Mộc Nhân – đọc lại bài thơ “Ville” (*) của Nguyễn Giúp
Cầu Ái Nghĩa - cầu cũ |
Một ngày ngầu đục
nước sông Vu Gia giữa đôi bờ như nỗi u uất kéo thành dòng trầm lặng miên viễn,
có lúc thưa người trên cây cầu đi qua tuổi thơ sắp thay hình đổi dạng,
Nguyễn Giúp phóng bút viết nên “Ville”.
"Ville" với dòng sông đã tạc vào mênh mông tôi kí ức. "Ville" với thị trấn nhỏ bình yên Dằng dặc mặt người qua sông/ Dằng dặc chợ trưa xơ xác. "Ville" có phố nhỏ chợ quê như một phối tưởng giữa mơ mộng và các tầng đan xen của tư duy hồi tưởng từ quá khứ đến hiện tại.
Nguyễn Giúp viết về ville trong ý thức sáng suốt, sự mê
say tung hứng của ngôn ngữ và pha trộn hồi ức. "Ville" không chỉ
là ghi chép cá nhân mà là những xúc cảm không cùng, ẩn chứa sức sống, sức phá hủy
làm nổ bung trầm tưởng về một miền quê bắt đầu được kích hoạt từ những âm thanh
gần gũi mênh mang trong không gian bình yên cố xứ: “Đêm đêm thuyền chài gõ nhịp/ Sông cũng phong phanh như người nằm nghe tiếng
chuông nhà thờ đổ/ Tiếng chim sáo ri ri trên tầng cao hoa gạo đỏ/ Nơi đầu mối
lao xao tiếng người mua bán/ Trên đỉnh nhà chấp chới tiếng chim bắt cô
trói cột lạc bầy…”
Tất cả làm thành chuỗi
âm hình chạy suốt bài thơ .
Phố quê bên sông
trong thơ Nguyễn Giúp tràn trụa sắc màu lập thể, rợn ngợp hình ảnh
hiện thực, chộn rộn âm thanh và nghẹn ngào nỗi buồn lặn sâu vào ngăn hồn của
người hành hương ngay trên mảnh đất thiêng của mình: “Leo lắt ngọn đèn mẹ đã khảm vào tôi bóng trăng câu liêm/ Bống bang đêm
tháng năm hanh hao/ Nỗi buồn nghẹn đòng giêng hai trở bấc”. Đan xen với
vẻ đẹp của những khuôn hình dung dị là vài phác họa tinh tướng kín đáo: “Cầu như thiếu nữ vắt ngang sông/ Khẽ níu
đôi tà áo và thấp thoáng mờ ảo mông lung say sưa cổ tích: Lâng lâng
trăng non vườn sau rụng đầy… / Phập phù đường lên trời khói bay câu chuyện
cũ “Rằng xưa có gã từ quan / Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau…”. Chúng
đan quyện với nhau nửa thực nửa ảo , nửa lang bạt kì hồ nửa quyến luyến khôn
nguôi.
Trong suy tư của kẻ ngắm
nhìn đầy hứng khởi, anh viết về ville tựa
lão phù thủy ngôn ngữ đang say cơn phù phép, bốc chữ từ trong túi vãi
ra; như người nghệ sĩ đang sống trong tận cùng khoảnh khắc của mình - viết
là lý do hiện hữu, hồn nhiên, thúc đẩy tồn tại: “Quê đã chạm vào tôi những mặt người hồn nhiên/ Rồi những ngôi mộ dấy
lên trên đồi tha ma cũ/ Hương khói bay hay mưa giăng ngày đông chí?/ Như thênh
thang những linh hồn từ cây cỏ đứng lên…”
Ville trong Nguyễn Giúp là thế đó. Cũng như bao nhiêu làng quê
khác có bóng hình của dòng sông ngày nước lên nước xuống với những nhọc
nhằn mưu sinh đời thường: “Gạo mắm và đèn
dầu… ngày mưa to lũ lớn con người cận kề cái chết/ Đêm tối như mực mặt người
dớn dác trườn qua mịt mùng khu đĩ cứu hộ/ Con đường là dòng sông chảy xiết”.
Nhưng rồi đi qua cơn hồng thủy là bờ bãi phù sa, vườn tược hoa
trái sút cùi nức thơm lồng ngực mới. Nơi ấy có bóng dáng người thân: “Mẹ tôi đi xa, cha tôi đơn độc mà
vạm vỡ, em dịu dàng, em mắt ruộng…”
Đọc "ville" mới cảm nhận buồn
thương từ mùa màng, khắc khoải bao thân phận và những lặng dấu ưu tư gợi lên
trong trầm mặc thời gian, không gian, đời người: “Tháng mười đêm cứ dài ra thườn thượt / hiu hiu ngọn đèn soi vào
mặt người hoảng loạn”.
Hình như Nguyễn Giúp mang
trong mình bao cồn cào quẫy đạp từ hoài niệm nhưng lại đạt đến thăng bằng của
tâm hồn: “Tôi hít thật sâu niềm vui
ngày mới / Ngày mới níu tôi quay về với giấc mơ hoa cỏ với mỗi điều kỳ diệu/
Hoa gạo cháy trời/ Tôi thừa hưởng một bìa làng mênh mông và sâu thẳm”. Vậy nên
hình ảnh ville buồn nhưng chữ nghĩa mang theo nỗi niềm rực cháy sáng
bừng như bếp lửa diệu kì, có khi trồi dậy dữ dội như chồi cây đội bùn non mùa mới
...
Ville quê tôi đó,
quê của Nguyễn Giúp, của Huỳnh Minh Tâm, của Nguyễn Hải Triều, của chúng ta -
những thằng người bì bõm chân đất ngày mưa, đau rát gốc rạ đồng khô chiều vụ gặt,
nhì nhằng với cánh diều tuổi thơ rối dây rách cánh trưa hè gió chướng, nhọc nhằn
với rơm khô khốc giòn giã, rạ cháy đen nhẻm để rồi thấy mình giàu
hơn “Ngày em lụa nõn/ Đã tinh khôi mùa đầu/
Đã mặn mòi mùa sau”… là như thế đó. Nó sống trong mỗi người, đi vào
máu huyết, tâm khảm - hay nói như Nguyễn Ngọc Hạnh: "Xưa tôi sống trong làng / giờ làng sống trong tôi".
Suy tưởng trong ville của
Nguyễn Giúp như cuộc đối thoại giữa các hình thái tâm hồn, chất chứa đời sống,
trĩu nặng chất vấn suy tư: “Em có
cùng tôi phóng sinh nỗi buồn?... Bờ bãi nào phù sa bờ bãi nào dăm sỏi”.
Ville cho tôi những
tin tưởng bình an dù lắm khi tác giả cũng hằn học lùng bùng trong buổi hoàng
hôn: “Trời mưa dai nhà rách/ Tèm nhem chiều/
Đêm chó tru ám ngõ/ Tiếng nước xé chân cầu thốc tháo”; dù thảng hoặc
ma mị, chiến tranh, hiểm họa: “Tiếng súng
và bóng tối chen nhau/ Người thân lật chết”; dù có những ban khuya cằn
cỗi cụ cựa giữa: “Giấc mơ ngợp đuối
cơn hen suyễn ngoi lên … thở / Hom hem khuôn làng những thân tre cứa rát”. Nhưng
đằng sau những ẩn ngữ gợi ám tượng thổn thức là sự sống, là cảm thức hồi sinh
dào dạt: “Ville cạn nỗi buồn/ Ville
dạt niềm vui”.
Đọc ville để
cùng Nguyễn Giúp nương theo những chạm khắc quá vãng, để được nghe những
lặng tăm vô thanh, thấy được những tướng hình vô thường. Giữa cơn say bất chợt
nghe tiếng chuông nhà thờ giáo xứ quyện cùng chuông chùa phiêu diêu mà nguôi
ngoai những ám ảnh chiến tranh, những phân rã gấp gáp của đời sống quê nhà.
Trong nỗ lực tìm kiếm bút
pháp với những đeo đuổi kiên nhẫn, Nguyễn Giúp không chỉ lưu giữ cho chúng ta về
một ville từ tuổi thơ hồn nhiên đến khi nhọc nhằn gánh nặng phù
sinh của người trưởng thành mà như một nhu cầu tâm hồn, khi kí ức ăm ắp anh viết
dường như cạn kiệt - để đưa người đọc vào khoảng trống rỗng vô nhiễm của
thăng hoa.
Và tôi trong cơn phê thuốc
ngôn ngữ với bao xúc cảm nôn nao mới mẻ đã tìm thấy sự yên ủi tuyệt vời từ
hương vị ngọt ngào tỏa lan của ville - miền đất tình thân dấu yêu -
không chỉ của riêng mình .
-----
(*)"Ville": bài thơ của Nguyễn
Giúp viết về Thị trấn Ái Nghĩa - thời Pháp thuộc, khu trung tâm thị trấn Ái
Nghĩa (Đại Lộc - Quảng Nam) có tên thường gọi là Ville [phố]. Những cụm từ
in nghiêng trong bài viết trích từ bài thơ “Ville” của Nguyễn Giúp.
bài đã đăng trên Tạp chí Đất Quảng số tháng 9/ 2022 |
***
Bài thơ
VILLE – Nguyễn Giúp
1
Về một cây cầu đi qua tuổi thơ
Sông đã tạc vào mênh mông tôi kí ức
Đêm đêm thuyền chài gõ nhịp
Leo lắt ngọn đèn mẹ đã khảm vào tôi bóng trăng câu liêm
Bống bang đêm tháng năm hanh hao
Dằng dặc mặt người qua sông
Dằng dặc chợ trưa xơ xác
Nỗi buồn nghẹn đòng giêng hai trở bấc
Thốc lòng rổ rá con cá chuồn tróc vảy trầy vi
Người đi hôm trước hôm sau chiếc lá vẫn còn khô rông rốc
Người đi hôm cầu gãy
Người về hôm cầu xong
Ville cạn nỗi buồn
Ville dạt niềm vui
Khắc khoải chiến tranh cha tôi ngồi bấm đốt
Những khoảng lặng đời người dày thưa?
2
Phạt vào bờ nhát rựa
Bong ra từng vỉa cỏ
Đắp cao lên mùa màng
Lại tháng mười đêm cứ dài ra thườn thượt
Lại hiu hiu ngọn đèn soi vào mặt người hoảng loạn
Tiếng súng và bóng tối chen nhau
Người thân lật chết
Chuyện kể hoang như truông
Rồi những ngôi nhà liền kề mọc lên san sát
Quê đã chạm vào tôi những mặt người hồn nhiên
Rồi những ngôi mộ dấy lên trên đồi tha ma cũ
Hương khói bay hay mưa giăng ngày đông chí?
Như thênh thang những linh hồn từ cây cỏ đứng lên
Tôi lặng lẽ nghiêng vai…
3
Về một cây cầu đi qua đời người
Tôi lại thấy mình giàu hơn ngày em lụa nõn
Đã tinh khôi mùa đầu
Đã mặn mòi mùa sau
Những hoa trái sút cùi nức thơm lồng ngực mới
Lâng lâng trăng non vườn sau rụng đầy
Vu Gia ngày nước lên nước xuống
Cầu như thiếu nữ vắt ngang sông
Khẽ níu đôi tà áo
Chắn cơn gió vô tình lửng bay
Khúc này sông cạn khúc kia sông sâu
Sông cũng phong phanh như người nằm nghe tiếng chuông nhà thờ
đổ
Chiều thánh thót rơi
Rười rượi mắt buồn giáo xứ em ngợi ca đức tin
Như tôi đã từng mê buổi sân đình rợp mát
Tiếng chim sáo ri ri trên tầng cao hoa gạo đỏ
Chót vót niềm thiên sứ
Em có cùng tôi phóng sinh nỗi buồn?
4
Về một làng quê đi qua đời người
Ville bây giờ đã thành phố chợ
Nơi đầu mối lao xao tiếng người mua bán
Lầm lì những chiếc xe Hàn xe Nhựt cũ thồ rau
Những ngôi nhà cao cao những gian hàng dày dày
Răng rắc tiếng cửa khép ngày thao thiết
Và tôi vẫn qua đây mỗi sớm
Rộn ràng những gân máu xanh xao mà chân tình
Bên em dịu dàng
Bên em mắt ruộng
Tôi hít thật sâu niềm vui ngày mới
Ngày mới níu tôi quay về với giấc mơ hoa cỏ với mỗi điều kỳ diệu
Hoa gạo cháy trời
Tôi thừa hưởng một bìa làng mênh mông và sâu thẳm
Trên tầng cao thiên sứ
bầy chim quần tụ
ri ri…ri ri…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét