QUÁN CHIẾU NỖI BUỒN (1)
Mộc Nhân dịch (2)
“Samadhi of Sorrow” by Manhae (3)
Cái chết, nhẹ nhõm
như quầng sáng xanh thiên đường,
thanh tẩy mọi thứ.
Đêm tĩnh lặng – ánh sáng ảo diệu
bao phủ đất trời.
Bên ngọn nến chập chờn, tôi nằm
một mình và định tâm.
Một chiếc thuyền hoa
trôi vào hồ lệ
mang theo tình yêu của tôi
rồi lặng lẽ chìm dần.
Quán chiếu nỗi buồn
tôi ngộ ra “tánh không”.
Say trong sương hoa,
cô gái đẹp
chao đảo trên cánh đồng mênh mông
thời trai trẻ.
Cái chết nhẹ hơn một chiếc lông
kẻ cuồng yêu nuốt ngọn lửa lòng như uống băng.
Kẻ thất tình phát ốm vì tình
đẩy tình yêu của mình vào chỗ chết
để thỏa mãn.
Em không biết rằng
đôi tay của anh hiện thân cho tình yêu sao?
----------------
Chú thích:
(1). Samadhi trong tiếng Phạn có nghĩa là “Định” (định tâm - chú tâm) để thấy được những gì đang xảy ra trong ta. Tôi chuyển dịch một từ tương đồng là “Quán chiếu”, tất nhiên cả hai không hẳn là đồng nghĩa, người dịch xin tạm lấy cái ý. (Cre)
(2). Nguyên tác Anh ngữ
(3). Manhae là một nhà sư Hàn Quốc, ông cống hiến cuộc đời cho Phật pháp, thực hành cái mà ngày nay được gọi là "Phật giáo dấn thân xã hội". Ngoài ra, ông nổi tiếng với tư cách là nhà thơ xuất sắc, đặc biệt là những bài thơ về tình yêu - giải thoát. Những bài thơ của Manhae thể hiện tự do thông qua những cảm xúc tình yêu của con người. Thơ của ông không tìm kiếm những trạng thái phi thường, mà là những trải nghiệm bình thường trong cuộc sống mà tất cả chúng ta đều trải qua. Cảm xúc trong thơ Manhae mở ra trên nền tảng triết học. Một số người phê phán ông là dị giáo do vượt qua giới hạn trong ngôn từ thể hiện tự do và tình yêu, điều này trái với quy tắc Phật giáo. Những bài thơ của Manhae về tình yêu và nỗi khao khát không phải là những suy ngẫm hời hợt về cảm xúc, mà chúng là phương tiện sâu sắc hơn đưa chúng ta vượt qua những điều bình thường thông qua những điều bình thường để trở nên vĩ đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét