13/5/22

2.392. PHẠM DUY và CHÚNG TA

 Mộc Nhân

   Thân tặng Nhạc quán Acoustic Khóa Sol (địa chỉ 179/39, Lê Đình Thám, p. Tân Quý, q. Tân Phú, Tp HCM), với hai đêm nhạc Phạm Duy - nhân dịp kỷ niệm 80 năm ông sáng tác ca khúc đầu tay “Cô Hái Mơ” (1942 - 2022).


***   
    Phạm Duy là một trong số ít những nhạc sĩ mà cái tên ăn sâu trong trí nhớ người nghe nhạc – nhất là với thế hệ sinh ra và lớn lên trước 1975. Người ta gọi ông bằng nhiều danh xưng như: phù thủy âm nhạc, người viết quốc ca cho thế hệ... hoặc đánh giá về ông “Một trăm năm sau cũng không có một Phạm Duy thứ hai ở xứ sở này”… 

Tất cả đều nhằm tôn vinh và ghi nhận tài năng của ông.

Sự có mặt của Phạm Duy trong đời sống âm nhạc hơn nửa thế kỷ có thể nói là rất bền bỉ, liên tục, đi đầu và có sức ảnh hưởng lớn đến nhiều lớp nhạc sĩ sau này dù ông đã nếm đủ mùi vị trong bối cảnh chính trị xã hội trong suốt cuộc đời sáng tác.

Sự nghiệp của ông từ thời lúc bắt đầu đến những năm tham gia kháng chiến; từ nhạc về đất nước đến âm nhạc niềm riêng; từ tiếng hát yêu thương đến lời ca phẫn nộ; từ tiếng hát bi kịch đời người đến hạnh phúc lạc quan; từ vinh quang đến khổ nhục… trải dài qua nhiều thế hệ với hàng trăm bài hát mà mỗi người hoặc nhóm người đều có thể chọn ra các bài hát yêu thích từ sự nghiệp của ông.

Bài hát đầu tiên của ông được phổ nhạc từ bài thơ Cô hái mơ của Nguyễn Bính (1942) - cách nay đúng 80 năm. Ca khúc này ra đời trong buổi bình minh của "tân nhạc" dù không phải là người sáng tác ca khúc tân nhạc đầu tiên nhưng ông vẫn nghiễm nhiên là một trong số những nhạc sĩ tiền phong. Kể từ đó, trong gần như trọn đời sáng tác, Phạm Duy đã đem đến cho công chúng Việt Nam muôn lời ca. Có thể nói không người Việt nào là không "nợ" Phạm Duy một món nợ tình cảm là được lưu dấu xúc cảm của riêng mình trong ít nhất là một khúc hát của ông.

***

Ông tự chia tác phẩm mình ra thành nhiều loại: thanh niên ca, dân ca, kháng chiến ca, quân ca, trường ca, tâm ca, tục ca, vỉa hè ca, bình ca, nữ ca, bé ca, đạo ca, tị nạn ca, ngục ca, hoàng cầm ca, rong ca, thiền ca, và dĩ nhiên là không thể thiếu tình ca được.

Tất nhiên sự phân chia đó chỉ là tương đối vì những khía cạnh nội tâm của chúng khá gần gũi, đan xen nhau trong các trạng thái sáng tác. 

Hiểu ông qua tình ca không hẳn là sẽ hiểu ông qua tâm ca, hoặc thiền ca. Hiểu dân ca kháng chiến của ông không đủ để hiểu trường ca... Hoặc ngược lại: trong loại này có loại kia; nhưng cũng chưa hẳn.

Phạm Duy có một ý thức nhất quán về chất liệu sáng tác. Từ những chất liệu dân gian như âm nhạc ngũ cung, dân ca ông nâng lên thành những thẩm mỹ mới cho thời đại của mình trong sự kết hợp với nội đung: tình yêu nam nữ, tình gia đình, tình quê hương, tình người… với những ảnh tượng cụ thể như bà mẹ, người vợ, anh lính, đứa trẻ, người nông dân, cô gái… mang phận người rõ ràng chứ không chung chung.

***

Hành trình âm nhạc của Phạm Duy là một hành trình dài, đa dạng, phong phú và đầy sáng tạo.

Tình ca Phạm Duy như: Mùa thu chết, Tình ca mùa thu, Bao giờ biết tương tư, Trả lại em yêu... là thổn thức của tình yêu trong nhớ nhung đợi chờ khiến người nghe nhói lòng trong giai điệu mượt mà, trữ tình, nao nao lòng người cùng những tâm sự riêng tư mang theo những khuôn mặt tình yêu trong thời bất trắc và dễ chạm đến cõi lòng nhân thế.

Tâm ca của Phạm Duy đầy dằn vặt, dù tràn đầy bao dung nhưng vẫn vạch một lằn ranh dứt khoát trong tâm thức nghệ sĩ: “Sáng nay vừa thức dậy/ Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường/ Nhưng trong vườn tôi/ Vô tình khóm tường vi/ Vẫn nở thêm một đoá…” (Tâm ca 1 – Tôi Ước Mơ); “Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già/ Lời tôi ca, lời tôi ca xin lúa đừng lo/ Lời tôi thay cho tiếng đạn bay/ Lời tôi xây cho vững tay cầy/ Rồi đêm đêm xua ác mộng đầy/ Lời ca êm ru giấc ngủ say…” (Tâm ca 2 – Tôi Hát To)…

Dân ca kháng chiến Phạm Duy như: Bà mẹ Gio Linh, Thu chiến trường… là những bài hát về hiện thực hùng tráng của đất nước trong thời kháng chiến.

Bình ca là những bài hát phản ánh những âu lo, buồn khổ cùng niềm vui của những con người đi qua cuộc chiến với mơ ước hòa bình trên quê hương. Như ông nói đó chỉ là hòa bình trong lòng người chứ chiến tranh trên quê hương thì chưa biết lúc nào mới yên: “Này em con chim lười/ Nhiều năm chim đau phổi/ Buổi sáng vắng tiếng chim cười vui/ Này em con chim gầy/ Chiều nay chim đứng dậy/ Và nó hát líu lo thật dài/ Cũng vì Hoà Bình đã về đây (Bình ca 1).

Đạo ca dường như lạc lõng trong diễn trình sáng tác của Phạm Duy, nhưng phần nào phản ảnh bối cảnh văn hoá miền Nam lúc bấy giờ. Khi chiến tranh khốc liệt và xã hội nhiễu nhương cũng là lúc con người đi tìm những điểm tựa tâm linh. Những bài đạo ca của Phạm Duy hầu hết đều phổ thơ Phạm Thiên Thư, ca từ đẹp, giai điệu mê đắm trong các ca khúc quen thuộc như: Pháp thân, Đại nguyện, Chàng dũng sĩ và con ngựa vàng, Quán Thế Âm… “Có bà mẹ đi tìm con trên đỉnh đồi lan trắng/ Có bà mẹ đi tìm con trong động hang lan vàng/ Có bà mẹ đi tìm con bên bờ sông lam tím/ Có bà mẹ đi tìm con trong thung lũng cỏ hoang/ Trên đỉnh mùa Xuân, mẹ ta thương cả rừng hoa lá/ Trong mùa Hạ, bên bờ lau, Mẹ yêu tiếng ve rầu rầu/ Thu về nằm trong bụi cây, nhớ mây trời xanh ngát/  Nuôi một đàn chim mồ côi, khi đông tuyết lạnh rơi…(Quán Thế Âm)…

Tị nạn ca là những khắc khoải của một người nghệ sĩ lưu vong lạc lõng giữa nơi xa lạ, và hoang mang trước viễn cảnh tương lai: “Dấu chân trên tuyết của một người lữ thứ/ Như mồ chôn một quá khứ nặng nề/ Dấu chân sâu đậm giữ nguyên niềm hờn tủi/ Của một người xa nơi miền ấm, nắng vui...” (Dấu chân trên tuyết).

Thiền Ca là những bài hát về một chủ đề rất siêu hình: hạnh phúc trong cõi thường lạc. Nếu hạnh phúc trong tình yêu có khi sẽ trở thành những vết thương rướm máu, thì niềm hạnh phúc trong thế giới của "ngã tịnh thường lạc" là một cõi an bình trong suốt, ở đó không có vẩn bụi đau khổ, không có những vết xước của thù oán, không có những xao động của lo âu… Mười bài thiền ca là những tiếng hát về cõi an lành đó. Nét nhạc thanh thoát lạ thường, lời hát cũng lãng đãng như vô nhiễm. Tuy nhiên trong thiền ca Phạm Duy thì nhiều bài có chất thiền thực sự như thiền ca 10: “Tròn như viên đạn đồng đen/ Ðã khô vết máu quên miền chiến tranh/ Tròn như trái đất yên lành/ Muôn loài như một cõi sinh vẹn toàn/ Tròn anh tim trẻ miên man/ Trái tim trăm tuổi mới hoàn cơ duyên/ Tròn em tung toé cánh tiên/ Chim không mỏi cánh triền miên phận mình/ Tròn như lời hứa chung tình/ Chưa tròn nhân quả tái sinh còn nhiều."; nhưng cũng có nhiều bài bạn âm nhạc chưa chấp nhận về ca từ như Thiền ca 6: "Ta lôi em về, ta kéo em đi; nâng em lên trời, đem xuống âm ty; chôn em trong lòng, xong lấy em ra" "Ăn cho vừa, chơi cho thật, sống cho thẳng, chết cho ngay, yêu cho lâu, ghét cho mau, khóc cho đầy, cười cho rõ" (Thiền ca 8)…

Ông cũng có hàng chục bài Tục ca, Rong ca… như một kẻ đứng bên lề xã hội, mộng mơ giữa đời thực.

Những liệt kê trên chỉ là tiêu biểu, thật khó để trích nhiều hay khái quát hơn những gì bạn mong đợi... bởi đây chỉ là một "review" nhỏ trong sự nghiệp đồ sộ của ông.

***

Pham Duy cũng là nhạc sĩ nhận được nhiều thái độ tình cảm phức tạp nhất của người Việt. Đa số ngưỡng mộ ông - từ lớp bình dân cho tới giới trí thức, từ bên thắng cuộc đến bên thua cuộc, từ trong nước tới hải ngoại, từ thế hệ trẻ đến thế hệ già...

Thực sự ông đáng nhận được lời khen bởi ông là một “đại thụ” của nền tân nhạc Việt, một nhạc sĩ thiên tài, cống hiến trọn đời cho nghệ thuật.

Tuy nhiên nhiều người khen trước rồi lại chê sau và ngược lại trước chê sau lại khen. Đó là những cảm xúc thường tình nhưng đôi khi có phần thái quá do quan điểm chính trị xã hội thay đổi theo giai đoạn. Người ta quy kết ông là chống cộng nhưng rồi lại lấy ông ra để thể hiện thái độ hòa giải dân tộc…

Thực ra ông sáng tác theo tiếng nói của con tim và tinh thần tự do dân chủ chứ không chống ai cả và mỗi giai đoạn ông đều có tiếng nói tâm hồn cùng suy nghĩ, thái độ của mình mà mỗi bên đều có lí do để "ghét".

Dù sao thính giả nghe Phạm Duy hay ca sĩ hát Phạm Duy chỉ là những người yêu nhạc ông bất kể chính kiến. Họ nghe và hát bằng trái tim, truyền cho nhau tình cảm nhân ái, không mục đích tuyên truyền hay cổ xúy này nọ… và bản thân ông dù bị chối bỏ trên quê hương nhưng không hề bợ đỡ ai để trở về sống an ổn lúc cuối đời hay sợ hãi mà cúi đầu; chống phá lại càng không; chối bỏ những gì mình đã viết cũng không…

***

Chúng ta cảm ơn ông bởi ca khúc ông đã ve vuốt tâm hồn chúng ta trong đời sống, tình yêu và phận người mà cao hơn là tình nhân loại.

Và tôi cũng cảm ơn ban nhạc gia đình Khóa Sol đã tổ chức thành công hai đêm nhạc Phạm Duy để bạn bè gặp nhau, hát cho nhau nghe những ca khúc mình yêu thích.



Đâu đó trong sâu thẳm, chúng tôi hiểu rằng chúng ta đến với nhau vì cái đẹp, ngồi với nhau – nghe tiếng hát của nhau vì cái đẹp, vì gặp nhau ở điểm chung: âm nhạc và âm nhạc từ Phạm Duy. Nói như nhà thơ người Áo Rainer Maria Rilke: “Nơi đây có nhiều cái đẹp, bởi cái đẹp có nhiều ở khắp mọi nơi” (There is much beauty here, because there is much beauty everywhere).

Ừ! 

Vậy thì “Lòng tôi sao vẫn còn biên giới”... Vậy thì sao "Không tỏ một đôi lời"... (Trích: Bên cầu biên giới - Phạm Duy).

Mộc Nhân - giữa tháng Năm, 2022.

--------

* Lời cảm ơn: Sau khi tôi lên bài, có một số nhầm lẫn về tên các ca khúc... bạn đọc đã có góp ý trực tiếp và gián tiếp, tôi đã chỉnh sửa kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã đọc và có lời. 

Không có nhận xét nào: