3/8/22

2.466. ĐỌC CHẬM THƠ NGUYỄN GIÚP

   Bài của Huỳnh Minh Tâm – để nhớ về nhà thơ Nguyễn Giúp



Đọc chậm thơ Nguyễn Giúp, bởi vì, như tôi đọc vào quê hương mình, lần tìm, đọc lại, tìm hiểu, tra cứu, ghi lại, tra gia phả của ông bà, cha mẹ, con cái, và bởi vậy nên hết sức chậm rãi, từ tốn. Thơ Nguyễn Giúp từ tập: “Gió từ sông thổi lên”, Nxb Hội Nhà văn - 2017, đến tập: “Thiên nga bay đi, NXB Hội Nhà văn- 2020, rồi trường ca: “Sóng Thu Bồn, NXB Hội Nhà văn - 2021” là sự hòa trộn đất đai, cây cỏ, con sông, mái chèo, gió bão, lũ lụt, nắng nôi, bom đạn, ly tán, yêu dại, say tình…

“Ngày em rời cố quận

Tôi mắt kiếng chôn nỗi buồn mà sao nỗi buồn không khuất

Bên hàng rào gà đá nhau chí tử

Trời mưa dai nhà rách

Tèm nhem chiều

Đêm chó tru ám ngõ

Tiếng nước xé chân cầu thốc tháo như tôi đã từng lặn xuống đáy sâu hơi thở mơ mơ lồng ngực hồi sinh”

                          (Ville).

Hồn cốt thơ đi vào bạn đọc đầu tiên là cảm xúc và nhịp điệu. Thơ Nguyễn Giúp chất chứa cảm xúc, bổi hổi như tình yêu đầu đời, như ta vừa sờ nắn búp măng non tơ ở đâu đó. Nhịp điệu thơ ngắn gọn, chênh vênh như bắt người đọc phải đọc tiếp, phải yêu quí, nâng niu con chữ. Khi nào đó có một câu thơ dài ngoẵng thì chắc chắn ở đấy cảm xúc của anh tràn bờ, không cưỡng lại được, và như anh phải viết cái điều cần thổ lộ. Tinh thần sáng tạo, khai phóng trong anh mãnh liệt, quyết đoán, bởi vậy mà thơ anh ít vần vè. Dường như anh không thích hợp sáng tác lục bát. Con người tự do chỉ thích viết thơ phóng khoáng, sinh động.

“Chiêm bao mùa màng

luống cày vụn vỡ

 

Cha tôi lật lên dáng núi

bài ca tự do là lời đồng dao rải xuống thửa ruộng

 

Từng hạt/ từng hạt…

lấp lánh mồ hôi và lúa”

     (Trường ca Sóng Thu Bồn, trang 62).

Mầm thơ trong anh đã có từ lâu, thời thơ ấu, đi dạy học ở miền sơn cước? Tôi tin như vậy, nhưng khi viết những bài thơ tâm huyết, đoạt các giải thưởng như: Giải nhì  cuộc thi “Thơ ca và nguồn cội” (lần II) 2011- làng Chùa, Hà Nội; giải A cuộc thi sáng tác thơ về Quảng Nam-2017,...,thì, so với độ tuổi của anh dường như trễ. Nhưng bù lại, sức bật, sức sáng tác của anh từ đấy rất đáng nể. Nhiều cây bút ở Quảng Nam lẫn bạn bè thơ ca gần xa thích thi pháp của tác giả mới nhưng chất liệu gần gũi, từ ngữ chắc chiu, sắc sảo mà không kiêu. Bạn nghĩ gì qua một doạn thơ sau:

“Chum

Lọ

Tro

Cốt

Đồng

Vàng

Gạch

Gốm

Từng Lồi/ Lạc/ Chăm/ Chợ/ mọi rợ…”

     (Trường ca Sóng Thu Bồn, trang 42)

Tôi thì như thấy sự hỗn độn, hư vô của ký ức được phơi bày trên trang giấy bằng chữ. Tình yêu của tác giả trì níu quá khứ trong nỗi đau, sự tàn phá của thời gian.

Tinh hoa của một bài thơ là gì? Thông điệp mà nó gửi đến bạn đọc? Nếu vậy người viết sẽ cố “nặn” ra một thứ gì đó lớn lao?! Hoặc là ăn cắp những ý tưởng của người khác? Hình tượng, hình ảnh nào đó mới mẻ, trừu tượng, choán ngợp? Thế thì anh phải là một “siêu nhân thơ”? Ngôn ngữ gây ấn tượng và chưa từng có trong các tập thơ? Thế thì anh là một tiến sĩ ngôn ngữ học?

Hành trình của nhà thơ trên con đường tìm kiếm “bản ngã thơ”, phút chốc “ngộ ra” cái “bản lai diện mục”, theo tôi, không phải như vậy. Có năng khiếu thẩm mỹ và học hỏi, có sự đọc và thấu hiểu, có sự khiêm nhường và quyết đoán, với niềm đam mê của anh, anh viết, không đặt những mục đích, kỳ vọng gì như đã nói ở trên. Mọi thứ dường như trôi qua, đúng với qui luật vô thường của vạn vật và thời gian, và cũng bất ngờ, hi hữu, biền biệt, bài thơ đọng lại trong tâm hồn của bạn đọc như một phép lạ, mà laị đương nhiên, bạn đã gặp? Có lẽ chẳng vì lý do gì, trước khi người ta bắt đầu phân tích, mổ xẻ nó. Tôi đã đọc, cảm và yêu thích thơ anh như ở trạng thái ấy.

“Sừng sững Ngọc Linh

âm âm u u ngọn nguồn...

 

Nhớ ai mà Hòn Kẽm

đợi ai mà Đá Dừng

ngõ chiều thắt đáy lưng ong ý thơ mật quả

 

Đại Bường em đôi mươi tóc thơm da nuột

cỏ non bò gặm nắng

sông sâu cá mơ trăng”

     (Hát với Thu Bồn).

Đọc thơ anh với giọng Quảng Nam mới đã, đúng điệu. Nhiều buổi tọa đàm thơ hay thơ đêm Nguyên Tiêu, anh em hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam đã nhiều lần nghe chính tác giả đọc thơ mình. Giọng thơ trầm, khoáng, chân thành, có sức cuốn hút. Bởi tiếng thơ anh là tiếng phía sau nhịp đập của lồng ngực, là tiếng của sẻ chia, cảm thông với nỗi đau thương, mất mát của số phận.

“Ở phía quê nhà thân cau dầm nắng

rễ trầu nứt vách tường rêu

Ở phía quê nhà nỗi buồn khuất lấp

ngày xuân có đứa không về

mình chị trống không vườn tạp

hoa quê rò rỏ khoe màu”

             (Phía quê)

Bởi vì yêu quí anh, thời ban sơ anh đã tạo ra một chất giọng và trường thơ lạ ở tạp chi Đất Quảng, chúng tôi đã đặt thơ anh lên bàn “mổ” và nhận ra vẽ đẹp mộc mạc của quê hương mà anh chăm bẵm viết về, vẽ đẹp của các động từ mà anh dụng công cho thích hợp. Và suốt bao năm, vẽ đẹp của thơ anh vẫn nguyên vẹn trong tấm lòng bạn đọc. Điều ấy thật quí giá, bởi bao điều phiền muộn, chông chênh của cuộc sống dễ làm ngòi bút của chúng ta bị thui chột. Bởi những ai “chơi” với con chữ thì đều gặp, sự tắt tị cảm xúc luôn làm chúng ta đau khổ và bỏ cuộc. Với Nguyễn Giúp, chúng tôi nhận ra niềm đam mê chữ của anh luôn lớn mạnh, cứng cáp.

“Download ngọn gió khật khừ

tôi lại gặp hơi thở em gấp gáp đến

lạ thường như thể bắt đầu cơn dông mới

cơn dông đe dọa bức họa trên vuông

tường kia về một dự cảm vỡ cháy”

                      (Có một vuông trăng)

Thơ là mê lộ, từ thuở hồng hoang cho đến muôn sau, tôi tin như vậy, bởi trong tâm hồn của mỗi con người đều mang những tín hiệu và những ký hiệu kỳ bí. Ai sẽ giải mã chó chúng ta? Không ai cả. Không ai có quyền và có thể giải mã vẽ đẹp của làn nắng mùa xuân xuyên qua vòm lá, phải không? Cũng như không ai có thể cảm nhận vẽ đẹp, vẽ huyền nhiệm của cô gái chỉ trừ một người- là người tình của cô, phải không? Tình yêu riêng biệt và bí mật. Thơ ca riêng biệt và bí mật. Tôi cũng chỉ mượn một vài từ ngữ để tiếp nhận và cố giải mã thơ của nhà thơ Nguyễn Giúp.

“Một ngày nhớ sông

Thằng bạn nghèo bươn chạy về quê ôm bóng cha sùi sụt

Như những linh hồn tre đêm đêm cót két”

                                 (Trường ca Sóng Thu Bồn, trang 6)

Tôi đọc. Tôi nhớ về hình bóng cha tôi và tôi đã khóc.

Đôi khi những hình ảnh quá khứ của đất đai, tổ tiên, cha mẹ trong thơ Nguyễn Giúp đi vào tâm hồn tôi như vậy. Và tôi cứ lật từng trang thơ, dẫu có trang cũng chỉ một số câu ngắn ngủi, để đọc, để mơ: “Vu Gia/ vừa trôi vừa ngủ”.

 

     H.M.T

                                                                12/2021.

 

 

 

 

Không có nhận xét nào: