1.
Nhớ anh Lê Trâm. Đôi khi
tôi nghĩ chữ nghĩa vận vào phận số một con người. Nó như cái nghiệp, dứt chẳng
đành, trả cho xong thì chẳng kịp; là thứ vô
biểu nghiệp, với năng lực vô hình, liên tục, không thể thấy được nhưng biết
nó tồn tại.
Nhà văn Lê Trâm có mười bốn tập sách đã xuất bản, nhưng anh chọn dừng lại ở con số 13. Tập sách thứ 14 - “Đầu sông cuối sông” đã in xong nhưng chưa kip phát hành.Giờ anh đã đi xa, nhớ anh, chúng tôi ngồi lan man lại lật những tác phẩm của anh để tìm ra một kết nối mơ hồ nào đó; để áp cảm xúc vào nó.
Đó là cái anh nhắn nhủ
trong tập truyện dài “Bức tranh gởi lại”; là cái chập chờn “Một giấc hồ điệp”;
là những long lanh “Mơ về phía chân trời”; là ám ảnh “Nghe vọng tiếng đồng”; là
căn mệnh trong cõi nhân sinh nơi “Phía gió biển không còn ai”; là tự mình tìm đến
“Với hình bóng thời gian” để gieo vào cõi lửng lơ như “Rơi một nốt trầm”…
Dường như mọi thứ hiển
linh, ứng nghiệm như câu mà Nguyễn Du viết “Một lời là một vận vào khó nghe”. Điều
này có vẻ chủ quan và khiên cưỡng nhưng tình yêu là như thế: nhẩm lại, lục lọi,
xâu chuỗi trong dòng chảy tâm trạng từ hữu thức đến vô thức; từ hiện tại đến ký
ức; có cái logic của tư duy và cái phi logic của hiện hữu; có cả sự trầm tĩnh của
người trải đời đan xen với ám tượng, dằn vặt, bức bách, kiềm chế và buông bỏ.
2.
Đâu đó, anh nhìn vào đôi mắt
của thần chết trong những câu chuyện “Đầu sông cuối sông” – chỉ có anh mới đi
qua những khoảnh khắc hiếm hoi của trải nghiệm - khác hẳn với những gì chúng ta
gọi là biết. Và khoảnh khắc cuối cùng trong sự nhận thức trần thế mờ nhạt có thể
giống như khoảnh khắc đầu tiên một sinh linh ra đời. Tựa như điều mà nhà thơ Louise
Glück viết: “Để được sinh ra, hình hài của bạn đã lập một thỏa ước với cái chết.”
Đâu đó, chúng ta ngồi lại
với nhau, nhìn vào chữ của anh để mà “Về yêu xứ rượu Hồng Đào”, nơi có “Tý cô nương”
và “Thành Hoàng”, có tuổi thơ anh trong tuổi thơ chúng ta cùng bao điều tốt đẹp
trong những trang viết. Và chúng ta hiểu thêm, sự ra đi không hoàn toàn đối lập
với cõi sống, mà là một phần của nó. Bởi điều hiển nhiên, khi các nhà văn mất
đi họ trở thành những cuốn sách, đó là một sự hóa thân thật tuyệt diệu.
3.
Lê Trâm sống giản dị, ứng
xử với mọi người hồn hậu, chu đáo trong công việc. Anh kiệm ngôn, nói ít hơn những
gì cần nói, nhưng có sức nặng của sự thuyết phục với người đối thoại. Tôi học
được ở anh sự chờ đợi một điều gì đó khác và mới hơn những gì chúng ta đang làm
– dẫu anh ít thể hiện một cách quyết liệt nhưng cách anh bày tỏ thái độ khiến
chúng tôi tin như thế.
Với anh, sự đơn điệu và
cái chết gần như giống nhau. Thà rủ bỏ tất cả hơn là trì níu những câu chữ vô
nghĩa, sai nhầm, để rồi nếm trải một ký ức cay đắng ám ảnh từ ma chữ. Lúc này đây, anh đối mặt với nó
và không có gì phải hối tiếc, sợ hãi.
4.
Những trang viết đã chở
anh đi trên cỗ xe chỉ có một người, anh không thể dừng lại còn những người bạn
đã dừng lại bên anh. Và chúng ta còn mãi với nhau trong ký ức.
Tác phẩm của anh giờ không
nằm ở nguyên quán của nó mà ở trú quán bạn đọc. Một trú quán không còn mang
tính cá nhân, mà ở tất cả những gì nó cấu thành: tiểu sử, tâm lý, tính cách,
gia đình, bạn bè, tương lai cho văn bản, cùng mọi thứ mà nó đã mang lại cho tất cả
chúng ta. Nó càng khiến chúng ta trân quý nhau, trân trọng những gì mình và bạn
bè đang làm với nghiệp chữ.
5.
Lê Trâm ra đi trong trạng
thái tâm trí đức hạnh – một cách tự nhiên. Anh chuẩn bị sạch sẽ về những gì
liên quan đến công việc của mình, bên ngoài chuyện viết lách. Có thể đó là sự củng
cố và kích hoạt nghiệp đức hạnh, mang lại sự tái sinh hạnh phúc chăng!
Sự ra đi nào cũng đớn đau.
Nhất là khi sống, bạn có thể nghe thấy tình yêu âm vang rõ ràng dưới những lớp
ngôn từ đầy đặn. Lúc này, những giọt nước của người thân hay những mặc niệm của
bạn văn trước nấm mồ anh là vì những lời anh chưa nói, những việc chưa làm và
những dang dở chưa sắp đặt cho một chuyến đi xa chưa từ biệt.
Giữa cái chết, sự sống vẫn
tồn tại. Giữa những ẩn ức, sự thật vẫn tồn tại. Giữa đồng cát mênh mang chiều
mưa buồn, mẹ đất vẫn dành một chỗ khô ráo, thơ mộng để đón anh trở về. Giờ thì ngoài
những ý niệm về sống chết, buồn vui; chúng ta hãy nhớ đến một vuông cát trắng
chưa mọc cỏ khá xa chân ruộng, nơi anh an nghỉ “Nghe vọng tiếng đồng”. Và khi linh
hồn anh phủ cỏ xanh trên triền cát trắng, cõi nhân sinh này cũng vừa đủ ấm áp để
lưu giữ những gì anh gởi lại.
Tôi nghĩ, đó là điều mà nhà
thơ Louise Glück viết: “Khi nhìn vào một hình hài, bạn sẽ thấy một câu chuyện
và khi hình hài đó không còn, câu chuyện sẽ tiếp tục được lưu truyền.”
----------
* Một số từ và cụm từ trong ngoặc kép không dẫn nguồn là tựa sách hoặc lấy từ tựa sách của nhà văn Lê Trâm.
----------
* Những bài tiễn văn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét