15/1/24

3.034. HOA KHẾ NÁU MÌNH GÓC SÂN

     Mộc Nhân    

    (Đọc Mật ngôn hạt mưa - Nguyễn Vĩnh, tập thơ – Nxb Hội Nhà văn, 2023)

  LTS: Nguyễn Vĩnh sinh năm. Quê quán Đại Hồng, Đại Lộc, Quảng Nam. Từng là chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Nam. Đã xuất bản: Chiền chiện hót trên đồng cỏ - thơ, Nxb Đà Nẵng, 2019; Mùa hoa bỏ lại - truyện ký, tập thơ – Nxb Hội Nhà văn, 2021; Mật ngôn hạt mưa – thơ, – Nxb Hội Nhà văn, 2023.

***

Hơn nửa đời cầm bút, ba tác phẩm là không nhiều nhưng bạn đọc nhận ra thế giới trữ tình trong thơ Nguyễn Vĩnh có sự đồng hiện của cái tôi người lính và nghệ sĩ.

Nguyễn Vĩnh có một thời gian dài, trước 1975, là người lính mặt trận Quảng Đà nên chất lính đi vào thơ anh là điều dễ hiểu. Sự phân định chất lính và chất nghệ sĩ trong anh chỉ là cảm thức tương đối. Tôi nghĩ cả hai điều đó gắn vào nhau, thể hiện những trạng thái tinh thần và thẩm mỹ trong những dòng thơ khá rõ rệt. Hay nói cách khác, cả hai ẩn chứa những giao cảm, vẫy gọi trong tác phẩm, tạo nên nét riêng trong trang thơ anh.

Đọc Nguyễn Vĩnh, tôi như được hoà mình vào dòng cảm xúc vừa bâng khuâng với quá khứ, vừa trầm lắng với thực tại trong trường biểu cảm mở cả về không gian lẫn thời gian. Chúng mở ra như tình yêu, như những đóa hoa, như cơn mưa và theo những mật ngôn: “Mưa là nước mắt của mây/ nhớ nhung khi tìm về với đất/ tình yêu ấy chẳng hẹn kỳ trăng mật/ mà đắm say tan lẫn vào nhau” (Mật ngôn hạt mưa).

***

Khi nói đến chất thơ lính, tôi chỉ muốn nói đến việc tác giả từng là người lính và thơ có các chất liệu, ký ức trận mạc. Đó không phải là khía cạnh loại hình mà chỉ là một góc nhìn về tác giả. Tôi muốn đọc Nguyễn Vĩnh ở góc nhìn ấy. Chúng ta có thể nhận ra những chất lính trong thơ anh hiện ra khá mềm mại, đầy nỗi niềm của người ra đi mang theo ký ức quê nhà trong ba lô hành trang. Thế giới nghệ thuật ấy có máu lửa, chết chóc mà khơi mở, dẫn dắt từ những ký ức trữ tình gắn với cảnh và người ở lại hậu phương: “Tôi đi làm lính cô gái thành vầng trăng xa/ em theo chồng trăng tôi mẻ nửa/ mùa hoa lãng quên đôi khi đau dao cứa/ khắc vào bâng khuâng mười sáu trăng đầy” (Thơ cho tháng Chín). Những hội tụ làm nên dòng thơ trận mạc của anh bắt nguồn từ quá khứ bình yên kết nối với những nghiệt ngã thời chiến và đầy suy tư: “Người lính chợt nhớ về mùa xuân/ đâu đó triền sông/ nhà ai hoa cải trổ ngồng/ lính cao điểm buồn vu vơ/ sau tràng pháo nện chày tư giã gạo/ thương tiếng chim tu hú/ chim “bắt cô trói cột” bay bổng biệt ngàn” (Cao điểm).

Dòng cảm xúc trong thơ Nguyễn Vĩnh lan thấm vào bạn đọc khiến chúng ta đồng cảm với nỗi niềm của cái tôi trữ tình đầy thương nhớ gắn với chốn quê, bạn bè: “Trong những hạt sương ngọn cỏ/ hạt nào là mắt bạn tôi/ hỏi triệu vì sao xa xôi/ thương nhớ ai sao nhấp nháy/ trời Đại Thắng xanh tháng bảy/ sông Thu trôi giữa hai quê” (Tìm nhau).

Đọc thơ anh chúng ta không gặp những tình huống ngôn ngữ buộc trí não phải giải mã các ẩn ngữ. Chỉ có cảm xúc vẫy gọi ngôn từ, hình ảnh để người viết cố gắng chuyển tải tới người đọc trạng trái tình cảm của chủ thể một cách trọn vẹn nhất: “trong gió hương thoảng khói rạ tháng ba/ nhấp nhô nụ sim mới nhú/ đêm bôn hành không ngủ/ cái chết phục kích quanh lối đi” (Sau lưng người lính). Những câu thơ theo dòng tự sự đầy trắc ẩn mà vẫn thể hiện khí chất của người lính dày dạn chiến trường (…).

Những dòng thơ Nguyễn Vĩnh chất chứa những cảm xúc, suy tưởng về những năm tháng thương yêu, tươi trẻ: tháng giêng em tím xoan ngơ ngác/ thơm trải lối đường quê/ quãng lặng dọc bờ ký ức trôi về/ lăn lóc nắm cơm mép hào công sự/ rin rít xích tăng, văng ra con chữ/ níu mùa xuân, khét lẹt gió nồm lên” (Ẩn ngữ gió). Câu thơ của anh vừa hoài niệm, vừa suy niệm, thể hiện niềm say mê với vẻ đẹp của quê hương, con người: “Chiều nay tôi đan tay hoàng hôn/ mắt chiều màu rêu vời vợi/ sải bước ven triền sông cũ/ đuổi theo khát vọng dòng trôi (Sau lưng người lính).

Cảm xúc “lính” được Nguyễn Vĩnh khai thác khá triệt để. Nó không chỉ là điều anh nghĩ mà là thôi thúc từ trái tim của người nghệ sĩ và tác động trực tiếp vào tâm hồn bạn đọc.

***

Thơ Nguyễn Vĩnh có tính giao cảm cao. Giao cảm vốn là đặc tính của tác phẩm văn nghệ, tuy nhiên tối muốn nhấn mạnh điều ấy bởi việc phô bày cảm xúc trong hình tượng thơ anh có sức vẫy gọi sự đồng cảm từ phía người đọc thuộc mọi đối tượng ngoài biên độ cảm xúc của nhân vật trữ tình. Chẳng hạn từ cảm xúc về trận mạc, anh kích hoạt các liên tưởng về quê nhà, người mẹ, người chị, người em: “Dọc đường hành quân thăm nhà/ bùn lem áo lính/ háo hức gặp chị mắt sáng dáng nâu/ răng cười trắng đều hạt bắp/ tóc xanh niền vấn quanh đầu/ nhí nhảnh gặp tuổi thơ em/ phụng phịu vòi ăn khoai nướng/ thảng thốt gió se ngày cuối Chạp/ thềm vắng chân rêu/ bên cầu/ mộ chị dàu dàu ngọn cỏ” (Hái ngọn heo may).

Những chất liệu thi ca hữu hình như sông nước, núi non, bờ bãi, chân trời… và trừu tượng như góc đời, mùi, eo lưng mùa thu… được anh thể hiện trong không gian thơ như là hình tượng để thi sĩ giao cảm với người đọc: “Chim sẻ hẹn hò nhau lời gì/ hé mỏ vàng đêm nào cũng hót/ Thăm thẳm đâu đó phía chân trời/ ai nhón chân hái một ánh trăng/ thong thả bước trên vạt rừng lộc nhú/ vừa bay ra từ giấc mơ tôi” (Chim sẻ nâu). Hoặc như trong bài  Không thể nào vẽ em, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp của người con gái trong điệu tình da diết cùng các hình ảnh, màu sắc thực đan quyện với mơ tưởng của thi sĩ: “Em lẫn vào sương giăng mênh mang/ áo lụa trắng góc đời. Áo lụa/ sương cứ thế đầm đìa, ràn rụa/ hàng cây ngàn mắt lá khóc nhòa/ Không thể nào vẽ nổi em/ mùi hương áo mới khai trường/ tôi pha màu mê mải/ tô hoài chưa đủ màu trắng sương” (Không thể nào vẽ em). (…)

Ngoài mảng thơ tự do, những bài thơ theo phong cách truyền thống của anh có khí lực dày dặn, thanh thoát, linh hoạt, làm chủ câu thơ của mình khi thì miên man, dào dạt, cuộn trào: “Đêm đầy gió bên sông/ đêm nghe Kinh Kha vỗ gươm ngồi hát/ đêm chiến mã phong trần phiêu bạt/ thung lũng P'rao sương giăng/ những cung đường chồn chân dựng ngược/ dốc Hiệp, dốc Kiền/ Bàn cờ, dốc Thiện/ quầng đạn xô méo xệch những mùa trăng” (Bóng núi hình sông). (…)

Thế giới nghệ thuật nói chung được hình thành, vận hành qua các thao tác tưởng tượng, liên tưởng, suy tưởng và cảm xúc, niềm trắc ẩn là đường dẫn để câu thơ thoát ra. Nói như nhà thơ Mỹ, Robert Frost: “Một bài thơ bắt đầu khi nảy sinh một khối nghẹn, một cảm giác bất ổn, nỗi nhớ, nỗi tình”. (…)

Tôi nhận ra Nguyễn Vĩnh muốn trở thành một nhân chứng cho chính đời sống của mình. Anh quan sát thế giới ký ức và muốn ghi lại bằng thơ để thấy chúng khắc sâu vào tâm trí, khơi gợi những tưởng tượng mới từ những gì đã trải nghiệm. Tôi đoan chắc nhiều người trong chúng ta nhận ra mình có trong những ký ức ấy. Ở một góc nhìn nào đó, tác phẩm của anh như là một mối liên kết giữa hiện tại và quá khứ, giữa tác giả và bạn đọc từ các chất liệu thực rút ra từ cuộc sống: “Cây lúa xuân thai nghén với đất/ con ong chăm chỉ/ tìm phấn hoa làm mật/ mang theo mùa hương bưởi đi đâu/ tôi ngồi yên & đợi/ sợi nắng vui nhảy nhót/ bỏ lại phía tôi vạt trống trên đầu” (Tháng ba). Khoảnh khắc mà người đọc rời khỏi bài thơ để trở về thế giới của mình là khoảnh khắc kỳ diệu bởi lúc này, bạn đọc đã rời khỏi các ký tự của tác giả để tự viết nên những ký tự cho mình: “Có lẽ nào không phải là tôi/ buồn vui mặc định/ chưa bao giờ ra khỏi đời mình xó xỉnh/ đóng đinh trên các dấu trừ/ giữa Chạp tôi ngồi mơ nhiều thứ/ một dấu cọng thôi/ một bông cúc họa mi” (Bông cúc họa mi).

Xuyên suốt trong Mật ngôn hạt mưa, nhà thơ lặng lẽ trong những độc thoại cùng ký ức của mình. Những địa danh trong các bài thơ xuất hiện khá tự nhiên theo dòng hồi tưởng của người thơ: “đợi đã bao lâu Cửa Đợi/ … Cù Lao Chàm/ lắng chân ai biển mọc Hòn Tai/ nõn biếc cùng ai Hòn Dài/Hòn Lá/ vẹt mòn dấu chân bộ hành/ Bãi Hương/Bãi Làng/ Bãi Bìm/Bãi Bắc/ bóng dừa che vuông cát trắng phau” (Bản sonate của biển); hoặc: “Em hẹn về Vu Gia/ tìm dấu xưa Bãi Trầu/ Hội Khách/ nón mới chợ phiên/ cau ai thắm lá trầu nguồn/ dắt nhau theo tay vẫy mùa sim/ nhón chân leo đồi Thường Đức” (Em thả chi sông nước dùng dằng).

... Với phong cách thơ Nguyễn Vĩnh mà chúng ta tiếp cận, tôi nghĩ một trích dẫn sau đây từ Chesterton, nhà phê bình người Anh, có thể thay cho lời kết: “Cái mà đời sống cần, văn nghệ đang chờ đợi, không phải là thơ hiện đại hay thơ cổ điển hay tân cổ điển mà là thơ hay. Và sự ngẫm ngợi dai dẳng, khuấy động nỗi hoài nghi của tôi, liệu việc một nhà thơ chọn viết theo phong cách nào, trong bất kỳ thời kỳ nào, có thực sự quan trọng hay không - miễn là anh ta viết được những bài thơ hay”.

Tôi đọc và cảm nhận thơ Nguyễn Vĩnh từ góc nhìn ấy - nó như hai câu thơ trong bài Hoa khế của anh: “Trong im lặng của nắng/ Hoa khế náu mình góc sân”.

-------------------


    (Bài đã xuất bản trong tập tiểu luận "Dưới những lớp ngôn từ"
 Mộc Nhân, Nxb Đà Nẵng, 2023).



 

 

Không có nhận xét nào: