"Night Thoughts" (Những suy nghĩ trong đêm) trích trong tuyển tập “Poems for the times” (Những bài thơ theo thời gian) được Henrich Heine viết trong thời kỳ ông rời nước Đức, sống lưu vong tại Pháp. Đối với ông, nước Đức có hình bóng người mẹ già mà ông vẫn mong nhớ ngày đêm. Mẹ và tổ quốc luôn là nhất thể, dẫu ông đang sống thanh thản tại Pháp. Mẹ mất đi có thể ông sẽ không còn mong về nước, nhưng Đức quốc vẫn là niềm thao thiết trong lòng.
THAO THỨC ĐÊM
Mộc Nhân dịch
from “Night Thoughts”, by Henrich Heine
Nước Đức thân yêu, khi tôi nghĩ đến người
về đêm, mọi giấc ngủ tôi đều bay biến
nhắm mắt thế nào được vì khát khao hiển hiện
trên má tôi, nước mắt chảy dài.
Năm trôi qua nhanh, chẳng thể phôi phai
kể từ khi tôi giã từ người mẹ
mười hai năm; ngày dài hơn - có lẽ
tôi đợi chờ, niềm mong mỏi lớn dần lên.
Niềm khao khát của tôi, lúc nào cũng ở bên
người mẹ ơi, lòng con ngưỡng vọng
mẹ già thân yêu ơi! con luôn mong ngóng
con nghĩ về người! cầu xin Chúa bình an
Kỷ niệm cũ thân thương, con đọc từng hàng
trong lá thư, nét chữ xưa, mẹ viết
con thấy tay mẹ run run lời thao thiết
trái tim con khắc khoải từng đêm
Mẹ trong tâm hồn con, luôn dịu êm
mười hai năm dài, thời gian bỏ lại
mười hai năm dõi theo nhau, mãi mãi
trong lòng con luôn in bóng mẹ yêu thương.
Nước Đức sẽ vững vàng trong mọi nẻo đường
âm vang tình yêu vọng về từ đất
những cây sồi, cây bồ đề, tôi yêu nhất
chúng mãi mãi hiện tồn, chẳng mấy đổi thay.
Nhưng nếu mẹ tôi, không còn ở nơi này
tôi sẽ ít hơn, ngóng về nước Đức
dẫu Tổ quốc tôi, một tình yêu không dứt
mẹ mất đi, nhưng Tổ Quốc vẫn còn
Quê nhà trong tôi, từ độ trẻ con
những nấm mồ mọc lên, khi người ngã xuống
người tôi yêu thương, có bao giờ lại muốn
họ ra đi - tôi chảy máu tâm hồn
Tôi ngồi đếm những nấm mộ, lúc hoàng hôn
nỗi buồn của tôi cao hơn, lớn dần năm tháng
tôi cảm thấy mỗi linh hồn trở về chạng vạng
tạ Chúa Trời, dường như họ đang bay!
Tạ ơn Chúa! qua khung cửa sổ nơi này
ánh sáng trong veo, bình minh từ nước Pháp
người vợ xinh bước vào, mỉm cười chào đáp
và nước Đức của tôi, chẳng thể nào quên!
-----------------
Nguyên tác: gutenberg.org - số 24
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét