Mộc Nhân
Trong buổi gặp nhau, café trò chuyện văn nghệ, tôi được các
tác giả văn học tặng một số bản sách mới xuất bản trong tháng 9 và 10/ 2024.
Xin cảm ơn các bạn. Tôi lưu lại vài dòng về tác phẩm của các bạn trong tâm thế
đọc nghiêm túc - trong khi ngẫm ngợi kỹ hơn cho các tiểu luận (có thể) sẽ viết sau.
1. “Trở lại chốn xưa” của
Trần Thiên Hương – tiểu thuyết, Nhà xuất bản Văn học, tháng 9/ 2024.
Nhà văn Trần Thiên Hương
đã có 5 đầu sách, trong đó 3 đầu sách là tiểu thuyết viết trên nền lịch sử hiện
đại. Tôi ngạc nhiên về sức làm việc của Thiên Hương trong thời gian 4 năm qua,
liên tục, dày và đầy đặn: Cuốn “Tình yêu vĩnh cửu” - gần 600 trang in (mà tôi
có hân hạnh đọc và edit từ bản thảo); cuốn “Trở lại chốn xưa” - gần 300 trang
in (mới xuất bản tháng 9/2024)… Hiển nhiên, Trần Thiên Hương ít có trải nghiệm
sống với lịch sử - chiến tranh (thời trước 1975) nhưng chị có nhiều trải nghiệm
đọc tư liệu, tiếp xúc nhân vật, tìm hiểu thực địa, tự đi thực tế sáng tác… Chỉ
bấy nhiêu, chúng ta đủ để khâm phục sự nghiêm túc và trách nhiệm của người viết
đối với sự thật trong tác phẩm của mình...
Tiểu thuyết lịch sử hay viết
trên nền lịch sử không chỉ đáng kính trọng mà còn là lời nhắc nhở thường trực về
lịch sử và con người. Thiên Hương đã làm được điều ấy. Tác giả đã neo giữ câu
chuyện trong thời đại của nó kết hợp với những sáng tạo, ngôn ngữ, mạch tự sự,
xây dựng tính cách nhân vật… và nhắc lại những giá trị...
Đối với tôi, đọc tiểu
thuyết lịch sử (hoặc viết trên nền lịch sử) nói chung và của Trần Thiên Hương
nói riêng là tìm kiếm sự cân bằng giữa đọc (văn bản) – học (lịch sử) - dịch
chuyển (cùng tác giả) - tìm kiếm (những điều có thể tái tạo cho riêng mình) -
tưởng tượng (điều mình chưa hề trải qua) và mơ ước (vượt lên bi thương của quá
khứ chiến tranh để hướng tới tương lai tốt đẹp).
Tôi không dám đánh giá
tác phẩm của bạn nhưng tôi mượn câu trích của của một tiểu thuyết gia (quên
tên) để nói rằng: “Chúng ta không trải qua thời ấy, không sống ở nơi ấy nhưng một
người viết tài giỏi sẽ đưa chúng ta đến đó.”
2. “Áo trở màu không” của
H.Man (Phạm Văn Mận) – tập thơ, Nhà xuất bản Văn học, tháng 9/ 2024.
Người Phương Tây nói:
"Vương miện của văn chương là thơ ca" (The crown of literature is
poetry). Tôi nghĩ, người Việt không ngần ngại tiếp lời: "Vương miện của
thơ ca là thơ lục bát" - điều này hiển nhiên, không cần phải luận bàn.
Thơ lục bát của nhà thơ H.Man
- Phạm Văn Mận xứng đáng một lần được trao chiếc vương miện ấy. Những gì chúng
ta đọc được từ thơ anh trong số hàng trăm bài lục bát/ 10 tập thơ đã xuất bản
chỉ là một phần của "tảng băng trôi", xuất hiện trên bề mặt trang giấy,
trước mặt bạn.
“Áo trở màu không” là tập
thơ thứ mười của anh. Hầu hết các bài thơ của H.Man đều viết theo phong cách thơ
truyền thống, nhiều nhất vẫn là thơ lục bát.
Đây là thể thơ dân gian
Việt Nam có từ xa xưa, tồn tại dưới dạng ca dao, dân ca truyền khẩu. Một số nhà
thơ Việt Nam thời Trung Đại như Nguyễn Du đã vận dụng thể thơ lục bát trong những
sáng tác để đời của mình. Các nhà thơ từ cận đại đến hiện đại và đương đại đều
có những thành tựu để đời với thể thơ lục bát như Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Đồng
Đức Bốn, Bảo Sinh… Ở xứ Quảng, tác giả viết thơ lục bát được nhắc đến phải kể
ra: Phạm Văn Mận, Nguyễn Tấn Sỹ, Hoàng Lộc…
Thơ lục bát nhịp nhàng, mềm
mại với ba đặc điểm chính: vần, âm điệu, nhịp điệu thể hiện trong ngôn ngữ thơ.
Vần là hồn cốt, âm điệu chữ nghĩa là da thịt và nhịp điệu là xương sống của thể
thơ này.
Thơ lục bát của H.Man đảm
bảo những yếu tố này, thể hiện niềm say mê, yêu quý đối với thể thơ và thành tựu trong sáng tạo tác phẩm. Nó tạo
thành thi hiệu H.Man nơi xứ Quảng.
Thơ anh gần gũi, với các
đề tài quen thuộc: tình yêu, quê hương, thiên nhiên, bạn bè, ký ức… Xin trích lại
vài câu:
“Hỏi mùa thu ấy qua chưa?
Mà nghe nước mắt như vừa chớm đông” (Khóc
người dưng).
“Ở đây buồn xếp hai hàng/
Ngàn mây bay mỏi mang mang giữa lòng” (Buồn
lắm mà không khóc).
“Cách nhau biết mấy dặm
ngàn/ Từ trong hơi thở hồn tan lâu rồi” (Mùa
xuân đang tới).
“Ngùi ngùi sợi khói đầu
tay/ Mưa hay tiếc nhớ đang bày tịch liêu” (Về
Phú Đa cùng mưa thu).
Anh tự nói về thơ mình
là: “Con đường của buồn, vui, khó nhọc, có nỗi nhớ, niềm chờ, hy vọng và tuyệt
vọng, đau khổ và hoan lạc.”
3. "Cả những ngày đã
quên" của Trần Thị Thùy Vy – tập thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, tháng 9/
2024.
Ngôn ngữ thơ thách thức bạn
đọc sẽ tạo nên vực sâu và khoảng cách tiếp nhận. Ngôn ngữ thơ bày tỏ cảm xúc trữ
tình dễ tạo nên một cây cầu và sự kết nối. Thùy Vy đã chọn cách diễn đạt thứ hai
trong tập thơ đầu tay của mình, "Cả những ngày đã quên"...
Một tập thơ dễ đọc nhưng
khó viết lời bạt. Vì sao ?
Trước đây, khi tác giả
Nguyễn Thị Minh Thùy ra tác phẩm đầu tay, tôi nói: Viết giới thiệu sách cho
nhóm tác giả: trẻ - nữ - cuốn đầu tay là khó nhất. Giờ thì với Thùy Vy, chỉ còn
hai cái khó là: tác giả nữ và tác phẩm đầu tay.
Áp lực hạ xuống chỉ còn 2
yếu tố nhưng độ khó lại tăng lên cũng gấp bội. ☺☺☺
Sự khen ngợi giờ đây
không chỉ đúng mực và chừng mực mà là
phát hiện và phát ngôn. Đối với tôi, điều này luôn thận trọng.
Tập thơ "Cả những ngày đã quên" của Thùy Vy có nhiều đầu tư về hình thức nhưng việc chăm sóc bản in còn yếu. Chỉ 51 bài thơ nhưng sai (ít nhất) 12 lỗi ký tự chủ yếu là chính tả tiếng Việt là điều đáng tiếc.
Đó là chưa kể lời giới
thiệu của Hoa Mai khi “khám tập thơ” (chữ của Hoa Mai), bên cạnh một số ghi nhận về thơ tác giả ở
mức vừa phải, còn có nhiều câu viết tùy tiện. Chẳng hạn câu sau đây: “Một thuận
lợi của Vy là tham gia vào chiến trường thơ khi dòng thơ hiện đại đã gần định
hình, nên em không bị ảnh hưởng nhiều của dòng thơ mang tính cũ kỹ sến súa”.
Người thận trọng, hiểu biết không bao giờ viết những câu “phê bình” với những từ ngữ (chiến trường thơ, khám thơ...) như thế.
Người làm sách cần nhớ câu: Mọi sai nhầm, lỗi
lầm rồi sẽ trôi qua nhưng lỗi in ấn sẽ còn lại mãi mãi với thời gian.
Lord Byron nói: "Ngôn từ - một giọt mực rơi xuống trang giấy - như một giọt sương rơi trên cỏ cây tạo ra màu xanh và những bông hoa".
Tuy nhiên cũng có giọt mực làm lem trang giấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét