19/1/24

3.035. KHI TÂM HỒN CHẠM PHÍM YÊU THƯƠNG

         Lê Đức Thịnh

LTS: Bài giới thiệu tác giả, tác phẩm này đã xuất bản trong tập thơ "Chạm phím yêu thương" của nhà thơ Lê Thị Điểm (Nxb Đà Nẵng, 2023) và cũng đã đăng trên trang Văn nghệ Báo Quảng Nam, số ra ngày Thứ Sáu, 19/ 01/ 2024.

***

Thơ thức dậy mỗi ngày, song hành với đời sống nhưng nó có một hơi thở riêng biệt trong sinh quyển rộng lớn của ngôn ngữ nghệ thuật. Nơi đó, mỗi cá nhân đều tự mang vác lấy hoài niệm, câu chuyện của mình để nó đi xa, bay bổng, sâu thẳm hơn mà thành những suy tưởng, ám ảnh.

Với tập thơ thứ hai, Chạm phím yêu thương, Lê Thị Điểm kể cho chúng ta nghe những câu chuyện của đời người, lay thức nhiều hoài niệm được kết đọng, trải nghiệm từ ký ức, đời sống – nơi tự sự tái hiện bằng ngôn ngữ thi ca trữ tình. Chúng lại tạo ra những ký ức mới, đời sống nguyên tươi gắn với tình yêu, quê hương, cha mẹ - giúp con người lưu giữ, phục hồi, yêu quý những gì mình đã và đang có để tìm sự cân bằng trong tâm hồn. Mọi thứ được chị gởi gắm trong những con chữ giản dị, đầy cảm xúc, êm đềm, thi vị dẫu đôi khi không nguyên vẹn và luôn găm lại cảm giác đau đớn từ sấp ngửa số phận hoặc những khắc khoải khó diễn tả thành lời: Khi những tiếng động vang đêm vẫn còn mờ mịt/ bước chân em vượt qua bức tường vô hình/ từng chút từng chút…/ phá vỡ thế giới tôi xơ cứng/ đem âm điệu tuyệt vời phả vào thơ/ phủ kín tâm hồn hoang vắng/ chạm phím yêu thương”

Trên trang Văn nghệ Báo Quảng Nam
số ra ngày Thứ Sáu, 19/ 01/ 2024

Có lẽ chính những điều đó đã tạo ra mạch cảm xúc chạy suốt mạch thơ Lê Thị Điểm qua cả hai tập thơ “Điệu biếc” (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2017) và “Chạm phím yêu thương” (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2023).

***

Trong chuỗi phím yêu thương của Lê Thị Điểm, chúng ta thấy trên tất cả là Mẹ, người đã gõ lên âm vang trong tâm hồn nhà thơ. Chị tâm sự đã từng trải qua thuở thiếu thời gần như không có tuổi thơ, với khá nhiều nỗi bất hạnh - cha mất sớm, mẹ quá khổ cực để nuôi con. Chị lớn lên trên con đường được lát bằng tình yêu của mẹ. Hình tượng mẹ trở thành nỗi ám ảnh triền miên lặm sâu trong mạch thơ: “Người về tìm vết thời gian/ xới lên bóng dáng tảo tần mẹ quê/ ngập ngừng tìm giữa bộn bề/ sợi mỳ in bóng cha về đâu đây” (Gánh Hội An).

Mẹ trú ngụ trong thế giới nội tâm của chị qua bao trầm phù dâu bể, vây  quanh đời người. Viết về mẹ, giọng thơ Lê Thị Điểm trầm buồn mà ngọt ngào, sâu lắng, thấm thía nỗi đời và cũng đầy chiêm nghiệm: “Chiều ruộng cạn/ sáng đồng sâu/ bão giông nắng rát cơ cầu ngày qua/ gạn mưa gió lọc phù sa/ chắt chiu từng giọt tinh hoa từ bùn” (Ủ đóa tinh khôi).

Ký ức về cha mẹ trong thơ chị có hình ảnh quê xứ, dẫu khốn khó nhưng là nơi nuôi dưỡng ước mơ con người: “Thu Bồn cuốn hết muộn phiền/ biền dâu bãi bắp cõi riêng một thời/ mẹ cha lam lũ cả đời/ cho con có cả vùng trời ước mơ (Xứ rượu Hồng Đào). Có lẽ nhờ vậy mà tác giả dễ cảm thông với mọi cảnh ngộ - bằng đức hy sinh, tình yêu thương con - để rồi sau này, khi chị trở thành mẹ, sự phản chiếu đó thăng hoa trong hạnh phúc: “Con/ hạt giống ngoi khỏi mặt đất nẩy mầm vui/ giữa vô vàn cỏ, cây, lau, lách/ bông hoa rừng thuần khiết/ tươi thắm đến với thế giới cuộc đời mẹ/ hòa nhịp hối hả dâng cao bất tận/ khổ đau/ hạnh phúc” (Giấc mơ mùa thu).

***

Đọc thơ Lê Thị Điểm, bạn đọc như đi cùng tác giả một đoạn đời cảm thông, thấu hiểu những nỗi niềm chị gửi gắm trong những câu chuyện vui buồn mà người thơ nếm trải, chắt lọc để chưng cất thành câu chữ. Nhiều điều có thể viết ra, cũng có những điều không thể; nhưng bên trong bài thơ của chị có thể thấy được “niềm vui như vị khách phiêu diêu trong chính lòng mình” (Tiêu điểm) cùng với thương tổn hay vết tích từ nhát cắt ký ức hằn trên dấu răng chữ: “Mỗi ngày qua/ mỗi mùa qua/ mỗi nụ hoa ngọt ngào như cổ tích/ ấm áp như hơi thở mùa xuân/ trị lành vết thương/ cho những tâm hồn không nơi nương tựa” (Sứ giả).

Mỗi tác giả đều có câu chuyện của mình để kể, để sẻ chia cùng bạn đọc. Với Lê Thị Điểm, điều xác tín là các sáng tác của chị luôn ấp ủ khát vọng chân, thiện, mỹ qua dòng tự sự về mình, về người thân yêu, những nghiền ngẫm sự đời hay trải hồn mình với thế giới tự nhiên mà người thơ muốn “quàng tay ôm hết nồng nàn vào tim” (Ầu ơ quê tôi); dẫu đôi khi cô đơn, thổn thức nhưng đó lại là sự biểu lộ tâm hồn mình: “Em cô độc đi trong biển người/ từng hơn một lần/ ước có cơn mưa kéo trôi buồn đau phiền não/ từng hơn một lần/ muốn chuốc say bản thân/ những tổn thương lặn vào bóng đêm mất hút/ từng hơn một lần/ mơ bầu trời tự do bình yên” (Chưng cất niềm vui).

***

Thơ Lê Thị Điểm ít cầu kỳ về chữ nghĩa, không quá nặng về các dạng thức trình diễn nhưng mỗi câu chữ là sự đắn đo của ý thức người viết đương đại trong nỗ lực không ngừng hướng về việc tìm tòi những cách thể hiện - vừa đồng hành với bạn đọc vừa đổi mới nhưng không làm mất đi thực tướng phong cách tác giả.

Với đặc quyền của người làm thơ là không biện lý mà vẫn diễn ngôn và với quyền hạn của người đọc là không cần phải giải thích cho những điều bất khả tư nghị, tôi có thể lọc ra nhiều câu thơ hay của Lê Thị Điểm, có khả năng tồn tại trong những không gian thi ca độc lập: “Thân gầy hao khuyết đồng chiêm/ bước chân trầy trật xô nghiêng góc đời (Dấu hỏi) hoặc “Lặng nghe hè trổ chật lòng/ ai treo bảy sắc cầu vồng phù vân/ nắng trưa nhốt tiếng ve ngân/ chôn chân ta ngắm trong ngần thanh xuân” (Nẻo xưa)… Bạn cũng có thể dùng quyền của mình để đọc  những bài thơ của chị và đồng cảm với tác giả - như cách nói của nhà thơ Pháp, Paul Éluard “Không ai có thể biết tôi/ Tốt hơn người biết thơ tôi” (On ne peut me connaitre/ Mieux que tu me connais).

Suy cho cùng thì dù viết về điều gì, viết thế nào thì cuối cùng, nghệ thuật cũng để nói với con người, hướng về vẻ đẹp nhân sinh. Và tôi nghĩ, mỗi bài thơ của Lê Thị Điểm là một vệt cọ phủ màu lên vết cắn ký ức để chạm phím yêu thương.

Lê Đức Thịnh




Không có nhận xét nào: