24/5/19

1.439. VU GIA – DÒNG SÔNG XỨ ĐẠI

                    Mộc Nhân
Sông Vu Gia nhìn từ đỉnh núi Bằng Am
bãi bồi, làng mạc và quốc lộ 14

Sông Vu Gia của Đại Lộc được ví như Sông Thu của Quảng Nam bởi nó không chỉ là người mẹ phù sa góp phần làm nên các vùng đất bãi bồi châu thổ mà còn là hình ảnh của lịch sử từ xưa cho đến ngày nay, mang trong mình một nền văn hoá bản địa được tiếp truyền qua nhiều thời kỳ.
Hiếm có dòng sông nào trên đất nước này chảy qua hầu hết các địa giới cấp xã trong một huyện như sông Vu Gia. Ngoài cảnh sắc thiên nhiên sông nước, cũng như bao dòng sông khác, sông Vu Gia gắn liền với lịch sử phát triển kinh tế và mang nặng dấu ấn bản sắc văn hoá của vùng đất nó chảy qua, và còn là dòng sữa ngọt ngào từ bao đời nuôi dưỡng cư dân đôi bờ. Mỗi lần có bạn ở xa về quê chơi, chúng tôi thường đưa bạn đến những vị trí ngồi bên sông Vu Gia để vừa nhâm nhi tán gẫu vừa ngắm cảnh, tận hưởng gió mát quê hương.
Bãi bồi ven sông Vu Gia

Lúc đang miên man trò chuyện, chợt ai đó trong nhóm bạn thốt lên hai câu của Bùi Giáng: “Hỏi tên rằng biển dâu ngàn/ Hỏi quê rằng xứ mơ màng đã quên” khi bất chợt nhớ đến bãi dâu văn sông Vu Gia qua các bãi biền Đại An, Đại Hồng, Đại Phong… là kí ức về quê xứ hiện về ngay.
Nơi biền dâu xanh ngắt xa xưa đã tạo một dấu ấn sâu nặng trong văn hóa nông nghiệp, cách ứng xử, tính cách … của cư dân địa phương.
Phảng phất trong câu chuyện phiếm của bạn bè có hơi thở của những điệu lý, điệu hò nước ngược nước xuôi, hò đò ngang đò dọc, hát hái dâu, kiểu nói đùa nói lái, tiếu lâm… thông minh, tinh nghịch, lạc quan nhưng cũng đậm nghĩa si tình. 
Sông Vu Gia khởi nguồn từ miền núi phía tây Quảng Nam là một nhánh của Sông Bung và hợp lưu của vài con sông khác… và cũng là chi lưu của vài con sông trong vùng và cuối cùng một nhánh theo dòng sông đào Quảng Huế đổ ra sông Thu Bồn tại vị trí thôn Giao Thủy xã Đại Hòa, một nhánh tiếp nối với sông Yên đổ ra sông Hàn, chảy về thành phố Đà Nẵng rồi ra biển. Tên gọi Vu Gia có nghĩa là trở về nhà – tất cả các dòng sông đều chảy ra biển, trở về ngôi nhà lớn nơi từng hạt nước bắt đầu quay về nguồn để tạo dòng mới.
 Bên dòng sông Vu Gia quê mình đã hình thành từ rất sớm những làng nghề cổ xưa như nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải cùng với những ruộng vườn cây trái, rẫy đồi… gắn với những sản vật đặc trưng như lúa Đại Cường, bắp Đại An, dưa hấu Đại Hồng, mía Đại Hòa, loòng boong Đại Sơn… và nhiều làng nghề truyền thống khác.
Cầu tre bắc qua sông Quảng Huế - một chi lưu của sông Vu Gia

Dọc theo sông Vu Gia có vô số những bến đò, chợ quê bên sông như Phú Thuận, bến Giằng, Giao Thủy, Ái Nghĩa, Phường Đông, Hà Nha, Hà Tân Tân Đợi… với dấu ấn sinh hoạt còn đậm đặc màu sắc dân dã xứ Quảng. Những làng mạc chợ quê bình dị, hồn hậu đến không ngờ. Ta sẽ gặp lại như những kỷ niệm tưởng chỉ còn trong ký ức. Vẫn còn đó những người mẹ, người chị với quả mướp, quả bầu, con gà trống tía nôn nao gồng gánh về kịp buổi chợ. Vẫn bóng mẹ nơi quán nước chè đợi đò bên sông, nụ cười trong trẻo của mấy cô hàng xén, tiếng trẻ nô đùa tắm táp bên bến, tiếng đàn trâu dầm mình trong nước, tiếng khuya mái dầm...  tất cả lấp lánh trong lành dưới nắng mai.
Chợ quê ven sông Vu Gia thường trên bến dưới thuyền, buôn bán sầm uất, hai đường thủy bộ đều nhộn nhịp cả một vùng. Chợ quê xưa không như chợ hiện đại bây giờ. Chợ thường chỉ có lều chứ không có nhà chợ, bán sản vật địa phương và giao lưu hàng hóa giữa các vùng miền.
Ăn một tô mì Quảng đơn sơ nơi lều quán tập toàng, nghe hương vị rơm rạ chân quê thấm vào tận chân răng cứ bổi hổi bồi hồi. Sống, ai cũng chẳng bước ra từ quá khứ, con người trong ý thức tìm lại mình cũng cần tìm lại nơi mình soi bóng, đi chợ quê bên dòng sông quê là cách về lại nơi xưa cũ.
Vùng đất quê hương Đại Lộc bên dòng sông Vu Gia cũng đã có sự giao thoa, cộng hưởng với văn hoá xứ Quảng của người bản địa và người Chăm cổ mà dấu tích còn lưu đến hôm nay qua các địa danh, di tích, đền đài, miếu mạo, mồ mả, ngôn ngữ, sinh hoạt phong tục lễ hội của cư dân.
Bên dòng sông này, người dân vẫn duy trì các lễ hội đã có từ lâu đời như lễ hội Bà Thu Bồn vào ngày 12 tháng Hai âm lịch trong niềm tôn kính và ngưỡng mộ dòng sông; hội đua thuyền trên sông Vu Gia được tổ chức vào mồng 5 tháng Giêng, các lễ cúng thổ thần thành hoàng được tổ chức với đầy đủ nghi lễ…


Một đêm cùng bạn bè du thuyền trên sông Vu Gia

Khó có một dòng sông nào mang trong mình dấu tích của lịch sử bởi sự giao thoa tiếp biến văn hoá đôi bờ nhưng trong sâu thẳm vẫn có sự khác biệt với những đặc trưng riêng như Vu Gia. Cách đây khoảng 30 năm, lúc bấy giờ đường bộ còn khó khăn nên từ Đại Lộc lên Thạnh Mỹ hoặc giao lưu hàng nông sản, lâm sản giữa miền xuôi với miền ngược chỉ có đi ghe thuyền là thuận lợi nhất. Những lần xuôi ngược dòng sông này, tôi luôn nghĩ đến một tour du lịch sông nước, sinh thái, làng quê rất ấn tượng và hấp dẫn cho du khách khi về thăm Đại Lộc.
Những năm gần đây, đường xá thênh thang rộng mở nên ít ai đi thuyền dọc sông nữa. Hơn nữa, số phận dòng sông quê cũng như những dòng sông khác trên đất nước mình đều cạn nước hoặc ô nhiễm do khai thác vàng nơi đầu nguồn, khai thác cát sỏi dưới lòng sông do chặn nguồn nước làm thủy điện nên dòng sông đã khô cạn, đổi dòng và trái nết. Về mùa hè nhiều đoạn sông thuyền mắc cạn không đi được; về mùa mưa lũ lên cao ngập cao chưa từng thấy, phủ ngập nhà cửa, bồi đắp ruộng đồng những nhiều nơi cũng bị thủy tai phá hủy xói lở đất đai mùa màng vườn tược…
Cầu Hà Nha trên quốc lộ 14 bắc qua sông Vu Gia
Sẽ rất tiếc nếu dòng sông Vu Gia – người mẹ giang hà ôm ấp cả một vùng đất thiêng liêng đã viết nên những huyền thoại, sử thi, văn hóa, con người của đất  quê Đại Lộc bị bồi lấp, cạn dòng hay đổi thay theo thời gian.
Nếu chúng ta không kịp làm gì cho dòng sông quê thì e rằng mai này chúng ta sẽ chẳng còn giữ được những gì thuộc về trầm tích văn hóa, thổ nhưỡng, cảnh vật, di tích, cố xứ… trong tâm thức của hậu thế.

Không có nhận xét nào: