Mộc Nhân
Đọc tập thơ “Trên mấy dặm về xưa” (Nhà xuất bản Văn Học, 2024) - tác giả My Thục
Tôi đọc “Trên mấy dặm về xưa” (Nhà xuất bản Văn Học, 2024) của tác giả My Thục trong trạng thái độc
lập cảm xúc giữa văn bản với tác giả. Nói thế bởi vì đây là lần đầu tôi đọc thơ MT trên một bản thảo/ bản sách hoàn chỉnh trong khi chưa biết người, chưa biết
nhau, chưa lần nào tương tác - dẫu trên không gian ảo. Chúng tôi chỉ cách nhau
một cái nhấp chuột và trên không gian vật chất, khoảng 30 km. Nói thế
cũng tức là chúng tôi không bị chi phối bởi các mối quan hệ và cảm tình khi đọc
nhau – đó cũng là điều thường thấy trong phê bình, dẫn đến khen chê, đánh giá
đôi khi cảm tính.
Với tư cách người đọc, tôi hiểu câu “Khi bạn đang đọc,
tức là bạn đang học”; với tâm thế tương tác với tác phẩm, tôi nhận ra “Sau những
lớp ngôn từ là một tâm trạng”– dẫn theo Margaret Atwood.
Thơ My Thục xuất hiện trong lòng chị trước khi tạo
thành những văn bản thơ hoàn chỉnh. Điều này có nghĩa là thơ chị khởi nguyên từ
những tự sự, nối kết giữa quá khứ và hiện tại, sự soi chiếu khoảnh khắc bằng cảm
xúc đời sống để cất lên một nhạc điệu riêng.
***
Những ký ức về quê hương, gia đình, tình yêu, cái đẹp…
xuất hiện hầu khắp trên sinh quyển thơ chị: “Em chằm nón mới mà vui/ mai kia chằm
cả quãng đời tặng nhau/ cây bòn bon cũ vườn sau/ khi không lại trổ lứa đầu mùa
xưa” (Của lứa lòn bon) hấp dẫn người
nghe bằng những hình ảnh đẹp, gần gũi với
bạn đọc trong sự vận động của suy tư. “Em ở quê, lại thương chiều quê/ thương
anh là khách những khi về/ có lẽ vầng trăng xưa mọc sớm/ mà cả đời nhau phải
cách chia?” (Vầng trăng mọc sớm) – đoạn
thơ với âm hình bàng bạc, biểu hiện tiếng nói của đời sống nội tâm. “Rồi anh có
thể không về/ và em cứ vẫn qua hè phố xưa/ quê mình như sắp vào thu/ lâu lâu có
chiếc lá rơi vệ đường” (Không đề) là nỗi
buồn xuyên qua những dồn nén chia xa rồi tái hồi trong không gian trầm mặc…
My Thục sinh ra và lớn lên ở những vùng văn hóa khá đặc
biệt nơi Xứ Quảng – Duy Xuyên với đền đài di sản, Bùi Giáng thi sĩ tài hoa, những
cánh đồng dâu bát ngát và nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng; Hội An với đằm thắm phố
cổ, con người hiền hòa. Các dấu chỉ ấy kết nối nhau bằng dòng sông Thu Bồn - hiển
hiện trong thơ chị khá rõ hoặc âm thầm tương thích với tâm hồn tác giả để chị
viết nên những câu thơ trữ tình: “Em theo bến phố sông Hoài/ sóng khua còn động
tháng ngày về nhau/ quê nhà vẫn vậy người ơi/ bước chân em/ bước chân người còn
nguyên” (Quê nhà vẫn vậy) hoặc “người
đi lâu lắm không về/ mà em phố cũ hoài nghe nắng tàn/ mấy lần bến phố Hội An/ thấy
em đứng bến cũng buồn giấc sông” (Sông buồn
sóng chao)…
Cảm thức sông
trong thơ My Thục khá xuyên suốt như một dòng chảy, tưới tắm lòng người, nuôi
dưỡng những khoảng khắc dẫu nó chứa đựng các trạng thái phức hợp “sông buồn
không dứt lênh đênh”, “là sông dài phải chảy một đời sông”, “sóng nhỏ sông Hoài
gió vẫn miên man”, “sông Hoài nỗi nhớ đăm đăm”… Chắc chắn đó là một thế giới
thơ chị viết cho mình. Bạn sẽ nhận ra nó buồn nhưng không bị lụy, trầm lặng
nhưng không níu kéo, hồi tưởng nhưng luôn xê dịch, lưu luyến nhưng không quá giằng
xé và cất lên tiếng nói của mình nhưng không cần thét gào hay bày tỏ điều nghiệt
ngã.
Tôi nghĩ, với “Trên mấy dặm về xưa”, My Thục đã tiếp
diễn đời sống tâm hồn của mình theo điều mà Boris Pasternak viết: “Thơ ca là một
cách quay về cố xứ; mọi thứ luôn ở đó, chúng ta hãy quay nhìn hay cúi xuống để
lắng nghe”.
***
Giữa lúc chúng ta đang thực hành hoặc phô diễn mình bằng
xu thế Hiện đại hay Hậu hiện đại, My Thục vẫn trung thành
phong cách thơ truyền thống - lục bát, năm chữ, bảy chữ, tám chữ - trong sự tiếp
biến với thơ tự do qua các thi liệu quen thuộc như cha mẹ, người thân, con
sông, bến đò, khu vườn, cỏ cây, phố quê… Đây là hình thức thơ dễ đọc, dễ hiểu,
dễ xúc cảm, dễ tương tác với bạn đọc – và hiển nhiên, với một người dám dấn
thân vào thơ thì nó không hề dễ dãi.
Điều tôi tự chất vấn khi đọc loạt thơ lục bát của chị là yếu tố vần trong rất nhiều bài bị rối, lỗi, lấn cấn… khiến khi đọc lên có âm hình tức tối, khó chịu.
Tôi nghĩ vần là hồn cốt của lục bát, chữ nghĩa là da thịt
và nhịp điệu là xương sống của thể thơ này. Bài thơ lục bát rất dễ tổn thương nếu
vần bị phá hỏng tùy tiện – tức là cái hồn cốt của nó bị lung lay. Tôi tin nhiều
người nhận thấy điều này nhưng tiếc là họ lại qui về một số cụm từ “ngôn ngữ giản
dị đời thường”, “tính phá cách”… Tôi nghĩ yếu tố “phá cách” chỉ diễn ra khi tác
giả có dụng ý nghệ thuật với tần suất sử dụng vừa phải; nếu liên tục và không
thể hiện dụng công ngôn ngữ nào thì từ “phá cách” đến “phá hỏng” chỉ là một lằn
ranh ngộ nhận.
Thơ lục bát của MT theo tôi là dễ giải theo cách đó.
Thôi thì đó là quyền của tác giả và quyền cảm nhận của người đọc - kể cả quyền khen và so sánh những bài lục bát trên với thơ Nguyễn Du, Bùi giáng...
Và tất nhiên cũng là quyền của tôi với tư cách người từng có quyền
tác giả và quyền người đọc.
***
“Trên mấy dặm về xưa” bộc lộ khá rõ “thiện tính nữ” (chữ của Nguyễn Đăng Mạnh) trong người
thơ nên tạo được ấn tượng, gần gũi, dễ thương trong bạn đọc.
Thơ My Thục nhiều cảm xúc trải dài, trùng lặp trên nền
diễn ngôn nên khó có những nhãn tự, thần cú. Dẫu vậy một số câu thơ có thể tách
ra để tồn tại độc lập như một status
hoặc instapoetry (những câu thơ ngắn
trên facebook hoặc trên instagram đủ sức chuyển tải một thông điệp có tính thẩm
mỹ). Chẳng hạn từ chuyện bồi lở của sông mà My Thục vận vào lòng người “Bồi chi
mấy mà đau hoài bên lở/ và sóng lòng sùi sụt mãi không thôi” (Thương đời sóng nhỏ); hoặc từ mái ngói
cũ kỹ mọc rêu mà Thục liên hệ đến chuyện tái hồi “Mái ngói bỏ quên âm dương
ngày cũ/ xanh lại đời nhau dẫu đã chia lìa” (Xanh
lại đời nhau)…
Bất luận thế nào, việc thốt ra một từ trong bài thơ
giống như gõ một nốt nhạc trên bàn phím của trí tưởng tượng và nói như Rupi
Kaur, nhà thơ Canada: “Lời của bạn là quyền năng của bạn” (Your voice is your soveriegnty).
Xin chúc tác giả có thêm nhiều nội lực trong hành
trình thơ ca phía trước của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét