31/8/23

2.898. MANG MANG MỘT BẾN BỜ CHƠI VƠI BUỒN

        Mộc Nhân

Bài đăng trên Tạp chí Đất Quảng số 228 - tháng 9/2023
để tiễn biệt bạn thơ Trần Anh Dũng

  Trong những ngày lâm bạo bệnh, Trần Anh Dũng đã bình thản thu xếp bản thảo Vườn ký ức, tôi hiểu là anh đã thôi thúc về câu trích của nhà văn người Mỹ, R. Tolkien mà tôi có dịp chia sẻ: “Tất cả những gì chúng ta cần quyết định là phải làm gì đó với thời gian được trao cho mình" (All we have to decide is what to do with the time that is given us)

  Vậy là tập thơ Vườn ký ức ra đời. Anh vui khi nhìn đứa con tinh thần thứ hai của mình ra đời; những người bạn văn nghệ vui cùng anh bởi ít nhiều họ cũng đã “tham dự vào trái tim huyền diệu” của anh. Và trong niềm vui ấy, mọi người hiệp tâm cho một hy vọng, dẫu cái ngày “Hồn xao xác giữa tiêu điều nắng thu” (Hồng hoang) đã là một dự cảm.

***

  Khi chúng ta đến viếng anh, đăng những kỷ niệm, trích dẫn thơ, kể những câu chuyện về anh… thì chúng ta hiểu rằng cái chết kết thúc một cõi người, không hề kết thúc một cõi tình – đó là cõi của tình bạn, tình người, tình yêu từ những con chữ của nhau… Hay nói theo Cicero: “Cuộc sống của người chết được đặt trong ký ức của người sống” (The life of the dead is placed in the memory of the living).

  Thơ Trần Anh Dũng bồng bềnh giọng điệu buồn, chữ nghĩa trau chuốt, dụng công. Thấp thoáng trong bài thơ là những câu chuyện và tôi hiểu anh đã sống với những kỷ niệm đẹp chứ không phải với giấc mơ không thành.

  Phân tâm học có khái niệm “Cảm thức Angoisse/ Anxiété/ Anxiety” để nói về trạng thái trong sâu thẳm tâm hồn con người luôn có nỗi xao xuyến, âu lo, bất an, một khoảng trống để mơ màng, hoài mong hay tránh né. Có thể đó là điều mà mỗi con người đối mặt trong vô thức hoặc hữu thức. Dường như tôi đọc được điều này trong thơ Trần Anh Dũng: “Sẽ có một ngày ta nói lời chia tay/ Trong mắt lệ hát bài ca tiễn biệt/ Em sẽ khóc mái tóc sầu đẫm ướt/ Anh sẽ buồn li rượu trắng năm canh (Gió đưa cây cải về trời) hoặc: “Có một quãng đời mong manh mong manh/ Có một mùa hè ra đi/ một mùa hè ở lại...” (Thương về Quế Phước). Những câu thơ như thế khá nhiều, tôi nghĩ đó là những trạng thái, dự cảm mà anh muốn để lại giữa những dòng chữ của mình.

  Ngay cả trong “Cảm thức Angoisse”, cũng có sự xung đột với những hình thái tâm lý khác nhau, Trần Anh Dũng vẫn miết mải một dòng chảy mềm mại. Nó khỏa lấp trong những bài thơ anh viết cho những gì đã đi qua hay gắn bó: “Ta ngồi đếm sóng sông trôi/ Mang mang một bến bờ chơi vơi buồn” (Mưa nghiêng mái phố).

  ***

  Thơ anh đậm đặc những dấu ấn thời gian. Trong Vườn ký ức chúng ta không khó để nhận ra điều đó. Nó làm động lòng bất kỳ ai có hoài niệm. Mà với con người thì mọi hoài niệm đều xoay quanh các trục thời gian với các ký ức về tình yêu, quê hương, gia đình, bạn bè… Thi sĩ đích thực thì không thể lãng quên điều ấy; ngược lại, nó là nguồn cảm hứng để anh sáng tạo trong những đối thoại.

   Dường như cái ký ức ấy đau đáu, cuộn trào trong anh nên đôi khi ngay trong một bài thơ, Trần Anh Dũng đã gọi nó bằng nhiều tên gắn với thời gian là cõi vô cùng, cõi sa mù, cõi xưa xanh… Tôi nghĩ, nơi cõi ấy, xúc cảm hoá thân thành hoài niệm trong những câu thơ da diết, nuối tiếc và đẹp đẽ: “Ta đi vào cõi vô cùng/ Ngắm trăng hoa nở một vùng phiêu diêu/ Dừng chân cuối dải ráng chiều/ Hồn xao xác giữa tiêu điều nắng thu/ Ta đi vào cõi xưa xanh/ Đọc thư tịch cổ biết mình hư vô/ Thế nhân xa bến xa bờ/ Trăm năm xếp một cuộc cờ chưa xong” (Hồng hoang).

   Trong dòng hoài niệm ấy, anh trải nghiệm sự mong manh, hư ảo của cõi người như gió thoảng. Dẫu bất cập với cõi sống nhưng anh vẫn gói gắm mọi thứ thành một ký ức trong những câu thơ quyết liệt và tỉnh táo: “Viên sỏi nào bên lối xưa u mê/ Nhớ bàn chân ngái mùi hoa ngũ sắc/ Dáng xưa cũ tóc buồn hong khói nhạt/ Nắng quên đi và gió cũng quên về” (Vườn ký ức).

***

   Thời gian là phương thức tồn tại của vật chất, của thế giới và mỗi cá nhân. Trong đó có cả tư duy, cảm xúc, sinh diệt, những thể nghiệm chủ quan và sự diễn giải của ý thức gắn với quá khứ, hiện tại và tương lai. Trần Anh Dũng khá thành công khi khai thác các khía cạnh của những cuộc đối thoại trong dòng thời gian từ quá khứ “Con đường qua ngõ nhà em/ Bước chân cứ lạc lối quen lạ kỳ/ Tuổi phai giờ hết xuân thì/ Rụt rè chưa dám/ một lời yêu em” (Sa); đến hiện tại “Ta đi theo mãi loài hoa thắm/ Chiều xuống lâu rồi em có hay” (Quỳ vàng tôi ơi).

   Mọi trạng thái thời gian và những cảm thức dường như cư trú trên lằn ranh giữa mơ và thực, quá khứ và hiện tại; chúng lấp lửng ở đường biên nhị nguyên để người đọc nhận ra những khoảng cách mà anh đang trải nghiệm hay chinh phục: “Những đêm xa ta mơ một con thuyền/ Buông tay chèo hồi hộp đợi trăng lên/ Em mềm mại mơ hồ như bóng nước/ Lòng ta hóa sóng từng đêm” (Quê hương là đây).

   Đối thoại và độc thoại từ thời gian trong thơ anh cuộn lên khát vọng yêu như một thiên tính của thi sĩ. Anh nhận ra “Buổi chiều hiền như cỏ dại/ Đợi nhau nóng cả chỗ ngồi”– niềm vui thời trai trẻ trong những cuộc hẹn hò, chờ đợi nôn nao cùng với gởi gắm: “Nhớ hái trên ngàn mây thắm/ Rau rừng đắp kín hồn tôi” (Rau rừng).

   Anh đi nhiều, lưu dấu trong trang viết qua những địa danh, ghi lại các chỉ dấu văn hóa vùng miền suốt từ Bắc chí Nam, nhưng sâu đậm nhất vẫn là những bài thơ mà anh gởi lòng mình vào miền quê xứ Quảng: Tam Kỳ, Tiên Phước, Phú Ninh... Nó chất chứa nhiều chi tiết đời thường quen thuộc của quê hương, con người, cảnh vật như: hoa mộc miên, đàn sáo sậu, nắng sớm, sương chiều sơn cước… mà mênh mang nỗi lòng nhân vật trữ tình: “Em dắt tôi lên thăm vườn địa đàng/ Chiều mang mang Tam Lãnh/ Tôi treo ưu phiền lại trên bến vắng/ Chòng chành/ theo sóng/ Phú Ninh xanh”. Hòa trong những lưu dấu ấy là nhiều câu chuyện mang màu khói lửa thời chiến: “Phước Lợi một thời đạn bom khốc liệt/ Tấm vải dù/ rách toạc/ mảnh claymore/ Em vấn vít tôi ngàn mây An Lâu/ Mái hiên nhà ai vương khói núi” khiến người bất chợt “quên hết đường về” (Ai lên Tam Lãnh).

   Những bài thơ lục bát trong Vườn ký ức như là những tự sự về quê xứ, cha mẹ, cuộc đời, bè bạn, tình yêu trong sáng, mộng mơ mà anh đã đi qua; được anh ghi lại với một tâm hồn trong trẻo tha thiết yêu thương. Nhưng không chỉ có vậy, tôi nhận ra nhu cầu làm mới lục bát ở anh - cả bên ngoài và bên trong thể thơ. Tôi nghĩ đó là trải nghiệm từ kinh nghiệm khi anh đọc/ viết các thể thơ khác cho đến cả cách thể cấu trúc hình thức… Ngay việc anh đưa khá nhiều bài lục bát vào tập thơ mới cũng cho thấy nỗ lực, sự không ngần ngại tạo ra những cái mới từ nền tảng cũ: “Em về bỏ phố vắng tênh/ Trái tim độ lượng chợt mênh mông buồn/ Con đường chiều lá mưa tuôn/ Nghe sương khói phủ trong hồn cô liêu/ Em về vạt nắng xiêu xiêu/ Bước chân cỏ nội cuốn theo bóng tà/ Lạc loài giữa kiếp phù hoa/ Bến bờ nhân thế chợt xa lạ dần” (Mưa nghiêng mái phố)

   Tôi thích nhiều câu - đoạn trong chùm Lục bát rớt dòng bởi nó có khả năng gợi ra những cảm xúc mới: “Mở ra/ Sương khói giăng đầy/ Nửa trăng lạc lõng/ Nửa mây chập chờn/ Hỏi người/ Giữa cuộc cô đơn/ Môi thâm tím/ Liệu biết còn cười vui/ Khóc ta/ Tự thuở làm người/ Như trăng như gió/ Rã rời/ Bão giông/ Soi vào trời đất mênh mông/ Thấy ta lặng lẽ như không/… hiện hình” (Lục bát rớt dòng). Những thay đổi trong thơ lục bát ở anh không chỉ là về từ ngữ, phép tu từ, sự nắn nót câu chữ, dấu câu, ngắt dòng, vạch nhịp… mà sự thay đổi có trong ý tưởng, hình ảnh, cảm xúc như một phần của sự vận động liên tục của thời gian sự kiện qua ngôn ngữ thơ ca ở anh. Thơ Trần Anh Dũng dễ đọc, dễ cảm, không ồn ào, không trang điểm nhưng có lực đẩy của ngọn gió, mở ra cánh cửa giấu kín, những khoảng trời, nỗi niềm và cũng có khi chỉ là một ảo ảnh không thể thiếu vắng trong đời sống. Song để đi đến cái lẽ tận cùng của tứ thơ thì thường không dễ, bởi nó là cõi lòng thi sĩ, đôi khi chúng ta không hiểu hết những câu chuyện đằng sau những bài thơ ấy: “Đêm Tam Kỳ sẽ buồn một màu trăng/ Khi chiều xuống, cơn gió đồng đến vội” (Cho em)

   Do tính trải nghiệm của mỗi cá nhân từ đời sống và ngôn ngữ thơ nên người đọc này không như người đọc kia. Việc diễn đạt trải nghiệm thơ cũng chỉ từ lăng kính cá nhân với sai số nhất định, tuy nhiên từ những khoảnh khắc ấy chúng ta nhận ra tri âm. Anh vừa dẫn bạn đọc cùng đi trên con đường thơ ca quen thuộc nhưng lại có những đoạn mới mẻ của riêng mình như sự khám phá cùng với nhu cầu chia sẻ: “Tiên bồng một cõi Hương Giang/ Liêu trai một cõi đi hoang đất trời/ Trúc nghiêng nghiêng đến rã người/ Sóng xô xô đến rối bời mặt sông/ Chùa xa lạc tiếng chuông ngân/ Em còn soi ngọc giữa dòng Hương Giang” (Tắm trăng)Tôi nghĩ thơ nói chung và Vườn ký ức nói riêng giúp mỗi người đi đến các giới hạn của đời sống. Nó di chuyển giữa mơ ước và ký ức, giữa điều bí ẩn và cái muốn giãi bày trong chữ nghĩa giản dị mà lung linh. Và đồng thời mỗi bài thơ là một bản khắc của đời sống vào ký ức cá nhân nhưng thực sự tác giả chưa bao giờ nói hết những gì cần phải nói, huống chi bạn đọc. Tôi chợt nhớ đến câu trích của nghệ sĩ người Mỹ, Patrick Rothfuss: “Ngôn từ là cái bóng của những cái tên bị lãng quên. Nhưng đó là cái tên có sức mạnh trong những ngôn từ ám ảnh. Nó có thể thắp lên ngọn lửa trong tâm trí và có thể lấy đi những giọt nước mắt từ những trái tim sắt đá nhất”.

Giờ đây, Trần Anh Dũng đã đi xa nhưng bao mảnh ghép đời sống cá nhân và những câu chuyện thơ đẹp anh đã gởi lại trong Vườn ký ức của mình. Anh đã nằm trong đất nâu mềm mại, với những ngọn cỏ đung đưa và linh hồn lắng nghe thanh âm của tĩnh lặng. Còn chúng ta: “Mang mang một bến bờ chơi vơi buồn” - bởi thật khó để quên đi cái khoảng trống mất mát một người bạn thơ thân thiết.

M.N.

Không có nhận xét nào: