13/5/22

2.391. YÊU MÌNH THÁI QUÁ

       Mộc Nhân

Tôi xin bắt đầu bằng cái tên Narcissus - một loài hoa đẹp, hoa thủy tiên - đây cũng là tên của một vị thần trong thần thoại Hy Lạp: thần Narcissus. Tên này cũng xuất hiện trong cụm từ Narcissistic Personality Disorder - viết tắt NPD - do các nhà tâm lí học gọi một hội chứng nhân cách của con người; tạm hiểu là hội chứng “yêu mình thái quá” (ái kỷ).

***

Thần thoại Hy Lạp có câu chuyện kể về sự tích hoa thủy tiên như sau: Narcissus là một nam thần khôi ngô và có chút tài nên mắc thói kiêu căng. Echo (có nghĩa là “Tiếng vọng”) là một nữ thần xinh đẹp nhưng Echo lại có một nhược điểm là hay nói rất nhiều nên bị thần Hera trừng phạt khiến Echo chỉ có thể lặp lại những gì cô nghe được. Một lần nọ Echo gặp Narcissus và đã bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của Narcissus. Thế nhưng, tình yêu của cô đã không được đáp lại vì khi Narcissus nói lời nào thì nàng Echo chỉ có thể "nhại lại" câu của Narcissus nên chàng cho rằng Echo trêu đùa mình và từ chối cô.

Về phía Narcissus, vị thần này tiếp tục đi vào rừng sâu và gặp một hồ nước tĩnh lặng, chàng cúi người uống nước và thật kỳ lạ, thứ nước ấy đã khiến Narcissus có… cảm tình với chính hình ảnh phản chiếu của mình… Narcissus mê mẩn ngắm nhìn hình ảnh phản chiếu của mình, vậy nên chàng cứ ngồi đó cho đến khi chết đi, hóa thành một bông hoa thủy tiên.

Câu chuyện tình của hai vị thần là một bài học đáng giá: Narcissus đã phải nhận lấy kết quả của sự kiêu căng, hợm hĩnh về mình.

Từ câu chuyện này, người ta tạo ra thuật ngữ “Narcissistic Personality Disorder” – viết tắt NPD để chỉ một trạng thái không bình thường của nhân cách, có biểu hiện ảo tưởng về mình, khát vọng được người khác ngưỡng mộ… mà dẫn đến rối loạn nhân cách (rối loạn ái kỷ) khi có va chạm liên quan.

Các nguyên nhân sau đây có thể dễ dẫn đến rối loạn NPD: (1) hay được khen ngợi (kể cả khen thật hay khen xã giao) nên lâu ngày cứ nghĩ mình hơn người; (2) do sinh ra đã có vài tố chất đặc biệt hoặc quen thói được nuông chìu.

          Ở trường hợp (1), những kẻ có thực tài đôi khi rơi vào trạng thái NPD thì cũng xem như dễ hiểu, dễ thông cảm nhưng thật khôi hài, nhiều kẻ chả có tài cán gì, được mọi người (bạn bè) khen xã giao, lâu ngày anh ta tưởng mình có tài và đáng khen thật nên sinh ra hợm hĩnh, vậy nên khi có ai đó góp ý hay chê bai là nhảy lên như kẻ mất trí. Biểu hiện này có thể thấy rõ nhất khi giao tiếp trên mạng xã hội; khi ai đó bị chê bai hoặc góp ý thì anh ta không nhìn lại mình mà cho rằng mình bị xúc phạm dẫn đến mất kiểm soát, chửi bới, thêu dệt, bịa đặt, hòn đất ném đi hòn chì ném lại khiến cho nhân cách anh ta ngày thêm thảm hại, từ một người bình thường biến thành kẻ vô văn hóa, tiều tụy về nhân cách.

         Rất dễ để chúng ta nhận ra những loại người này nhất là trong giới “văn hoá đại chúng”. Họ thích thổi phồng tầm quan trọng và khả năng của mình mà không hề quan tâm đến thái độ của người khác, dẫn đến tâm thần phân liệt dạng vĩ cuồng hoang tưởng, rối loạn nhân cách hành vi và có trường hợp phải chữa trị tại bệnh viện tâm thần…

          Các nhà tâm lý học gọi đó là Narcissist (kẻ yêu bản thân) dựa trên tên của nhân vật Narcissus trong câu chuyện kể trên.

Phản ứng thích hợp nhất đối với các narcissist là nên thương hại họ hơn là phê phán chê bai bởi họ là những thiếu tự trọng mãn tính. Quan sát ngôn ngữ vài narcissist có thể thấy họ thường kết hợp những từ chỉ bản thân như “tao”, “ta” với những cụm từ thể hiện các thái cực đau khổ, tổn thương, giận dữ, chửi bới…

Có lẽ các narcissist tỏ ra ngạo mạn vì muốn bù đắp cho sự hoài nghi chính bản thân mình hay muốn thể hiện cái gì đó mà mình không với tới trước công chúng. Có thể dẫn ra vài ví dụ: một cầu thủ trong đội bóng khi không được đồng đội quan tâm anh ta sẽ thể hiện mình chơi giỏi trong game bóng đá; trong nhóm chơi gồm nhiều người có tài, anh ta sẽ chọn cách thể hiện vài điều vớ vẩn nào đó như “nhảy ngoáy mông”, ghép hình vớ vẩn”, “uống bia rượu như uống nước lã” và cho rằng đó cũng là “tài”; trên mạng xã hội anh ta dùng ngôn ngữ vĩ cuồng hoặc share tin giật gân để gây chú ý và thể hiện sự tự tin cho chính mình.

Họ thật đáng thương vì họ luôn cảm thấy bất an; hành xử của họ sẽ chỉ khiến cuộc sống trở nên căng thẳng hơn và dẫn đến kết quả tự tổn hại bản thân như: ốm đau, tai nạn, sống bê tha, cơ thể chóng lão hóa, đổ vỡ trong các mối quan hệ khó hàn gắn… và thường tự gây ra những sự kiện tai hại trong cuộc sống do họ thường nhạy cảm và dễ bị kích động hơn trước tác động của stress.

Tuy nhiên,nhìn ở góc độ tích cực các narcissist cũng có những điểm mạnh của riêng mình như họ thường muốn chứng minh giá trị của mình với người khác nên đôi khi cũng có thể giúp họ tạo nên một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong nội bộ.

Viết đến đây tôi nhớ một câu chuyện của nhà Phật: Đức Phật trên đường đi thuyết pháp, bị nhiều người Bà-la-môn theo sau chửi rủa. Ngài không nói gì cả… Về sau có đệ tử hỏi: sao ngài làm thinh trước lời lăng mạ của bọn kia; Phật trả lời: “nếu ai đó tặng ta món quà mà ta không nhận thì quà tặng ấy về tay ai?” - “Quà ấy trả về tay người gởi đến chứ ai”. Cuối cùng Phật nói: “Cũng vậy, họ chửi ta, ta không nhận thì họ sẽ nhận lại, bận lòng làm chi”.

Vậy đó, bạn nên tỏ ra kiên nhẫn với những narcissist vì thật ra họ đáng thương hơn là đáng giận, chỉ là họ đang cố gắng bù đắp cho sự thiếu tự tin của bản thân và nhiều khả năng là về lâu dài họ sẽ gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với các thách thức trong cuộc sống.

-----------

Bài đã xuất bản trong sách "Chúng ta từ cõi lao đao" - Mộc Nhân, Nxb Hội nhà văn, 2020 - và đăng trên một số báo, tạp chí.


Không có nhận xét nào: