Mộc Nhân - review tập truyện ngắn: "Như giọt chuông ngân" - Hồ Loan, NXB Hội Nhà văn, 2022.
(...)
Chuông là một pháp khí thường thấy ở chùa chiền, nhà thờ, nơi tu tập; nó như một phương tiện biểu thị cho sự tỉnh giác tâm thức cùng lắng đọng không gian để trong khoảnh khắc nào đó, con người hiểu được thể tánh của mình.
Tôi thích âm vọng của tiếng chuông như một mặc khải trong vài truyện ngắn của Hồ Loan. Có thể đó là lý do, là ý tưởng để tác giả chọn làm nhan đề cho tập “debut” của mình: “Như Giọt Chuông Ngân”. Tiếng chuông ấy đôi khi làm nền cho độc thoại nội tâm trong những bối cảnh đời sống bất toàn, đổ vỡ, phi lý, bóng tối dày đặc phủ vây nhưng con người vẫn mải kiếm tìm hạnh phúc cùng đau đáu niềm tự vấn.
Những câu chuyện trong tập sách, qua cách kể của Hồ
Loan, đã đem đến cho người đọc những khoảnh khắc thú vị, ưu tư, bất ngờ của hiện
hữu. Đằng sau mỗi câu chuyện là một thân phận cùng những thông điệp về cuộc sống
muôn màu, vừa quen vừa lạ mà đôi khi chúng ta bắt gặp trong đó những trạng thái
của mình, của người thân, của nhân tình thế thái - ẩn chứa bao buồn vui.
Hồ Loan không viết về những gì lớn lao, xa lạ với cuộc
sống, mà xây dựng những chuyện kể rất gần gũi cùng những lời tâm tình nhẹ nhàng
thủ thỉ về đời thường đang diễn ra đây đó. Đôi khi tác giả khéo léo chuyển hóa
thông điệp đời sống thành những suy nghĩ về trách nhiệm của người cầm bút trong
bối cảnh thời đại: “Một ngày mai, khi con cầm trên tay những đầu sách của mình,
tôi không cảm thấy e thẹn với lòng, với con, với độc giả” (Vệt Sáng) – phải
chăng đó là sự tử tế của người viết với sứ mệnh cầm bút.
***
Với một tác phẩm đầu tay
nhưng chắc tay, tôi tin rằng ngòi bút của Hồ Loan hứa hẹn những văn bản nhiều
năng lượng hơn. Tôi có cảm giác đang lướt trên một tảng băng ngầm và chờ đợi những
sáng tác tiếp theo. Frédéric Tristan (nhà văn Pháp) từng nhận định: "Truyện
ngắn là bài tập của các nhà văn duy mỹ. Người ta nhận ra tài năng của nhà văn
qua truyện ngắn...” bởi nó đa dạng trong sự vận động, biến đổi không ngừng của
kết cấu, ngôn từ, nghệ thuật tự sự, tính mở, kích thích tìm tòi những thủ pháp
nghệ thuật khơi gợi tư duy người đọc.
Và tôi chợt nhớ đến câu
viết của nhà văn người Anh Charles Dickens: "Thứ được xây dựng chỉ được
yêu sau khi nó đã hoàn thành; nhưng thứ được sáng tác thì được yêu trước khi nó
tồn tại” (That a thing constructed can only be loved after it
is constructed; but a thing created is loved before it exists).
Tôi tin rằng Hồ Loan yêu/
thấm/ gắn bó với những trải nghiệm đời sống của mình trước khi nó trở thành con
chữ/ bản thảo/ tác phẩm - nơi thử thách tài năng và giá trị duy mỹ của tác giả...
Mộc Nhân - Trích từ "Lời Bạt" trong tập sách trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét