Trong dòng chảy của âm nhạc Việt Nam, mấy ai như Phạm Duy, là người nhạc sĩ có sức viết “vàng” và vươn rộng như thế. Nói theo cách của thi sĩ Uyên Sa, viên kim cương có ngàn mặt và Phạm Duy có ngàn lời ca.
Phạm Duy của Rong Ca, Phạm Duy của Tình Ca, Phạm Duy của Thiền Ca, của Dân Ca và Phạm Duy của Xuân
Ca. Mùa xuân trong những nhạc khúc của Phạm Duy có khi vơi khi đầy, đó là
những xao động trong tâm hồn nghệ sĩ trước sự hồi sinh của vạn vật sau những
ngày đông tàn.
“Xuân như mặt trời nở
trong lòng mẹ, rồi từ đó tôi ra đời”, Phạm Duy đã bắt đầu khúc Xuân Ca bằng sự chào đời của một kiếp
người và ước mơ rằng, mai này nếu như thân xác không còn nữa thì hãy cho ông
tái sinh làm người để được đi mãi trong mùa xuân miên viễn của thế gian.
Với khúc hoan ca này, Phạm
Duy đã dùng từ ngữ rất mộc, không tô son điểm phấn, chúng nương theo sáu câu nhạc
ngũ cung tạo nên hai đoạn nhạc nhỏ. Cái tài của Phạm Duy ở chỗ là ông đã cho lặp
lại nhiều lần đoản ca đó với nhiều lời từ khác nhau như vòng đời quẩn quanh
sinh - diệt rồi chợt reo vui “xuân ơi” khi ai đó được tái sinh làm kiếp người.
Là một người được sinh dưỡng
trên đất mẹ Việt Nam, lại mang trong mình khí chất lãng tử, nhạc sĩ Phạm Duy có
một tuổi trẻ sôi động và phiêu bạt khắp chốn. Nhờ thế mà ông đã được trải nghiệm
và lĩnh hội bản sắc văn hóa của nhiều vùng miền Việt Nam. Với tình yêu “tiếng
nước” mình, những điệu hò, lời ru đã đi vào nhạc của Phạm Duy một cách rất
tự nhiên.
Bài hát Nụ Tầm Xuân là một trong nhiều ví dụ
như vậy. Nhạc sĩ đã sử dụng lời thơ của bài ca dao cổ để đưa người nghe về với
khung cảnh thuần Việt xưa. Trong bản xuân ca đẹp như tranh này, Phạm Duy đã tài
tình áp dụng nhạc thuật chuyển hệ (còn gọi là métabole nghĩa là sự chuyển điệu
từ ngũ cung này qua ngũ cung khác) “làm cho giai điệu không nằm chết trong một
ngũ cung nào đó như trong dân ca cổ” mà chạy dài trên nhiều cung bậc và vẫn đậm
đà sắc màu dân tộc.
Nụ Tầm Xuân là bài ca dao lục bát. Nhưng thay vì theo sát thể
thơ, nhạc sĩ Phạm Duy đã dùng kỹ thuật hát dân ca như láy và lót vần để biến đổi
tiết tấu của câu. Điều thích thú nhất của bài hát nằm ở sự tương phản về âm sắc
và tốc độ.
Hai câu đầu chỉ với một từ
“trèo lên” được hát cao dần, tới gần hai quãng tám, âm sắc ngày một sáng
hơn rồi “hóa giải một cách êm ái” ở những câu tiếp theo. Ý nhạc lúc khoan, lúc
nhặt, sắc thái khi tỏ khi mờ khiến cho ta có cảm giác như đang ngắm một bức
tranh lụa về mùa xuân quê hương mà trong lòng thấy thổn thức nhớ nhung.
Phạm Duy phổ nhạc lục bát
rất tài tình, nhạc và thơ quyện vào nhau, giản dị, tự nhiên như thể từ một mẹ
sinh ra. Tiếng Sáo Thiên Thai của
Thế Lữ được Phạm Duy phổ nhạc thành một khúc xuân ca dìu dặt, thanh lãng. Cũng
là thể thơ lục bát nhưng mấy ai có thể tưởng tượng Nụ Tầm Xuân và Tiếng
Sáo Thiên Thai được thai nghén từ một tác giả.
Bài hát có kết cấu hai đoạn
nhằm họa nên hai cõi : mơ và thực, niềm vui chốn tiên cảnh và nỗi buồn nhớ
Thiên Thai của một chàng thi sĩ. Trật tự của các câu thơ có khi được sắp đặt lại
để phù hợp với quy tắc thẩm mỹ âm nhạc, theo Phạm Duy nói là trong bài này ông
đã bắt thơ phải theo nhạc.
Tiếng Sáo Thiên Thai là một tác phẩm song ca (duo) có hai bè
mà Phạm Duy viết cho Thái Thanh - Thái Hằng. Trong lối hành nhạc, ông sử dụng
phần lớn các kĩ thuật sáng tác phương Tây kết hợp với luyến láy trong dân ca.
Ông khai thác những câu
nhạc ngắn, ý nhạc nhỏ (motif) và biến tấu chúng một cách nhẹ nhàng. Bài hát viết
ở giọng đô trưởng nhưng sang đoạn hai, ông không chuyển sang giọng đô thứ hay
la thứ theo lý thuyết thông thường mà lái vào giọng mi trưởng để tạo ra một cảm
giác vừa bất ngờ, vừa mơ hồ, mông lung.
Đây là thủ pháp chuyển điệu
hiếm gặp trong ca khúc Việt Nam đương thời. Còn nữa, Tiếng Sáo Thiên Thai dập dìu theo điệu tango chậm rãi, đưa đường
dẫn lối người nghe vào chốn hư hư thực thực, như một thứ cảm giác miên man khó
cưỡng, không thể diễn tả hết bằng lời.
Phạm Duy vốn là “kẻ tham
lam”, một người tình cuồng nhiệt của cuộc sống, vì vậy mùa xuân trong ông hiện
hữu ở mọi nơi, mọi lúc, trên nhiều cung bậc cảm xúc. Này thì Đêm Xuân say đắm tặng vợ hiền, là Xuân Nồng rực rỡ dưới nắng ấm
phương Nam, là Trên Đồi Xuân trong
sáng dành cho con gái Thái Hiền, rồi Tuổi
Xuân trong tập Nữ Ca và nhiều
sắc thái Xuân trong Bình Ca… Nói
theo cách khác, mùa xuân của Phạm Duy từ bao giờ chính là “đất Việt, hồn Việt”.
Xin được khép lại bằng bài: Khúc Hát Thanh Xuân, nhạc của Johann Strauss do Phạm Duy viết lời Việt (bản lời Anh có tựa: One Day When We Was Young, lời Pháp Wer Uns Getraut):
Ngày ấy khi Xuân ra đời
Một trời bình minh có lũ chim vui
Có lứa đôi, yêu nhau rồi
Hẹn rằng còn mãi không nguôi
Nhạc lắng hương xuân bồi hồi
Như vì tình ai tiếng hát lên ngôi
Nói với nhau, yêu nhau rồi
Một ngày còn mới tươi môi.
Rồi nắm tay cùng nói vui
Những câu êm êm không rời vai.
Rồi lả lơi, hình dáng ai
Khuất xa biến vào nẻo khơi.
Từ đó khi xuân tái hồi
Cho bùi ngùi thương nhớ tới xa xôi.
Nhớ tới câu thương yêu người
Một ngày tuổi mới đôi mươi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét