LTS: Nguyễn Đức Dũng sinh năm 1958, quê quán: Điện Bàn, Quảng Nam - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam. Sách đã in: “Áo giấy cho sông” - Nxb Văn Nghệ - 2009, “Nắm níu” – Nxb Thanh Niên – 2010, “Khúc hát lưu dân” – Nxb Hội Nhà Văn – 2014.
***
Đọc “Khúc hát
lưu dân” của Nguyễn Đức Dũng, tôi nhận ra mạch thơ của anh “phối ngẫu” từ những
dòng cảm xúc: (1) hoài cảm, (2) sử thi, (3) thích ứng, (4) cá nhân, (5) triết
lý... Những yếu tố này mang tính khái quát, bằng vài từ và cũng có thể nhiều
hay ít hơn - tùy bạn đọc và hiển nhiên tùy tôi - quyền người đọc…
Việc liệt kê và
trích dẫn dài dòng cùng với phân tích, bình giải trong một status ngắn trên
facebook thường dễ bị lướt qua hơn là đăng lên một bộ hình; hơn nữa - như đã
nói trước - tôi không muốn lấy đi “quyền người đọc” của bạn hay bạn có thể dè bỉu
rằng tôi có ý định là một “Kol” (*)… Chẳng hạn như vậy…
Dẫu thế tôi vẫn
lược trích:
(1) “Dưới lớp
cát kia chang chang nắng Cẩm Hà/ thưa Cha! thắp lửa/ xin một lần reo vui cháy hết
đời con/ những chân hương phẩm màu nhuộm tím” (Ghi ở Cẩm Hà);
(2) “đất nước
ngàn năm không mỏi cánh tay cung/ giáo mác Trường Sơn/ cọc nhọn Bạch Đằng/ đến
trẻ chăn trâu cũng cờ lau tập trận/ chiếc roi cày rần rật máu cha ông” (Cương
Thổ);
(3) “Không ai
chọn nơi sinh ra – Thưa Mẹ! ruộng vườn kia bám rễ nhúm nhau con/ cây phổ hệ
theo hành trình mở đất/ lại vùi thây cành nhánh quê hương” (Khúc hát lưu dân);
(4) “Chuông nào
vỡ cuộc u mê/ lay nhau với giữa bốn bề vô minh/ ngồi chơi với gió một mình/ nghe
đâu cây cỏ bình sinh cũng là” (Tự ru);
(5) “Ta ngồi
đây vừa diễn vừa xem/ trong nước mắt đã nụ cười tán thưởng/ thì em ơi hãy trọn
lấy vai mình” (Tác Phẩm)…
***
Văn chương luôn
là một dòng vận động, nó cứ cuộn chảy mãi về phía trước từ chất liệu sống trong
những chi lưu và mở ra khoảng trời mới từ những trải nghiệm… Chúng ta nhận ra nội
hàm tựa đề “Khúc hát lưu dân” thể hiện vẻ đẹp của sức sống và tiến trình vận động
“xương máu mồ hôi cha ông mở nước” trong nhiều cảm hứng sử thi (Thơ riêng cho
cháu ngoại, Cương thổ, Khúc hát lưu dân…).
Mọi chất liệu
thi ca trong anh đều chảy vượt ra khỏi cái không gian của ruộng vườn, bến bờ,
hành trình… thể hiện trạng thái cảm xúc, thái độ sống, suy nghĩ - viết của tác
giả, để thênh thang khắp chốn và neo lại trong chỗ đứng thuần túy văn chương…
Đọc “Khúc hát
lưu dân” của Nguyễn Đức Dũng, chúng ta nhận ra giọng thơ anh có cái rung động đằm
thắm trữ tình của khúc hát, cái uất khí của lưu dân, cái nghiêng ngả của phận
người, cá tính phóng khoáng người thơ… Và nhất là cái phong vị khác lạ của ngôn
từ dẫn dụ người đọc theo những nhịp độ của câu, cường độ của cảm xúc, biên độ của
liên tưởng, sắc độ của hình tượng…
Tất cả khiến
tôi hình dung đến một bức “graffiti” (**) tuyệt hảo được vẽ trên phông nền rộng lớn
đầy mỹ cảm. Và tôi cũng liên tưởng đến câu trích của nhà thơ đương đại Mỹ, Lawrence
Ferlinghetti (***): “Thơ ca là bức graffiti vĩnh cửu được viết vào trái tim mỗi người”
(Poetry is eternal graffiti written in the heart of everyone).
(Trích tiểu luận
chưa xuất bản của Mộc Nhân)
-------------------------
Chú thích:
(*). Kol: viết tắt của Key opinion
leader (Người dẫn dắt tư tưởng) – cụm từ dùng để chỉ người có mức độ ảnh hưởng
đáng kể đến cộng đồng trong một lĩnh vực nào đó.
(**). Graffiti: có nguồn gốc từ chữ
"graphein" trong tiếng Hy Lạp - có nghĩa là viết. Nó được
dùng để chỉ những hình vẽ hoặc chữ viết bằng sơn xịt hay màu nước kiểu trầy xước,
nguệch ngoạc trên các bức tường, hoặc những nơi có bề mặt phẳng, rộng. Graffiti
cũng thể hiện những thông điệp xã hội nhất định và thực tế là có những bức
graffiti vượt lên nghệ thuật đường phố để trở thành tác phẩm nghệ thuật thực sự.
(***). Lawrence Ferlinghetti (1919
- 2021) là một nhà thơ, họa sĩ, nhà hoạt động xã hội người Mỹ. Ông là tác giả của
nhiều tập thơ ca, dịch thuật, tiểu thuyết, sân khấu, phê bình nghệ thuật và tường
thuật phim. Tập thơ nổi tiếng của L. Ferlinghetti là “A Coney Island of the
Mind” (1958), đã được dịch sang chín thứ tiếng và bán được trên khắp thế giới với
hàng triệu bản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét