23/8/22

2.485. GIỚI HẠN NÀO CHO SÁNG TẠO?

  Một bài phỏng vấn khá hay, góc nhìn cởi mở, khách quan, khơi thông nhiều luồng suy nghĩ, đánh giá về các sáng tạo/ tái tạo nghệ thuật hiện nay - đáng để lưu, đọc lại và chia sẻ.

  Bài do nhà báo Lữ Mai thực hiện phỏng vấn với phần trả lời nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa.


Có những phản ứng khá dữ dội của công chúng khi những nhân vật lịch sử, văn học… được làm “sống dậy” một cách đầy tranh cãi ở các loại hình: văn chương, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật… Cũng có những hội đồng kiểm duyệt “lung lay” quan điểm trước sự phán xét của mạng xã hội (MXH) dành cho một tác phẩm. Sáng tạo thế nào là chấp nhận được, căn cứ vào đâu, trách nhiệm khâu kiểm duyệt thế nào... là những mối băn khoăn chung quanh câu chuyện về văn học nghệ thuật (VHNT) mà nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa chia sẻ cùng Nhân Dân hằng tháng.

KHÔNG CÓ CÔNG CHÚNG CHUNG CHUNG!

- Gần đây, có những bộ phim, vở kịch hoặc tác phẩm hội họa, điêu khắc… nhận phản ứng trái chiều của công chúng khi "nguyên mẫu" được cho là bị “tô vẽ”, sáng tạo quá đà… Anh nhận định thế nào về giới hạn trong sáng tạo?

+ Theo tôi cần có sự rạch ròi ngay từ đầu, vì ta đang bàn câu chuyện "sáng tạo". Thí dụ, những bộ phim về nhân vật hư cấu như Kiều hay là về nhân vật có thực như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì đều là sản phẩm của điện ảnh, của nghệ thuật, của sáng tạo. Có nghĩa, là phim về Kiều, "tái cấu trúc" Kiều theo chủ ý của nhà làm phim, chứ không phải là "minh họa" một cách sát sàn sạt cho "Truyện Kiều". Cũng vậy, phim về Trịnh Công Sơn là phim nghệ thuật, có yếu tố "hư cấu", chứ không phải là phim tư liệu về người thật việc thật. Kiều trong tác phẩm của Nguyễn Du hay Trịnh Công Sơn qua âm nhạc và trong đời thực… đều chỉ là "nguyên mẫu", là cảm hứng để các nhà làm phim sáng tạo thành "nhân vật" của mình. Thực tế, khó tồn tại cái gọi là barie hay barem cụ thể để các nghệ sĩ có thể tự giới hạn mình, hay tự cân đong mình, điều quan trọng là tác phẩm phải tạo được hiệu ứng thẩm mỹ và được công chúng chấp nhận. Tuy nhiên, cần mở ngoặc: Công chúng là công chúng nào? Bởi không thể đánh đồng "công chúng" một cách chung chung. Mà công chúng bao giờ cũng có sự chia rẽ, phân hóa sâu sắc và mãnh liệt. Có nghĩa, không có tác phẩm nghệ thuật nào có khả năng làm thỏa mãn mọi đối tượng công chúng. Cho nên việc công chúng phản ứng trái chiều trước một sản phẩm nghệ thuật là quá ư bình thường. Tình hình chỉ bất thường khi mà tất cả mọi đối tượng công chúng đều quay lưng lại với sản phẩm nghệ thuật của anh, khi đó mới buộc anh phải xem lại cái gọi là "sáng tạo" của mình. Lại mở ngoặc, hi hữu có những tác phẩm không dành cho thì hiện tại mà là dành cho thì tương lai.

- Với những nguyên mẫu còn sống, thì việc dựng lên một hình tượng "khác" có khiến họ chịu thiệt thòi?

+ Còn tùy vào quan niệm của "nguyên mẫu", cũng như của công chúng. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để cho "nhân vật" là hoàng đế trong truyện ngắn giả lịch sử của mình nói tục chửi bậy, nếu "nguyên mẫu" có sống dậy thì chắc chẳng hơi đâu mà đi cãi, phân bua, đính chính làm gì. Mà kể cả là cuốn sách hay bộ phim tư liệu thì lấy gì để làm bằng, rằng đấy không phải là tôi. Mỗi con người là một khối đa diện, vừa thế này vừa thế kia, thậm chí nói như Xuân Diệu, "là tôi phút trước và tôi phút này", làm gì có một "tôi" nào bất động, bất biến… Nghệ thuật chỉ đáng sợ, đáng lên án khi nó nhân danh nghệ thuật để ám chỉ, bôi nhọ người khác vì đố kỵ, tư thù gì đấy mà thôi. Tuy nhiên, với các kịch bản phim một khi đã đem tham khảo ý kiến từ nguyên mẫu mà lại không "biên tập" gì thì dễ khiến "nguyên mẫu" thấy không được tôn trọng, dẫn đến những ì xèo không đáng có.

- Nhưng nhiều khi sự ồn ào không đến từ "nguyên mẫu" hay chủ thể sáng tạo có liên quan mà lại được nhen nhóm và bùng lên những trận phán xét từ không gian MXH?

+ Ở góc độ nào đó, MXH có thể được coi như bước tiến đột biến của dân chủ. Ai cũng có quyền lên tiếng, góp giọng. Tất nhiên, một khi bị lạm quyền thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, trước một vấn đề chuyên môn học thuật mà ai ai cũng cứ cất lời như đúng rồi. Nhiều sự việc liên quan tới VHNT cũng đã chịu tác động lớn từ sự phán xét trên MXH thay vì từ ý kiến của hội đồng kiểm duyệt, giới chuyên môn.

- Theo anh, vì đâu tiếng nói từ thế giới ảo lại có phần lấn át như thế?

+ Một nguyên nhân quan trọng là các nhà chuyên môn, hội đồng nghệ thuật… đôi khi không đủ độ tin cậy và sức thuyết phục đối với công chúng. Nếu chuyên môn của họ đủ “quyền uy”, đủ lớn thì không tiếng nói "cả vú" nào có thể "lấp" nổi. Dường như, nhiều hội đồng cách thức làm việc còn à uôm, dễ dãi, xuê xoa, tắc trách… Như đã thấy, nhiều cơ quan/ hội đồng chức năng làm việc cảm tính, tác phẩm của văn nghệ sĩ qua cửa kiểm duyệt rồi, được cấp phép hẳn hoi rồi, không phải bỗng dưng “trên trời rơi xuống, dưới đất chui lên", nhưng khi nghe thấy MXH chê bai, bàn tán thì lập tức rút giấy phép. Câu hỏi đặt ra: Đó là do kiểm duyệt qua loa nên bỏ qua một tác phẩm có vấn đề, hay là đã kiểm duyệt kỹ, nhưng giờ lại hùa theo dư luận? “Quay xe”, cho thấy cái sự vừa yếu chuyên môn vừa yếu bóng vía của những "nhà chuyên môn". Cách "làm ăn" này tạo tiền lệ xấu, khiến cho những thứ ảo như MXH càng thêm ảo tưởng sức mạnh. Cũng cần mở ngoặc thêm là có nhiều trí thức ẩn danh và ẩn trong dân. Tiếng nói phản biện qua MXH của họ "đáng nghe" hơn rất nhiều so với tiếng nói của những người mang danh là "nhà chuyên môn".

CẦN MỜI GỌI ĐƯỢC SỰ ĐỐI THOẠI

- Theo anh, đâu là vấn đề mấu chốt cho giới hạn sáng tạo?

+ Tôi nghĩ đến tự do sáng tạo và tự do tiếp nhận. Cần phải nới giãn dần những đường biên, tháo dỡ dần những mặc định. Tôi không tin rằng có ai đấy thực sự đủ thẩm quyền (theo nghĩa rộng nhất của từ này) để tiền kiểm, hậu kiểm. Kiểm duyệt có là một hội đồng đi chăng nữa, cũng là sự tập hợp của dăm bảy cá nhân, mà đã là cá nhân thì đồng nghĩa với chủ quan, thiên kiến và giới hạn.

Về bản chất, nghệ thuật mang đến cho công chúng cái nhìn đa chiều, đa diện về thế giới. Mỗi tác phẩm thể hiện nhãn quan, chủ kiến, chủ đích của nghệ sĩ. Đã có bao nhiêu tác phẩm khắc họa nhân vật lịch sử ấy, phản ánh khoảnh khắc lịch sử ấy rồi, nên nếu lại thêm một tác phẩm mới mà không "khác" đi thì sẽ trở thành thừa thãi, vô ích. Nghệ thuật tối kỵ đồng phục, lặp lại. Tác phẩm sau phải có ý nghĩa bổ sung thêm, đối thoại lại tác phẩm trước.

- Nhiều nghệ sĩ vẫn băn khoăn rằng nếu không có một barie nào thì rất khó để họ được đánh giá một cách công bằng?

+ Nhiều quốc gia trên thế giới được cho là cởi mở thông thoáng về mọi thứ vẫn duy trì chế độ kiểm duyệt đối với tác phẩm VHNT. Tôi không có ý nói họ kiểm duyệt được thì mình cũng kiểm duyệt được. Tôi muốn nói là VHNT nên được liên tục tái định nghĩa. Nếu mặc định một định nghĩa, thì khi trước mắt ta là một tác phẩm không vừa khuôn, không tương thích với cái định nghĩa đó, phản ứng đầu tiên của ta sẽ là phủ nhận nó.

Việc của nghệ sĩ là sáng tạo, không nên quá bận tâm đến sự đánh giá, càng không nên đòi hỏi sự công bằng, vì phạm trù này nghe chừng… xa xỉ quá. Điều đáng mong hơn là, mọi tác phẩm đều có cơ hội được sáng tạo, được trình hiện, được mời gọi đối thoại. Hẳn có người sẽ phản biện: Vậy đầu tư, đãi ngộ để làm gì? Vâng, có đầu tư, đãi ngộ thì ắt có kiểm duyệt, đó là lẽ đương nhiên, biện chứng. Muốn tự do sáng tạo nhiều hơn thì anh cứ "tự túc" đi, hoặc huy động nguồn lực xã hội hóa đi.

- Nhưng đặt vấn đề ngược lại, nếu mọi tác phẩm đều có cơ hội tiếp cận công chúng thì có gây phương hại hoặc làm thay đổi gì đến nhận thức, thẩm mỹ xã hội?

+ Chúng ta có thể bật chế độ "cấm" đối với một tác phẩm cụ thể nào đó, nhưng trên thực tế thì có "cấm" nổi không, đặc biệt là trong bối cảnh trương nở ngày càng nhiều "kênh" xem, nghe, đọc… khác nhau? Cho nên, "phương hại" hay không là tùy thuộc ở "màng lọc", "sức đề kháng" của mỗi cá nhân công chúng.

Còn những tác phẩm "khó" thì sao? Thì sẽ nâng dần trình độ thưởng thức thẩm mỹ của người tiếp nhận. Một khi công chúng bình dân mà tiệm cận được tác phẩm "khó" thì nói như một nhà phê bình, con đường phát triển của nghệ thuật sẽ trở thành đại lộ.

- Về phía cơ quan chức năng, cần có những giải pháp gì để giải quyết câu chuyện về giới hạn trong sáng tạo?

+ Cần nâng cao chất lượng của các hội đồng chuyên môn. Cụ thể ở khâu tuyển chọn thành viên, ở cơ chế hoạt động, ở "triết lý" hoạt động, ở văn hóa tự chịu trách nhiệm… Không thể bịt tai, bỏ ngoài tất cả tiếng nói dư luận, nhưng cũng không thể chạy theo, dẫn đến vô hiệu hóa tiếng nói của mình. Các điều luật, quy định trong từng văn bản liên quan cũng cần cụ thể hóa hơn, hoàn thiện và bổ sung, sửa đổi không ngừng.

- Cuối cùng, phải chăng vẫn là vấn đề tài năng của nghệ sĩ sẽ giải quyết được mọi giới hạn?

+ Đúng vậy. Tài năng sẽ gây kinh ngạc, choáng váng... cho công chúng. Tôi gọi đó là khoái cảm thẩm mỹ tận độ. Tài năng của chủ thể sáng tạo mang đến cho chủ thể tiếp nhận cơ hội được nâng dần ngưỡng thẩm mỹ, tầm đón đợi, được tái định nghĩa về VHNT, được trưởng thành kịp sự "tiến hóa" của VHNT… Chẳng hạn, đọc “Đàn hương hình” của Mạc Ngôn, người ta chỉ biết đắm chìm trong khí quyển "mỹ học của cái ác", hay đọc "Trăm năm cô đơn" của Márquez, người ta chỉ biết đắm chìm trong khí quyển "mỹ học của tính dục", mà không hơi đâu bận tâm đong đếm "dung lượng" của cái ác, của tính dục có nằm trong… hạn mức cho phép hay không. Người sáng tạo hay tiếp nhận nếu tự giới hạn, đóng khung mình thì sẽ mất đi nhiều cơ hội tạo sinh và thụ hưởng "cái đẹp" muôn hình muôn vẻ của nghệ thuật.

- Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thẳng thắn này!

Nguồn: Báo Nhân Dân – copy văn bản từ facebook Hoàng Đăng Khoa.

 

Không có nhận xét nào: