23/2/24

3.064. TÌNH YÊU TỪ ĐỈNH VỰC

   Huệ Thi – tên thật Nguyễn Thị Huệ, sinh năm 1982, quê quán Đại Lộc, Quảng Nam. Nghề nghiệp kỹ sư, hội viên Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ; đã xuất bản 8 tập thơ: "Khát khao" (thơ, Nxb Hội Nhà văn 2015), "Bóng quê" (thơ, Nxb Hội Nhà văn 2015), "Đi về phía mặt trời" (thơ, Nxb Hội Nhà văn 2016), "Đa đoan" (thơ, Nxb Hội Nhà văn 2017), "Ngược dòng" (thơ, Nxb Hội Nhà văn 2018), "Tơ trời" (thơ, Nxb Hội Nhà văn 2019), "Thăng hoa" (thơ, Nxb Hội Nhà văn 2020), "Đỉnh vực" (thơ, Nxb Hội Nhà văn 2022), "Sợi yêu" (thơ, Nxb Hội Nhà văn 2023) và nhiều tập thơ in chung khác.


***

Huệ Thi, người con gái xứ Quảng, trưởng thành và lập nghiệp tại Cần Thơ khá sớm. Khởi nghiệp từ một kỹ sư, làm việc trong ngành thủy sản, dù có nhiều cơ hội để thăng tiến nhưng sau một thời gian làm việc, chị đã lựa chọn một ngã rẽ đời sống và dành nỗ lực quý báu nhất cho những gì mình yêu thích. Chị làm nhiều công việc nhưng có lẽ thơ là yếu tính ở Huệ Thi. Dường như nó trú ngụ trong tâm hồn khiến mọi hoạt động kinh doanh của chị đều có bóng dáng thơ ca.

Những tố chất căn cốt của người Quảng Nam và sự phóng khoáng của người Nam Bộ đã pha trộn trong hành trình sống đã làm nên cá tính, ứng xử và đời sống tâm hồn ở chị. Cá tính đó là gì: vui nhộn, thích tranh biện, chân thành, bộc trực; đời sống tâm hồn của chị ngoài tình yêu với hàm nghĩa rộng còn là thơ ca và niềm say mê với thời trang – đó là hai công việc chính yếu, mặc dù không phải là tất cả. Và người ta biết đến chị nhiều nhờ hai điều đó. Ở chúng dường như có sự trái ngược giữa cá tính và nữ tính trong bản thể.

Thường thì các tác phẩm của nhà thơ nữ xuất hiện luôn gợi cho bạn đọc một thoáng thích thú lẫn tò mò. Điều đó dường như là cảm thức giới tính tự nhiên trong tâm lý tiếp nhận tác phẩm. Tuy nhiên trên phương diện phê bình, chúng bình đẳng với mọi tác phẩm khác về các vấn đề thi pháp, sáng tạo bởi chân dung tinh thần một nhà thơ hiện ra ở hệ thống thi ảnh, phong cách, tư tưởng… làm nên nét riêng khó nhầm lẫn.

Từ Khát khao (2015), Bóng quê (2016), Đa đoan (2017)… đến hai tập thơ gần đây nhất là Đỉnh vực (2022) và Sợi yêu (2023) - chị vẫn trung thành với chọn lựa của mình trong hành trình viết: ý tình trong trẻo, hồn hậu, thể hiện cái tôi nữ tính và cá tính; câu thơ điềm đạm, giản dị, hướng nội, để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc. Số bài trong mỗi tập tương ứng với số tuổi của chị - tập mới nhất Sợi yêu (2023) có 42 bài được chị chắt lọc những gì muốn nói, muốn chuyển tải và ghi lại trong dòng cảm xúc, trưởng thành trong sáng tạo nghệ thuật.

***

Điều dễ nhận thấy trong thơ Huệ Thi là chất nữ tính được thể hiện qua giọng thơ thành thực, trữ tình, hướng nội khi chị đã trải qua nửa đời: “Đỉnh cao thăng hoa/ Vực sâu thất bại” nên giờ đây cái nhìn của chị chín chắn và đượm sắc suy tư: “Xin mù lòa giữa danh vọng/ Xin tỏ tường giữa đêm đông/ Xin giữ lại ân nồng/ Đôi tay tri kỷ” (Tôi đã thấy gì).

Hóa ra như bao nhiều phụ nữ khác, cái còn lại để nâng niu, yêu quý trong đời là tình yêu – với những khoảnh khắc nhớ nhung quay quắt: “Hơn lúc nào hết em cần một cái ôm/ Đêm giông gió dấu nhớ vào đâu cho ngoan giấc/ Thèm câu nói thổi ấm lời đường mật/ Áp vào môi tan cay đắng bụi trần”, hay tự tìm chỗ trú ngụ trong ngăn hồn để thấu hiểu niềm đau của mình: “Tự vỗ về/ Tự gối tay ức nghẹn/ Yêu một người là uống cạn niềm đau” (Uống cạn niềm đau).

Trong thơ Huệ Thi, ta bắt gặp một tình yêu trong chuỗi tự sự từ tuổi trẻ đến khi đã thấu hoặc. Tình cảm ấy gắn với gia đình, những người thân yêu và niềm vui cuộc sống được lấp đầy bởi những cảm thức mới mẻ. Nó không phải là những xúc cảm nồng nàn, lãng mạn mà ngay cả lúc ảo ảnh phôi pha, cách xa đau đáu vẫn bàng bạc niềm yêu: “Còn bao lần em hỡi/ Khóc cho đời tan đau/ Khóc cho cạn chén sầu/ Khóc thương lời mây khói” (Tình yêu là ảo ảnh)Tuy nhiên, ở đây, điều chúng ta cần thấy được đó là tiếng khóc tự nhiên thuộc thiên tính nữ. Đằng sau nó là sự mạnh mẽ của một con người bản lĩnh hiểu được đỉnh vực kiếp người: “Chúng mình đi trong đỉnh vực kiếp người/ Buồn vui nào hết/ Em sẽ kể anh nghe về đôi chân chưa từng mỏi mệt/ Về khối óc chẳng biết buông xuôi” (Đỉnh vực).

***

Tập thơ chị lấy tựa "Đỉnh vực" đã nói lên tất cả. Đó là hai trạng thái mà chị diễn đạt là “Chúng mình đã đi trên niềm vui chiến thắng/ Chúng mình ngã gục giữa bể khổ trầm luân” (Đỉnh vực). Sau những thành công hay gục ngã giữa bể đời, bể tình nghiệt ngã, tưởng như “chạm vào đâu cũng nhói”, thơ của chị giờ đây mang theo vài triết luận giản dị từ đời sống, giàu yêu thương, tạo chiều sâu suy lý để ngẫm ngợi và chia sẻ cùng bạn đọc: “Mưa chiều tắt nắng qua vai/ Gánh cong/ Cong hỏi đầu thai kiếp nào/ Xin đừng má thắm môi đào/ Nát tan cũng nhịp thả vào mù khơi” (Hoa đời một kiếp xin thôi).

Chữ tình trong thơ Huệ Thi có nhớ nhung, giận hờn, mâu thuẫn cùng những khó khăn trong cuộc đời đầy biến động nhưng trên hết là âm hưởng của một tình yêu trong trẻo, hồn hậu. 

Rải rác trong thơ chị, chúng ta bắt gặp những câu thơ khắc khoải như “Sao mình lại trót thương nhau” (Trót thương), “Mình đâu trẻ để hỏi câu sai trái” (Nhớ), “Có phải chúng mình vô cảm những khen chê” (Chúng mình có hẹn ngày sau), “Sao chẳng đủ trượng phu để sẻ chia bớt phần đau khổ” (Mình lặng lẽ thương nhau), “Có thương em mãi tháng ngày chông chênh” (Anh thương được bao lâu)… Phải chăng đó là những tự vấn thể hiện sự trân quý, thấu hiểu, hóa giải để những nghịch dị, tương phản, mâu thuẫn đi đến hạnh phúc: “Bàn tay tìm tay bỗng lạnh/ Ngỡ thèm được siết thật lâu” (Chênh vênh).

Chúng ta nhận ra những thi ảnh quen thuộc như vườn nhà, dây trầu, hàng cau, ấm chè xanh, đàn gà, tiếng chim, khói bếp, triền đê, hoa cỏ… Chúng đan xen trong những bài tình. Còn trong những bài thơ về quê hương, gia đình, chúng xuất hiện khá nhiều, biểu lộ những xúc cảm của người thơ về quê xứ một cách thi vị, gợi cảm giác bình yên… “Ba mẹ ươm mật bằng những vần thơ/ Thấm từng lời ru/ Cánh cò cánh vạc/ Vẽ từng ngóc ngách quê hương qua ngàn câu hát/ Suối tóc con năm tháng đong đầy” (Viết cho ngày mẹ sinh con). Và hơn hết, nó là cảm thức ngổn ngang lối về của người con xa xứ: “Thì chúng mình trở về ôm mùi khói bếp/ Nơi đó có ấm chè xanh/ Có đàn gà ríu rít/ Có tiếng chim trở về sau giông bão bình yên” (Chúng mình có hẹn ngày sau).

***

Tôi nghĩ rằng văn chương đến từ một cõi mà không ai cố tình sản sinh, cố điều khiển, hay chế ngự. Do đặc thù đam mê của người nghệ sĩ kết hợp với công việc nhà thiết kế thời trang, lo toan của nhà kinh doanh nên chị đi nhiều, tiếp xúc nhiều – nhiều nhất vẫn là anh em văn nghệ và phụ nữ. Những điều đó có tác động với nhau, giúp chị cảm nhận được sâu sắc tâm hồn người phụ nữ, phát tiết những thi hứng thơ ca gần gũi và giàu cảm xúc làm thăng hoa hơn công việc của mình. Nói như nhà thơ Văn Công Hùng “Thơ ca đã làm cho các thiết kế của Huệ Thi bay bổng hơn, khác biệt hơn… thổi hồn nên các phác thảo”.

Tất cả trú ngụ trong cái màu tím nhận dạng thương hiệu, tín hiệu của tình và chữ để bạn đọc nhận ra căn tính của nhà thơ nữ xứ Quảng trong các trạng thái tương tác: đọc - nhìn - nghe - giao tiếp. Tôi nghĩ trạng thái nào cũng thú vị: “Em thêu áo tím sang sông với người” (Cõi đời hư vô); hoặc hình ảnh “Anh đội trời đạp đất/ Dệt lụa xe tơ” (Anh nợ em một đời) của con người nửa đời gắn với lụa đã đi vào những câu thơ của chị một cách tự nhiên như thế. Cũng cần nói thêm rằng quê xứ của chị là vùng ươm tơ dệt lụa nổi tiếng xứ Quảng ngày xưa. Có lẽ điều này dệt nên cái hồn cốt trong con người, dù chị làm bất cứ công việc gì.

***

Huệ Thi viết khoáng đạt mà trữ tình, mạnh mẽ mà hướng nội. Ở một bình diện liên quan đến ý thức phái tính chúng ta nhận thấy qua thơ ca, chị đã đề cao tình yêu, trân trọng nghĩa tình sâu nặng, không quá u buồn, chịu đựng hay dằn vặt mà giảm đi nữ tính, nữ quyền trong các trạng thái của mình: “Em ước mơ cuộc đời đừng cách ngăn/ Cho cái ôm thôi ngập ngừng khó thở/ Ai bảo trần gian là quán trọ/ Mình nợ nhau mấy kiếp phải trả dần” (Những hẹn hò ngày xa).

Trong cuộc thơ của mình, Huệ Thi vẫn điềm đạm với câu chữ, chuyển tải cảm xúc của mình qua nhiều hình ảnh biểu cảm giàu sức liên tưởng, cùng với ngôn ngữ giản dị, nhịp điệu trầm lắng trong những độc thoại nội tâm. Thơ của chị không lẫn với ai khác. Nó tạo ra các bản phối riêng biệt, kết nối các giá trị từ hiện tại đến quá khứ, hòa quyện giữa dòng sông thi ca xứ Quảng và sông nước Nam Bộ mênh mang gởi theo những trắc ẩn đời người: “Sao mình lại trót thương nhau/ Đi qua thương nhớ bạc màu tóc xanh/ Đêm qua giấc ngủ dỗ dành/ Cớ sao người lại năm canh thức tràn” (Trót thương).

Trong một thế giới mở và luôn biến đổi về mọi mặt, cái tôi trong mỗi bản thể thường thể hiện khá đậm nét thì sự nối kết giữa các cá nhân ngày một khó khăn hoặc quảng giao nhưng khó tìm được tiếng lòng của nhau. Lúc này, chúng đòi hỏi một ngôn ngữ khác và tôi nghĩ thơ ca làm được điều này. Thơ Huệ Thi cũng làm được điều này – và tôi muốn nói thêm Huệ Thi làm được điều này bằng ngôn ngữ thơ ca, thời trang và tính cách của mình – khi tâm hồn của chị nhận ra thế giới chung quanh: “Dựa vào đâu cũng mênh mông gió mát” (Thương anh thôi).

Từ cái màu tím nhận diện ẩn trong những dòng thơ, tôi liên tưởng đến câu trích của Alice Walker, nhà văn Mỹ: "Tôi nghĩ Chúa bực mình nếu bạn lướt qua màu tím ở đâu đó trên một cánh đồng mà không chú ý đến nó" (I think it pisses God off if you walk by the color purple in a field somewhere and don't notice it). Đó là màu sắc đặc biệt, có sức liên kết mạnh mẽ với nhiều thứ trong sức hấp dẫn tự nhiên.

Chúc Huệ Thi dồi dào năng lượng trong hành trình viết và tiếp tục làm những gì mình yêu thích.

-------------------

Mộc Nhân - bài đã xuất bản trong tập tiểu luận "Dưới những lớp ngôn từ" (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2023).

Không có nhận xét nào: