10/2/24

3.058. LAN MAN CHUYỆN CON RỒNG

Mộc Nhân



Bài đăng trên Tạp chí Đất Quảng
Số Xuân Nhâm Thìn – 2024

       Tôi nghĩ, trong mười hai con giáp, hình tượng con rồng gắn với nhiều chỉ dấu văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng nhất - cả trong văn hóa phương Đông lẫn phương Tây. Điều thú vị ở chỗ con rồng là sản phẩm tưởng tượng của nhân loại, nhưng về cơ bản các cấu hình của rồng tạo nên qua óc tưởng tượng của con người từ cổ chí kim đều tương đối giống nhau, hiện diện trong nhiều nền văn hóa trên toàn thế giới.

Có thể phác thảo vài nét chung nhất về con rồng: hình dáng dài ngoằn ngoèo, to lớn, uốn lượn, thân có vảy, bụng có chân, mặt mũi oai phong, râu miệng dữ dằn… Nhưng tất cả tạo thành một phối thể thẩm mỹ bắt mắt – nhất là khi rồng đi vào nghệ thuật tạo hình. Về phẩm chất, rồng biểu thị cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường như bay xa nhảy cao, hút nước phun mưa, khạc lửa, thổi gió... Là linh vật chúa tể các loài dưới nước.

Ý nghĩa, biểu tượng của rồng từ xưa đến nay được bàn luận khá nhiều, ở mọi góc độ từ văn hóa, thần học, văn chương đến cả lĩnh vực ngôn ngữ... Trong văn hóa phương Đông, rồng là địa chi thứ năm trong mười hai địa chi, gọi là “Thìn” (辰) - trại âm từ “Thần”, nghĩa là buổi sáng, điều này mang ý nghĩa tốt đẹp. Rồng thường đại diện cho lực lượng siêu nhiên bênh vực chính nghĩa chống lại phi nghĩa; biểu tượng cho tính dương trong quan hệ với phượng thuộc tính âm tạo thành từ ghép đẳng lập long phượng biểu ý hòa hợp, đẹp đôi. Trong phong thủy, rồng là linh vật hội tụ các vẻ đẹp tự nhiên gắn với sự thịnh vượng, may mắn, trí tuệ, chân thiện mỹ; từ long mạch trong phong thủy để chỉ nơi địa linh, nhân kiệt, vượng khí đế vương.

***

Theo điển tích Phật giáo, nhiều huyền thọai liên quan đến rồng như: Chín con rồng phun nước tắm cho Phật khi ngài mới đản sinh (cửu long phún thủy tề mộc dục), rồng che mưa cho Phật, Long vương nghe kinh Phật mà giác ngộ, Long nữ đắc quả chánh giác, Quan Âm cưỡi rồng đi khắp muôn phương phổ độ chúng sanh.… Rồng cũng là một trong tám bộ chúng (Thiên long bát bộTrời, Rồng, Dạ-xoa, Cán-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-gia) luôn theo ủng hộ Phật pháp. Vài truy xuất trên có thể cho thấy con rồng ở phương Đông mang nhiều tính thiện, điềm lành, quyền lực, may mắn...

Với người Việt, con rồng từ lâu đã trở thành biểu tượng gần gũi, quen thuộc với đời sống vật chất, sinh hoạt và tâm linh từ cổ xưa - là một linh vật đứng đầu trong tứ linh: Long, Lân, Qui, Phụng. Chắc chắn không người Việt nào là không biết đến truyền thuyết “Con Rồng, cháu Tiên” được nhân dân ta sáng tạo nhằm mục đích giải thích nguồn gốc giống nòi, qua đó thể hiện niềm tự hào về nguồn gốc cao quí của mình. Xa xưa, người Lạc Việt lúc bấy giờ đã biết vẽ hình rồng trên người như một biểu tượng hộ thân, thuyền bè cũng chạm hình đầu rồng hay vẽ con mắt rồng phía trước để tránh bị các loài thủy quái làm hại. Tên gọi con Giao Long có hàm nghĩa là con rồng của người Giao Chỉ.

Từ ý nghĩa biểu tượng, rồng đi vào đời sống dân gian như một thực thể sống động với đầy đủ các dạng thức trữ tình “phú - tỷ - hứng” trong ca dao: “Rồng nằm bể cạn phơi râu/ Mấy lời anh nói dấu đầu hở đuôi” (thể phú) hay hóa thân trong ẩn dụ: “Rồng đen lấy nước thì nắng/ Rồng trắng lấy nước thì mưa" (thể tỷ) hoặc lung khởi để khơi gợi “Rồng giao đầu, Phụng giao đuôi/ Nay tui hỏi thiệt mình thương tui không mình” (thể hứng).

Trong tục ngữ, hình tượng con rồng được thường sử dụng để tạo các so sánh thú vị: “Ăn như rồng cuốn, uốn như rồng leo” chỉ hành động, dáng dấp mạnh mẽ; “Rồng ở với giun” nói về nghịch cảnh trong mối quan hệ nào đó; “Rồng bay phượng múa” chỉ hình dáng, đường nét đẹp đẽ phóng khoáng; “Rồng mây gặp hội” nói về cơ hội gặp gỡ may mắn, vinh hiển; “Rồng đến nhà Tôm” diễn đạt thái độ khiêm tốn…

Trong từ vựng Tiếng Việt, yếu tố “rồng” (long) có khả năng tạo nghĩa khá phong phú gắn liền với sự cao quí của vua chúa: long bào, long nhan, long sàng… Đôi khi nó tạo từ mới theo phương thức ẩn dụ hình thức khi gắn với tên của một số sinh vật như: cây xương rồng, cây lưỡi long, cây đậu rồng, cá long nhãn, địa long (giun đất), rồng komodo… Các phương thức tạo nghĩa của yếu tố rồng (long) trong ngôn ngữ hay tục ngữ, thành ngữ đều thú vị ở chỗ nó nằm ở các sắc thái biểu cảm: cao quý, trung tính hay suồng sã, giễu nhại – chẳng hạn câu thành ngữ “Vẽ rồng vẽ rắn” diễn ý bày vẽ lôi thôi, luộm thuộm. Điều này càng cho thấy tính linh hoạt trong sự vận dụng, tiếp biến các yếu tố văn hóa vào đời sống.

Một điều thú vị khác của hình tượng rồng là từ biểu tượng dân gian, trải qua các triều đại lịch sử, nó lại trở thành biểu tượng của đế vương, thể hiện quyền uy. Rồng xuất hiện trong cung đình từ đồ dùng của vua chúa đến điêu khắc, vật phẩm và ngôn ngữ… để khẳng định vị trí độc tôn, oai nghiêm của quân vương. Song song với điều này, hình ảnh rồng cũng được phát triển trong không gian tín ngưỡng như chùa chiền, lăng tẩm, miếu thờ… Tuy nhiên, trong những không gian này, rồng không được thờ cúng như một số con giáp: hổ (dần), rắn (tỵ) với ý nghĩa một totem mà chỉ là con vật trong tư thế chầu, canh giữ, trang trí… biểu tượng cho vẻ đẹp, sức mạnh, phục vụ, luôn sẵn sàng bảo vệ. Phổ biến nhất trong chủ đề này là các hình ảnh Lưỡng long chầu nguyệt, Lưỡng long chầu nhật, Lưỡng long chầu lưỡng nghi, Lưỡng long tranh châu.

***

Ngược lại, trong văn hóa phương Tây, rồng và mãng xà lại biểu trưng cho sự hủy diệt, hung bạo, cái ác. Xét về văn hóa, hai con vật này dường như không phân biệt rõ ràng; vậy nên từ dragon trong Anh ngữ để chỉ rồng có nguồn gốc Latinh draco có nghĩa là loài rắn lớn hung dữ. Từ đó, các bản dịch thần thoại, chuyện tích, Kinh Thánh Châu Âu sang Việt ngữ nhiều khi đồng nhất hai thực thể này. Sách Sáng Thế, phần đầu của Kinh Cựu Ước coi con rắn (draco) là là loài xảo quyệt, đã cám dỗ và lừa dối Eva nên Thiên Chúa đã trừng phạt bằng cách: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và loài người; giống người sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó” (3:13-15). Sách Khải Huyền, phần cuối cùng của Kinh Tân Ước, đã mô tả con rồng (dragon) là quái vật độc ác để đưa ra cảnh báo cho “ngày phán xử cuối cùng” với lời Chúa: “Con rồng lớn là con rắn cổ đại, tên là ma quỷ, còn được gọi là Sa-tan, là sự nhầm lẫn của thế giới” (12:3).

Hydra là con rồng trong thần thoại Hy Lạp có bảy đầu và có khả năng tự phục hồi rất nhanh. Khi chặt đứt một đầu thì sẽ có đầu khác mọc ra cùng lớp da dày mà không mũi tên nào có thể xuyên thủng. Hydra có nọc độc và phun khí độc tấn công đối thủ. Giết Hydra là một trong 12 chiến công của người hùng Hercule. Quái vật Typhon trong thần thoại Hy Lạp có hình dạng mình rồng với hàng trăm đuôi rắn, cùng đôi mắt tóe lửa uy hiếp mọi vật. Typhon âm mưu lật đổ Zeus để trở thành chúa tể thần linh và cai trị loài người nhưng đã bị thần Zeus tiêu diệt. Nhà văn người Anh, Neil Geiman, viết về những điều này: “Chuyện cổ tích còn hơn cả sự thật: không phải vì chúng cho chúng ta biết rằng rồng tồn tại, mà bởi vì chúng cho chúng ta biết rằng rồng có thể bị đánh bại”. Điều đó nói lên sức mạnh chống lại ác và khả năng chế ngự nó của con người.

Với ý nghĩa đó, phương Tây có nhiều câu ngạn ngữ, danh ngôn sử dụng hình tượng con rồng để nêu lên các lời khuyên. Người viết xin trích dẫn vài câu thú vị nhất: “Đừng đến giữa con rồng và cơn thịnh nộ của nó” (Tương tự câu tục ngữ: Tránh voi chẳng xấu mặt nào); “Nếu bạn không đè bẹp con kiến hận thù, ngay lập tức, nó có thể phát triển thành một con rắn hoặc thậm chí là một con rồng” (Tương tự câu tục ngữ: Cái sảy nảy cái ung); “Ai chiến đấu với rồng sẽ trở thành rồng” (Tương tự câu tục ngữ: Lửa thử vàng gian nan thử sức); “Bạn sẽ bơi suối, bạn sẽ leo núi, bạn sẽ giết rồng để đến bên người yêu” (Tương tự câu ca dao: Yêu nhau mấy núi cũng trèo…); “Bò cạp kết nối với rắn thông qua rồng” (Tương tự câu tục ngữ: Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã)

***

Chuyện rồng cũng như chuyện về các con vật có thực hoặc tưởng tượng khác sẽ luôn đồng hành và có những giá trị nhất định trong đời sống tinh thần nhân loại. Riêng với con rồng, tôi nghĩ nó là ví dụ hoàn hảo cho sự sáng tạo và trí tưởng tượng của con người ở cả các đối cực thiện – ác, hiện thực – siêu thực, cao quý – dung tục, dân gian – bác học… Tôi nghĩ nhìn thấy biểu tượng rồng ở bất cứ góc độ hay trạng thái hiện tồn nào cũng thú vị, gợi cảm xúc, liên tưởng và cả những bài học.

Rồng là sản phẩm tưởng tượng rồi lại trở thành cội nguồn cho sự tưởng tượng tiếp diễn  không dứt. Có thể xem chuỗi sáng tạo ấy là những liên văn bản, những tác phẩm phái sinh hay các hiệu ứng văn hóa… đều hợp lý và được công nhận.

Điều căn cốt là mọi sáng tạo đều phải đặt trên nền móng của giá trị thẩm mỹ và tinh thần nhân văn, có như thế hình tượng mới được lưu truyền, tiếp biến. Đó là cái mà nhà văn Mỹ gốc Anh, Wystan Hugh Auden, trình bày trong một tiểu luận về viết sáng tạo: “Nhà thơ có thể viết về người đàn ông giết một con rồng, nhưng không thể viết về một người đàn ông nhấn nút thả bom” (A poet can write about a man slaying a dragon, but not about a man pushing a button that releases a bomb).




 

 

Không có nhận xét nào: