23/5/22

2.397. THẾ GIỚI THI CA TƯ TƯỞNG BÙI GIÁNG

 Tâm Nhiên

    LTS: Tâm Nhiên - quê quán Duy Xuyên, Quảng Nam, ông là người đồng hương, cùng họ với Bùi Giáng. Trước 1975 học Đại học Van Hạnh SG, hiện là du sĩ vô trú. Trong nhiều bài viết về Bùi Giáng, tôi nhận thấy bài viết này của TN đủ để chúng ta có những hiểu biết cơ bản về Bùi thi sĩ nên xin mạn phép lưu lại để chia sẻ.

Tâm Nhiên (hình từ fb)

***

Viện Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn, thủ đô miền Nam Việt Nam, trước năm 1975 là một trung tâm văn hóa Phật giáo nổi tiếng lừng lẫy. Nơi đây đã quy tụ biết bao hào kiệt trượng phu, biết bao tao nhân mặc khách, biết bao giáo sư, triết gia cự phách thượng đẳng. Đặc biệt là các thiên tài xuất chúng siêu việt như Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, nổi bật nhất là Bùi Giáng, một thi sĩ kỳ dị, xưa nay chưa từng thấy xuất hiện trên bầu trời văn nghệ Việt Nam và thế giới.

Tạp chí Tư Tưởng do viện trưởng Thích Minh Châu làm chủ nhiệm là cơ quan luận thuyết là tiếng nói của viện Đại học Vạn Hạnh, thường xuyên đăng tải bài viết của các bậc cao thủ này. Những tác phẩm thi ca, tư tưởng, triết lý, đạo lý của họ vô cùng thâm thúy, có giá trị mãi cho đến ngày hôm nay.

Lúc bấy giờ có nhà xuất bản An Tiêm do Thanh Tuệ làm giám đốc, vì một cơ duyên hy hữu nào đó đã dốc toàn tâm toàn lực ra để lo cho công việc in ấn riêng biệt những tác phẩm thơ văn, biên khảo, dịch thuật của Bùi Giáng. Sức sáng tạo của thi sĩ vào thời gian này, từ năm 1962 đến năm 1975 rất mãnh liệt, như ngọn lửa thiêng sáng bừng rực rỡ khắp trời đất u huyền, khiến cho nhà xuất bản An Tiêm in ấn không kịp.

Tưng bừng xuất bản An Tiêm

Ấn hành cổ lục chung niềm cảo thơm

Mưa Nguồn tuôn ngát xanh rờn

Ngàn Thu Rớt Hột cô đơn cuối bờ

Đó là một điều không ai hiểu nổi vì suốt ngày thâu đêm, người ta chỉ thấy một Bùi Giáng lang thang rong chơi, nhảy múa ngoài đường. Thường ngâm thơ uống rượu lu bù với mọi giới bình dân đây đó, bạ đâu ngủ đấy ngay ngoài vĩa hè xó chợ, góc quán hiên chùa, rong rêu lêu lổng khắp đầu phường cuối phố, ngao du trào lộng giữa ta bà, quá độ nồng say như Tản Đà, Lý Bạch nhưng vẫn thung dung:

Uống xong ly rượu cuối cùng

Bỗng nhiên chợt nhớ đã từng đầu tiên

Uống như uống nước ngọc tuyền

Từ đầu tiên mộng tới phiền muộn sau

Uống xong ly rượu cùng nhau

Hẹn rằng mai sẽ quên nhau muôn đời

Em còn ở lại vui chơi

Suốt năm suốt tháng suốt nơi lan tràn

Riêng anh về suốt suối vàng

Trùng phùng Lý Bạch nghênh ngang Tản Đà

Thi sĩ sống không nhà cửa, không vợ con, không tài sản, không sự nghiệp, không danh lợi, không là gì cả ngoài một bầu rượu túi thơ và một bộ quần áo xốc xếch cũ mèm, rách nát tả tơi, trông giống như một Tế Điên, một Hàn San, Thập Đắc, một gã ăn mày quái dị lạ lùng. Thế mà sức sáng tạo, sáng tác quá đỗi rạt rào như thác đổ trào tuôn, thật là vô tiền khoáng hậu. Nhà thơ viết như thần nhập, như nhảy tung vào cõi mật ngôn ẩn ngữ, làm khơi mở mối giềng xiết bao rực cháy, gây nên một nguồn cảm hứng tưng bừng, dậy sóng phiêu bồng cho biết bao kẻ đồng điệu, đồng cảm vút hồn bay chuếnh choáng, ngất ngây trong cơn say sưa túy lúy.

Thi sĩ Bùi Giáng sinh năm 1926 tại Quảng Nam, quả nhiên là một hiện tượng kỳ lạ mà cho đến ngày nay, chưa một ai có thể hiểu thấu đáo về thế giới tâm hồn hoằng đại, cõi tư tưởng hoằng viễn thâm hậu và cõi thi ca bát ngát vô song đó. Có người hỏi tiểu sử thì Bùi Giáng cười đáp : “Thi sĩ sinh ra như mọi người giữa cỏ cây gay cấn ly kỳ và sẽ chết đi giữa cỏ cây ly kỳ gay cấn… Thuở nhỏ bỏ học về nhà quê, làm thơ tặng chuồn chuồn và châu chấu.” Hỏi về sự sáng tác phi thường thì lai rai nói : “Con chim thì ta biết nó bay, con cá thì ta biết nó lội, thằng thi sĩ thì ta biết nó làm thơ nhưng thơ là gì, thì đó là điều ta không biết.”

Điện Bàn Đại Lộc Duy Xuyên

Xiết bao tình nghĩa thần tiên mộng đầu

Vĩnh Trinh Lệ Trạch Thanh Châu

Thi Lai Hà Mật nhìn đâu dáng người

Người đầu tiên đã mỉm cười

Nhìn tôi tưởng thấy niềm vui vô cùng

Tôi ngồi tưởng nhớ mông lung

Tưởng từ chín suối tới bao dung Bầu Trời

Thi sĩ khơi vơi ngồi nhớ quê như thế. Quê hương cố xứ bên dòng sông Thu Bồn ở Duy Xuyên Quảng Nam. Về sở học của nhà thơ, quả thật là thông đạt quảng bác vô cùng, làu thông nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Đức, Hán. Không biết thi nhân tự học từ lúc nào mà trở thành một bậc thượng trí, hầu như vô sư tự ngộ, chỉ do đọc sách mà phát minh tâm địa như trường hợp thiền sư Huyền Giác đọc kinh Duy Ma Cật mà hoát nhiên triệt ngộ chân lý diệu thường. Từ đó, trọn suốt cuộc đời thi sĩ cứ phiêu nhiên trên con đường thênh thang sáng tạo, bước đi thi ca tỏa rợp trời thơ đất mộng bồng bềnh, bát ngát phiêu diêu.

Nhiều người cho rằng Bùi Giáng là một gã cuồng sĩ điên rồ hay một đại thi hào, một Bồ tát nghệ sĩ gì gì đó cũng được, chỉ là những danh từ, khái niệm mà thôi. Điều cần thiết phải làm là chúng ta hãy đi vào bên trong tâm hồn phong phú, thể hiện qua tác phẩm, may ra có khám phá được điều gì mới mẻ trong cõi tư tưởng của nhà thơ tài hoa này hay không ?

Tư tưởng trong thơ Bùi Giáng là gì ? Nhưng tư tưởng là chi ? Theo Tuệ Sỹ thì : “ Tư tưởng là Con Đường, là Đạo, là Tiếng Gọi mời ta lên đường. Chính bằng và trên Con Đường ấy, chúng ta mới có thể bắt gặp được bóng dáng của con người.”*

Vâng, tư tưởng là con đường mời gọi chúng ta hành động và do vậy, do bởi hành vi tư tưởng cho nên hành động mới mang một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ mới lạ. Tư tưởng thi ca Bùi Giáng khởi phát rạt rào từ suối nguồn sâu thẳm tâm linh, từ cõi ban sơ tịch mịch khôn dò. Đó là cõi bờ âm thanh vi diệu ngữ của trời trăng mây nước, chim bướm cỏ hoa và ánh sáng rạng rỡ huyền hòa, là bước đi đã đạt tới cảnh giới thượng thừa thi sĩ, chỉ có thể cảm nhận chứ không thể suy nghĩ luận bàn.

Đi vào cõi thơ Bùi Giáng, chúng ta cần phải buông xuống cái biên kiến, chấp thủ và chỉ khi nào cái bản ngã hạn hẹp của mình được chuyển hóa thì lúc ấy chúng ta mới lãnh hội, tương ứng với ngôn ngữ chân thực nghĩa tân kỳ của thi ca, của một cái gì vốn dĩ vô ngôn mà phải nói đột xuất bất ngờ:

Ấy là nhạc ? Ấy là thơ?

Ấy là rượu đế một giờ bỗng dưng ?

Ấy điên đảo ? Ấy điệp trùng ?

Ấy từ vô tận lừng khừng mà ra

Thưa em ngôn ngữ thật là

Cái gì như thể ngọc ngà thiên hương

Thưởng thức thơ Bùi Giáng, nên thưởng thức như Phạm Công Thiện nói : “Đọc thơ cũng giống như đọc kinh. Phải thọ, trì, đọc, tụng. Đọc không phải để hiểu mà để biết. Biết cái thâm mật của một giây phút thoáng qua nhanh chóng hơn ánh sáng và biết cái thâm mật của tam thiên đại thiên thế giới, của vô số hằng hà tỉ tỉ thiên hà trong lòng ta và ngoài kia không gian phiêu dật, mà lòng ta là tất cà không gian phiêu dật. Tại sao Nguyễn Du thường sử dụng chữ biết trong thơ và ít khi dùng chữ hiểu ? Đây là một sự việc quảng mật cần nên biết trong tương lai của văn hóa Việt Nam. Thơ là cái gì mà chỉ nên biết chứ không thể hiểu, may ra thì chúng ta có thể biết được cái thâm mật, cái quảng mật và cái thâm quảng mật, có thể biết được sơ sơ qua loa, chứ không thể nào hiểu được. Đó là diệu nghĩa vô lượng của tam mật, tam muội trong thơ văn của những thiên tài vĩ đại trên thế giới.”**

Bùi Giáng đương nhiên là một thi sĩ thiên tài, siêu quần bạt tụy rồi. Tư tưởng nhà thơ bao trùm khắp thiên hạ và thấu đạt hết ý nghĩa sâu xa thâm trầm của đạo học Đông phương cũng như triết lý Tây phương. Hầu hết các bậc đạo sư, thiền sư, văn nghệ sĩ phương Đông như Đức Phật, Duy Ma Cật, Long Thọ, Mã Minh, Thế Thân, Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Năng, Huyền Giác, Lâm Tế, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Lý Bạch, Tô Đông Pha, Tô Mạn Thù, Đỗ Phủ, Nguyễn Du, Tản Đà đến các triết gia, văn hào, thi sĩ vĩ đại của phương Tây như Martin Heidegger, Nietzsche, Hoelderlin, Wart Whitman, Shakespeare, Gerard Nerval, Kierkegaard, Malraux, Karl Jaspers, Albert Camus, Saint Exepery, Andre Gide, Apollinaire, Emily Dickinson, Paul Eluard, Dylan Thomas, Saint John Perse, Rimbaud, Rainer Maria Rilke… đều được thi nhân nói đến một cách rốt ráo cặn kẽ, tận sâu vào mạch ngầm tư tưởng uyên nguyên, uyên áo vô cùng.

Chúng ta hãy nghe Bùi Giáng phát biểu về thi ca : “Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa bằng lời thơ, thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phát động một trận mưa rào hoặc một cơn gió thu, mà muốn thực hiện điều đó, thì ngoài việc làm thơ ra, con người không còn phép gì khác. Thế có nghĩa là muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể phải làm một bài thơ khác. Người xưa am hiểu sự đó, nên họ chỉ vịnh thơ, chớ không bao giờ điên rồ gì mà luận bàn về thơ. Người đời nay trái lại, họ buộc phải luận thơ có mạch lạc, luận lý, không được bốc đồng vịnh lăng nhăng. Cái chỗ ngu si đó là điều bất khả tư nghì vậy.” Cho nên, ở đây người viết không dám luận bàn về thơ Bùi Giáng mà giản dị chỉ là cảm nhận một phần nào hương vị suối nguồn thi ca lai láng dạt dào, quá sức dữ dội của thi nhân mà thôi.

Vào miền cõi thơ Bùi Giáng là tha hồ tự do lang thang tang bồng, rong rêu phiêu lãng ngàn phương mọi chốn, trên rừng dưới biển đầy kỳ hoa dị thảo, dạo chơi giữa ngả ba, ngả bốn những con đường sương mù, mây trắng rồi bất ngờ mở ra một phương trời xanh biếc Nguyên Xuân, đồng thanh tương ứng, tương giao theo điệu chào sơ ngộ xưa sau :

Hỏi rằng : Người ở quê đâu

Thưa rằng : Tôi ở rất lâu quê nhà

Hỏi rằng : Từ bước chân ra

Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài

Thưa rằng : Nói nữa là sai

Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào

Hỏi rằng : Đất trích chiêm bao

Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau

Thưa rằng : Ly biệt mai sau

Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân

Nguyên Xuân là mùa xuân rực rỡ sơ nguyên trong lòng người, là Diệu Tâm trầm ẩn nhiệm mầu của chúng ta. Từ cõi quê lòng thanh tịnh đó, thi sĩ bước ra hòa điệu cùng cát bụi phù hoa phố thị, ngao du ngày tháng ta bà qua biết bao heo hút dặm dài, giáp mặt với sơn cùng thủy tận của mộng đời hư huyễn phù du. Nhà thơ chứng kiến cõi người ta cứ lo tranh đấu, tranh cãi đúng sai, phải trái, hơn thua giành giật nhau mãi, ai ai cũng phát huy cái bản ngã to bự của mình bằng cách chạy theo danh lợi, địa vị, dấy khởi hoài tham lam, sân hận, si mê... để vô tình quên đi mất cái bản tâm thực tánh, cái mặt mũi xưa nay, cái cõi miền Tâm Xuân thuần nhiên huyền diệu giữa lòng mình, cho nên thi nhân chạnh lòng trắc ẩn, thương xót cho những cảnh đời quá nhiều thống khổ điêu linh, bởi con người cứ mãi đắm chìm trong vọng tưởng, vô minh, hiểu lầm ngộ nhận :

Trần gian thơ mộng xiết bao

Mà buồn vô tận ai nào biết ai

Chưa yêu dấu đã lạc loài

Chát chua ngộ nhận tự ngoài vào trong

Tháng giêng đau khổ mặt trời

Đông sâu lạnh giá đêm dài nửa năm

Về Bắc ngất tạnh mù tăm

Về Nam chỉ thấy thẳm thăm mịt mù

Đau thương từ bấy đến giờ

Ai người đã tỉnh đã mơ một lần

Ấy đau thương ấy tử phần

Không cho phép cánh đại bàng viễn du

Kể từ vô tận mùa thu

Vô biên khốn khổ tội tù một thân

Kể xa xôi kể gũi gần

Không từ đâu có dặm phần chia ly

Ôi từ vô thủy ra đi

Đến vô biên xứ từ quy xa vời

Trần gian đáng lẽ tuyệt vời

Về sau chẳng rõ muôn đời đảo điên

Niềm đau nỗi khổ ưu phiền

Nối đuôi tiếp tới triền miên từng giờ

Khi biết rõ từng giờ từng phút buồn thảm, u sầu cứ triền miên vây khổn chốn phù sinh đầy trầm mê, phiền não, khổ lụy như thế, thi sĩ phát đại bi tâm, nguyện yêu thương hết cả trần gian, yêu muôn loài vạn vật, cả thập loại chúng sinh giữa ba đời sáu cõi luân hồi, qua lại đến đi:

Tôi tự nguyện sẽ một lòng chung thủy

Qua những lần buồn tủi giữa đảo điên

Thân xương máu đã đành là ủy mị

Thì xin em cùng lên thác xuống ghềnh

Em đứng mũi anh chịu sào có vững

Bàn tay bưng đĩa muối có chấm gừng

Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn

Hết tâm hồn và hết cả da xương

Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi

Trần gian ôi cánh bướm cánh chuồn chuồn

Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại

Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn

Còn ở lại một ngày còn yêu mãi

Còn một đêm còn thở dưới trăng sao

Thì cánh mộng còn tung lên không ngại

Níu trời xanh tay vói kiễng chân cao

“Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn’’ huống chi là con người phải không ? Tình yêu, tình thương ấy tràn ngập khắp các tác phẩm thơ văn Bùi Giáng, dòng dòng long lanh lấp lánh như Mưa Nguồn tuôn đổ, như thác lũ trường giang, chảy hoài miên man ngàn trùng đại hải:

Anh đã định chẳng bao giờ sẽ nói

Rằng tình yêu là chóp đỉnh phượng thờ

Vì anh biết gào kêu thân thiết gọi

Khó lọt vào tim máu của em thơ

Anh đã định sẽ yêu đời suốt kiếp

Suốt thiên thu từ vạn thuở phiêu bồng

Rồi anh chợt thấy mình luôn liên tiếp

Nửa điên cuồng nửa rồ dại lông bông

Và từng phút từng giây chồng chất ngất

Một trăm năm đứt ruột nát gan vàng

Một vĩnh viễn đoạn trường chìm ngây ngất

Dưới trầm luân từ thực thể muôn vàn

Từ thực thể muôn vàn trầm luân kiếp nhân sinh đó, cũng như Nguyễn Du, nhà thơ tự nguyện gánh vác lên vai vô số khổ lụy đoạn trường của Thúy Kiều hay như sư cô Tam Hợp âm thầm nhiếp dẫn từ bi cứu nhân độ thế. Chính vì dâu bể vô thường trong cõi đời máu lệ điêu linh mà Diệu Pháp Liên Hoa kinh đi về thể hiện tinh thần ‘‘khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến’’ chỉ ra Phật nhãn, cái thấy biết tuyệt vời tối thượng :

Từ bi ? Vô tận đoạn trường

Đạo cô Tam Hợp ? Hoa Hương Bốn Mùa

Trăm năm dâu bể thiệt thua

Cũng là Diệu Pháp thượng thừa Liên Hoa

Từ cõi Diệu Pháp vô vi bất khả tư nghì ấy bước ra, nên hành động của thi sĩ không giống như cõi hệ lụy ta bà đầy đa đoan chấp ngã của chúng ta, thành thử nhà thơ tự nhận mình là thằng điên, thằng khùng, ngây ngô khờ dại cho khỏe nhẹ để khỏi còn ai thắc mắc phân vân :

Thần Tiên Thánh Phật uy quyền

Giúp đời vô tận thằng điên quý gì ?

Điên từ muôn một liên miên

Mà ra vạn thuở nối liền Liên Hoa

Ấy từ Diệu Pháp mà ra

Đất đồng mộc mạc nở hoa lẫy lừng

Đó là thể điệu cuồng điên uyên mặc thượng thừa của thần tiên du hý, dậy lừng cung bậc Lăng Nghiêm trầm hùng cùng tuyệt :

Tam bành tứ trướng cuồng điên

Thần thông du hý thiên tiên dự phần

Lăng Nghiêm tam muội dậy lừng

Vượt non băng núi qua trùng điệp truông

 

Ấy từ bất khả nghị bàn

Từ vô tận xứ mà Nghiêm Hoa rằng

Hoặc từ vô tận hằng hằng 

Từ đâu tới một Ngiêm Lăng khôn lường ?

Lăng Nghiêm kinh khai thị cái tâm chơn, tâm vọng của con người vốn bất nhị viên dung. Một khi thấu thị kỳ cùng điều đó, thi sĩ bất thần nhập diệu vào cảnh giới huy hoàng hoan hỷ địa, hồn phách bay bổng một niềm vui sướng lâng lâng :

Thượng thừa thể lệ trăm năm

Thần tiên du hý đánh chìm tài hoa

Cái tài hoa trác việt, độc đáo của mình, đáng lẽ nên tự hào, hãnh diện nhưng thi sĩ tự mình làm cho chìm khuất, tiềm ẩn đi, chứ không huênh hoang phách lối, khoe khoang, kiêu ngạo phô bày ra như kẻ phàm phu tục tử thường tình. Đó là nhân cách cao thượng của bậc đại trượng phu. Tự mình vượt lên trên vòng đối đãi thị phi phải trái, thoát ra ngoài mọi sinh hoạt quy ước của xã hội, để sống tự do theo ý mình, thi nhân thực hiện một bước nhảy trọng đại, ngoạn mục phi thường lả tự nguyện làm người điên khủng, khờ dại, lãng trí, tự mình trách móc, mắng nhiếc mình theo cách điệu thể thái tùy nghi :

Bỏ đi dẹp mặt mày đi

Làm thằng thi sĩ như mi dơ tuồng

Mi say rượu mi điên cuồng

Mi không ý thức vui buồn thế gian

 

Lão già say rượu nói nhăng

Làm thơ lẩm cẩm gia tăng tâm tình

Máu tim chia sẻ tâm tình

Nửa dâng Thần Rượn nửa trình Nàng Thơ

 

Suốt ngày suốt tháng suốt năm

Nó be bét rượu muôn năm đế nồng

Thượng thừa kỳ vĩ vân mông

Sịch mành tỉnh mộng đêm mồng một giêng

 

Đền bù xiết kể bao lăm

Đáp đền muôn một trăm năm dại khờ

Khờ như dại dại như thơ

Dại không biết thẹn trơ trơ điên cuồng

Nói thì nói khề khà theo kiểu tự chế giễu, bỡn cợt khôi hài như thế, nhưng trái tim thi sĩ luôn luôn rực hồng ngọn lửa tình yêu thương vô lượng vô biên đối với cuộc đời đang sống trong túy sinh mộng tử này. Nhà thơ đau nỗi đau của con người, sầu nỗi sầu thiên cổ của kiếp nhân sinh tàn úa phai nhàu :

Nỗi buồn khôn tả từ đâu

Đi về phảng phất nỗi sầu thiên thu

Giữa đêm chén tạc chén thù

Một mình độc ẩm sương mù dưới trăng

Nỗi thương nỗi nhớ hằng hằng

Nhớ thương vô cớ cầm bằng như không

Ừ thì như không như có, như mộng như thực, như tỉnh như say... hết thảy đều là một chứ chẳng khác gì nhau như Tâm Kinh đã nói “sắc tức thị không, không tức thị sắc” đó mà :

Giật mình tôi chợt nhớ ra

Rằng đây đất của chúng ta chúng người

Mở môi em mỉm miệng cười

Tình yêu từ đó vẹn mười muôn năm

Yêu em yêu mãi tấm lòng

Yêu em quá độ long đong suốt đời

Nhớ em nhớ suốt mây trời

Suốt trăng vĩnh viễn suốt nơi nào là

Tình yêu đó lai láng như trường giang đại hải mênh mông, cứ tự nhiên trôi chảy, thường hướng đến những tầng lớp nghèo khổ trong xã hội như anh đạp xích lô, cô quét rác hay cô mua bán ve chai. Niềm thương cảm của thi sĩ có cái gì đó thật khác thường kỳ lạ :

Kính thưa đồng chí đại ca

Xích lô vô lượng kể đà bao phen

Từng phen lay lất ưu phiền

Niềm vui vô tận thường hằng đeo đai

 

Các em quét rác mỗi ngày

Mỗi năm mỗi tháng kéo dài muôn năm

 

Ve chai giày dép cũ càng

Em mua giúp hết dịu dàng em mua

Tơ trời thêu dệt bốn mùa

Đổi thay thời tiết nắng mưa luống từng

Dạn dày cho rõ phong sương

Âm thầm ý nghĩa muôn phương mây vàng

Từ cô thôn nữ ở đồng quê chân lấm tay bùn đến cô em mọi nhỏ ở trên rừng truông rú thẳm hoang lương, thi nhân cũng chia sẻ tỏ bày rất đỗi ân cần trìu mến :

Cày sâu cuốc bẫm cấy bền

Tháng ngày thanh thản êm đềm buồn vui

Thương em ngày tháng ngậm ngùi

Nhớ em ngày tháng sụt sùi giữa đêm

 

Thương em như thương một nường

Thiên thu là gái bình thường nhà quê

Em từ thôn nữ năm kia

Về đây phút chốc sẻ chia tấm lòng

 

Kể từ vô tận tiêu tao

Yêu em mọi nhỏ chốn nào đầu non

Thấy em như thấy vuông tròn

Thành thân thiên hạ biển non dịu dàng

Yêu em như nước lan tràn

Nhớ em như nhớ những tràng giang xa

Nguồn thơ xanh ngát lại mênh mang chảy tràn qua cổng chùa tu viện, vào thăm viếng thùy mị ni cô. Trước những tâm hồn thanh thản đoan trang, chàng thi sĩ lóng cóng theo cách điệu bông đùa cà rỡn quý ni cô thuần hậu, thuần phác thảnh thơi :

Đi tu em nhớ một lời

Đừng bao giờ trở lại đời làm giai nhân

Đừng đẹp đẽ đến vô ngần

Chỉ cần chút đỉnh đẹp tần ngần tu ( đi )

Còn gì đẹp hơn là buông bỏ hết những phiền não, vọng mê để lên đường xuất gia, đi tu một trận ly kỳ, hy hữu giữa ảo mộng tồn sinh ? ‘‘Tu là cội phúc tình là dây oan’’ Nguyễn Du đã nói như thế, còn Bùi Giáng thì :

Tu là cội phúc phôi pha

Tình là oan nghiệt chiết ma đoạn trường

Đó là thứ tình dính mắc ràng buộc, chiếm hữu nên luôn luôn giận hờn ghen ghét, gây nên bao tan nát đoạn trường. Vượt qua thứ tình yêu nô lệ đó là tự do cất bước thong dong với chiếc áo nâu sồng mộc mạc, thoát khỏi mọi nỗi khổ niềm đau :

Nâu sồng đã bén muối dưa

Còn tình đâu nữa dây dưa tâm tình ?

Sự đời tắt lửa tồn sinh

Hồng quần quên mất rằng mình đã quên

 

Chép tờ địa lý đầy vai

Hùng tâm thánh nữ thiên tài ni cô

Định thần mừng rỡ bước vô

Song trùng chúc phúc hai cô một lần

 

Ni cô ? Thánh mẫu nhu mì

Thành thân vô tận thuận tùy đầu tiên

Ni cô ? Thục nữ thuyền quyên

Tìm đâu thấy được Nguyên Tuyền Ni Cô ?

Đặc biệt Bùi Giáng dành một tình yêu thương thanh thoát đối với sư cô Trí Hải ở Đại học Vạn Hạnh cũ, người đã dịch Câu chuyện dòng sông của Herman Hesse. Thi sĩ cũng thường gọi sư cô là mẫu thân Phùng Khánh một cách tân kỳ sáng tạo :

Lúc về thờ phượng ni cô

Mẫu thân Phùng Khánh điểm tô đạo trời

Thần lên tiếng thánh đổi lời

Niềm riêng Vạn Hạnh mọc mời cô đơn

 

U hoài đầu mộng hôm qua

Mẫu thân Phùng Khánh thật là u u

Chân đi từng bước hư phù

Mộng đi từng bước tuyệt trù ống chân

Mẹ về đứng giữa đầu sân

Cuối cùng mẹ bước vô ngần mẹ đi

 

Mẹ còn nhớ nữa con chăng

Mẫu thân Phùng Khánh con hằng chẳng quên

Tuy đòi phen chết nếp nền

Cung vang lừng bậc điệu đền bù xoang

Mẹ về ngõ vắng vườn hoang

Thừa Thiên sông lạnh kéo sang khu rừng

Với một suối nguồn thương yêu vô điều kiện, yêu thương vô phân biệt, nhà thơ cũng rộn ràng trang trải cùng các cô gái đứng đường, xem các cô kỹ nữ như là tiên nương, thánh nữ giáng trần và tâm sự cùng các cô chan chứa nỗi niềm :

Bất ngờ tôi bắt gặp em

Vu vơ đi đứng một đêm giữa đường

Đến gần bất chợt tình thương

Bất ngờ tâm sự phi thường gần xa

Em từ viễn ngạn tuôn ra

Mười hằng hồng lệ chín sa dòng dòng

Tôi từ lịch kiếp long đong

Em từ lận đận tấm lòng bao lâu

Chúng ta từ cõi lao đao

Quen nhau từ những kiếp nào xưa xa

 

Tâm hồn của gái giang hồ

Các em vô tận kể từ đâu ra ?

Anh nay tuổi quá cỡ già

Thương em như nhớ gian nhà lưu ly

Các em dù tuổi tên gì

Cũng từng đã thốt lời gì anh nghe

Ngày nay đứng phố ngồi hè

Nhớ em mộng tưởng muôn bề rã tan

Cậy em lời cậy muôn vàn

Mình em riêng một đá vàng thiên thu

 

Tình yêu vô tận tự lòng

Tình không yêu cũng tùy tòng vô biên

Lỡ làng chút phận thuyền quyên

Chưa là thánh nữ cũng tiên nương rồi

Chỉ có cái nhìn vô phân biệt trí mới thấy được như thế. Dễ có mấy ai trên đời này xem các kỹ nữ lầu xanh là tiên nương thánh nữ ? Chỉ duy nhất thi sĩ Bùi Giáng mới có cái nhãn quan đại từ đại bi, đại hỷ đại xả như thế và từ cái nhìn thấu thị nhân sinh đó, thi sĩ ngợi ca, tán thán hết lời và gọi chung tất cả thục nữ mười phương là nàng thơ, nàng tiên diễm tuyệt vô ngần. Các nàng thơ, tiên nữ cứ đi về kề cận gần gũi, thân thiết miên man, bàng bạc ở khắp mọi nơi khắp chốn, từ phồn hoa đô hội đến lâm tuyền huyễn ngạn, ngoài bến gió bờ sương ngút ngàn quyến rũ mộng mị chiêm bao, dạt dào xao xuyến, xiết bao tâm tình du dương tha thiết :

Các em vô tận thuyền quyên

Từ thiên cổ tới đầu tiên bây giờ

Các em không thể nào ngờ

Rằng đầu tiên đã bài thơ luống từng

 

Em từ trái đất tuôn ra

Em đi xinh đẹp tiên nga dậy thì

Gặp em toàn thể nhu mì

Non sông đất nước thuộc tùy tình em

 

Thương em hơn cả phượng thờ

Ông trời ông Phật mút mùa thần tiên

Yêu em từ cái diện tiền

Của em số dzách thuyền quyên ấy là

Em từ một thuở tuôn ra

Một hơi hô hấp thiết tha dịu dàng

Từ đầu truông tới cuối ngàn

Cỏ cây nhớ mãi muôn vàn tình yêu

Thương em mỗi lúc mỗi nhiều

Yêu em mỗi lúc mỗi trìu mến em

Đường đi lát đá êm đềm

Cậy em thủng thẳng dịu mềm em đi

Mai sau còn một tí gì

Ấy là khu vực nhu mì của em

Cái gì vô tận của em

Ấy là cái ấy của em lạ lùng

Dị thường vô tận hoành tung

Tình yêu tim máu thủy chung tót vời

Anh từ vô tận viễn khơi

Gặp em như gặp đất trời vô biên

 

Riêng em có lẽ thật là

Thiên thu một thuở muôn nhà một nơi

Cùng em vô tận rong chơi

Khắp trùng dương dội sóng đời đời dâng

Ngân nga vang vọng sóng đời từ cuộc lữ đến cuộc chơi, từ cuộc tình đến cuộc mộng rồi từ cuộc mộng đến cuộc thơ, mở ra tưng bừng những làn gió hương màu phất phới, những phảng phất rung động trầm sâu mầu nhiệm bồi hồi :

Lối đi bình lặng nhiệm mầu

Lối về phấp phới hương màu đầu tiên

Lối đi nhìn ngửa ngó nghiêng

Lối về phảng phất nợ duyên khôn bì

Chập chùng những cuộc đi cuộc về trên con đường mây trắng phiêu du, lãng đãng phiêu bồng. Không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu nên thi nhân dấn mình nhập cuộc vào tồn lưu trôi chảy và đột ngột, thốt nhiên bỗng thấy trần gian đẹp đẽ vô cùng. Đẹp kinh hồn đến độ choáng váng mặt mày, ngập tràn cơn say chuếnh choáng, ngây ngất yêu đời vô tận nên nghêu ngao dạo khúc hát xênh xang.

Trạng thái xuất thần nhập diệu ấy càng ngày càng đến thường xuyên hơn trong cuộc sống thường nhật, nên thi sĩ phiêu hốt, phiêu diêu trong cảnh giới tiêu dao vô ngại đó nhiều đến nỗi phải khiêu vũ nhảy múa như một hoàng đế tự vất bỏ ngai vàng điện ngọc, đi vi hành làm kẻ vô danh tiểu tốt, tha hồ đùa chơi tiếu ngạo, ngâm nga la hét giữa phố thị ồn ào, tấp nập người qua kẻ lại, khiến thiên hạ cứ tưởng là nhà thơ điên. Kỳ thực đó là những phút giây bay bổng, khinh an, hoan lạc, nhập vào hoan hỷ địa xuất cốt diệu thường, cực lạc vô song :

Ông vua kỳ vĩ thập thành

Vì vui quá độ nên thành ra điên

Bây giờ tôi dại tôi điên

Chắp tay quỳ lạy khắp miền nhân gian

Chao ơi ! Thái độ ‘‘Chắp tay quỳ lạy khắp miền nhân gian’’ đó, chẳng khác chi hạnh nguyện của Bồ tát Thường Bất Khinh, luôn luôn kính trọng hết thảy mọi người dù ngu trí, lớn nhỏ, giàu nghèo một cách trân quý lạ thường. Dường như nhờ đọc sách, kinh điển Phật giáo Đại thừa mà thi nhân bất ngờ trực ngộ, thấy ra tận tường cái bản tâm thanh tịnh chói sáng vạn hữu an lành :

Thượng thừa hồi phục tâm thanh

Thốt nhiên đốn ngộ ngọn ngành cảo thơm

Bước vào nào thấy chút chi

Bước ra bỗng thấy cái mì nhu em

Toàn nhiên đại ngộ hoát nhiên

Hoát nhiên đốn ngộ thần tiên thượng thừa

Giữa đỉnh cao và hố thẳm, giữa vô hình và hữu hình, giữa phù du và vĩnh cửu với điệu cười sinh tử như không, thi sĩ thấy ra cảnh giới Hoa Nghiêm trùng trùng duyên khởi nên hòa chung cung bậc đất trời rộng mở, thở cùng không khí phóng khoáng, hý lộng giữa đôi bờ mộng thực, tỉnh điên một cách khoan thai thoải mái :

Cái điên cái tỉnh ở đời

Nào ai dám chắc thế thời ra sao ?

Kéo dài rất mực chiêm bao

Cuộc chơi kỳ vĩ tiêu tao điên cuồng

 

Cuộc chơi kỳ vĩ thập thành

Các em kỳ bí hơn anh quá nhiều

Tử sinh giữa cuộc dấn liều

Tử sinh liều giữa diễm kiều cuộc chơi

Chuyện sinh tử đối với phần đông phàm phu tục tử chúng ta là rất đỗi trầm trọng, kinh hoàng khủng khiếp, nhưng với thi sĩ thì thấy nhẹ như lông hồng, cho nên cứ tiếp tục cuộc rỡn đùa chơi, vì đã thấu triệt được lẽ bất sinh bất diệt, chết rồi cũng chẳng mất đi đâu mà chuyển qua hình thức khác, chuyển biến theo luân hồi giữa ba đời sáu cõi, tái sinh theo nghiệp báo của riêng mình đấy thôi :

Em về choáng váng tê mê

Em về từ tử diệt về tái sinh ?

Em về vô tận bình minh

Từ em tử diệt tái sinh mừng chào

Chào mừng cuộc sống vô lượng vô biên giữa biển đời trùng trùng sóng phong quang Bát Nhã, sóng lai láng tràn vào từng trang cổ lục cảo thơm, giúp cho người ta thấy lại vẽ đẹp huy hoàng tráng lệ của trí tuệ muôn đời tung bay phất phới :

Thình lình vô tận biển khơi

Sóng triều Bát Nhã đẩy chơi vào bờ

Thượng thừa trí tuệ thẩn thơ

Chép tờ cổ lục cho tờ cảo thơm

Trí tuệ Bát Nhã ấy chẳng ở đâu xa mà nó ở ngay giữa tâm hồn chúng ta đây thôi. Em hãy quay nhìn lại chính mình thì sẽ thấy ngay lập tức cái lòng trong trẻo nguyên sơ hiển hiện ra khắp muôn chiều diệu dụng :

Em đi vô tận trùng trùng

Em về vô lượng tự lòng mà ra

Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng nói ‘‘Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra’’ giống như Hoa Nghiêm kinh ‘‘Tất cả do tâm tạo.’’ Thì ra, cả sơn hà đại điạ, cả ba nghìn thế giới này cũng đều do tâm mình tạo ra mà thôi. Người thi sĩ hốt nhiên ‘‘ồ lên một tiếng’’ và mỉm cười rỗng rang sảng khoái :

Cõi bờ con mắt Hoa Nghiêm

Tường vôi lá cỏ lim dim vô cùng

Cảnh giới Hoa Nghiêm đang thị hiện diễn bày chung quanh khắp mặt đất trần gian cát bụi, từ vô lượng kiếp đến một phút giây của từng sát na vĩnh cửu. Một hôm lang thang lêu lổng, bỗng thi sĩ kỳ ngộ trùng phùng đức Thế Tôn bên vĩa hè phố chợ, khiến chàng rúng động cả thần hồn, vội quỳ xuống đãnh lễ thành tâm :

Thập thành đãnh lễ bước chân

Như Lai hộ niệm phù vân điệu chào

Quan Âm Bồ tát chốn nào

Cũng cho nghĩ nghị lối vào Trung Niên

Ôi Bồ tát hỡi Nhu Lai

Lời thơ đãnh lễ lai rai vài hàng

Ngàn thu rớt hột xuống trang

Lá hoa cồn dậy muôn vàn bữa qua

Trung Niên thi sĩ bàng hoàng, choáng ngợp trước ánh hào quang tuệ giác siêu việt, trực kiến vô ngần Chân Không Diệu Hữu, không biết nói gì hơn là làm thơ tán thán ca hát chan hòa :

Ca về tuế nguyệt thiên thâu

Về ca khoảnh khắc sơ đầu sát na

Chân Không Diệu Hữu là ca

Không chân hữu diệu lưu sa hằng hằng

Đứng đi ngồi ngả ba đàng

Thượng thừa cung bậc muộn màng cứ ca

Chân Không mà Diệu Hữu nên mới có chuyện nói đi nói lại, nói mãi suốt từ thiên cổ xưa nay. Nói từ ngày Đức Phật chứng đạo dưới gốc cây Bồ đề đến bây giờ cũng bấy nhiêu chuyện mà thiên kinh vạn quyển, trùng trùng vô tận vẫn nói không hết lời. Cho nên thi nhân cũng hòa theo chiếu cố, ngưỡng mộ trước phong cách trầm hùng bất động vô nhiễm của Như Lai :

Phật ngồi dưới gốc Bồ đề

Tiên nương dừng bước tóc thề chấm vai

Thưa rằng Phật thật là tài

Thấy mà như chẳng từ ngoài vào trong

“Thấy mà như chẳng từ ngoài vào trong.” Chỉ cần một câu thơ đó thôi, Bùi Giáng đã lột tả hết được tinh túy của đạo lý Đông Phương suốt từ mấy ngàn năm rồi, Khổng Tử, Long Thọ hay Cưu Ma La Thập thì cũng muốn nói quanh nói quẩn cái vô sở trụ, vô sở chấp ấy mà thôi :

Lời thô tục ? Ý u tồn ?

Ý nào u tục thô ngôn là lời ?

Giả danh chân đế cũng rồi

Giả danh tục đế đún đẩy lời cũng qua ?

Trăm năm trong cõi người ta

Lọ là Long Thọ lọ là Khổng Khâu ?

Vàng beo lục gấu trắng trâu

Đìu hiu trăng mọc nhịp cầu phù du

 

Bão giông hằng thể bi thanh

Liên Hoa Diệu Pháp lịch hành Thệ Đa

Thập thành sử hiện ra hoa

Thập Ma La Thập lời Hoa Nghiêm rằng

Rằng thì là...như thế. Như thế là như thế nào ? Chúng ta hãy nghe Bùi Giáng khề khà đối thoại thong dong :

 “- Đọc thơ văn mày viết ra, tao thấy rằng thỉnh thoảng mày nói lên đúng cái tư tưởng ẩn mật trong kinh Hoa Nghiêm, mặc dù mày viết theo cái điệu riêng biệt của mày. Thế nên tao càng ngạc nhiên thấy rằng thường thường mày cứ luẩn quẩn đọc những sách nhảm nhí lăng nhăng. Tao muốn hỏi mày tại sao mà như thế ? Mày quên mất cõi tư tưởng lớn hay sao ?

- Tao cũng chẳng rõ tại sao, nhưng mày thử giải nghĩa tao nghe thế nào là cõi tư tưởng lớn. Lớn là lớn bằng mặt trời hay mặt trăng hoặc to bự như vũ trụ ?

- Cứ tạm cho là to bự như vũ trụ.

- Thế thì tao thử hỏi lại mày : Có khi nào mày nhìn thấy vũ trụ to bự nằm ở ngay trong một giọt sương ?

- Có

- Trong một lá cỏ ?

- Có

- Trong một lổ chân lông ?

- Có

- Thế thì bây giờ mày đã nhận thấy rằng câu hỏi của mày nêu ra ở trên kia đích thực là lệch lạc ?

- Có lẽ ”

Thế đó, cảnh giới Hoa Nghiêm là vậy, thấy tất cả vũ trụ mười phương, muôn loài vạn vật, thánh phàm, thế gian và xuất thế gian đều nằm gọn trong tâm của chúng ta đây mà thôi. Tâm như hư không, vốn là rỗng lặng thanh tịnh, chẳng có hình dáng, không sinh không diệt, nhưng vô cùng diệu dụng rất sinh động, tuy bất biến mà tùy duyên. Cái tâm sinh động ấy ứng vào lòng thi sĩ Bùi Giáng nên hồn thơ xuất thần bay bổng lồng lộng giữa trời đất phong quang bát ngát mông mênh. Bên ngoài thì nhảy múa hát ca nhưng bên trong vẫn tịch nhiên niệm Phật như thường :

Huyền hoa đứng ở giữa đường

Người đi rốt cuộc phi thường vẫn đi

Nam mô Đà Phật A Di

Lan mùa nam diện lai quy phục hồi

Con đường hân hoan sáng tạo bước đi đã quá đổi dập dìu, phiêu lãng hoan say, khiến cho thánh thần cũng lắc đầu chịu thua, chỉ có những bậc Bồ tát mới độ lượng mỉm cười tương ứng cùng thi sĩ sâu xa :

Bây giờ huyền diệu sát na

Bước về gọi mộng sơn hà Trung Niên

Là thằng thi sĩ diện tiền

Làm thơ lố bịch thánh hiền chịu thua

Chỉ duy Bồ tát vui đùa

Niêm hoa vi tiếu là vừa lòng thôi

Bồ tát là người có tâm hồn rộng mở, bao dung, chấp nhận tất cả thuận nghịch tỉnh táo hay điên rồ của thế gian, luôn ban vui cứu khổ cho con người, như Tuệ Sỹ phát biểu : ‘‘Không tận hữu vi, Bồ tát chấp nhận sự tồn tại của dị biệt giữa các loại chúng sinh mà kiến thiết quốc độ thanh tịnh. Không trụ vô vi, Bồ tát nhận thức tính bình đẳng như hư không trong tất cả các loại chúng sinh, nên mọi giá trị cá biệt đều được kính trong như là giá trị phổ quát. Không tận hữu vi, nên Bồ tát xây dựng quốc độ thanh tịnh không bằng hận thù tranh chấp. Không trụ vô vi, nên Bồ tát xây dựng quốc độ thanh tịnh bằng tình yêu và sự kính trọng giữa các loại chúng sinh.’’*** Thế là, người thi sĩ tuy điên cuồng nhưng vẫn được các vị Bồ tát chiếu cố, vì thế cứ tha hồ rong chơi, tiếu ngạo giang hồ và chuếnh choáng làm thơ tình yêu, ca ngợi tình thương như muốn nhắn gởi điều chi bí mật cho người em chí cốt vô lường :

Gởi em chút đỉnh mùi hương

Tình yêu xa vắng như dường như không

Gởi em mật pháp phiêu bồng

Ngàn trăng ngậm bóng sương đồng quy lai

Sau bao nhiêu trận trận tang bồng, phiêu dật, nhà thơ đã truyền âm nhập mật pháp môn gì đó ? Chỉ có nàng thơ mới có thể nghe và hiểu ra mật pháp đó mà thôi. Chúng ta đừng có tò mò mà luận bàn đủ thứ. Thi sĩ hẹn hò nàng thơ cùng gặp nhau ở phương trời cố quận cuối nẻo nào heo hút tận chân mây :

Mây theo gió thổi về mau

Bây giờ tiễn biệt mai sau trùng phùng

Cùng em cố quận sẽ cùng

Xiết bao tâm sự điệp trùng tái sinh

Bởi vì cũng từ nàng thơ huyền mộng, từ ngày em xuất hiện trên mặt đất sa mạc hoang vu này đã khiến cho thi sĩ bừng ngộ ra một điều chi kỳ bí lặng im :

Em từ thiếu nữ bước ra

Thành thân thục nữ tên là thuyền quyên

Mang thêm mỹ nữ chênh vênh

Em làm đắm đuối dưới trên bao người

Mỹ nhân cách điệu tuyệt vời

Giai nhân từ đó cũng vời tuyệt hơn

 

Em muôn vạn xứ êm đềm

Cho em rất mực muôn nghìn mà ra

Anh từ đó ngộ thiết tha

Em là vô tận em là em ơi !

Nàng thơ thỏ thẻ hỏi chàng thi sĩ đã ngộ điều chi ly kỳ gay cấn như rứa thì chàng nhẹ lắc đầu chỉ đáp :

Anh chỉ biết mỗi một điều là như thế

Như thế nào anh nói rõ em nghe ?

Là thế đó muôn đời là như thế

Nói làm gì em nghe nữa làm chi !

Phải chăng đó là thể lệ vô ngôn, vì ngôn từ bất lực không thể diễn tả được cái trực ngộ kia ? Thôi đành lặng lẽ lắng nghe điều huyền diệu đang dần dần lan tỏa quanh gót ngọc em về dưới nắng sớm chiều mưa :

Em đi bất chợt thượng thừa

Thoảng trong phút chốc còn lưa muôn đời

Em từ viễn tượng xa xôi

Về từ thiên thượng tuyệt vời tố nga

Tình yêu có lẽ chăng là

Tình thương vô tận tặng quà vô tâm

Té ra là như rứa, tất cả muôn sự muôn việc triền miên xảy ra từ xưa đến nay cũng chỉ là vô tâm, vô niệm như không, chẳng là gì gì hết cả :

Như không là ấy ruột rà

Như không vô tận từ ta tặng người

Tặng người em gái quê, gái phố, gái núi, gái rừng, gái biển, gái thuyền quyên thục nữ mười phương một bài thơ tình thương yêu bất tuyệt vĩnh hằng :

Tặng em thể điệu toàn thân

Kết chùm nguyệt rộng đôi vần thi ca

Tặng em thỉnh thoảng mà ra

Thiên thu tặng vật đóa hoa tình đầu

 

Chiều nay bỗng thấy tình thương

Chảy tràn ngập khắp du dương cõi bờ

Chân tình anh hỏi nàng thơ

Chẳng thà như rứa chớ bơ vơ - ồ !

 

Hình thành tinh thể bài thơ

Vô cùng kiều diễm một giờ mà ra

Muôn trùng vĩnh biệt thiết tha

Một giờ như thể muôn hoa một mùa

Một mùa chi mà lạ rứa ? Thưa rằng không biết nữa. Chỉ hay rằng, đặc biệt, nhà thơ Bùi Giáng có một niềm tương ứng đậm đà, thâm sâu đến độ tâm đắc cùng lục bát Nguyễn Du qua tác phẩm Truyện Kiều. Hình ảnh thi hào Tố Như luôn luôn xuất hiện, đi về trên khắp hàng ngàn trang thơ văn dặt dìu lãng đãng :

Sáng nay chim hót thật nhiều

Tưởng nghìn tiếng nói tình yêu đất trời

Chiều nay có lẽ lá rơi

Mưa rừng đổ xuống khắp nơi ào ào

Mai kia sẽ nhớ ngày nào

Ngày nay ấy mộng rì rào máu tim

Thượng thừa tiếng hót của chim

Của gà gáy sáng từ khuya tới giờ

Làm đi làm lại bài thơ

Kể từ tao ngộ bất ngờ Nguyễn Du

 

Tôi từ muôn kiếp phôi pha

Gặp em ngàn thuở mà ra một thời

Một lần vô hạn em ơi

Gặp từ vô tận đất trời Nguyễn Du

 

Chào em thiên nữ vong hồn

Thiên thu đã tới mang dồn dập hoa

Tán hoa thiên nữ ấy là

Thúy Kiều vô tận tên là Nguyễn Du

 

Thúy Kiều một thuở mà ra

Muôn thu vạn thuở nõn nà hiện thân

Kiều ôi có lẽ một lần

Hồng Sơn thiên lý tử phần tái sinh

 

Một vùng cỏ mọc nước ngâm

Nghìn năm nhớ mãi cung cầm Nguyễn Du

Các con không gặp Nguyễn Du

Chính ông cũng chẳng gặp Du bao giờ

Nhưng bài thơ ấy còn trơ

Bên nguồn vĩnh phúc bất ngờ tỏa ra

Những là ánh sáng chói lòa

Việt Nam văn hiến băng qua dặm nghìn

Đã hơn bốn nghìn năm văn hiến trôi qua, thi sĩ đi về cố xứ và âm thầm nhập diệu vào cõi miền vĩnh cửu uyên tư :

Về bên cố quận tuyệt trù

Vượt biên giới nhập thiên thu vô lường

Thiên thu vĩnh cửu nằm ngay trong giây phút bây giờ và ở đây. Không còn biên giới phân biệt nhị nguyên đúng sai, phải trái, hết rồi những có không, mộng thực giữa chốn tồn sinh. Người thi sĩ hồn nhiên như trẻ thơ, thở nhẹ nhàng từng điệu thở hài nhi nhẹ vời với tiếng cười nhẹ nhõm reo vui :

Chưa biết nói đã biết cười

Cười như thượng thặng vẹn mười Như Lai

Hồn như Di Lặc dẻo dai

Cười không biết chán chường ai ai người

Quả nhiên nó đúng là người

Mà sao nó khác hẳn người chúng ta

Quả nhiên nó rất là già

Mà sao nó bảo nó là trẻ thơ

Trẻ thơ nào có bao giờ

Biết làm thơ để phượng thờ tình yêu ?

Bùi Giáng là thế, vẫn tà tà cách điệu tiếu lâm, riễu cợt hài hước cho “vui thôi mà” chớ có chi đâu mà trầm trọng, nặng nề phê phán đúng sai, trúng trật, dở hay phải không ? Thì ra là vậy, trên con đường miên man sáng tạo, trên ngõ về vô sở trú phong quang, thi sĩ thung dung trỗi nhịp cung đàn hoan ca, hòa âm cùng cung bậc Bất nhị như thị như nhiên. Với tinh thần vô sở cầu, vô sở chấp, vô sở đắc, lặng lẽ buông bỏ, cho và cho hết những gì mà thiên hạ đang đấu tranh, giành giật chiếm hữu lẫn nhau, thi nhân tự nguyện sống nghèo nàn hàn sĩ, làm kẻ ăn mày, một tên cuồng sĩ lang thang suốt đời hát bản độc hành ca qua Ngày Tháng Ngao Du làm Rớt Hột Phiêu Bồng giữa mênh mông thông lộ vô cùng bất tận, ngờm ngợp gió ngàn trăng.

Văn hào Mỹ vĩ đại Henry Miller nói : “Từ chút ít sách vở tôi đã đọc, tôi nghiệm ra rằng, những người lặn lội sâu nhất trong cuộc đời, những người nhồi nặn cuộc đời, những người chính là cuộc đời đều ăn ít, ngủ ít, sở hữu ít hay không có gì cả. Họ không có bất kỳ một ảo tưởng nào về bổn phận, hoặc nối dõi tông đường hay duy trì quốc gia. Họ chỉ quan tâm tới chân lý và chân lý mà thôi. Họ chỉ chấp nhận một hình thức hoạt động là sáng tạo. Không một người nào có thể chỉ huy công việc họ, bởi vì họ tự nguyện cho tất cả. Họ cho không, bởi vì đó là cách duy nhất để cho.”****

Nhận định trên của Henry Miller rất đúng với trường hợp Bùi Giáng biết bao. Một thi nhân đã tận hiến cho cuộc sống bằng tất cả tinh thành chân thiết nhất, bằng con đường nghệ thuật thi ca.

Nhà thơ Bùi Giáng đã sống trọn vẹn một cuộc đời hạnh phúc viên mãn theo ý nghĩa đạo Phật. Suốt bình sinh cuộc sống, thi sĩ là hình ảnh quá cùng đẹp trong cái nhìn của thiên hạ mọi người, nhất là giới tăng sĩ Phật giáo và giới văn nghệ sĩ, ai ai cũng nhìn ông với niềm ưu ái, quý mến đầy ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ sự tự do tự tại, thung dung thoát tục, không dính bụi trần mà “hòa cùng ánh sáng, trộn cùng cát bụi ” của thi nhân. Bồng tênh tiêu sái, rong chơi suốt một đời thơ giữa phố thị phù hoa như một hài nhi tóc bạc thơ ngây, nhảy múa hồn nhiên hát ca vi vu vi vút.

Cuộc đời Bùi Giáng vô cùng thi vị, một cuộc đời hoàn toàn sống vì nghệ thuật, dâng hiến tất cả cho nghệ thuật thuần túy, chỉ biết sống hết mình cho thi ca và đệ nhất hy hữu nàng thơ tuyệt cùng chơn mỹ :

Em đi hồn nhớ nhung gì

Anh ngồi nhớ cái nhu mì lẻ loi

Trời cho rất mực rạch ròi

Vào trong thục nữ ra ngoài thuyền quyên

Của em toàn thể uy quyền

Của em toàn diện thần tiên dịu dàng

Tư tưởng trong thơ Bùi Giáng mang một ý nghĩa bùng vỡ khai phóng, đầy ắp hào quang sáng tạo. Tư tưởng nhập cuộc chịu chơi vào cõi tồn lưu mà vẫn thanh thản thong dong, không dính mắc, không ràng buộc, không chấp chặt của thi nhân thật chẳng khác gì thái độ vô tâm, vô niệm, vô sự của những bậc thiền sư. Nhà thơ thõng tay vào chợ, tung hoành ngang dọc, nhảy múa quay cuồng đủ thể điệu quàng xiên mà vẫn sáng suốt thông tuệ như như.

Tư tưởng phá chấp triệt để của Thiền tông được thi nhân thể hiện suốt bình sinh cuộc sống bằng chính bản thân mình, như ngụ ngầm khai thị một điều gì vi diệu mà mỗi một người trong chúng ta phải tự lãnh hội, tự thấu hiểu ra mà thôi.

Sở dĩ con người đau khổ là vì cố chấp, chấp ngã, chấp pháp, chấp đủ thử lu bù nên cứ mãi khổ đau trầm thống triền miên. Muốn thoát khỏi vòng trầm luân khổ não đó, chỉ còn một cách là hãy trở về lại chính mình, nhận biết cái bản tâm nguyên sơ, sống với thực tại đang là ngay trong từng hơi thở luôn luôn mới lạ và mới lạ.

Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách nhận xét về thi sĩ : “Bùi Giáng cũng như một người điên, cỡ Tế Điên. Cũng như Tế Điên, hình như ông đến cõi đời này để dạo chơi, để đùa rỡn và cũng để giáo hóa cho con người thấy tất cả đều chỉ là trò ảo giác của sắc thân, của chữ nghĩa, của tư tưởng, chúng đều là chuyện đáng để đùa rỡn.”*****

Thật vậy, cuộc rỡn đùa chơi hay đại hòa điệu chơi giữa cõi người ta, vì tất cả mọi sự trên thế gian này đều chỉ là trò chơi, trò đùa huyễn mộng. Sống là chơi, chết là chơi, điên rồ là chơi, tỉnh táo là chơi, uống rượu khề khà là chơi, mê gái là chơi, làm thơ làm thẩn là chơi, làm văn nghệ là chơi, làm cuồng sĩ túy lúy ca là chơi, làm thiền sư tự do tự tại là chơi, làm bất cứ việc gì cũng là trò chơi, trò đùa du hý tam muội mà thôi :

Mỗi người có một cách chơi

Em vui với gió tôi ngồi nhìn trăng

Em đi năm tháng thường hằng

Tôi nằm nhớ mãi hàm răng em cười

 

Mở tờ giấy mới ra chơi

Hình như giấy cũng vui cười với em

Bài thơ do đó lem nhem

Lúc vui lúc khổ như em đó mà

Còn tôi vui khổ thật là

Đảo điên rất mực tiên nga giật mình

Trăm năm khó đổi tính tình

Cũng không có thể làm thinh muôn đời

Thôi thì cứ nói cho vui

Nghìn năm chỉ có một đời muôn năm

Làm sao quên được giọng cười ‘‘vui thôi mà’’ của thi nhân ? Giọng cười ấy vẫn còn đồng vọng khắp nơi trên mặt đất. Bất cứ ở đâu, nếu ai còn cảm được thi ca và phiêu lãng đều nói về Bùi Giáng với niềm rỡn tếu, bông đùa một cách vui vẻ, thân mật, gần gũi như là anh em chí cốt ruột rà vậy.

Ngày tháng vẫn luân lưu trôi chảy mãi, nói về Bùi Giáng thì bất tuyệt và giọng cười vô sự cũng mở ra bất tuyệt như Ma Ha Ca Diếp niêm hoa vi tiếu trên đỉnh Linh Sơn rờn mây trắng từ nghìn xưa cho mãi đến bây giờ :

Niêm hoa vi tiếu luống từng

Xuân phong bài động thơ mừng vụt dâng

Người thi sĩ thượng thừa đã về đã tới nơi chốn quê nhà, đã qui hồi cố quận, nằm ngắm trăng đón gió cùng mây về hòa điệu khúc cung cầm vô thủy vô chung :

Tâm tình mấy nẻo mông lung

Ta nằm cố quận muôn trùng người đi

Kỳ tuyệt cõi thi ca Bùi Giáng, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng sự sự vô ngại, lý sự viên dung của pháp giới Hoa Nghiêm. Tư tưởng đó được thi sĩ tiêu dung, tiêu hóa và sáng tạo thành một nguồn thơ độc đáo vô song. Hồn thơ như ngọn lửa thiêng ngời tỏa ánh hào quang, cháy bừng lên rực rỡ huy hoàng làm ấm áp khắp mặt đất trần gian, chan chứa nồng nàn trong cõi người ta tha thiết thiên thu.

Giữa thiên thu vạn đại, ngưới viết xin kính tặng thi sĩ một bài thơ :

Không chỗ trú chẳng bến bờ

Vẫn bầu rượu với túi thơ dặm dài

Ngút mùa cuồng sĩ lai rai

Nghêu ngao vô sự hát bài Hoa Nghiêm

Có gì đâu phải đi tìm

Ba nghìn thế giới trong tim của mình

Tà tà giữa cuộc phiêu linh

Một hôm bất chợt thấy hình bóng xưa

Nên về cà rỡn bông đùa

Múa ca diệu dụng cùng mưa nắng cười

Miền hoan hỷ địa rong chơi

Khơi nguồn sáng tạo mở trời đất ra

Tâm Nhiên

---------------

* Tạp chí Tư Tưởng số 5. Đại học Vạn Hạnh. Sài Gòn 1969

** Phạm Công Thiện. Một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử, Hoa Kỳ 2009

*** Tuệ Sỹ. Huyền thoại Duy Ma Cật. Nhà xuất bản Phương Đông, 2007

**** Nguyễn Hữu Hiệu. Con đường sáng tạo. Nhà xuất bản Hồng Hà, 1973

***** Nguyễn Tường Bách. Mùi hương trầm. Nhà xuất bản Trẻ, 2001

 Thơ văn Bùi Giáng trích trong các tác phẩm : Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Sa mạc phát tiết, Sa mạc trường ca, Rong rêu, Như sương, Đêm ngắm trăng, Mùa màng tháng tư, Ký ức, Trúc mai, Mười hai con mắt, Rớt hột phiêu bồng, Bèo mây bờ bến. Thơ vô tận vui, Tuyết băng vô tận xứ, Thúy Vân, Mùa xuân trong thi ca, Tư tưởng hiện đại, Lời cố quận, Lễ hội tháng ba, Ngày tháng ngao du.

 

 

Không có nhận xét nào: