28/8/22

2.494. DƯỚI THẢM MỤC NHỮNG LINH HỒN MỞ RA LOÀI THỦY CHUNG

   Bài đã đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số 995+996 / cuối tháng 8 _ đầu tháng 9/ 2022. Xin cảm ơn Tạp chí đã sử dụng bài viết như sự ghi nhận một gương mặt thơ ca Xứ Quảng vừa giã biệt cõi văn chương. (Nguồn VNQĐ). 

          Lê Đức Thịnh


Từ khi chập chững viết thơ, tôi đã cảm thấy mắc nợ Nguyễn Giúp. Thỉnh thoảng anh chuyển cho tôi mấy bài thơ tâm đắc sắp gửi đăng hoặc dự thi đâu đó kèm theo lời dặn: “Chỉ mỗi em đọc và dò giúp anh thôi nhé, đừng đưa người khác xem, đừng post lên blog…” Có người anh coi mình là bạn đọc tin cậy để chia sẻ tác phẩm là quý lắm rồi. Thế là luôn được đọc bài mới của anh và lục tìm đọc những bài thơ của anh trên các trang mạng. Dường như thơ anh đem đến cho tôi những xúc cảm mới mẻ, khác lạ dù đôi khi “chẳng hiểu gì” và điều xác tín là nó gợi hứng để tôi khởi sự làm vài bài thơ đầu tiên của mình.

Từ thơ tình, thơ rượu, thơ ngông mà anh đọc trong các cuộc “trà dư tửu hậu”, cứ thế, Nguyễn Giúp đều đặn, lừng lững, thận trọng những bước dài trong hành trình thơ ca mà vẫn dung dị như sông suối, đất đai và tâm hồn, tính cách anh. 

Có người đã nói không quá, rằng thơ đất Quảng đương đại khá phong phú, dữ dằn, cá tính, hãnh diện cùng các nỗ lực đổi mới…, và Nguyễn Giúp là một trong số cái tên để lại những dấu ấn trong bạn đọc và bạn thơ. Từ Gió từ sông thổi lên (2017) đến Thiên nga bay đi (2020) và mới nhất là Sóng Thu Bồn (2021), anh đã định hình cho mình một phong cách thơ.

Tôi chép lại câu ấy bằng sự quan tâm đến tác giả ở cấp độ thi pháp thời gian, không gian, ngôn ngữ. Đây là một câu chuyện chuyên môn thuộc tầm… hội thảo. Còn tôi tiếp cận thơ Nguyễn Giúp trong tiến trình chuyển động của thi ca mà tôi đọc và học từ anh để có thể hình dung phần nào diện mạo thơ của người thơ thụ hưởng phù sa từ lưu vực hai con sông lớn của quê nhà: Thu Bồn và Vu Gia.

Điều rõ ràng là sinh quyển thơ Nguyễn Giúp chất chứa những kí ức rất thực, những ám ảnh khôn nguôi, những trải nghiệm tiếp nối nhau mà khi anh viết ra có thể chạm đến tâm cảm người đọc. Đó là không gian của làng quê, nơi anh đã từng sống, gắn bó với hình ảnh gần gũi của con sông, xóm làng, tiếng chim, vườn cây: Qua sông là tới làng/ Ừ thì qua sông/ Cổng làng ưỡn ngực khoe những tam cấp/ Rồi sẽ tiếng chim chuyền cành/ Vườn nhà thanh bình đến ngờ vực (Đại Bường); là ánh trăng khuya khắc khoải: Tiếng chuông thả vào đêm/ Gió lay cành mục/ Trăng khuya một áng/ Khắc khoải bốn bề sương giăng (Tiếng chuông)Nơi ấy Nguyễn Giúp chia sẻ kí ức hồn hậu, đau đáu của mình qua từng câu chữ: Em mang nỗi buồn sang nhà tôi/ Cỏ xanh bên thềm chiều mỏng dính (Cỏ); Ngày em theo sông mới hay sông chảy ngược/ Có tiếng gà bên kia đồi đứng bóng (Ngõ xưa)…

Làng quê trong thơ Nguyễn Giúp thường gắn với địa danh cụ thể: Quảng Nam, Mỹ Sơn, Đại Bường, Gò Nổi, Vu Gia, Thu Bồn, Ly Ly, Ái Nghĩa, Ngọc Linh, Hòn Kẽm, Đá Dừng… nên bạn đọc dễ nhận ra cái hồn quê cốt xứ thanh bình, dung dị: Những thân lúa, thân bắp xanh từ đất đai/ Những hạt sương tinh khiết từng giọt mà thành ban mai/ Những phù sa vùi lấp đời mình mà thành bãi bờ điền địa (Gò Nổi). Không gian làng quê ấy không chỉ có tạo vật mà còn có sự hóa thân của hồn người, tình người với hình bóng của danh nhân lịch sử: Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Phan Khôi; có khi con người hóa thân vào quê hương, là một phần của hồn quê: Ra đi rồi quay về sững sờ gặp người lùa bò ngang qua đường/ Là lúc Mỹ Sơn im như gạch/ Những bóng ma Hời canh giữ Sambhuvarman/ Chiều Chiêm Sơn bềnh bồng tơ lụa giăng/ Gái quê buông câu hò thổn thức/ Thanh Chiêm mờ thủ phủ/ Đêm nay nguyệt thực người đòi chết/ Ta sợ linh hồn không lối ra (Sóng Thu Bồn). Thế giới tình tứ, xôn xao ánh sáng và lung linh sắc màu được chạm khắc khá nổi nét và cụ thể trên cái nền mờ ảo làm cho các phối cảnh thêm mông lung mà sống động. Thế giới ấy ẩn chứa bao nhân vật trữ tình thân thiết như người cha lật đất, bóng mẹ xanh trời, chị xắn quần lội ruộng, người em đôi mắt ngọt ngào và xanh hơn trời cao cùng những câu chuyện tưởng đã phôi phai mà thành ám ảnh: Đôi mắt em hoang dại/ Tan loãng/ Vào cơn mưa núi (Bon).

Điều thú vị là trong cái không gian thi ca đó luôn có những âm thanh vang vọng để con người nhận ra nỗi niềm của mình và mở ra chiều kích rộng hơn như là quê xứ của tất cả chúng ta. Sự gợi mở đó đôi khi là tiếng chuông, tiếng mõ: Tiếng mõ giục câu kinh lơi chuông điểm/ Trôi đâu một giấc mộng tàn/ Men rượu cháy lòng câu thơ bung ngày mới/ Lẽ nào vô tích lẽ nào vườn khuya/ Lẽ nào em tay phủi/ Ta từ cuộc phong trần ngồi mặc niệm tiếng chuông? (Tiếng chuông); hoặc chỉ là tiếng thằn lằn nằm phơi mái ngói gợi buồn vui lòng người: Tháng ba người không về/ Con thằn lằn nằm phơi mái ngói/ Buồn vui tắc lưỡi chờ/ Câu hát mài mòn đêm cũ/ Ru người tìm nỗi đau ta/ Áo xưa lãng quên cành súng (Tiếng chim rừng cũ); hoặc trần trụi đời thường mà vẫn gợi bao nỗi niềm: Buổi chiều nghe tiếng con heo kêu/ Ban mai nghe tiếng con gà gáy/ Giục lòng cái ăn cái mặc/ Trái bắp củ khoai thẳng mặt một lời (Gò Nổi)...

Tôi đọc nhiều lần Ville của Nguyễn Giúp và dường như trong khoảng lắng đọng của một người đọc, bài thơ đã kích hoạt những âm thanh gần gũi mênh mang bình yên cố xứ làm nổ bung trầm tưởng về bản quán thành chuỗi âm hình ám ảnh: Đêm đêm thuyền chài gõ nhịp…/ Sông cũng phong phanh như người nằm nghe tiếng chuông nhà thờ đổ…/ Tiếng chim sáo ri ri trên tầng cao hoa gạo đỏ…/ Nơi đầu mối lao xao tiếng người mua bán…/ Trên đỉnh nhà chấp chới tiếng chim bắt cô trói cột lạc bầy…

Không gian thi ca Nguyễn Giúp có cái man mác của tình yêu thăng hoa: Quay lại với tháng mười bài thơ cho em/ Góc phố đã lên sàn mùa đông trứng nước/ Thai nghén những sợi tơ trời hình lông ngỗng bay vào giấc mơ truyền thuyết/ Vó ngựa khua cung bậc tình yêu lên chín tầng hiện hữu/ Em đã về chưa/ Bài tháng mười cho em là nụ hôn đầu đời cùng kiệt vượt ngưỡng đau cơ bắp/ Anh cược linh hồn mình vào đây cho vòng tròn con chữ chạy quanh (Bài tháng mười cho em). Nó cũng có cái ưu tư trong men rượu về một giấc mộng tàn mà lòng vẫn còn chập choạng: Buổi ấy có gã say thơ mượn đôi lúm đồng tiền em chưa trả/ Buổi ấy lũ chuồn chuồn trốn mưa không dự báo một ngày nắng vừa để em đi về đâu đó/ Trên những quả đồi ánh mắt em ngời réo/ Chập choạng giấc mơ (Lang thang những ngọn gió trên đồi). Trong mọi chiều kích không gian thi ca, Nguyễn Giúp luôn viết bằng ý thức sáng suốt cùng sự mê say chắt lọc con chữ để tái hiện hồi ức. Những chiều kích ấy là những xúc cảm không cùng, ẩn chứa cái sống tận độ: Hoàng hôn chưng cất mình thành những ráng đỏ/ Cánh hoa trên đồi nhật thực/ Mùa xuân hồng phía đỉnh cao/ Anh chèo thuyền lên nương/ Nguyệt lộng/…/ Giấc mơ bao la hơn bầu trời nhưng giấc mơ không sóng sánh bằng đôi mắt em (Trong đôi mắt em có giấc mơ của núi). Thơ Nguyễn Giúp có độ nén của ngôn ngữ dù đôi khi những câu thơ văn xuôi kéo dài nhịp xúc cảm hoặc ngắt nhịp rơi dòng kiểu thi pháp hiện đại. 

Rốt lại, dù là viết gì đi chăng nữa thì hình ảnh quê xứ trong thơ Nguyễn Giúp vẫn mãi là một phối cảm giữa lãng mạn và hiện thực với các vỉa chữ lèn chặt trong hồi tưởng từ quá khứ đến hiện tại - hiển lộ mà khó khai quật. Nơi ấy đất và người giao thoa, tựa gửi linh hồn vào nhau trong cái đẹp. Tôi ngắm nhìn để thấy tràn trụa sắc màu lập thể, rợn ngợp hình ảnh mông lung hanh hao, chộn rộn âm thanh và nghẹn ngào nỗi buồn lặn sâu vào ngăn hồn của người hành hương ngay trên mảnh đất thiêng của mình. Chúng đan quyện với nhau nửa thực nửa ảo, nửa lang bạt kì hồ nửa chuẩn mực chỉn chu, nửa muốn rong ruổi nửa muốn quyến luyến khôn nguôi đành trở về: Quê đã chạm vào tôi những mặt người hồn nhiên/ Rồi những ngôi mộ dấy lên trên đồi tha ma cũ/ Hương khói bay hay mưa giăng ngày đông chí/ Như thênh thang những linh hồn từ cây cỏ đứng lên (Ville). 

Nguyễn Giúp tạo ra các thi ảnh thực và siêu thực, gần gũi và lạ lẫm, hồn hậu và bạo liệt, phát lộ và vùi trong trầm tích… Cũng chính nhờ các phổ/ tần số thi ca ấy, thơ anh có thể tiếp cận mọi biên độ/ sở tri của bạn đọc. Tuy nhiên những điều ấy không tách bạch trong từng bài mà hòa quyện với nhau trong các thi liệu bản địa (địa danh, thổ nhưỡng, đặc sản, bản sắc, văn hóa, lịch sử…) Ở tầm khái quát hơn, đó là ảnh xạ quê hương đất nước cùng chiều sâu cõi sống của đồng bào.

Người thơ xứ Quảng viết tựa phù thủy ngôn ngữ đang say cơn phù phép, bốc những chữ đắt nhất từ trong túi thổi ra thành lửa và gió. Anh viết như người nghệ sĩ đang sống trong tận cùng khoảnh khắc của mình. Anh viết như là lí do hiện hữu, hồn nhiên, thúc đẩy sự tồn tại của tâm hồn. Anh viết trong cồn cào quẫy đạp từ hoài niệm và đời sống nhưng lại đạt đến thăng bằng của lí tính và xúc cảm. Anh viết mà như đối thoại giữa các đối cực nhị nguyên mang theo hình thái của tâm hồn, chất chứa đời sống, trĩu nặng chất vấn suy tư.

Giờ đây tất cả vừa lặng vào đất đai vừa dằng dai vang vọng. Trong đêm thơ tiễn biệt Nguyễn Giúp (2/8/2022), nhà thơ Phùng Tấn Đông tôn vinh: “Anh ra đi trong vinh dự với dáng vóc uy nghi của một thi sĩ”; nhà văn Phan Chín nhấn mạnh: “Thơ ca của anh sẽ mãi được mãi lưu giữ trên Đất Quảng và trong lòng bạn thơ, bạn đọc.” Gia đình anh, trong giờ khắc tiếc thương xúc động trào dâng tận cùng, nói lời tự hào về anh, bởi "dưới thảm mục những linh hồn mở ra loài thủy chung” - như câu thơ anh viết trong bài Cho em và hoa cúc... 

L.Đ.T



Không có nhận xét nào: