11/8/22

2.474. NĂM NHÀ THƠ SIÊU THỰC NỔI TIẾNG

  Mộc Nhân – dịch từ nguyên tác: "Five Fantastical Surrealist Poets To Expand Your Imagination" (Năm nhà thơ siêu thực tài danh mở ra trí tưởng tượng của bạn) – by Karrs Lewis. 

"Hãy tự mình thể hiện chất thơ siêu thực bằng cách viết một bài thơ ngay sau khi bạn thức dậy. Cố gắng kết hợp các chi tiết từ những giấc mơ của bạn để tạo ra một tác phẩm thế giới khác".



Chủ nghĩa siêu thực (Surrealism) trong thơ ca bắt đầu từ những năm 1920 ở Pháp do Andre Breton và P.Soupault đề xướng với sự tham gia của L.Aragon và P.Eluard và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay. Mỗi giai đoạn thơ siêu thực đều có những bước tiến đáng kể gắn với các tên tuổi tài danh như Lamartine, V.Hugo, Chateaubriand, Baudelaire, Verlaine, Valéry, Mallarmé...

Sự ra đời của chủ nghĩa siêu thực về thực chất là một sự nổi loạn đối với văn minh tư sản và sự khủng hoảng tinh thần của một bộ phận thanh niên trí thức trước thực trạng xã hội hỗn độn và sự bất lực của mình về mặt nghệ thuật. Chủ nghĩa siêu thực thúc đẩy tiềm thức, coi thường logic và phủ nhận các tiêu chuẩn mà xã hội đã thiết lập.

Những người yêu thơ biết rằng thể loại này dựa vào các sáng tạo như biểu tượng (symbolism), mô phỏng (simile), và ẩn dụ (metaphor), hơn là hiển ngôn (literal).

Trong Tuyên ngôn Siêu thực (Surrealist Manifesto) năm 1924, nhà thơ nổi tiếng André Breton đã nhấn mạnh “trò chơi vô tư của tư tưởng” (disinterested play of thought) và “sự toàn năng của những giấc mơ” (omnipotence of dreams) là những đặc điểm chính của thơ siêu thực và cho rằng chúng nên được ưu tiên hơn logic và cấu trúc tường thuật (narrative structure). Thơ ca siêu thực coi phân tâm học và tâm trí được giải phóng, vô thức, thường dẫn đến một phong cách viết như mơ, theo dòng ý thức.

Sáu nhà văn sau đây được xem như những tác giả kỳ lạ về mỹ học siêu thực.

1. John Ashbery (1927 - 2017):

Ông là nhà thơ, nhà phê bình (critic) người Mỹ, đã giành được Giải thưởng Pulitzer, Giải thưởng Sách Quốc gia (National Book Award) và Giải thưởng Nhà thơ trẻ Yale (Yale Younger Poets Prize) cùng các giải thưởng khác. Ông nhận được những danh hiệu này một phần vì các nhà phê bình mô tả các tác phẩm của ông là không thể bắt chước, có những phẩm chất kỳ lạ, trừu tượng và hấp dẫn. Ashbery nói với tờ The London Times: “Thơ của tôi bắt chước hoặc tái tạo cách mà kiến thức hoặc nhận thức đến với tôi, đó là sự phù hợp và bắt đầu và theo định hướng”.

Trên thực tế, Ashbery được biết đến là người bối rối vì công việc của chính mình. Những ai muốn hiểu rõ nhất về phong cách của Ashbery nên bắt đầu đọc tác phẩm Chân dung tự họa trong gương lồi (Self-Portrait in a Convex Mirror). Tác phẩm này được coi là một kiệt tác siêu thực và là một trong những văn bản có ảnh hưởng nhất của phong trào. (Liên kết ngoài)

2. André Breton (1896-1966):

Ông là tác giả của Tuyên ngôn Siêu thực (Surrealist Manifesto), đóng vai trò quan trọng trong cả việc xác định và mở rộng phong trào. Breton gọi chủ nghĩa siêu thực là “sự sai khiến của tư tưởng, không bị bất kỳ sự kiểm soát nào của lý trí và bất kỳ mối bận tâm về thẩm mỹ hay đạo đức nào” (the dictation of thought, free from any control by the reason and of any aesthetic or moral preoccupation). Vì vậy, ông xem đây là hình thức viết tự do và chân thực nhất. Tác phẩm của Breton thể hiện tính giao thoa và ảnh hưởng rộng rãi của thơ ca như một loại hình nghệ thuật: Ngoài việc viết lách, ông còn là một sinh viên y khoa chú trọng đến tâm lý học và sức khỏe tâm thần, đồng thời là một nhà tổ chức chính trị tích cực. Tác phẩm chính của Breton: Chủ nghĩa siêu thực là gì?(What Is Surrealism?). (Liên kết ngoài).

3. Robert Desnos (1900 - 1945):

Robert Desnos là nhà thơ người Pháp và là bạn thân của André Breton. Hai người được biết là đã cùng nhau thực hành cái mà họ gọi là “viết tự động” (automatic writing) - viết từ trạng thái giống như xuất thần và ghi lại những bước nhảy vọt tự nhiên của tâm trí. Kết quả là, các bài thơ của ông chủ yếu được xác định bởi âm thanh của chúng và sự vui tươi bất ngờ của chúng. Desnos tiếp tục là một trong những ví dụ điển hình nhất về cách đấu tranh cho công lý bằng cách sử dụng thơ. Ông phục vụ trong Cuộc kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của Đức Quốc xã, viết các bài tiểu luận châm biếm và chỉ trích chế độ Đức Quốc xã dưới nhiều bút danh khác nhau. Tác phẩm của ông được xuất bản trong tập “Những bài thơ và bài viết chủ yếu của Robert Desnos” (Essential Poems and Writings of Robert Desnos). (Liên kết ngoài).

4. Penelope Rosemont (1942):

Penelope Rosemont là một nhà thơ siêu thực còn sống và là người sáng lập Nhóm Siêu thực Chicago. Ngoài công việc sáng tạo của mình, Rosemont tập trung phần lớn vào việc phong thánh cho những phụ nữ của “Phong trào Siêu thực nguyên thủy” (the original Surrealist movement), những người bị lãng quên trong các văn bản và kho lưu trữ lịch sử. Cuốn sách “Những người phụ nữ siêu thực: Một tuyển tập quốc tế” (Surrealist Women: An International Anthology) phản ảnh những kinh nghiệm và tiếng nói của họ trong chủ nghĩa siêu thực. Rosemont coi chủ nghĩa siêu thực là một phong trào được xây dựng dựa trên sự nổi loạn và phản kháng (rebellion and protest), đồng thời thường tham gia vào các cuộc biểu tình và tổ chức phản chiến. (Liên kết ngoài)

5. Octavio Paz (1914 - 1998):

Nhiều nhà thơ Mexico, Latinh đã đóng một vai trò không thể quên trong việc phổ biến chủ nghĩa siêu thực, nhà thơ Octavio Paz người Mexico là một ví dụ tiêu biểu. Ông là nhà thơ và nhà ngoại giao Mexico, đã xuất bản những bài thơ đầu tiên của mình khi vẫn còn là một thiếu niên. Giống như các nhà thơ theo trường phái siêu thực khác, Paz đã sử dụng phong trào như một lăng kính để thông qua đó phê phán xã hội và vận động cho sự thay đổi. Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của ông, "Giữa đá và hoa" (Between the Stone and the Flower), đã thu hút sự chú ý đến những người Mexico thuộc tầng lớp lao động và sự bóc lột của họ dưới thời địa chủ. Paz đoạt giải Nobel Văn học năm 1990. Tác phẩm “Tuyển thơ Octavio Paz” (The Collected Poems of Octavio Paz) có thể cung cấp một cái nhìn bao quát về tác phẩm của ông. (Liên kết ngoài).

* Mộc Nhân - dịch từ nguyên tác: readpoetry



Không có nhận xét nào: