4/5/22

2.382. KHÚC BÌNH MINH TRONG THƠ LOUISE GLÜCK

         Lê Đức Thịnh

Bài đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội
số 988/ Tháng 5-2022


    Thơ Louise Glück mang lại những trải nghiệm thi ca mới mẻ cho chúng ta, bởi nghệ thuật luôn là "một cuốn sách mở/ thế giới ngoài khoảng đêm luôn ẩn chứa những bí mật” - trích "Before The Storm" của Louise Glück.

***

    Tháng 10 năm 2020, thế giới lan tỏa tên tuổi của nhà thơ nữ người Mỹ Louise Glück khi bà được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn học lần thứ 113. Đó là giải thưởng mà Louise Glück xứng đáng được công nhận, tôn vinh cho những nỗ lực đổi mới nghệ thuật thơ ca của mình. Tuy nó vẫn bất ngờ như thường thấy ở mọi kỳ Nobel văn chương nhưng người ta hài lòng vì đây là chiến thắng của cái đẹp thuần túy văn chương mà ở đó nó không bị lạm dụng vào những mục đích chính trị, xã hội như trước đó và sau này; hay gây ra những tranh cãi bất nhất như đối với Bob Dylan - Nobel Văn học 2016.

   Sự nghiệp văn học của Louise Glück khá đồ sộ với hơn mười tập thơ và nhiều tiểu luận phê bình đã khẳng định vị trí của bà trong nền văn học đương đại Mỹ.

   Trong diễn văn công bố giải thưởng, ông Anders Olsson - Chủ tịch Ủy ban Nobel - Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển đã ca ngợi nhà thơ Louise Glück, người mang lại “một phong cách thi ca không thể nhầm lẫn, với vẻ đẹp khiêm nhường, đã làm cho sự tồn tại của mỗi cá nhân mang một giá trị phổ quát” (for her unmistakable poetic voice that with austere beauty makes individual existence universal). Glück đã nhìn trực diện vào nỗi đau và diễn tả nó “một cách thẳng thắn, không khoan nhượng”. Ủy Ban Nobel nhấn mạnh đến nỗ lực tìm kiếm “sự sáng tỏ” và mối quan tâm đặc biệt của nữ thi sĩ đến “tuổi thơ và đời sống gia đình, mối quan hệ thân thiết giữa cha mẹ, cùng các anh chị em, đã là một chủ đề xuyên suốt trong tác phẩm của nhà thơ”.

   Thế giới thơ ca của Glück ẩn chứa những ưu tư, tự vấn, cô đơn, nỗi đau, cái chết. Và trong những góc nhỏ trữ tình, sâu lắng khó ai cảm thấu luôn khiến thơ bà có sức hấp dẫn đặc biệt.

   Tất cả những điều ấy đều có trong căn phần của bà từ ấu thơ đến khi trưởng thành: thưở nhỏ bị chứng biếng ăn tâm thần và sống thiếu tình thương cùng sự quan tâm của mẹ vì cái chết của một người em gái sau sinh ra; nó ám ảnh khiến lớn lên bà bị sang chấn tâm lý, gián đoạn việc học để điều trị bệnh; kết hôn nhưng cuộc hôn nhân sớm kết thúc… Vậy nên đằng sau các nhân vật trong trang viết chính là bản thể Louise Glück tự phản biện từng ngày, tìm cách đổi mới chính mình, tìm đường đến với tự do và khai phóng. Mỗi tác phẩm của Louise Glück là kết tinh của trái tim gai góc, trí tuệ sắc sảo và nguồn sống mãnh liệt.

   Từ tập thơ đầu tiên Firstborn (1968) đến tập thơ gần đây nhất Faithful and Virtuous (2014), thơ Glück có những bước tiến, ngày càng mạch lạc, sắc sảo của một giọng thơ đặc biệt, với cách diễn đạt không thể trộn lẫn. Dù viết về bất cứ đề tài nào, thơ bà vẫn khéo léo, ý nhị cùng với phong cách giản dị, kiệm lời đã đưa độc giả về miền mênh mang của ký ức - hiện tại, đời sống - ước mơ, sự sống - cái chết, đau khổ - hạnh phúc… đan xen cùng hành trình thức tỉnh.

***

   Trong bài thơ A Fantasy (Một ảo tưởng), Louise Glück nói với chúng ta ảo tưởng về một đám tang có thể khép lại nỗi đau thương và ảo tưởng một quá khứ đã qua với những câu thơ gợi lên nỗi buồn thật sự: “Tôi sẽ nói với bạn đôi điều: mỗi ngày/ loài người đang chết. Và đó chỉ là khởi đầu/ Mỗi ngày, trong nhà tang lễ, những goá phụ sinh ra/ những đứa trẻ mồ côi mới. Họ ngồi khoanh tay/ cố gắng quyết định cuộc sống mới này”. Đó là trạng thái cố gắng giữ bình tĩnh khi chứng kiến sự chết chóc. Nói về cái chết mà thực ra là phá tan ảo tưởng về sự sống bình yên giữa đời nhiễu loạn. Ảo tưởng về cuộc sống đã vỡ vụn - con người lại có những ảo tưởng mới nhưng giờ đây họ biết tiết chế ảo tưởng của mình hơn chăng và dường như cô ấy cảm thấy đời sống giờ đây trống rỗng.

   Bài thơ văn xuôi A Foreshortened Journey  (Một hành trình được rút ngắn) mang ý nghĩa ngụ ngôn về cái chết. Một người bà và một đứa cháu gái bắt gặp một người đàn ông gục ngã ở nửa chừng cầu thang -  cái cầu thang ẩn dụ cho cuộc đời. Câu chuyện có vẻ đáng lo ngại nhưng cách kể, cách trình bày của Glück khiến người ta dường như có thể nhận thấy sự hiện diện của cái chết vượt ra khỏi bài thơ và đọng lại đâu đó: “Một bé gái xuất hiện ở đầu cầu thang, nắm tay một người phụ nữ lớn tuổi. Bà nội than khóc với cô gái, có một người đàn ông chết trên đầu cầu thang! Chúng ta phải để ông ấy ngủ, bà nói. Chúng ta phải đi bộ ngang qua thật nhẹ nhàng. Ông ấy đang ở thời điểm trong cuộc sống mà không thể quay trở lại từ đầu hoặc tiến tới đích, dường như vậy; do đó, ông ấy đã quyết định dừng lại, ở đây, giữa mọi thứ, mặc dù điều này khiến ông ấy cản trở những người khác, chẳng hạn như chính chúng ta…”

   Bài thơ A Myth of Devotion (Thần thoại về sự tận hiến) kể lại một câu chuyện phức tạp trong thần thoại Hy Lạp để cho thấy ý tưởng về tình yêu tận hiến: chìu chuộng, cung phụng, làm hài lòng tình nhân… Nhưng liệu đó có phải là tình yêu thực sự không? Thần Hades thể hiện tình yêu với Persephone bằng cách cố gắng tạo ra một phiên bản trần gian nơi địa ngục để  Persephone có thể có một cuộc sống hoàn hảo. Nhưng thần dần phát hiện ra rằng ý tưởng của mình về một thế giới hoàn hảo với tình yêu không mang lại lợi ích cho Persephone. Và thần tìm ra cách duy nhất để tình yêu sống mãi là “cái chết” - “Em đã chết, không gì có thể làm tổn thương em/ là sự khởi đầu hứa hẹn nhiều hơn, gần sự thật hơn. Khi nhận ra điều đó, thần đủ mạnh mẽ để để Persephone ra đi – tức là trở về với thế giới của nàng. Từ bài thơ này, tác giả muốn nói với chúng ta rằng tình yêu không chỉ có sự tận hiến mà còn phải biết hi sinh. Đôi khi níu kéo lại là giết chết trái tim nhân tình.

    All Hallows (Những điều thiêng liêng) là một bài thơ ngắn đầy ám ảnh về những cảm xúc liên quan đến mùa Halloween. Xuyên suốt bài thơ, tác giả sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh hấp dẫn để vẽ nên một khung cảnh cô đơn nhưng gần gũi với cuộc sống làng quê qua các hình ảnh cánh đồng, trang trại, đàn bò, đêm trăng… Những câu thơ cuối mô tả hành động của nhân vật như đang giao tiếp với các linh hồn và chúng đã thoát ra khỏi nơi nương náu để đến với con người như đứa con trở về trong vòng tay của mẹ. Bài thơ có ý nghĩa như là sự kết nối giữa con người với tự nhiên cùng những tín điều thiêng liêng bằng câu thơ cuối “Linh hồn thoát ra khỏi những vòm cây”.

***

   Những bài thơ của Glück mang âm hưởng của một tứ thơ trang nhã, gây ấn tượng bởi sự tinh tế, sắc sảo. Ẩn sau lớp ngôn từ kiệm lời là sức sống và trăn trở của những phụ nữ tìm kiếm điểm tựa trong cuộc sống bi kịch, nghiệt ngã. Chủ thể trữ tình trong tập thơ là những nhân vật lịch sử, thần thoại, nữ nhân tìm cách vượt qua giới hạn và tìm kiếm con đường riêng cho mình thông qua cách nhìn mới của Glück. Ngoài những trải nghiệm đời sống bản thân, gia đình, xã hội… bà còn lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp, những huyền truyện để hóa thân hay đặt nhân vật vào hoàn cảnh lựa chọn thông qua nhìn nhận sự việc với góc nhìn mới để suy ngẫm về kinh nghiệm cá nhân và cuộc sống hiện đại. Thế giới thi ca trong các sáng tác của Louise Glück mang chất riêng, cá tính, man mác buồn, và sắc sảo đến mức kén người đọc nhưng luôn thấm đẫm tình yêu, cái chết, gợi lên vẻ đẹp trữ tình.

   Trong một bài trả lời phỏng vấn tờ New York Time, Louise Glück nói rằng “Tôi không muốn đóng vai trò trung gian cho trải nghiệm của độc giả với tác phẩm của mình. Tôi không quan tâm đến việc mở rộng khán giả… người thích thơ tôi dù số lượng ít nhưng cường độ cảm xúc ở họ khá cao và đầy nhiệt huyết”. Điều đó nói lên rằng người đọc và hiểu thơ bà không nhiều - dù thơ bà hướng đến những vấn đề nhân loại và bà không nhất thiết phải chìu theo thị hiếu thơ ca của số đông.

    Đọc thơ Louise Glück là đi qua một trải nghiệm lạ lẫm với thơ ca. Có thể chúng ta cảm hiểu phần nào những dồn nén trong cường độ hiện sinh nhưng dòng tự sự diễn ra một cách yên lặng, nhỏ nhẹ, kỳ lạ và bí ẩn. Nó mang vẻ đẹp giản dị mà bí ẩn của người viết tự truyện; là dòng tự sự tự nhiên mà khó nắm bắt mạch chuyện; là bức tranh đời sống hiện thực mà lại hàm ngôn; giản dị trong ngôn từ nhưng thể hiện cường độ cảm xúc tập trung vào việc làm sáng tỏ các khía cạnh của chấn thương, khao khát. Người ta nói nó giống như bản thân tác giả: ăn mặc giản dị, nói năng nhẹ nhàng, dáng người nhỏ bé, khuôn mặt không xinh đẹp lắm... nhưng khi bà xuất hiện và di chuyển trong khán phòng thì dường như có một sức mạnh vô hình, thu hút đám đông mà không hề xô bồ chen lấn.

   Sự tương phản như đã nói trên phản ánh cách thức kỳ lạ mà nhà thơ mang sinh quyển nghệ thuật đến với công chúng. Về bản chất, mỗi bài thơ là một cuộc khám phá thế giới, khám phá nội tâm, truyền cảm hứng về vẻ đẹp của nhà thơ đến với bạn đọc và đôi khi bản thân tác giả dường như đã trở thành một phần của bài thơ. Vậy nên nếu người đọc cứ bám víu vào ngữ pháp, câu chữ, cứ cố công tìm kiếm nội dung, truy vấn ẩn ngữ… thì sẽ khó tiếp cận thơ bà.

    Trong Luận văn Tractatus, nhà thơ, triết gia người Áo Wittgenstein viết: “Điều chúng ta không thể nói ra, chúng ta phải bỏ qua trong im lặng”. Có lẽ vì thế, văn chương đương nhiên là nghệ thuật của ngôn từ, và đương nhiên cũng là nghệ thuật của sự im lặng. Viết ra hay cảm hiểu cũng thế. Không phải mọi thứ đều phải đi đến tận cùng. Trong trạng thái như thế, việc đọc và cảm hiểu thơ Louise Glück không phải là điều dễ dàng với bạn đọc bởi tính ẩn dụ và hàm ngôn trong thơ bà khá sâu sắc, mà muốn hiểu các tầng nghĩa phải có tri kiến nhất định về văn hóa, lịch sử, triết học, xã hội học… và nhất là phải có năng lực giải mã ngôn ngữ thơ ca thông qua các sự vật, sự kiện, điển tích để có thể hình dung về sinh quyển trong thơ bà.

   Thơ Gluck không gắn với tín ngưỡng tôn giáo hay triết học mà nó thể hiện từ việc thi nhân thường nhìn lại thần thoại, khám phá thiên nhiên, gắn với tâm lý học hiện đại để giãi bày, biểu lộ, giải thích, truy vấn, phát hiện cảm xúc, nội giới nữ tính của mình.

   Dù viết theo phong các hiện đại nhưng bà không chọn khuynh hướng giải thiêng mà đi vào lạ hóa cách kể những câu chuyện của mình. Các yếu tố hình thức như nhịp điệu, ngắt dòng, sử dụng dấu câu, tổ chức câu, cách viết hoa, sử dụng hình ảnh… có thể gây cảm giác lạ lẫm, thậm chí là khó chịu đối với người tiếp cận nhưng nó đưa đến một cách thức nhìn nhận đời sống mới mẻ, riêng biệt, cách thức thể hiện khác lạ trong nghệ thuật, đóng gói nhiều cảm xúc.

   Thơ ca - dù viết về bóng đêm nhưng nó phải thể hiện bình minh; dù viết về nỗi đau nhưng nó phải soi lên niềm hạnh phúc; dù đề cập đến những vấn đề thế giới rộng lớn nhưng nó là những câu chuyện nhỏ từ mỗi cá nhân; dù trầm mặc cái chết, nỗi đau đời, đau đáu nhân sinh nhưng nó vẫn hướng về niềm hy vọng, sự sống và hạnh phúc.

   Vậy nên nếu nói mỗi bài thơ của Louise Glück là một khúc bình minh từ đời sống cũng không phải là sai lệch. 

   “Aubade” là một mỹ từ trong tiếng Anh có nghĩa là khúc hát bình minh, khúc ca ban mai… Nó được nhiều nhà thơ nhà văn đặt tựa cho tác phẩm của mình. Điều thú vị là Louise Glück nhiều lần dùng mỹ từ này để đặt tựa cho nhiều bài thơ của mỉnh – theo dò tìm của tôi có ít nhất 3 bài thơ của bà có tựa "Aubade".

   Trong bài Aubade từ tập thơ “Vita Nova” (1999), Louise Glück viết một bản tình ca buổi sáng qua vuông cửa. Từ trong một ngôi nhà có chiếc ghế, có giường ngủ, có chiếc bàn đơn sơ… con người cảm nhận thế giới với vẻ đẹp của ánh sáng lung linh họa tiết, cùng những bi kịch, dục vọng và định mệnh của nó. Trong khoảnh khắc “thời gian đang xao động, thời gian/ đang rên xiết để được ôm ấp, để được vỗ về” đó, con người không còn mong muốn nào khác hơn là bình an và xúc cảm cùng lời tự vấn trong tâm hồn “Điều gì làm nên sự giàu có” – khi đã thấu hiểu bản ngã.

   Vậy nên, bạn và tôi, đọc thơ Louise Glück hay bất cứ loại thơ nào cũng nên hiểu rằng: thơ là tiếng nói của trái tim, khối óc khởi nguồn từ thế giới rộng lớn và tất cả cảm hứng thi ca chỉ là giải mã những giấc mơ (All poetic inspiration is but dream interpretation).

   Dù sự kiện Louise Glück đoạt giải Nobel Văn chương đã qua gần hai năm nhưng đọc lại thơ bà vẫn là những trải nghiệm thi ca mới mẻ của chúng ta bởi nghệ thuật luôn là “một cuốn sách mở/ thế giới ngoài khoảng đêm luôn ẩn chứa những bí mật” – trích bài thơ Before The Storm, Louise Glück – và tôi nghĩ nó luôn là khúc bình minh cho chúng ta.

L.Đ.T. (Nguồn: Văn nghệ quân đôi)

Không có nhận xét nào: