10/5/19

1.427. NGẪM NGỢI VÀI ĐIỀU RỜI RẠC

           Mộc Nhân

1. Làm bài văn hoặc thơ, cái khó nhất là kết bài. Mở bài thì có thể có cái khuôn hoặc có hứng và “liều”… Thân bài thì cứ thế, đã qua mở bài, cứ để cho cảm hứng hoặc trí nhớ chảy ra mà viết… Nhưng riêng cái kết thì khó. Có người cho rằng kết là “đóng lại”, tất nhiên là khép lại một bài nhưng chỉ khép hình thức văn bản thôi là chưa đủ, nếu người viết cho rằng kết bài là đóng lại tất cả xem như thất bại. Kết bài hay là cái kết mở, mở ra những điều làm người ta suy ngẫm từ cái đã biết và khơi gợi những điều còn ở phía trước.
Cụm từ “fade-out” (thường dùng trong âm nhạc) để chỉ kiểu kết từ từ, cứ để âm điệu  lịm dần rồi từ từ tắt hẳn – một cách kết thúc chậm rãi, xoa dịu, giải quyết được mọi vấn đề tâm lí cũng như tính cách. Trong giao tiếp, kiểu kết đột ngột thật là nguy hiểm, gây sốc và tạo phản ứng không tốt. “Học gói, học mở”… thật khó cho mình và cho người. Có cái kết ám ảnh mãi không thôi...

2. Trong mỗi con người đều có thiên thần và ác quỉ. Người xưa nói“Nhân chi sơ tính bản thiện” – con người sinh ra vốn có tính thiện. Lại có người khác nói: “Nhân chi tính ác, kỳ thiện giả ngụy dã” – con người vốn có tính ác, còn tính thiện thì được tạo ra (tức là do giáo dục, rèn luyện, nhận thức, pháp luật… mà có). Sigmund Freud – nhà phân tâm học người Áo thì khẳng định: “Con người đạo đức hơn ta nghĩ, nhưng cũng vô đạo đức hơn ta tưởng”. Mỗi người một ý, đều đúng cả, đúng hay sai do cách nhìn… Nhưng liệu chúng ta đã thực sự hiểu rõ về bản tính thiện hay ác ẩn giấu bên trong chính mình chưa?
Thiện - ác luôn tồn tại song song, thiện tiêu thì ác trưởng và ngược lại, không có trạng thái thiện hoàn toàn hoặc ác hoàn toàn. Mỗi thái cực hiện hữu, có mặt trọn vẹn trong thái cực còn lại. Sâu bên trong một tên khủng bố máu lạnh vẫn còn sót lại chút tính người, sâu bên trong một thánh nhân vẫn tồn tại một con quỷ đang say ngủ.
Bản tính ác trong mỗi người được kìm hãm bởi đạo đức và luật pháp nhưng nó cũng dễ đổ vỡ khi cá tính, cái tôi, cái xấu bị kích hoạt hoặc thiếu suy nghĩ, kiềm chế. Thừa nhận một mặt tối khác đang tồn tại bên trong con người mình cũng là cách để cái tốt được nuôi dưỡng.
            
3. Người ta nói hạnh phúc hay đau khổ đều do tự mình mang đến. Điều ấy đúng; nhưng nói thêm: thường thì hạnh phúc là trạng thái được tác động từ ngoại vi (do không gian, thời gian, con người khác mang lại và mình thì đón nhận, sống ngay trong lúc đó, bất chấp, vô ngã… chỉ có vậy mới hạnh phúc); đau khổ cũng tương tự như vậy, nếu con người “chấp” và “ngã” thì vô thường là khổ, khổ thành triền miên…
       Vậy nên nhà văn Nam Cao, trong truyện ngắn Lão Hạc, viết một câu trần trụi mà dễ hiểu “Thị làm thị khổ chứ ai làm thị khổ đâu”. Khổ là vậy, còn sướng thì dứt khoát phải là có người khác làm mình sướng; còn "tự sướng" thì chỉ là sướng ảo.

      4. “Hoa thúi địt”: – cái tên nghe mà ghê: đã “thúi” lại còn “địt”; “địt” ở miền Trung nghĩa là đánh rắm, ở miền Bắc là đ.  Ôi, không biết ông nào bà nào lại đặt cho hoa cái tên dân dã mà phổ biến đó trong khi hoa thúi địt có nhiều tên hay như là mơ tam thể, mẫu cẩu đằng, ngũ hương đằng, thanh phong đằng, ngưu bì đống, mao hồ lô… Gọi là hoa thúi địt mà khối người yêu thích nó: từ cái hương thơm đặc trưng (chứ không phải mùi thối) cho tới ẩm thực (được sử dụng như một loại rau ăn kèm với thịt chó, thịt dê…), ngoài ra hoa còn là một dược liệu thảo mộc có nhiều tác dụng với gan, tỳ vị, tiêu hóa, tiết niệu…
“Cây óc chó – cái tên nghe khó chịu nhưng hạt trong quả của nó được gọi là vua của các loại hạt vì những lợi ích sức khỏe tuyệt vời mà chúng mang lại nhất là cải thiện sức khỏe tim mạch, tốt cho trí não… Hóa ra “óc chó” lại bổ ích cho “óc người”.
Nhiều loài hoa lá như hoa trúc đào, hoa đỗ quyên, hoa lưu ly, hoa phụ tử, cây vạn niên thanh… mang cái tên mỹ miều, rất gần gũi vì được trồng nhiều trong vườn, làm cây cảnh trong nhà ngoài phố… nhưng lại rất độc, có loại chỉ cần nhấm nháp một cánh hoa, ăn một chiếc lá hay hít hương thơm của hoa... là đã bị ngộ độc tức thì.
Ngẫm ra con người chớ nên kì thị hoặc mắc mưu một cái tên.

Không có nhận xét nào: