22/1/24

3.039. THE LOTTERY - Shirley Jackson

    LTS: Shirley Jackson (1916-1965) là nhà văn nữ người Mỹ, bà nổi tiếng qua những tác phẩm thuộc loại huyền bí - kinh dị (horror - mystery). Sự nghiệp văn chương của bà kéo dài hơn hai thập niên gồm sáu tiểu thuyết, hai hồi ký và hơn 200 truyện ngắn (1). The Lottery (Xổ số) là một trong những truyện ngắn xuất sắc của bà, đăng lần đầu trên tờ The New Yorker năm 1948. Truyện được viết để phản ảnh thời kỳ “Tuân thủ Xã hội” (Social Conformity) sau Thế chiến thứ hai ở Hoa Kỳ (2).

Bất chấp những lời chỉ trích ban đầu từ độc giả, “The Lottery” đã củng cố vị trí của Jackson như một nhà văn viết nhiều về thể loại kinh dị.

***

XỔ SỐ

Mộc Nhân dịch

from “The Lottery”, by Shirley Jackson (4)

 

Buổi sáng ngày 27 tháng Sáu. Trời trong. Nắng hè ấm áp bao phủ những bông hoa nở rộ trên thảm cỏ xanh.

Mười giờ, dân làng bắt đầu tụ tập ở quảng trường giữa bưu điện và ngân hàng. Ở một vài thị trấn đông người, cuộc xổ số diễn ra hai ngày và phải bắt đầu từ ngày 26 tháng Sáu. Nhưng ở thị trấn chỉ chừng ba trăm người này, cuộc xổ số chỉ kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ, bởi vậy nếu bắt đầu xổ số lúc mười giờ sáng thì chỉ đến khoảng giữa trưa là dân làng có thể trở về nhà để kịp ăn trưa.

Tất nhiên, trẻ con lúc nào cũng tụ tập trước tiên. Chúng đã nghỉ hè; và suy nghĩ được tự do suốt mấy tháng đang gây phấn khích trong chúng. Chúng thường túm năm tụm ba trước khi bắt đầu những trò chơi táo bạo, và những câu chuyện của chúng vẫn còn liên quan đến lớp học, thầy cô, sách vở và các hình phạt nhớ đời.

Bobby Martin nhét đầy đá vào hai túi quần, rồi những đứa trẻ khác bắt đầu làm theo nó. Chúng chọn những viên đá tròn và trơn láng nhất. Bobby, Harry Jones và Dickie Delacroix - dân làng gọi nó là “Dellacroy” - cuối cùng đã chất được một đống đá to ở góc quảng trường và đứng gác để những thằng bé khác không đến lấy mất. Bọn con gái đứng bên cạnh trò chuyện, làm điệu làm bộ và lâu lâu liếc mắt nhìn đám con trai.

Chặp sau, bọn đàn ông đến khá đông, vừa dõi mắt trông chừng đám con nhỏ vừa trò chuyện về mùa màng, mưa nắng, xe cộ và thuế má. Họ đứng tụm lại với nhau, cách xa đống đá ở trong góc. Họ đùa giỡn rất khẽ và chỉ cười mỉm thay vì cười to. Đàn bà đến sau, ăn mặc giản dị, cũ kỹ. Họ chào hỏi nhau và trao đổi những câu chuyện vặt rồi đến đứng gần chồng của mình.

Vài bà đứng cạnh chồng và bắt đầu cất tiếng gọi các con đến bên cạnh. Bọn trẻ chần chừ, mãi sau chịu đến. Bobby Martin khom lưng tránh bàn tay mẹ sắp níu lấy, chạy thoát, cười to. Bố quát tháo khiến Bobby sợ hãi vội chạy đến đứng gần anh trai.

Cuộc xổ số bắt đầu khi các vũ công trong câu lạc bộ thiếu niên nhảy điệu vũ dân gian hình vuông. Ông Summer có khuôn mặt ông tròn trịa, tươi vui - đã bỏ thời gian và công sức tổ chức hoạt động này. Ông có xưởng sản xuất và buôn bán than. Tuy vậy, người ta thấy tội nghiệp cho ông vì vợ chồng ông không có con, vợ ông luôn bẳn tính. Khi ông bước chân vào quảng trường, trên tay có mang một chiếc hộp gỗ màu đen, tiếng xì xào bắt đầu nổi lên. Ông đưa tay vẫy chào và cất tiếng: “Xin lỗi vì tôi đã đến hơi trễ!”

Ông Graves, viên quản lý bưu điện theo sau, tay cầm một chiếc ghế đẩu có ba chân và đặt nó ngay giữa quảng trường. Ông Summers đặt chiếc hộp đen lên ghế.

Dân làng đứng xa ra, chừa một khoảng trống giữa họ và chiếc ghế. Ông Summers hỏi: “Có ai giúp tôi một tay được không?”

Ông Martin và Baxter, con trai lớn của ông, lưỡng lự một chút rồi bước đến giữ chiếc hộp cho ngay ngắn trên chiếc ghế đẩu trong lúc ông Summers trộn lẫn những tờ giấy bên trong hộp.

Những tục lệ về cuộc xổ số đã dần tàn lụi từ nhiều năm trước, chỉ còn có chiếc hộp giờ đây đang nằm trên chiếc ghế đẩu đã được dùng từ trước khi ông cụ Warner, người già nhất làng, ra đời. Ông Summers đã nhiều lần yêu cầu dân làng làm một chiếc hộp mới, nhưng không ai muốn động chạm đến chiếc hộp, cũng như không muốn động đến phong tục mà chiếc hộp đen này thể hiện.

Người ta rỉ tai nhau câu chuyện về sự linh thiêng của chiếc hộp và mối liên quan giữa chiếc hộp với những người đầu tiên đến đây tạo dựng ngôi làng này. Hàng năm, sau cuộc xổ số, ông Summers đều bàn về chuyện làm một chiếc hộp mới, nhưng lần nào đề tài này cũng dần dần bị bỏ quên. Chiếc hộp đen trở nên cũ mèm theo năm tháng; đến giờ, nó không còn là màu đen mà đã nhạt màu và bẩn thỉu.

Ông Martin và cậu cả Baxter vẫn kính cẩn giữ chiếc hộp sao cho ngay ngắn trên ghế trong khi ông Summers xắn tay trộn những mẩu giấy trong hộp. Trước đây người ta dùng những thanh gỗ nhỏ để rút xổ số, nhưng giờ đây, ông Summers đã thay chúng bằng các mẩu giấy. Ông phân trần rằng hồi xưa dân làng chỉ có ít người thì dùng thanh gỗ nhỏ được, nhưng giờ dân số đã lên đến hơn ba trăm người và còn lên nữa, nên cần thiết phải dùng thứ nào có thể để vừa trong hộp.

Đêm trước hôm xổ số, ông Summers và ông Graves đã làm các mẩu giấy và bỏ chúng vào chiếc hộp rồi đem đi cất ở một nơi an toàn trong xưởng than và khoá lại cho đến khi ông Summers mang nó đến quảng trường vào sáng hôm sau.

Có rất nhiều việc phải được thực hiện trước khi ông Summers tuyên bố bắt đầu xổ số. Người ta phải lập danh sách - chủ nhà, rồi chủ mỗi gia đình trong từng nhà, rồi từng người trong mỗi gia đình. Sau đó, đến lượt ông quản lý bưu điện làm chứng cho ông Summer tuyên thệ, để chính thức bắt đầu buổi xổ số. Có người nhớ là hồi xưa, trước khi chính thức mở xổ số, người tổ chức thường có màn trình diễn gì đó, như là ê a đọc bài tế chẳng hạn, nhưng qua thời gian, những màn này đã được giản lược bớt đi.

Thời xưa người ta cũng có tục lệ là người tổ chức xổ số phải chào hỏi người đến rút thăm từ chiếc hộp. Nhưng giờ thì tục lệ này cũng thay đổi và người ta thấy người tổ chức chỉ cần gọi tên người đang tiến tới là đủ.

Ông Summers làm việc này rất thành thạo. Ông tỏ vẻ rất quan trọng trong khi thỉnh thoảng quay sang nói chuyện với ông Graves và cha con ông Martins.

Ngay khi ông Summers kết thúc câu chuyện nhàm chán, bà Hutchinson chạy vội đến, áo len vắt ngang vai và len vào đám đông.

“Tôi quên mất hôm nay là ngày gì,” bà thì thào với bà Delacroix đang đứng bên cạnh, rồi cả hai cười khẽ. “Tôi tưởng là lão nhà tôi đang chất củi ở sau vườn, nhưng khi nhìn ra cửa sổ, tôi thấy bầy trẻ đi đâu mất biệt. Tôi chợt nhớ hôm nay là ngày 27 và vội vã chạy đến đây ngay.” Bà vừa nói vừa chùi tay vào tạp-dề. Bà Delacroix nói: “Đừng lo, sớm mà. Mấy ông trên kia còn đang tán chuyện.”

Bà Hutchinson nghểnh cổ nhìn qua đám đông. Bà thấy chồng và lũ con đang đứng phía trước. Bà vỗ nhẹ lên tay bà Delacroix để chào rồi chen lấn về phía họ. Đám đông tránh ra để bà đi qua; hai ba người nói vừa đủ cho mọi người khác cùng nghe: “Mụ Hutchinson đến kìa,” và: “Cuối cùng cũng tới rồi.”

Bà Hutchinson đến đứng gần chồng. Ông Summers, nãy giờ vẫn theo dõi bà, cười vui vẻ: “Chúng tôi tưởng là sẽ mở xổ số mà không có bà rồi chứ, Tessie.” Bà Hutchinson toét miệng cười giả lả: “Tôi rửa xong đống chén mới đi.” Những tiếng cười khẽ vang lên trong đám đông, rồi người ta lại đứng vào vị trí cũ.

Ông Summers nói một cách hoan hỉ: “Giờ thì bắt đầu được rồi chứ. Chúng ta làm cho xong để còn trở về làm việc nữa. Còn thiếu ai nữa không?”

Nhiều người la lên: “Dunbar, còn thiếu Dunbar nữa.”

Ông Summers xem lại danh sách: “Đúng rồi. Clyde Dunbar. Hắn bị gẫy chân mà phải không? Ai rút thăm cho hắn đây?”

Một người đàn bà rụt rè lên tiếng: “Tôi rút thăm được không?” Ông Summers quay lại nhìn và nói: “Vợ rút thăm cho chồng à? Thế trong nhà không có thằng con trai lớn nào có thể làm việc này sao, Janey?”

Dù ông Summers và dân làng thừa biết câu trả lời, nhưng việc phải hỏi thì phải hỏi thôi, cho đúng thủ tục. Ông Summers lịch sự chờ bà Dunbar cất tiếng nói: “Thằng Horace con tôi chưa đủ mười sáu tuổi mà. Tôi nghĩ năm nay tôi phải rút thăm thay cho lão nhà tôi.”

“Thôi được,” ông Summers vừa nói vừa hý hoáy viết vào bản danh sách đang cầm trên tay rồi hỏi: “Năm nay con trai nhà Watsons rút thăm phải không?”

Một chàng trai cao ráo giơ tay lên: “Có tôi đây. Tôi sẽ rút thăm cho tôi và cả mẹ tôi nữa.” Cậu nheo mắt một cách bối rối và cúi đầu trong khi nhiều tiếng nói trong đám đông vang lên đại để như: “Giỏi lắm Jack.” “Thế mới đáng mặt đàn ông chứ.”

Ông Summers nói: “Thủ tục đã xong. Chúng ta bắt đầu chứ? Bây giờ tôi sẽ đọc tên - chủ các gia đình trước - các ông sẽ tiến lên đây và bốc một mẩu giấy ra khỏi hộp. Nhưng vẫn giữ nguyên mẩu giấy trong tay đừng mở ra cho đến lúc tất cả mọi người đều có tờ giấy. Mọi người hiểu rõ chưa?”

Dân làng đã làm việc này quá nhiều lần rồi, do đó họ chỉ lắng nghe một cách lơ đãng; hầu hết đều yên lặng, liếm môi, không nhìn chung quanh.

Thế rồi ông Summers giơ cao một tay và nói: “Adams.”

Một người đàn ông tách khỏi đám đông và bước tới trước. Hai người nhìn nhau, mỉm cười xã giao. Adams bỏ tay vào chiếc hộp đen và lấy ra một mẩu giấy đã gấp làm tư. Ông nắm chắt mẩu giấy trong tay rồi bước vội về chỗ cũ. 

Ông Summers gọi tiếp: “Allen. Anderson… Bentham.”

Bà Delacroix thì thào nói với bà Graves ở hàng sau: “Sao tôi thấy nhanh quá. Dường như là cứ xổ số liên tiếp thì phải. Tôi có cảm tưởng là lần xổ số trước mới diễn ra hồi tuần trước.”

Bà Graves trả lời: “Thời gian qua nhanh thật.”

“Clark… Delacroix”

Bà Delacroix nói: “Đến lượt ông lão nhà tôi đây.” Bà nín thở trong khi ông chồng tiến về trước.

Ông Summers gọi tiếp: “Dunbar.”

Bà Dunbar bước thẳng về phía chiếc hộp trong khi có tiếng một bà cất lên: “Mạnh dạn lên Janey,” và người khác nói tiếp: “Rút thăm đi.”

Bà Graves nói: “Đến lượt gia đình tôi.” Bà quan sát trong khi ông Graves đi đến từ phía bên kia. Bà mạnh dạn chào ông và lấy một mẩu giấy từ chiếc hộp.

Giờ thì tất cả mọi người đàn ông trong đám đông đều có một tờ giấy gấp tư trong tay. Họ hồi hộp lật qua lật lại mẩu giấy gấp. Bà Dunbar và hai thằng con trai đứng gần nhau, tay bà giữ chặt mẩu giấy đại diện cho chồng mình.

“Harburt… Hutchinson.”

“Đến lượt ông kìa, Bill!” Bà Hutchinson nói, và những người đứng gần đó cười ồ lên...

Ông Adams nói với Warner: “Người ta bảo với tôi rằng ở làng phía bắc đã ngưng tục lệ xổ số rồi.”

Cụ Warner nạt nộ: “Bọn chúng bị điên khùng rồi. Cứ nghe lời cái bọn trẻ thì hỏng. Với chúng thì tập tục cũ của ông bà chẳng có cái gì là tốt cả. Chúng cứ học đòi. Rồi có khi bọn chúng nó sẽ muốn trở lại sống trong rừng, lông rông, biếng nhác. Ông bà ta đã dạy: Có xổ số vào tháng Sáu thì vụ mùa mới thu hoạch tốt được. Từ xưa đến nay, năm nào cũng có xổ số.”

Ông Adams vẫn tiếp tục: “Nhưng nhiều nơi người ta đã bỏ tục lệ xổ số rồi.”

Tới phiên ông Summers tự gọi tên mình rồi tiến lên chọn một mẩu giấy trong hộp. Sau đó ông gọi: “Warner.”

Cụ Warner vừa lẩm bẩm vừa tiến ra khỏi đám đông: “Ta đã rút thăm bảy mươi bảy năm qua rồi. Bảy mươi bảy lần.”…

Giờ đến lượt bọn trai trẻ: “Watsons, Zanini…”

Sau đó là một sự yên lặng kéo dài, nghẹt thở, cho đến khi ông Summers cầm một mẩu giấy giơ lên trời và nói: “Tất cả mọi người nghe tôi nói đây.”

Bất ngờ, cánh đàn bà cùng bật lên nói: “Ai thế?” “Ai trúng số?” “Có phải nhà Dunbars không?” “Hay là nhà Watsons?”

Rồi người ta ồ lên: “Chính là Hutchinson. Chính là Bill. Bill Hutchinson trúng số rồi.”

Đám đông bắt đầu nhìn quanh để tìm gia đình Hutchinson. Bill Hutchinson đứng yên, cúi mặt xuống nhìn trân vào tờ giấy trong tay. Bất ngờ, Tessie Hutchinson cất tiếng lanh lảnh: “Ông Summers. Ông không cho lão nhà tôi đủ thời gian để chọn tờ giấy ông ta muốn. Tôi thấy tận mắt mà. Thật là không công bằng!”

Bà Delacroix nói: “Có tinh thần thượng võ chút đi Tessi.”

Bà Graves nói thêm: “Mọi người đều có cơ hội đồng đều như nhau thôi.”

Bill Hutchinson nói: “Im đi, Tessie.”

Ông Summers khoát tay: “Mọi người nghe đây. Chúng ta phải làm cho xong việc đi để kết thúc cho đúng giờ.” Ông cúi xuống nhìn danh sách kế tiếp: “Bill. Ông đã rút thăm được tên nhà Hutchinson. Trong nhà ông có mấy gia đình?”

Bà Hutchinson la to: “Có Don và Eva nữa. Phải bắt chúng rút thăm chứ!”

Ông Summers ôn tồn: “Con gái bà rút thăm chung với gia đình chồng của chúng, Tessie. Bà biết rõ luật lệ mà.”

Tessie nói: “Thật là không công bằng.”

Bill Hutchinson nói một cách hối hận: “Biết làm sao được. Con gái mình rút thăm chung với gia đình chồng của chúng. Trong nhà mình không có gia đình nào khác nữa ngoài mấy đứa con nít thôi.”

Ông Summer trịnh trọng hỏi: “Ông có mấy đứa con nhỏ, Bill?”

“Ba đứa. Bill Jr, Nancy và Dave. Tessi và tôi.”

Ông Summers nói: “Harry, lấy lại mấy tấm vé của những người đó chưa?”

Ông Graves gật đầu và đưa mấy mẩu giấy lên cao cho mọi người đều nhìn thấy. Ông Summers bảo: “Bỏ hết vào trong hộp đi.”

“Tôi nghĩ là phải rút thăm lại hết,” bà Hutchinson rên rỉ. “Tôi đã bảo là không công bằng chút nào. Ông không cho lão nhà tôi đủ giờ để chọn. Ai cũng thấy vậy hết!”

Ông Grave đã chọn năm mẩu giấy và để chúng vào hộp, và ông bỏ hết các mẩu giấy khác xuống đất và gió thổi chúng bay tứ tán khắp nơi.

Bà Hutchinson van vỉ đám đông chung quanh: “Mọi người làm ơn nghe tôi nói đây.”

Nhưng ai chẳng ai buồn để ý đến bà.

Ông Summers hỏi: “Sẵn sàng chưa Bill?”

Bill Hutchinson liếc mắt nhìn vợ con thật nhanh và gật đầu.

Ông Summers nói: “Nhớ là mỗi người bốc một thăm và không ai được mở ra cho đến lúc mọi người trong nhà đều có vé đấy. Harry, ông giúp cho thằng bé Dave nhé.”

Ông Graves nắm tay thằng bé nhất. Thằng bé lưỡng lự mốt chút rồi đi theo ông ta. “Lấy một tờ thôi đấy nhé.” Dave thò tay vào hộp và phá lên cười. “Lấy một tờ thôi, thằng nỡm!” Ông Summers nói: “Harry, giữ tờ giấy cho nó.” Ông Graves chộp lấy nắm tay thằng bé đang giữ chặt lấy mẩu giấy rồi giật lấy mẩu giấy trong khi thằng nhóc Dave đứng đó, nhét một ngón tay vào miệng và đang ngước mắt nhìn ông đầy ngạc nhiên.

Ông Summers gọi to. “Nancy kế tiếp.”

Nancy lên mười hai tuổi. Đám bạn học chung lớp của nó nín thở khi nó tiến về trước, hai tay xoắn lấy chiếc váy dài và bẽn lẽn lấy một mẩu giấy trong hộp. Ông Summers gọi tiếp: “Bill, Jr.”, rồi “Tessie.” Bà lưỡng lự một phút, nhìn quanh một cách phản kháng rồi mím môi và tiến đến chiếc hộp. Bà giật lấy một mẩu giấy rồi giấu nó vào sau lưng.

“Bill” Ông Summers nói. Bill bỏ tay vào hộp và cuối cùng rút tay ra với một mẩu giấy.

Đám đông yên lặng. “Mong là không phải Nancy”, nhiều tiếng xầm xì lan ra trong đám đông.

Cụ Warner gằn giọng: “Hồi xưa người ta đâu có như vậy. Con người bây giờ thay đổi nhiều quá!”

“Thôi được rồi. Mở giấy ra!” Ông Summers nói: “Harry, mở giùm cho thằng Dave.”

Ông Graves mở mẩu giấy và cả đám đông thở phào khi ông giơ mẩu giấy lên cao cho mọi người đều nhìn thấy. Mẩu giấy trống trơn. Nancy và Bill, Jr. mở cùng lúc và cả hai toét miệng  cười, nhảy lên và đưa hai mẩu giấy trắng lên đầu.

“Tessie,” Ông Summers nói rồi ngưng lại một chút, nhìn Bill Hutchinson. Ông Bill mở tờ giấy của mình ra và thở phào khi thấy mẩu giấy trống.

“Chính là Tessie! Tessie trúng số rồi. Đưa giấy cho mọi người coi.”

Bill tiến đến gần vợ và giằng lấy tờ giấy khỏi tay bà. Mẩu giấy có một chấm đen bên trong. Chấm đen mà đêm trước ông Summers đã tô thật đậm nét bằng cây bút chì to nhất trong xưởng than của mình. Bill Hutchinson giơ cao mẩu giấy lên và một tiếng ồ vang lên trong đám đông.

Ông Summers nói: “Thế là xong! Kết thúc cho nhanh chóng đi.”

Mặc dù đám dân làng ngu ngốc đã quên đi nhiều lề thói và mất đi chiếc hộp đen nguyên thuỷ, họ vẫn còn nhớ cách dùng những hòn đá. Đá đủ cỡ đã sẵn sàng trên mặt đất cùng với những mẩu giấy bị gió thổi bay. Bà Delacroix chọn một hòn đá lớn đến nổi bà phải dùng hai tay mới bưng nổi nó lên. Bà quay lại nhìn bà Dunbar: “Nhanh lên. Ở nhà còn nhiều việc phải làm lắm.”

Hai tay bà Dunbar ôm một viên đá. Bà thở hổn hển và nói: “Tôi mệt quá, chạy không nổi. Bà cứ bắt đầu trước đi rồi tôi sẽ theo kịp ngay đây.”

Bọn trẻ cầm trong tay mấy viên đá và sẵn sàng để ném. Có đứa còn đưa cho Dave Hutchinson vài hòn đá nhỏ.

Giờ thì Tessie Hutchinson đã bị đám đông vây quanh. Bà tuyệt vọng đưa hai tay lên ôm lấy đầu và van nài đám dân làng đang tiến đến gần: “Thật là bất công mà.”

Hòn đá đầu tiên ném trúng một bên đầu của bà. Một giòng máu đỏ ứa ra từ vết thương.

Ông cụ Warner thúc giục: “Tiếp tục đi, tiếp tục đi các ông các bà.”

Steven Adams dẫn đầu đám dân làng và bà Graves đứng bên cạnh hắn.

Bà Hutchinson hét lên và khuỵu người xuống trong khi đám đông bắt đầu trút trận mưa đá lên người bà: “Thật không công bằng! Không công bằng chút nào.”

----------------------

Chú thích:

(1). Shirley Jackson: Tham khảo nguồn đầy đủ tại Wikipedia

(2). “Tuân thủ Xã hội” (Social Conformity) là một khái niệm xã hội học được hiểu là hành vi của mọi người đều phải thực hiện hay thay đổi để phù hợp với cộng đồng (theo truyền thống hay quy ước). Việc tuân thủ xã hội qua hành động, ứng xử… được xem là bình thường – dẫu trong một số trường hợp, xu hướng tuân thủ ấy trái với lợi ích, phán đoán thậm chí là sinh mệnh của một người. Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng hầu hết mọi người đều tuân theo điều này vì nhiều lý do khác nhau: xuất phát từ nỗi sợ bị cô lập, bị coi là ngu ngốc và cả việc bị thần linh trừng phạt... ​“Tuân thủ Xã hội” thường tồn tại trong các cộng đồng bản địa Hoa Kỳ, sau Nội chiến và Chiến tranh thế giới II, nó lan ra cả các cộng đồng da trắng văn minh. Hiện nay, xu hướng này chỉ tồn tại rải rác trong các cộng đồng thổ dân bản địa. (Cre)

(3). Lời bàn: “The Lottery” là một truyện ngắn thuộc thể loại Horror - Mystery (Kinh dị) của Shirley Jackson. Truyện lấy bối cảnh tại một ngôi làng nhỏ, có vẻ bình dị vào một ngày hè. Câu chuyện mở ra khi người dân thị trấn tụ tập để tham gia một sự kiện thường niên, theo truyền thống dân gian lâu đời, gọi là “xổ số”. Trước đây, nghi thức “xổ số” bằng cách rút thăm nhưng khi dân số đông lên thì người ta đã thay đổi qua hình thức bốc những tờ giấy bỏ sẵn trong một chiếc thùng gỗ truyền từ đời này qua đời khác. Tất cả các tờ giấy đều trắng, duy chỉ có 1 tờ vè vòng tròn màu đen đậm. Ai (đại diện gia đình – sau đó là các thành viên trong gia đình) bốc đúng tờ giấy đó xem như “trúng số”. Phần thưởng xổ số sau đó là người đó sẽ bị người dân làng ném đá cho đến khi chết hay bị thương – và dân làng muốn dừng lại.

Xổ số là một truyền thống của địa phương, theo đó, hàng năm vào ngày 27 tháng 6 họ phải thực hiện nghi thức này để mùa màng tươi tốt, tiêu trừ bệnh tật, dân số trong cộng đồng… Các nhân vật thể hiện ở đầu truyện mang lại cái nhìn lạc quan về xổ số. Xét cho cùng, xổ số thường gắn liền với sự gia tăng của cải và thịnh vượng. Kết quả của kịch bản có vẻ đầy hứa hẹn với cộng đồng nên dân làng tụ tập rất nhiệt tình, đúng giờ, có chuẩn bị, là một sự kiện không thể bỏ qua.

Tác giả đã sử dụng một số manh mối xuyên suốt câu chuyện để gợi ý về kết quả xổ số mà đa số đều biết họ phải làm gì. Những chàng trai trong làng đã thu thập và chuẩn bị đá cho cuộc xổ số. Một manh mối khác là sự lưỡng lự của những người đàn ông trong việc giúp giữ chiếc hộp đen. Ở phần sau của câu chuyện, Tessie Hutchinson cầu xin một cơ hội khác vì cô cảm thấy chồng mình đang vội vã.

Trong một đoạn hội thoại, cũng có người nói rằng các làng khác đã hủy bỏ tục lệ man rợ này; tuy nhiên đáp lại là nhiều con dân làng ấy bị điên vì từ bỏ truyền thống xổ số. Rõ ràng là có điều gì đó tốt đẹp đến từ cuộc xổ số. Người đọc không khỏi nghi ngờ bi kịch nằm ở phần cuối của câu chuyện.

Câu chuyện đã thu hút nhiều sự chú ý vì cách kể bình thản mà tăng tiến - Jackson đã khéo léo ru người đọc vào cảm giác an toàn giả tạo cùng với việc sử dụng chi tiết ngẫu nhiên, tình huống trớ trêu, dẫn đến cao trào gây sốc khủng khiếp và kết thúc bạo lực một cách tàn nhẫn. Chúng tạo ra sự tương phản rõ rệt làm tăng thêm tác động của câu chuyện. Cuối cùng, nhân vật Tessi Hutchinson không còn cách nào khác là phải nhận giải thưởng của mình dù bà cho rằng “Không công bằng.”

“The Lottery” phê phán sự chấp nhận mù quáng các chuẩn mực xã hội và nêu bật khả năng tàn ác trong các cộng đồng dường như văn minh. Đồng thời, ở một khía cạnh khác, tác phẩm văn học này cung cấp một ví dụ rõ ràng rằng mọi thứ trong cuộc sống không phải lúc nào cũng như vẻ ngoài của chúng. Thật buồn cười khi cuộc sống đôi khi lại diễn ra như vậy. Bạn không bao giờ biết những gì bạn sẽ nhận được.

(4). Văn bản nguồn: tại đây


* References:

1. Sparknotes.com

2. Study.com


* Dịch và chú thích bởi Mộc Nhân




 

Không có nhận xét nào: