Phan
Thị Hoa Xuân
(Gợi
nhắc kỉ niệm xưa)
Không khí lành lạnh
ban mai làm cho mọi vật lười chuyển mình thức giấc, tôi thấy mình chẳng muốn rời
chăn… Ngoài kia, trăng vẫn còn chiếu một màu nhợt sắp nhường cho ánh mặt trời.
Tôi chợt nhớ bài thơ “Tiếng thu” và luyến tiếc, gió thu nhè nhẹ như giao lời về
cho những chiều đông.
Sự thay đổi nào cũng thế, cũng gây cho lòng người bàng
hoàng tiếc nuối dù là sự thay đổi tạo niềm vui. Tôi không ngoài vòng xoay đó,
làm con gái lớn lên một chút chấp nhận thêm nỗi buồn, nhìn lại để thấy ngày qua
mình còn bé bỏng chẳng ai cho mình hay,
chỉ sống cho hiện tại nên càng ngỡ ngàng khi mình khôn lớn. Thời gian nào ai biết
được…
Tiếng chân ai
nhè nhẹ, vừa ngẩng lên thì đã: Hù!
- Con khỉ, làm
người ta hết hồn, răng bữa ni đi sớm rứa ?
Nhỏ Thanh Tùng
nheo mắt nhìn tôi:
-
Chỉ có giờ cao su mới sớm mà thôi. Ở đó mà đắp chăn mằm mộng. Hơn 7 giờ rồi.
-
Hả ? …Tôi choàng dậy, cái lạnh tự dưng biến đâu mất nhường lại sự lo âu:
-
Ấy chết hôm nay học cả ngày, quên mất, để tao soạn vở.
Tùng hăng hái: -
Để tao soạn cho, nhớ đem “hộp” nghe! Nói đến hộp tôi mới nhớ. Chẳng biết mẹ có
gói cho mình không đây ? (Bọn tôi ở bên An Hải phải sang trường Nữ Trung Học Hồng
Đức để học, vì đường xa nên hôm nào học cả ngày thì phải mang cơm trưa để ăn)
Sờ tay lên cặp
Tùng, hơi ấm làm tôi thấy dễ chịu và để mãi tay mình nơi đó.
- Nhanh lên kẻo
trễ, hai giờ đầu Pháp văn em nhé ! Nhỏ Tùng hối.
Tôi vụt chạy đến bàn:
-
Ồ hộp cơm mẹ tao để sẵn tự bao giờ, thật là một bàn tay hiền mẫu mi ơi!
-
“Biết rồi khổ quá nói mãi”, rõ nghịch tử thật là chí hiếu.
Tùng giả giọng Bắc đặc sệt làm tôi phì cười,
tôi vội vào phòng thay đồ, bên ngoài còn nghe tiếng mẹ: - Con nhỏ thật lười
sáng mô cũng chẳng chịu ăn cơm. Có tiếng nhỏ Tùng đáp:
-
Dạ
hắn thích nằm mơ mộng và thích nhìn mùa thu đi qua song cửa.
Tôi xí dài một tiếng rồi vội vàng kéo Tùng đi - Eo
ơi hai giờ Pháp văn bà Định. Tôi hỏi: -
Nì, thuộc bài chưa ? - Sơ sơ - Mi bao giờ
cũng rứa. Mặt Tùng bí xị. Biết ý tôi
nói: - Còn tao thì chưa làm toán gì ráo. Thế là hai đứa cùng nhìn nhau cười huề…
Chúng tôi là thế
đó. Dường như chúng tôi chưa thực sự là người “nhớn” nên vẫn còn sợ phạt, sợ
zéro. Nhìn lên những đám mây đang quyện vào nhau, mây đen quá, không biết sẽ
mưa lúc nào đây. Tôi lo sợ…
- Hoa Xuân ơi, bữa
ni răng hiền rứa mi, lại có vẻ đăm chiêu nhìn trời nhìn mây nữa chứ? Tiếng Tùng
đưa tôi về thực tại. Tôi đáp: - Tao sợ mưa. Tùng không nhìn lên: - Tao tưởng mi nhớ chàng chứ. –Ai ?
– Thì anh chàng “Xôlet” chứ ai. Hai đứa cùng cười. Tôi bảo:
- Tùng nì, hy vọng
sáng ni mi gặp ông “Cận” đó.
Tùng nhìn tôi le
lưỡi, dài cả tấc:
- Thôi mi ơi,
nhìn kính cận của ông ta tao liên tưởng đến hai trứng vịt của thầy toán.
Đi một đoạn chúng tôi ghé nhà Hoài, chẳng ngờ
hôm nay nó đi sớm quá, Hoài với nhỏ Kim Chi đứng đó tự bao giờ. Nhìn hai đứa khệ
nệ ôm chiếc cặp tổ bố, chúng tôi phì cười, trông nhỏ Chi giống như ông già bói
quẻ, còn Hoài với thân hình chủ hãng ‘Tăm xỉa răng’ có khác.
- Có chi mà cười,
có đem hộp không?- Dĩ nhiên. Chi hỏi, Tùng đáp.
Và rồi những bàn
tay lại được dịp sờ vào cặp. Chúng tôi vội vã đi. Chẳng mấy chốc phà cập bến,
người chen chúc nhau để bước lên phà. Sáng nào cũng vậy, phà chẳng chịu dừng
lâu. Khi sang bờ bên kia, tội nghiệp những đứa chậm chân nên bị đưa về bến cũ.
Với chiếc áo trắng thướt tha, chúng tôi không dại gì tha thướt (dầu nghịch song
vẫn sợ trễ giờ). Có tiếng Hoài bảo nhỏ:
- Tụi bây nhìn sang bên phải đi. Ba cái máy phóng
thanh cùng reo lên một lúc: “Xô-lét”, khiến mấy người đi phà trố mắt nhìn bọn
tôi kinh ngạc (sáng nào cũng gặp ông ta đi chiếc xe Xô- lét cũ mềm) làm cả bạn
ùa chạy về phía sau phà…
x x x
Tiếng chuông reo
vào lớp, chúng tôi tăng hết tốc lực mới vào được trong sân trường. Hú vía! Nhìn
lại những nét mặt của các bạn còn đứng ngoài cổng khóa, tôi thấy tội nghiệp làm
sao, rồi nhìn những rổ me, sắn mà tưng tức. Chi nói:
- Hẹn me giờ ra
chơi!
Chúng tôi lại có
dịp cười rộ lên, thay cho tiếng thở hào hễn…
Lớp học đã sắp
hàng, thật ra chỉ là một đường cong queo chứ chẳng hàng lối tý nào.
Có tiếng thầy Giám thị nơi micro: “Lớp… coi chừng bị cấm túc”; những
ngón tay đưa lên miệng, những tiếng suỵt lẫn nhau. Lớp tôi có số đào hoa nên được
nhiều giáo sư chiếu cố, thế nên phải nơm nớp sợ đi cấm túc vào chủ nhật.
Thầy giám thị bảo:
-
Tất
cả các lớp có tên Giáo sư sau đây được nghỉ hai giờ đầu, văn phòng bận họp.
Hằng trăm cái
tai lớp tôi chờ đợi, nghe ngóng. Giá chi Thầy đọc thông cáo mà hưởng ứng thế
này thì học sinh đâu bị đi cấm túc. Có tên Giáo sư Định, cả lớp nhảy nhót lên
vì mừng, có đứa bảo:- Họp luôn buổi sáng có phải được không. Nhiều đứa tán đồng:
- Chý lý.
Bọn
tôi là thế đó, năm thi gần kề mà bao giờ cũng thích được nghỉ học, thích đi
lang thang và chẳng chịu thuộc bài, nhiều lúc Giáo sư đau nghỉ dạy, đến khi
bình phục vào đến trường thì vẫn có đứa xầm xì:”Đau gì mà chóng thế !”.
Hai giờ sau Quốc
văn, bốn đưa tôi kéo nhau ra cổng mua quà vặt để khi vào lớp vừa nghe giảng bài
vừa sè sẹ lần tay dưới hộc bàn, thừa lúc thầy không chú ý mà nhanh tay bỏ vào
miệng thì còn gì thú vị cho bằng. Thầy Quốc văn sao hiền như Bụt…
Vài lá đu đủ rơi…, nhìn lên những trái
nhỏ ly ty đang nằm gọn bên nhau chẳng muốn rời, đã bao lần trong giờ học tôi đã
phì cười vì chúng. Có lẽ suốt đời không muốn lớn nên ngày nào vẫn thế. Nhìn sau
nhà bác Cai, cảnh quen thuộc đó làm sao tôi quên được. Ngoài kia lá rơi nhiều ,
vòm trời mỗi lúc đen hơn, âm thanh ngoài phố tuy ồn ào nhưng không phá tan được
sự buồn tẻ buổi trưa nơi hành lang vắng, vắng đến lo sợ. Mây nhiều quá ! Có lẽ
chiều nay mưa. Nhìn sang cạnh, Tùng, Chi, Hoài đã ngủ say sau khi ăn trưa và
tán gẫu. Tiếng thở đều làm tôi thấy lứa tuổi thật hồn nhiên. Được ở lại trưa
ngày nào là ngày ấy rất vui, tuổi chúng tôi là thế đó, chỉ biết ăn- ngủ- học-
chơi ngoài ra chẳng còn gì nữa. Chẳng định được ngày mai, biết đâu ngày đó mỗi
đứa một nơi rồi trở thành xa lạ, tưởng đến ngày ấy tự dưng tôi muốn khóc. Mưa
rơi – chúng vẫn ngủ. Sẽ buồn biết bao khi rời xa học đường yêu dấu, không biết
lúc đó còn đứa nào nhớ kỷ niệm này không hay làm ngơ như chưa từng quen biết.
Chúng tôi đã là những đứa bạn thân thiết của nhau từ trường tiểu học An Hải. Thời
tiểu học còn quá nhỏ, quá thơ ngây với việc cảm nhận về tình bạn. Rồi đến cấp
2, chúng tôi lại tìm đến nhau ở trường trung học Đông Giang. Cuối cùng chúng tôi vẫn tìm đến nhau chung lớp,
chung trường Nữ trung học Hồng Đức nầy đây. Bây giờ có lẽ là năm cuối, chúng
tôi sẽ còn lại những gì hay chỉ còn vài dòng chữ đơn sơ nơi trang lưu niệm.
Hồi chuông vang, sau hai giờ toán,
chúng tôi chào Giáo sư và ngồi xuống đợi giờ kế tiếp. Giờ chủ nhiệm… Nghe đến
giờ ấy đủ thấy người khỏe ngay, giờ được nói chuyện, bàn bạc, tán dóc còn gì
thú bằng. Cô Thanh Xuân vào, cả lớp chào và ngồi xuống sau câu nói quen thuộc “
Cám ơn các em ! ”. Lớp học hôm nay vui chi lạ. Những chiếc áo ấm đủ màu được dịp
làm đẹp sân trường như bảo rằng mùa Đông đã đến. Chiếc áo màu tím của cô chủ
nhiệm khoác lên dáng người nho nhỏ trông cô thật xinh. Cô hỏi:
-
Thế
nào, văn nghệ , văn gừng lớp mình ra sao?
Vẫn với nụ cười nở trên môi, với chiếc kính
hơi xanh, trông cô dễ thương tệ, tôi nhìn cô và cười một mình. Từ lâu rồi lớp học
tôi rời rạc quá đến độ có đứa chưa nói với bạn lời nào, dù những câu hỏi ngắn,
chỉ chơi từng nhóm với nhau, tự dưng năm nay cô đến, mang sự liên lạc tình cảm
nào đến với chúng tôi ngập tràn yêu mến. Đến phần báo chí, Thu Thủy ( Trưởng ban báo chí) có lời nói với các bạn. Vừa dứt
lời cô đã bảo:
- Năm nay với
khuôn khổ tờ báo lớp mình, cô cho các em được viết tự do. Hãy viết những kỷ niệm
nào trong 12 năm qua của mình có, những sự thật, những ước muốn của mình để khi
rời ghế nhà trường thì có muốn viết cũng không còn ý nghĩa.
Tự dưng mắt tôi cay xè rồi nước mắt từ từ lăn
xuống má, xuống môi nghe mằn mặn, có cái gì nghẹn ngào ở cổ, tôi đã khóc thật sự.
Thủy- Trưởng ban báo chí nhìn tôi, có lẽ nó cũng buồn không ít. Còn nỗi buồn
nào hơn khi nhìn tuổi thơ đi qua…Không quay nhìn xuống lớp, tôi cũng biết cả lớp
đang khóc, khóc trong lòng hay biểu lộ cũng như nhau, mỗi người có một cá tính
, tôi dễ xúc động nên không cầm được nước mắt, tôi cúi mặt chẳng muốn nhìn ai,
lớp học buồn chi lạ. Có lẽ cái hình ảnh chia tay mãi chập chờn đâu đó không cho
thay đổi không gian , thời gian này, lớp học vẫn im lìm , im lìm hơn những lúc
làm bài tập, cả những đứa nổi tiếng nghịch nhất lớp cũng chẳng buồn hé môi. Cô
vẫn đăm chiêu nhìn một hướng – và tôi, ý tưởng vẫn xoay chiều, nhất định tôi sẽ
viết, viết thật nhiều, còn gì để nói nữa không trong niên học cuối. Tôi còn nhớ
danh nhân nào đã nói “Chúng ta không bao giờ có được tâm hồn chiều nay”. Chỉ một
chiều đã thay đổi thì làm sao tôi tìm lại tuổi học trò, bây giờ có được ý niệm
đó thì dường như sắp vụt khỏi tầm tay, tuổi mà thi sĩ đã ca tụng đẹp như mây nắng
hồng một buổi bình minh, rồi ngày nào đó mường tượng lại tuổi này đã qua mà
nghe lòng xót xa nuối tiếc. Giá như cô không đến, tình cảm nào bớt vòng nối buộc
thì có thể khi chia tay sẽ bớt nỗi buồn hơn !
Nhìn ra hành
lang những giọt mưa xoáy tròn, xoáy tròn rồi lạnh lùng rơi xuống như kéo theo
tâm hồn tôi nơi những giọt mưa, cố viết thật nhiều như lời cô bảo thế mà lời
tôi vẫn rời rạc, rời rạc như những giọt mưa tròn rơi xuống tiếp nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét