắn thêm câu này
“Cái gì không mua được bằng tiền, thì sẽ mua được bằng…rất nhiều tiền”, đúng
chóc luôn chú Năm ơi.
5/ Một khi lỡ vi
phạm điều gì đó trong xã hội này, bạn không thể đấu tranh đòi công bằng.
Hồi đó khoa Sử-Địa
6 ở chung phòng, đám Hội An học lớp Địa 6 có mấy tay đàn cực hay, vẽ cực đẹp,
trong khi lớp Sử 6 hầu như toàn là con nhà cách mạng chỉ biết học hành ngoan
ngoãn. Có một thằng ở Thăng Bình, đâu có ai biết nó là con liệt sĩ, nó hay bị
anh em chọc ghẹo vì cách sống vị kỷ. Nó có một bao to khoai chà giấu kín trong
rương đầu giường, khoai chà là đặc sản quê nó, người ta nấu khoai lang, khi
chín rồi để nguội, chà xát củ khoai qua cái rổ, hứng bột khoai lổn ngổn đó đem
phơi khô, để dành ăn dần.
Anh em đói triền
miên mà nó thì dư dả lương thực dự trữ, cứ đêm đêm sau giờ tự học, canh me
thiên hạ ngủ rồi là nó sè sẹ mở rương, lôi bao khoai chà ra nhai, nó có kỹ thuật
nhai không gây tiếng động, đó là ngậm khoai trong miệng đến khi nước miếng tiết
ra, dùng cái lưỡi trộn đều làm ngấm mềm khoai đi, lúc đó mới bắt đầu nhai. Đêm
đêm nó âm thầm nhai trệu trạo rồi khoái trá nuốt nắm khoai, còn anh em đói quá
trằn trọc khó ngủ thì nuốt nước miếng khan, họ nghe hết biết hết, mà xin nó
cương quyết không cho, một muỗng cũng không.
Phải làm cách mạng
thôi, chớ tình cảnh trêu ngươi đó kéo dài ai chịu nổi. Anh em chờ cơ hội, một
hôm cả lớp đang học ngon lành, đám âm hồn trốn giờ chót buổi chiều, chạy về
phòng nội trú, mở khóa không được, lật phía sau rương đục bản lề, dở ra nhìn mới
thấy tài sản khủng của nó. Trong khi anh em đánh răng bằng bột kem trong bao
nylon nhà nước bán, mỗi lần dùng phải nhúng ướt cái bót đánh răng, thọc vô bao
ngoáy bót cho dính bột kem, thì nó có nguyên cả tuýp kem đầy. Vài cái hũ nhỏ đựng
ớt bột, mắm ruốc, muối hầm…nằm chen chúc bên bao khoai chà tổ bố, thiên đường
là đây chớ tìm đâu xa.
Cả đám bu vô xúc,
ăn lấy ăn để, ăn căm thù, khoai chà phơi khô cứng ngắc, nhai chưa nát đã trợn mắt
lên nuốt vội nuốt vàng, nuốt trầy cổ. Ăn đã đời rồi cả đám quyết định trừng phạt
nó bằng cách hốt một đống cát trộn vào bao khoai chà, sắp xếp lại hiện trường
trong rương như cũ, quét sạch nền nhà, phi tang sạch sẽ. Sau đó từng thằng một
lẻn lên giảng đường, lủi vô lớp ngồi học chăm chú và dễ thương hơn mọi ngày.
Tối đó như thường
lệ, sau giờ tự học, lên giường tắt đèn đi ngủ, cả đám nín thở chờ màn kịch diễn
ra. Vài tiếng thằn lằn tắc lưỡi, rồi có tiếng mở khóa khe khẽ, tiếng dở nắp
rương dịu dàng, tiếng cái muỗng háo hức thọc vào va chạm với bột khoai khô, tiếng
thở đều đều nhè nhẹ, tiếng nhai lạo xạo lén lút đầy nhục cảm, bỗng nghe cái “rột”,
có tiếng phun mạnh ra cửa sổ kèm theo một tiếng “Mẹ nó”, tiếp đó là tiếng muỗng
xúc mạnh mẽ dứt khoát, tiếng nhai công khai, một phát “rột” nữa, phun, “Mẹ nó”,
xúc, nhai, “rột”, phun, “Mẹ nó”.
Sau ba lần “xúc,
nhai, rột, phun, Mẹ nó”, cả đám cười rinh rích, rồi cười hí hí, rồi cười xòa
không giữ kẽ nữa. Đương sự hiểu ra mọi chuyện, giận dữ nhảy tới bật đèn sáng
trưng, hùng hùng hổ hổ đi dọc theo dãy giường tầng, đập tay lên bàn rầm rầm, quát
lớn: “Đ. mẹ thằng mô chơi tau, ngon bước ra đây”, lúc này ai cũng nằm im re
trong mùng, mà cả dãy mùng cứ rung lên vì thằng nào cũng cười, mà sợ nó đánh
nên phải cười nín tiếng lại, càng nín càng rung người, rung giường và tất nhiên
là rung mùng.
Nó đứng giữa
phòng rao giảng: “Đ. mẹ bây đói bây xin tau cho, đừng làm cái thói chó nớ, đ. mẹ
tau mà bắt được, tau thổ cho mửa khoai chà ra, bây tin là tau trộn khoai với
máu không?”. Nước da nó đen sẵn, hai con mắt vằn đỏ, gân cổ nổi lên, tay thu
thành nắm đấm, tội nghiệp cái bàn học bị nó dộng không thương tiếc. Nhìn cảnh
đó ai mà dám ra mặt, cứ nằm im chịu trận, nó xót của nó chửi đúng rồi, để yên
nó chửi xong nó dịu xuống, ai cũng nghĩ như vậy. Không ngờ nó thấy anh em lép vế,
nó tưởng nó ngon, nó làm tới, nó chửi suốt cả tiếng đồng hồ, không cho ai ngủ.
Đến nước này mấy
tay to con bên Địa 6 mới lên tiếng: “Ê thằng kia, Địa 6 bọn tau không tham gia
ăn nghe, mà nửa đêm mi chửi luôn cả phòng, ồn quá. Chừ mi im cái mỏ không? Tau
nghe mi nói một tiếng nữa là mi tin tau trộn khoai với máu không?”, chiêu này của
Mộ Dung Phục trong Thiên Long Bát Bộ. Nó nghe vậy im luôn, mà còn ức trong người
nên lầm bầm một lúc mới chịu im hẳn.
Sau vụ đó anh em
tiếp tục chọc ghẹo nó không tha, đễn nỗi nó bị stress, nó báo với Văn phòng
khoa, thầy Du- Bí thư chi đoàn khoa Sử Địa tóm gọn cả đám, “chụp mũ” rằng nó là
con liệt sĩ mà bọn mày không tôn trọng liệt sĩ mới chọc ghẹo nó, con của liệt
sĩ phải được trân trọng hàng đầu, vậy bọn mày đã coi thường những anh hùng đã
ngả xuống cho tổ quốc. Kết luận: thi hành án kỷ luật cảnh cáo, ghi học bạ,
không cho đi thực tập sư phạm. Hắn và thằng bạn nữa không cãi được một câu, thầy
không cho ai được phép nói lời bào chữa.
Chưa bao giờ hắn
khinh bỉ ông thầy Du đến thế, và hắn nhận ra trong xã hội này, kẻ nắm quyền luôn đúng, đừng mơ đòi công bằng. Năm
cuối mà không được đi thực tập đồng nghĩa ở lại lớp, hắn đứng ngồi không yên.
Sau tết, sinh viên các lớp lục tục kéo nhau về các trường phổ thông theo phân
công, hắn bí thế hoàn toàn. Bỗng nhiên thằng bạn dân Thăng Bình cùng chịu án
như hắn, bất ngờ xuất hiện trước nhà, tay xách nách mang lỉnh kỉnh đủ thứ. Hai
thằng ngồi lại bàn bạc, tính cách xin thầy cho đi thực tập, thằng bạn nói chắc
như đinh đóng cột: “Mi đừng lo, tau đem phần của mi luôn rồi, tau tính hết rồi,
chắc ăn luôn, mi chỉ cần đi với tau, lấy xe đạp ra chở lên trường mau”. Miệng
nói tay dở hàng ra khoe, thằng bạn đem theo hai ổ bánh tổ, hai đòn bánh tét,
hai gói mức dừa, hai gói bánh in bột nếp, một gói trà, thằng bạn tuyên bố nếu
thua keo này nó bỏ học.
Hai đứa chở nhau
cùng các thứ quà quê lên Hòa Khánh, mò vào nhà thầy Du, hôm đó là mồng 5 tết.
Thầy ra tiếp, thằng bạn nhanh miệng trình bày: “Dạ thưa thầy, bữa ni vẫn còn
Xuân, mẹ hai đứa em biểu đem lên biếu thầy ít quà tết, mời thầy với cô ăn cho
vui. Dạ quà quê tự tay mẹ em làm, không phải đi mua ngoài chợ đâu, thầy đừng ngại!”.
Thầy đâu có ngại ngùng gì, thầy cười
tươi nói: “Cám ơn nghe”, xong thầy đem mớ bánh mứt cất vô tủ sau bếp, thằng bạn
đá đá chân hắn, đưa ngón tay cái ra hiệu number one.
Khi thầy quay ra
ngồi, thằng bạn tiếp tục thuyết khách dẻo như Tô Tần, mềm như Trương Nghi: “Dạ
thưa thầy, chuyện cũ bọn em có lỗi, bọn em biết lỗi rồi, tết vừa rồi bọn em đâu
có ăn tết, cứ đứng lên ngồi xuống, ra vào không yên, trông cho tới bữa ni lên gặp
thầy, xin thầy bỏ qua”. Ông thầy hắng giọng, ngồi thẳng lưng lên, làm mặt
nghiêm, nhả từng tiếng: “Không nhắc lại chuyện cũ trong năm mới, thôi, cho hai
cậu đi thực tập đó, tôi sẽ căn cứ vào kết quả thực tập để quyết định có cho lưu ban hay không, về đi!
”. Ối giời ơi, cám ơn mẹc-xì bú-cu-đờ rối rít, quày quả ra về, ghé quán cà phê
trước trường, hai thằng ngồi tâm sự.
Thằng bạn nói:
“Mi thấy chưa, tau biết chắc thắng mà, chi chớ đút quà vô tận nhà, mà thầy
không nỡ từ chối làm răng thất bại được”, hắn cười khà khà rồi múa lưỡi tiếp:
“Hồi nãy tau nói đứng lên ngồi xuống, ra vào không yên là nói chuyện chi biết
không, là cảnh tau đánh bạc tết ni đó, ẵm được mấy chục, vừa đủ tiền mua mấy thứ
nớ, chợ Hà Lam bán đầy, không thiếu thứ chi”. Thấy hắn im re nãy chừ, thằng bạn
nói nhỏ: “Bạn bè với nhau đừng ngại, tau biết mi đi tay không nên mi khó xử chớ
chi, quan trọng là “khí” Du cho mình thực tập, rứa thôi. Mi chở tau xuống Ngã
Ba Huế đón xe về, hẹn ba tháng nữa gặp lại, thực tập loại trung bình cũng được,
“khí” Du hù mình đó”.
Hắn ngẫm nghĩ, lắc
đầu chán ngán, khi ông thầy “chụp mũ” hắn cái tội dám đụng tới con liệt sĩ, hắn
thấy khinh ổng, chừ ổng nhận quà, thay đổi thái độ, cho đi thực tập, hắn lại thấy
buồn cho ổng. Oh, C’est la vie.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét