29/2/24

3.075. THƠ INSTA VÀ TỈA THƠ

 Mộc Nhân

Từ khi có mạng xã hội, mỗi người thường thích thể hiện một số chủ đề nào đó  mà họ yêu thích. Ngoài việc trình bày nó một cách đơn giản, người ta còn nghĩ đến việc làm thế nào để viết nó ra một cách hấp dẫn để thu hút người đọc bởi giờ đây, điều nói/ viết trên mạng xã hội sẽ có hàng ngàn người xem. Nó kích thích nhu cầu viết hay bằng tự thân hoặc học hỏi từ tác phẩm của người khác. Các nhà thơ giờ đây cũng muốn làm một điều gì mới mẻ cho thơ ca của mình; đồng thời trong thời đại thi ca bùng nổ cả về số lượng tác giả lẫn tác phẩm, người viết muốn tinh chắt thơ để mang đến cho bạn đọc trên mạng xã hội - có lẽ Thơ Insta (Instapoetry) ra đời như thế chăng.


Bạn có thể nghĩ/ điều bạn nói/ không sao cả
 nhưng lời nói có thể/ hoặc là làm ai đó bên nhau/ 
hoặc đẩy họ/ cách xa nhau

Insta là từ viết tắt của Instagram, còn Instapoetry (thơ Insta) là thuật ngữ nói về thơ xuất hiện trên Instagram nói riêng, trên mạng xã hội (Social Media) nói chung bao gồm cả Twitter, Tumblr, Facebook. Đặc điểm hình thức của Instapoetry là các dòng thơ ngắn (để dễ đọc và đọc nhanh), phông chữ đa dạng (để thu hút người xem), đôi khi đi kèm với một hình ảnh (để minh họa), thơ Insta thường không có vần điệu và ngắt dòng tùy hứng (để thể hiện tính đổi mới)… Về nội dung, thơ Insta xử lý các chủ đề khá đa dạng: thức ăn, thời trang, du lịch, tình yêu, gia đình, nghệ thuật, nội tâm, lời khuyên…

Thơ Insta (Instapoetry) xuất hiện khoảng hơn một thập kỷ nay và luôn tạo ra các tranh luận: nó có phải là  một thể loại sáng tác không? Có chất thơ không? Khen và chê đều có đủ cả… 

Lời khen từ các nhà phê bình: “Tôi tin rằng chúng ta đang chứng kiến sự chuyển dịch sang hướng tối giản hóa thơ ca vì khoảng chú ý ngày càng giới hạn của chính chúng ta"; nó “thể hiện khao khát sáng tạo, đổi mới”… 

Lời chê của các nhóm anti-instapoetry: “Không xứng đáng gọi là thơ”, “Thơ dở”... Còn các nhà phê bình đứng trên góc nhìn của chủ nghĩa tinh hoa (elitism) chỉ trích ý nghĩa tức thời từ Instapoetry, coi nó như một sự dễ dãi trong thơ ca được bao bọc trong các ẩn dụ vô nghĩa, diễn đạt tùy tiện và sự say sưa phơi bày bất tận, thu hút từ những thứ ngoài thi ca...

Tuy nhiên, điều mọi người thừa nhận là ở đây có sự thay đổi - cho dù đó là câu chuyện, nhân vật hay bản thân người đọc dưới dạng trạng thái cảm xúc… đều có sức hút, gợi sự chú ý:

“những người phụ nữ

mọi người đều nghĩ chúng tôi ổn

bởi trang điểm che lấp

những đêm mất ngủ

và những giọt nước mắt chúng tôi khóc.”

(as women

everyone thinks we're fine

because makeup hides

the sleepness nights

and the tears we cry.) – by R.M. Drake (nhà thơ Đức)

 

"Lời của bạn

là quyền năng của bạn"

(Your voice

is your soveriegnty) - by Rupi Kaur (nhà thơ Canada)

 

"nếu bạn không đủ cho mình

bạn sẽ không bao giờ đủ

cho người khác"

(if you are not enough for yourself

you will never be enough

for someone else) - by Rupi Kaur (nhà thơ Canada)

Bất luận thế nào, các nhà thơ Insta (Instapoets) đã chứng minh sự tồn tại của mình bằng những câu viết trên Instagram (mạng xã hội nói chung) dù nó có chất thơ hay không, những câu viết (nếu không dẫn nguồn) có thể khiến chúng ta nhầm lẫn với câu trích của những nhà thơ nổi tiếng, danh ngôn, câu slogan…

Instapoetry có khả năng trình bày các chủ đề trừu tượng và tạo nhiều cách cảm hiểu bên cạnh các trạng thái hiện thực, tường minh dẫu ít chất thơ… Đồng thời chúng cũng có thể bày biện một mức độ lai tạp nào đó giữa các thể thơ hay các loại hình nghệ thuật khác nhau trong một status để tăng thêm tính thu hút, khơi gợi và tranh cãi. Và chúng đều có điểm chung là khả năng tác động trực tiếp đến người đọc bằng cách tạo nhiều xúc cảm trái ngược nhau: yêu thích - phản đối, chê bai…

***

Với sự phát triển của mạng xã hội, mọi người yêu thơ đều có thể là nhà văn và nhà thơ. Cụ thể, trên Instagram, Facebook, Twiter… những người viết chỉ cần trình bày vài dòng chữ có tính thẩm mỹ, ý nghĩa, gợi cảm, tác động thị giác qua hình ảnh... là có thể xem như một tác giả. Điều thú vị là một số nhà thơ trên mạng xã hội nói chung (Instapoets) xứng đáng được công nhận nhờ có lượng người theo dõi lớn với những status được chia sẻ nhiều. Tác giả Rupi Kaur (nhà thơ nữ người Canada) được ca ngợi là Instapoet xuất sắc với gần 4 triệu người theo dõi; vượt xa cả những nhà thơ đoạt giải được giới phê bình đánh giá cao. Phong cách của Kaur là sự tối giản của ngôn từ, ý nghĩa mang tính trí tuệ, minh họa đơn giản, đảm bảo khả năng miễn nhiễm đối với mọi chỉ trích.

***

Ở Việt Nam có Instapoets và Instapoetry không? 

Câu trả lời là có – mặc dù ở ta, người dùng Instagram ít phổ biến hơn Facebook. Như trên đã nói Instapoetry xuất phát từ Instagram nhưng giờ đây nó mang nghĩa rộng hơn là Social Media (Mạng xã hội)

Một số người viết bình thường giờ đây thích nói những câu có tính chắt lọc, ngắn gọn, gói gởi ý nghĩa nào đó; nhiều nhà thơ chuyên nghiệp thay vì đưa một bài thơ dài lên Facebook giờ đây họ có ý thức viết những câu thơ ngắn hoặc tinh chắt vài “thần cú” trong bài thơ nào đó của mình để tăng khả năng tiếp cận thơ ca đến với bạn đọc. Tất nhiên, bất cứ điều thay đổi nào cũng nhận được các khuynh hướng khen chê khác nhau (ở đây chưa bàn đến điều đó)

Xin dẫn ra vài trường hợp mà người viết gọi là hiện tượng “tỉa thơ” trên Facebook gần đây và rõ ràng chúng ta bị thu hút bởi nó hơn là đọc một bài thơ dài:

“Anh giờ mai đã xuống bông

cánh chuồn ngoài ruộng chẳng trông đường về” (Huỳnh Minh Tâm);


“Nắng hồng thay lá hàng cây

sầu đông bông trắng xõa đầy ngõ quê” (Huỳnh Minh Tâm);


“Ví em là góc chợ làng

Tôi mua tháng chạp đặt trang thơ ngày” (Đỗ Tấn Đạt);


“Mưa xô ngã cái gạt nước

Tôi chao đảo qua những con đường đá

Ký ức ướt sũng, đọng trên lá cỏ chiều Làng Mường” (Mộc Nhân);


“Vệt gân lá

Là hoa văn đẹp đẽ và kỳ lạ nhất

Được chạm khắc trong những giấc mơ của cây” (Mộc Nhân);


“Ngày xưa mũ đỏ

Bây giờ mũ xanh

Bạn bè ngày đó

Hồn nhiên an lành” (Ngạt Dương)…


Tôi nghĩ, hiện tượng "tỉa thơ" trên Facebook có ít nhiều tương đồng với Instapoetry.

***

Suy cho cùng, mạng xã hội là con đường dẫn đến tiếp cận và “tiêu dùng”. Những chỉ trích chống lại Instapoetry phản ánh sự tôn sùng thơ ca thuần chất trước khuynh hướng “chuyển đổi vụng về của nghệ thuật sang lĩnh vực tiêu dùng” (clumsy transposition of art into the sphere of consumption) – dẫn theo nhà nghiên cứu văn hóa Mỹ Theodor Adorno.

Thực tế, Instapoets tạo ra những bài thơ có vị trí hoàn hảo cho mạng xã hội và chúng mặc nhiên tồn tại bất chấp các điển phạm thi pháp.

Trong quá khứ, chúng ta đã từng biết thơ tự do của Walt Whitman không được thừa nhận, cuối cùng nó đã được đưa vào văn học và ông trở thành một trong những nhà thơ đương thời có số lượng bản in bán chạy nhất.

Bản chất của Instapoetry nói lên nhu cầu bị bỏ quên từ lâu của độc giả thơ và mọi nhà thơ đều được hưởng lợi từ niềm yêu thích mới này. Có lẽ Instapoets chỉ đơn giản là những người đi đầu và họ cũng sẽ được ghi nhận. 

Và thật khó khước từ hay bỏ qua một bài thơ Insta nào đó mà chúng ta bắt gặp trên mạng xã hội – như một status sau đây của Kilie Francis:

“Tôi thật may mắn

có được vài điều

để rồi nói lời

tạm biệt

quả là khó.”

(How lucky I am

having something

that makes saying

goodbye

so hard.)

-------------------

References:

1. insidehook

2. yourtango

3. glossimag

4. trên blog Mộc Nhân

* Những Instapoetry tiếng Anh trong bài này do Mộc Nhân dịch, phần thơ tiếng Việt đã có dẫn nguồn.



 

  

 

Không có nhận xét nào: