27/8/22

2.490. NHÂN VẬT ĐẾN TỪ ĐÂU?

 Uông Triều 

Nhân vật là một trong những cấu thành quan trọng nhất của một tác phẩm văn học. Vậy nhân vật đến từ đâu? Từ trên trời rơi xuống hay từ cuộc đời thực bước ra. Câu trả lời khác biệt với mỗi người viết và vì thế làm nên sự vô cùng đa dạng trong thế giới nhân vật.



Nhà văn Orhan Parmuk người Thổ Nhĩ Kỳ từng lấy nhân vật là chính mẹ đẻ và anh trai của mình. Thậm chí ông còn “liều mạng” đến mức không thèm đổi tên nhân vật, bê nguyên xi hai người thân thuộc vào trong tác phẩm. Parmuk nổi danh trên toàn thế giới, ông được giải Nobel văn học năm 2006 nhưng bị rất nhiều người Thổ căm ghét vì có những phát biểu “nói xấu” tổ quốc và tất nhiên hai nhân vật trong tác phẩm của ông, mẹ và anh trai đã tuyên bố từ mặt ông!

Tôi nghĩ Parmuk không ngây thơ đến độ ông sẽ không biết đến phản ứng của nhân vật ra sao khi viết về họ. Nhưng vì sao ông vẫn làm thế, vì nhân vật quá hấp dẫn hoặc cá tính, hoặc ông cảm thấy sự gần gũi và hiểu biết ấy cho ông những cảm xúc tốt nhất? Và mặc dù gặp phải vô số hệ luỵ, nhà văn vẫn kiên quyết viết theo cách của mình. Nếu không phải như thế, đã không phải là Orhan Parmuk. Nhà văn sẵn sàng sống chết với nhân vật và cảm xúc của mình.

Nếu ai đọc “Thời xa vắng” của Lê Lựu và biết chút ít về cuộc đời nhà văn, sẽ khá dễ dàng nhận thấy nhân vật Giang Minh Sài một phần là con người của chính Lê Lựu. Cuộc hôn nhân đầu tiên của cả nhân vật và tác giả đều thất bại vì những ép o và cổ hủ phong kiến. Giang Minh Sài trong tác phẩm có cuộc đời gần giống như tác giả. Nhà văn chỉ việc lấy nguyên mẫu con người mình, thêm vào đó những hư cấu và thổi hồn nghệ thuật vào tác phẩm. Nhân vật Giang Minh Sài của Lê Lựu sống động và ấn tượng, đó là một trong những nhân vật văn học thuộc loại thành công nhất trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam, sau những Chí Phèo, Chị Dậu, Xuân Tóc Đỏ… Người ta nhớ đến Lê Lựu là nhớ đến Giang Minh Sài và ngược lại. Thậm chí có nhà phê bình còn cho rằng, vì cuộc hôn nhân thất bại của mình nên có những đoạn Lê Lựu có cái nhìn hằn học, thiếu thiện cảm với nhân vật người vợ Giang Minh Sài. Đó là hệ quả của cảm xúc cái tôi tác giả áp chế vào nhân vật!

Một người cũng lấy gần như nguyên mẫu cuộc đời mình để đưa vào tác phẩm rất thành công là Nam Cao. Trong những tác phẩm của Nam Cao viết về nghề giáo, nghề văn như “Sống mòn”, “Đời thừa”… ta có thể thấy rất rõ hình bóng tác giả anh “giáo khổ trường tư” hoặc nhà văn nghèo viết kẽo kẹt từng bài kiếm sống. Nhân vật của Nam Cao rất thực vì chính con người tác giả là nguyên mẫu. Viết về chính cái tôi của mình là một thủ pháp dễ thực hiện và có nhiều đất diễn. Nhưng lấy mình làm nguyên mẫu cũng có sự mạo hiểm nhất định, người đọc có thể soi chiếu nhân vật vào đời thực tác giả để đưa ra những nhận định đánh giá. Có khi tiểu sử tác giả lấn át cuộc đời nhân vật, không có lợi cho tác phẩm và thậm chí từ sự quá quen thuộc, tác giả có thể làm giảm đi sự sáng tạo, cảm giác “phiêu” hoặc bị những định kiến từ cuộc đời thực gây ảnh hưởng tới nhân vật.

Khác với những nhà văn kể trên, Toni Morison, nữ nhà văn da đen nổi tiếng của nước Mỹ, người đoạt giải Nobel năm 1993 và được biết nhiều nhất với tiểu thuyết “Người yêu dấu” lại có quan điểm khác. Bà không thích khai thác những nhân vật thân thuộc quanh mình, cho đó là vấn đề lương tâm, đạo đức, thậm chí là tính bản quyền. Bà muốn những nhân vật hoàn toàn mới lạ, hoặc ít nhất là xa lạ, tự tạo ra những mẫu người mới. Quan điểm của Morison đáng được hoan nghênh và nhiều nhà văn cũng chọn theo cách này. Đó là phương pháp an toàn khi mà những gần gũi hoặc trùng khớp từ nhân vật trong tác phẩm với một ai đó ngoài đời rất dễ gây rắc rối cho tác giả.

Nhưng làm được như phương pháp của Morison cũng không dễ. Tạo ra một nhân vật hoàn toàn mới không dính dáng đến ai đòi hỏi nhiều nỗ lực và rất dễ thiếu đi sự chân thật, sinh động khi không có chỗ để bám dựa hoặc trí tưởng tượng của người viết không đủ phong phú. Nhân vật mới hoàn toàn rất có thể xa lạ với cuộc sống, trải nghiệm của anh ta dễ lạc lõng, thiếu những hành động thuyết phục. Và ngay cả Morison khi tuyên bố như vậy những tác phẩm của bà vẫn dựa trên cuộc đời thực từ cuộc sống những người da đen nước Mỹ, bà chỉ không dựa cụ thể vào một nhân vật nào gần gũi hoặc tổng hợp từ rất nhiều nguyên mẫu.

Nhà văn là những người làm việc bằng trí tưởng tượng nhưng không phải khi nào trí tưởng tượng cũng có thể giúp ích hoàn toàn. Anh ta nhìn vào cuộc sống thực quanh mình để chọn ra những nhân vật phù hợp. Thông thường người ta sẽ chọn những người quen thuộc nhất, những người sống gần mình, đồng nghiệp, bạn bè… làm nguyên mẫu hoặc nguồn gây cảm hứng. Trong những tác phẩm của Ma Văn Kháng rất dễ nhận ra những người thân thiết với ông, từ khi ông còn dạy học trên vùng núi Tây Bắc và khi về Hà Nội. Thậm chí ông đã phát biểu rằng có một người đàn bà yêu dấu xuất hiện trong rất nhiều các truyện ngắn của ông. Ông lấy nguyên mẫu người ấy, tính cách, vẻ bề ngoài làm nhân vật của mình. Nam Cao cũng lấy nguyên mẫu Chí Phèo, Bá Kiến, Lão Hạc… từ những nhân vật có thật ở làng Đại Hoàng quê hương ông. Nguyên Hồng lấy nguyên mẫu người mẹ đẻ và những làng xóm xung quanh để đưa vào tác phẩm. Người viết làm nghề giáo thì hay lấy nhân vật anh giáo, ở quân ngũ thì thích chọn những anh lính đồng ngũ, sinh sống ở nước ngoài thì chọn những người xa xứ. Các nhà văn như Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Văn Thọ, Thuận… trong tác phẩm của họ, những người Việt xa xứ được miêu tả đậm nét vì tác giả đã từng hoặc đang sinh sống ở nước ngoài.

Không những lấy từ cuộc sống thực, người viết thường chọn những nhân vật trong báo chí, sách vở. Những nhà văn cổ điển thích lấy những nhân vật trên báo làm niềm cảm hứng hoặc dựa vào họ để xây dựng tác phẩm. Dostoievksy đã lấy thông tin về một vụ án con giết cha trên báo để xây dựng nên tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazov”. Flaubert cũng lấy thông tin trên báo về một người đàn bà ngoại tình và cuối cùng tự sát trong tuyệt vọng để xây dựng tiểu thuyết “Bà Bôvary” lừng danh. Báo chí là nguồn cung cấp thông tin rất tốt cho các nhà văn, đặc biệt với những nhân vật điển hình ở những hoàn cảnh điển hình. Những nhân vật trên báo được các nhà văn ưa thích thường là giới tội phạm, hoàn cảnh, nhân thân của anh ta. Không những các nhà văn cổ điển thích khai thác thông tin báo chí để xây dựng nhân vật mà các nhà văn hiện đại cũng thích dùng cách này. Nguyễn Bình Phương là một ví dụ, anh rất chăm chỉ đọc những tờ báo kiểu vụ án, thậm chí trong tác phẩm “Mình và họ” của anh, ta còn thấy một nhân vật lúc nào cũng cầm một tờ báo chuyên về hình sự đọc trong thời gian rảnh rỗi.

Các nhà văn viết lịch sử lấy nguyên mẫu từ các nhân vật có thật trong lịch sử, thay đổi tên gọi hoặc giữ nguyên. Nguyễn Tuân lấy Cao Bá Quát để xây dựng nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù”. Nguyễn Xuân Khánh lấy Hồ Quý Ly trong lịch sử thành Hồ Quý Ly trong tiểu thuyết, Trần Thuỳ Mai lấy Từ Dụ thái hậu trong lịch sử thành Từ Dụ trong tiểu thuyết… Sự lấy nguyên xi các nhân vật lịch sử thành nhân vật tiểu thuyết là cách làm phổ biến và được nhiều người ưa thích. Nhưng cách làm này dễ bị gò bó vì tên nhân vật lịch sử thường tạo thành cái khung gói chặt sự sáng tạo của người viết hoặc nếu “vượt khung” thì dễ bị dư luận “ném đá”. Cách làm của Nguyễn Tuân với Cao Bá Quát trở thành Huấn Cao là rất mới và có nhiều khoảng trống cho nhà văn phô diễn mà không chịu sự trói buộc hay sợ những phản ứng từ độc giả. Rất tiếc cách làm này đến nay vẫn không được mấy người áp dụng.

Một điều thú vị nữa là các nhà văn có thể biến các nguyên mẫu thành các nhân vật theo ý riêng mình với sai lệch rất đáng kể hoặc thay đổi hoàn toàn. Victor Hugo lấy một nhân vật từng là tướng cướp làm nguyên mẫu cho nhân vật lớn nhất trong bộ tiểu thuyết của mình. Ít ai ngờ rằng nhân vật Giăng Van Giăng nổi tiếng về lòng bao dung, thương người trong “Những người khốn khổ” lại được xây dựng từ một tên cướp rất tầm thường. Cái tài của nhà văn là từ những chi tiết thật của nhân vật thực đã tạo nên một hình mẫu mới. Anna Karenina trong tác phẩm cùng tên của Lev Tolstoy có nguyên mẫu là một người con gái của nhà thơ Puskin. Người con gái này không có gì đặc biệt kể cả về sắc đẹp và cá tính nhưng qua sự sáng tạo của Tolstoy, Anna Karenina đã trở thành một trong những nữ nhân vật ấn tượng nhất trong lịch sử văn học. Điều thú vị là ở điểm này, nguyên mẫu đã mất đi, vô danh nhưng nhân vật văn học thì sống mãi. Không mấy ai biết đến những con người thật ở làng Đại Hoàng của Nam Cao nhưng những nhân vật văn học như Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến… ở làng Vũ Đại thì có sức sống lâu bền.

Nhân vật đến từ đâu không quan trọng, quan trọng là nhà văn biến những nhân vật ấy thành những con người sống động, cá tính, là một trong những thành tố cốt lõi làm nên sự hấp dẫn của tác phẩm văn học và lưu nhớ trong lòng độc giả.

* Nguồn: fb Tác giả

Không có nhận xét nào: