7/1/15

550. NAM TRÂN - CON NGƯỜI TÀI HOA CỦA QUẢNG NAM

                                                        Vân Trình 
           
LTS: Câu lạc bộ Văn Học Nam Trân Đại Lộc, Q.Nam vừa ra mắt được vinh dự mang tên nhà thơ lớn của quê hương Đại Lộc: Nam Trân. Nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về thân thế và sự nghiệp của một con người tài hoa không chỉ của địa phương mà còn được lưu dang cả nước, chúng tôi đăng tải bài viết này để thể hiện niềm tự hào về đất và người quê hương (đồng thời để tránh có sự hiểu nhầm từ một số bạn đọc về tên gọi Nam Trân – mỹ từ để chỉ trái loòng boong –  đặc sản của miền núi xứ Quảng).

            Vậy là, đến mùa xuân này, Nam Trân đã xa chúng ta 48 năm nhưng những dấu ấn để đời của nhà văn hoá, nhà thơ, dịch giả tài hoa ấy vẫn còn rất đậm nét.
            Nam Trân tên thật là Nguyễn Học Sĩ, sinh ngày 15/2/1907 ở làng Phú Thứ Thượng, nay thuộc thôn Mỹ An, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc. Ông học chữ Hán đến năm 12 tuổi, sau đó theo học trường Quốc học Huế, rồi trường Bảo Hộ Hà Nội. Đỗ tú Tài, ông làm Tham tá Toà Khâm sứ Huế, tiếp đó làm Tá lý Bộ Lại của chính phủ Nam triều.
            Sống và làm việc ở sứ sở sông Hương, núi Ngự, năm 1939, ông cho xuất bản tập thơ đầu gồm 37 bài (trên cơ sở tập hợp các bài thơ đã đăng tên các báo: An Ninh tạp chí, Văn học tạp chí, Tràng An báo, Phong Hoá, Sông Hương, Tiên Tiến...). Dụng ý của các tác giả là muốn "tỏ lòng thành đối với thi ca nước nhà" nhưng không ngờ chính tập thơ- có tên gọi rất ấn tượng Huế đẹp và thơ - đã ghi tên ông vào lịch sử văn học nước nhà ngay ở những thập niên đầu thế kỷ XX với vị thế độc đáo, có một không hai.
            Đọc tập thơ này, ta đễ dàng nhận ra Nam Trân là người luôn chịu khó đi tìm sự cách tân trong thi ca. Thơ Nam Trân mỗi bài là một bức tranh nhỏ, trong đó ít nhiều đều có những nhận xét tinh tường, đặc sắc. Điều đáng nói là âm điệu thơ khá dồi dào và trước mỗi cảnh, mỗi tình đều có một điệu thơ thích hợp. Ngay cả trong một bài thơ có đến hai ba điệu thơ. Câu thơ cũng luôn biến hoá, số chữ có khi là 1 và đôi lúc lên đến 10.
            Nam Trân là một thi sĩ lãng mạn và nhiệt thành cổ suý cho phong trào "Thơ mới". Thế nhưng, đôi khi ta bắt gặp những câu thơ "rất lạ" loé sáng trong bầu không khí khá u buồn của dòng thơ này:
            Đừng kể nữa những mảnh tình tan tác
            Hãy đứng lên, Nhạc sĩ, với tôi đi!
            Tôi ghét anh mê giọng hát sầu bi
            Và tung mãi tâm hồn thừa truỵ lạc
            Hãy đứng dậy! Vứt chiếc cầm ảo não!
            Tôi cần nghe những khúc nhạc rất hùng
            - Thét ngựa lòng phi mãi chẳng chồn chân-
            Sáng như gươm tuốt, mạnh như luồng bão...
                        (Giận khúc Nam ai)
            Đặc biệt, Nam Trân đã sáng tạo ra một phong cách lạ cho thơ- một dấu ấn khó quên trên văn đàn nước Việt nửa đầu thế kỷ trước. Đó là một lối thơ mà Hoài Thanh - đồng tác giả Thi nhân Việt Nam gọi là lối thơ tả chân. Hoài Thanh nhận xét: Lối thơ tả chân vốn xưa ta không có. Đây đó rải rác cũng  nhặt được đôi câu; nhưng đến Nam Trân mới biệt thành một lối. Nam Trân đã tìm ra khoảnh đất mới và ở đó người ta đã dựng lên - ý chừng để sát nhập làng thơ Việt - cái cảnh núi Ngự sông Hương.
            Một đóng góp nữa của Nam Trân trước Cách mạng tháng Tám mà thiết nghĩ cần được hậu thế nhìn nhận và trân trọng: ông là người đầu tiên quảng bá hình ảnh hai Di sản Văn hoá Thế giới (Huế và Hội An) qua ngôn ngữ thi ca. Ngay từ bài mở đầu tập “Huế đẹp và thơ”, người đọc có thể tìm thấy ở đó những tình cảm trong trẻo, những khoảnh khắc của cái đẹp ở xứ Thần kinh được gợi mở và hình như cứ - lan - toả - mãi:
            Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng Phượng
            Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo
            Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết
            Rằng thơ thấy đẹp phải tìm theo
            Thuyền qua đến bến, cô lui lại
            Vẩy chiếc chèo ngang: giọt nước gieo
            Đăm đăm mỏi mắt vì chèo
            Chèo cô khuấy nước trong veo giữa dòng
            Biết không? Cô hỡi, biết không?
            Chèo cô còn khuấy, sóng lòng còn xao?
                        (Cô gái Kim Luông)
            Còn sinh hoạt của phố Hội xưa cũng được Nam Trân lột tả bằng những đường nét rất thực, hóm hỉnh, đậm chất Quảng Nam:
            Ai eng chè đậu doáng?
            Ai eng chè đậu hảu không?
            Ai eng hột dịt lộn?
            Bánh ít ngọt? Xôi hông...?
            Đến Faifao, khách lạ
            Ai nấy cũng dửng dưng:
            Quảng Nam đất văn vật
            Sao lắm bợm "eng hung"?...
                                                  (Eng)
            Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Từ một viên chức, một quan lại Nam triều, Nam Trân nhanh chóng đến với Cách mạng, với kháng chiến và hoà mình vào cuộc trường chinh vĩ đại của cả dân tộc, công tác tại Uỷ ban Kháng chiến Hành chính huyện Đại Lộc, Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Quảng Nam, rồi Chánh Văn phòng Uỷ ban Kháng chiến hành chính Liên khu V.
            Hoà bình lập lại (1945), ông tập kết ra Bắc và trở lại nghề viết văn. Ông là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà  văn Việt Nam. Năm 1959, Nam Trân về công tác tại Viện Văn học, phụ trách Tiểu ban dịch tập thơ chữ Hán- Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nhiệm vụ không hề dễ chút nào. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh: Thơ Hồ Chí Minh có một phong cách riêng: đó là những tinh hoa của thơ Đường - Tống (mà đặc sắc nhất là thể thơ tuyệt cú, ta hay gọi là thơ tứ tuyệt), một thể ngắn, gợi nhiều hơn tả, do đó hàm súc và chứa đựng triết lý, trí tuệ. Hồ Chí Minh đã dùng thể thơ này, nhưng lọc qua hồn mình: tâm hồn một chiến sĩ giữa giông bão của thời đại biến động cách mạng. Lại là hoàn cảnh ngồi tù bọn quân phiệt Trung Hoa. Hồ Chí Minh dùng thơ ấy để nói lên chí khí, khí phách, khát vọng chiến đấu và khát vọng tự do; lòng nhân ái trữ tình đồng thời trào lộng (kể cả tự trào). Do đó, phong cách thơ Hồ Chí Minh đa dạng, nhiều màu sắc, có thể nói là đa phong cách. Ngoài việc dùng Hán ngữ cổ, Hồ Chí Minh sẵn sàng linh hoạt dùng những từ ngữ mới (bạch thuật), từ địa phương Quảng Tây, Quảng Đông; từ ngoại nhập. Hồ Chí Minh tỏ ra là người chủ động hoàn toàn trong khi sử dụng loại thơ này.
            Thế mà, bằng trí tuệ uyên bác và sự cảm nhận sâu sắc về con người và cuộc đời của Bác Hồ kính yêu, Nam Trân và các cộng sự đã thành công trong việc dịch tập thơ Nhật ký trong tù ra tiếng Việt. Đầu năm 1960, tập thơ được in đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 70 của Bác, tiếp tục ghi thêm dấu ấn của Nam Trân trong lịch sử văn học hiện đại của nước nhà. Nhiều nhà nghiên cứu văn học nhận định: Phải là bậc cao thủ mới làm được như vậy. Có rất nhiều bản dịch đã chuyển dịch đầy đủ ra tiếng Việt cái hồn, cái thần thái, cảm xúc, tư tưởng và nhịp điệu của nguyên tác một cách nhuần nhị, hồn nhiên; thật sự là một sự quyện chặt văn hoá và hồn thơ. Mặt khác, những bản dịch thơ Bác cũng là những bản dịch mẫu mực với những yêu cầu nghiêm ngặt nhất của nghệ thuật dịch văn học.
            Đại Lộc - Quảng Nam, mảnh đất sinh ra Nam Trân- luôn tự hào về người con tài hoa của nước Việt. Một ngôi trường trong huyện đã được vinh dự mang tên ông!
***
Vân Trình trong buổi ra mắt CLB VH NT - tháng 12/ 2014
             
              * Vân Trình: Tên thật Phan Vân Trình 
     Trưởng Phòng VHTT kiêm Giám đốc Tr. Tâm VHTT huyện Đại Lộc, Q.Nam

1 nhận xét:

Van Viet nói...

Thật thú vị, thật tuyệt vời khi Đại Lộc có Câu Lạc Bộ văn học Nam Trân. Xin chúc các anh chị luôn mạnh khỏe và có được nhiều niềm vui khi tham gia CLB cũng như đóng góp nhiều cho sự phát triển văn học huyện Đại Lộc.