Mộc Nhân
Nguyễn Minh Hùng xuất bản
tập thơ Thiên Di - NXB Hội Nhà
văn, 2014 nhưng tôi có dịp tiếp cận tập thơ này muộn hơn các bạn thơ. Điều đó
có hề chi. Những thứ chúng ta quan tâm không nhất thiết phải đến cùng thời điểm
với người khác; những giá trị thẩm mỹ không hề có date nào cả; điều quan
trọng là tác phẩm có gợi cho bạn điều gì hay không.
Thiên di hiểu theo
nghĩa tự điển là sự chuyển dịch, di chuyển của người hay vật từ nơi này sang
nơi khác. Nó mang ý nghĩa rất tích cực, tự do, không bị trói buộc một nơi
mà luôn chuyển dời/ vận động để tồn tại và phát triển. Giải thích nhan đề tập
thơ, anh cho biết: “Trên đường thiên lí, loài chim di trú trải qua nhiều cảnh
tượng huy hoàng và rủi ro, bất trắc. Chúng bị rình rập bởi giông bão, cái đói,
bệnh tật, già yếu, phường săn và sự hủy hoại của bầy đàn… Đối với loài thiên
di, quê hương là khái niệm có ý nghĩa nhưng đất sống, sự sống cao hơn “sự tồn tại”,
lại mang một ý nghĩa khác. Thân phận người - nhất là nghệ sĩ - phải chăng là một
cánh thiên di? Trong “không gian bay” diệu vợi ấy, số phận Cái Đẹp mong manh và
vĩnh hằng ước muốn chất chứa qua chữ và kiểu cấu trúc.” - Thương thay đôi
cánh không mỏi/ thiên di lao về phía bầy đàn/ trăm năm nhọc lòng sỏi
đá/ ngàn năm trở giấc hạc vàng (Nẻo đường).
Diễn ngôn ấy được anh thể
hiện trong nhiều nhan đề của tập thơ: Bay, Bay ngược, Lời ru thiên di, Nẻo đường,
Cánh chim buồn bực, Dấu chân, Cánh thiên di, Ra đi, Bến xa, Tìm hương… Dưới
góc độ cấu trúc ngôn ngữ chúng ta lại thấy một tổng thể từ và cụm từ nhất quán,
hòa hợp khăng khít nhau tạo thành phổ/ trường thời gian, không gian, hoạt động
để những câu thơ tiếp biến nhau trong hành trình thể hiện các trạng thái thiên
di: vỗ cánh, đi trốn, chuyến bay, góc trời cô lẻ, đường bay, trời rộng,
thiên lý, khoảng trời, chân trời, dấu chân, lữ hành… Ngoài ra, trong tập
thơ, động từ “bay” xuất hiện khá nhiều lần: hãy bay sát vào nhau/ trong giấc
- mơ - bay… đã bay là rét mướt (Bay); Bay ngược về phương Bắc…
Bay ngược chiều lũ sếu… bay đi bay đi đừng quay đầu lại (Bay ngược);
Bay đi bay đi chim ơi… Bay về bay về hạc ơi (Hồng Hạc)… Quan sát
dãy cấu trúc ngôn từ trên, chúng ta sẽ nhận ra trường ngữ nghĩa gợi liên tưởng
đến nội hàm thi ca Thiên Di. Cấu trúc ấy không chỉ phản ảnh sự vận động
của sự vật mà cốt yếu là khám phá sự chuyển dịch của tâm hồn con người trong những
cảm thức đời sống. Nói rõ hơn, nó là lập ngôn của người nghệ sĩ đã tự bạch
trong một lời bạt được anh để ở cánh gấp bìa sau của sách như một phần không thể
thiếu của loài thiên di - Đôi cánh.
Tôi liên tưởng đến câu nói
của Jakobson – nhà lý luận, phê bình người Mỹ, cho rằng: “Thơ là một phát ngôn hướng vào thể
cách phát biểu”. Những câu thơ và hình ảnh thơ của anh dưới góc nhìn “ký hiệu học”
là những mã ký tự, là thể cách nằm trong một hệ thống gắn bó với nhau tạo thành
các thực thể biểu nghĩa để tham gia vào thể hiện thế giới nội tâm một cách trọn
vẹn trong tiến trình sáng tạo nghệ thuật.
Với anh, thiên di/ bay
là vượt qua chính mình, vượt qua nghịch cảnh: Bọn lữ hành chừng đã mỏi/ thẳng
tiến cả tin theo dấu vết con đường (Ngày hằng sống), là chặng đi để
tồn tại: Rồi những nẻo đường/ những con đường/ chúng ta/ đi (Nẻo đường)
và đến đích sáng tạo: anh đi nhặt mây trắng một phương trời/ gom góp cơn mưa...
(Cơn mưa). Và tôi dò tìm trong thơ anh rất nhiều câu thơ/ phát ngôn chất
chứa tâm trạng, khát vọng của người nghệ sĩ trên hành trình của mình: Thiên
di là không ngủ/ đường bay sẽ rất dài/ phương Nam mờ xa lắm/ một mình hay cùng
ai/ Mắt vừa toan chợp mắt/ cánh chao lạc bầu trời/ đường bay không dấu vết/ mỗi
người bay một nơi… (Lời ru thiên di) – nói lên cá tính của người nghệ
sĩ giữa thế giới muôn màu và ảo mờ mênh mông của nghệ thuật. Dù vậy, người nghệ
sĩ vẫn sáng tạo không mệt mỏi trong chặng đường: gửi thân vào thiên lý/ bay
đi để bay về (Lời ru thiên di).
Bay trong Thiên
Di gắn với các ý niệm thời gian và không gian cụ thể - và tất nhiên, nó chỉ
có thể là không gian của đất trời cao rộng và thời gian vĩnh hằng trong đó chặng
bay của tạo vật hay con người chỉ là dấu mốc hữu hạn - Có một cánh chim bay
lạc/ bỗng dưng hót giữa núi đồi/ là phận thiên di hóa kiếp? đường bay dấu tích
xa vời... (Cánh thiên di). Trong hành trình bay ấy, người nghệ sĩ thấu
hiểu lòng mình, thấu hiểu nỗi đau và khát khao của mình: Ai thắp lên ngọn lửa
cuối đông này/ hải đăng mọc từ tim chim yến/ khi chiếc trứng tròn vo quặn lòng cất
tiếng/ Trái xuân chào đời/ chỉ nghe lời hát trái tim thôi (Trái tim chim
Yến)…
Thiên Di cùng với
tâm thức của người dấn thân đã giúp bạn đọc nhận thấy sự chuyển động trong tư
duy nghệ thuật của tác giả qua những câu thơ giàu tính đối thoại và độc thoại.
Nói cách khác, đó là sự đối thoại kép, vừa hướng tới người vừa hướng tới chính
mình. Hướng tới người để chia sẻ, trao đổi và hướng tới chính mình là để nâng tầm,
vượt lên giới hạn mặc dù anh hiểu rằng vượt qua giới hạn này chính là khởi đầu
cho việc đối diện với những giới hạn khác. Cuộc sống, tư duy và nghệ thuật luôn
trong trạng thái vận động không ngừng nghỉ mà mỗi nỗ lực dường như là khởi đầu
của một giấc mơ: Cơn mơ ra đi nhường chỗ giấc ngủ an lành/ anh bật dậy giữa
dịu dàng sương sớm/ lo sợ chúng mình giẫm vào ngày/ với tay trắng còn mơ...
(Cơn mơ).
Hành trình bay trong thơ
Nguyễn Minh Hùng còn đưa chúng ta đến với vẻ đẹp thiên nhiên - Một ngày nắng
rát/ một mùa cỏ xanh (Dấu chân), của quê xứ - hạt mưa gieo vào
chúng ta là gieo vào đất/ đất chờ mưa để nảy mầm/ hạt mầm khắc khoải (Cơn
mưa lóng lánh), của phận người cụ thể - Rồi côi cút người đi không nói/
những âm thanh vô nghĩa át ngôn từ/ cất tiếng khóc (cũng thông thường tiếng
khóc)/ nỗi buồn chỉ là chuyện riêng tư (Ngày hằng sống), và cả những
câu chuyện riêng tư - Ngôi nhà ban chiều ngập trong sóng nắng/ em đếm ngày
đi qua giọt bụi nung vàng/ người ở đâu xa rồi nắng vô tâm vỗ ầm ào không có tiếng/
không gió không trời thuyền chao một lá mỏng tanh (Cơn mưa)… Nơi đó
có cả trăn trở, ký ức và hạnh phúc của kẻ thiên di.
Mã ký hiệu trong thơ anh
khiến người đọc phải suy ngẫm, liên tưởng để thấu hiểu tâm trạng và khát
vọng của người nghệ sĩ trong cuộc phiêu du nhọc nhằn không thể trì hoãn: Tôi
là Robinson trên biển mưa/ đốt lửa đợi cánh buồm trắng/ và lửa cháy vô cùng khó
nhọc/ dưới mưa…” (Dưới mưa). Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cấu
trúc hình thức thi ca, và cho phép dưới một khía cạnh nào đó, định lượng “chất
thơ” trong tác phẩm. Chắc hẳn với Thiên
Di, bạn đọc nhận diện giá trị tư tưởng, ngôn ngữ và quan trọng hơn nó có khả
năng vượt ra khỏi biên giới suy tưởng bằng chiều sâu và biên độ cảm xúc trong mối
tương tác với sắc diện bản ngã của thi sĩ. Cái chiều sâu/ biên độ ấy là niềm hạnh
phúc, nỗi đau, khát vọng của người nghệ sĩ mang theo “căn cước” tâm hồn, định
danh quê xứ mà tùy vào sở tri mỗi người, chúng ta có những thái độ truy tìm hay
cảm thấu khác nhau.
Đọc Thiên Di của
Nguyễn Minh Hùng, tôi lại liên tưởng đến câu thơ Trần Dần - Tôi khóc những
chân trời không có người bay/ Lại khóc những người bay không có chân trời.
Những điều tươi mới, khám phá luôn là giá trị, khát vọng của sáng tạo như cách
mà đại thi hào người Anh Williams Shakespeare viết trong bài Sonnet 44: Những
cánh đồng/ mùi của cỏ mọc cao, mới xén/ Là thứ mong đợi ở ngôn từ nhà thơ.
Và điều chắc chắn là Thiên
Di cùng với những trang thơ của Nguyễn Minh Hùng sẽ còn đưa chúng ta đến những
chân trời bay thực tại/ lãng mạn với diễn ngôn văn hóa và mỹ cảm về Một ngày
nắng rát/ một mùa cỏ xanh./.
-----------------
Mộc Nhân tên thật Lê Đức Thịnh
Hội VHNT Quảng Nam
SĐT: 0975 247 248
email: leducthinhqn@gmail.com
2 nhận xét:
Vẫn còn bạn thơ đọc thơ nhau. Vậy mà tưởng chừng như đã…
Đọc là mạch nguồn của viết. Không đọc hoặc "đọc không vô" xem như sự viết đã tắc tị.
Đăng nhận xét