Trích chương XVI – Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh
Tôi tiếp xúc với Tô Hoài
rất sớm. Từ những năm 60 của thế kỉ trước. Nhưng mãi đến năm 2000, tôi mới viết
được một bài về ông. Tôi trước sau vẫn thế, khi viết về một nhà văn nào đó mà
chưa hiểu tư tưởng chi phối một cách có hệ thống sự nghiệp sáng tác của ông ta,
thì tôi không thể viết được. Về Tô Hoài, tôi cứ nghĩ mãi không biết tư tưởng
của ông là gì.
Nhiều tác phẩm của ông
tôi thích, nhưng không tìm ra một tư tưởng chung. Tư tưởng Nguyên Tuân là lòng
yêu nước, tinh thần dân tộc gắn với những giá trị văn hoá cổ truyền của đân
tộc; Nam Cao là nỗi đau đớn trước tình trạng con người không giữ nổi nhân tính,
nhân phẩm vì miếng cơm manh áo và cái chất hèn, chất nô lệ đã thấm vào trong
máu không biết từ kiếp nào; Xuân Diệu là niềm khát khao giao cảm hết mình với
cuộc đời trần thế này… Còn tư tưởng Tô Hoài là gì? Tôi lúng túng quá! Trong khi
đó, Xuân Diệu có lần nói với tôi: “Tô Hoài nó chẳng có có tư tưởng gì cả.
Nguyễn Đình Thi còn có tư tưởng, chứ Tô Hoài chẳng tư tưởng gì”. Tôi lại càng
hoang mang. Một nhà văn cỡ như Tô Hoài mà không có tư tưởng! Vô lý quá!.
Hồi tôi biên soạn cuốn
Tổng tập văn học Việt Nam tập 30A, 30B (1979, 1980), tôi có đến Tô Hoài mấy lần
(ở Đoàn Nhữ Hài). Tôi có một anh bạn tên là Phan Ngọc Thu, phụ trách trung tâm
nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Đại học Đà Nẵng. Anh đứng ra tổ chức
các lớp bồi dưỡng chuyên môn cho các giáo viên PTTH chuyên văn ở miền Trung,
miền Nam. Anh thường mời tôi và Tô Hoài vào giúp. Vì thế, tôi có dịp gặp Tô Hoài
nhiều lần, khi ở Đà Nẵng, khi ở Bến Tre hay Long Xuyên…
Tôi để ý thấy Tô Hoài, ở
đâu cũng thế, mua hết các báo chí hàng ngày để đọc. Cả báo trung ương và báo
địa phương. Đọc cả những tin vặt vãnh linh tinh. Ông rất chăm đọc báo, nhưng
không thích xem ti vi và phim ảnh, dù là phim Vợ chồng A Phủ do ông soạn kịch
bản.
Ở khách sạn Long Xuyên có
một cái núi non bộ lớn, người ta nuôi cá, nuôi khỉ, nuôi bồ nông, cò, vạc… Cứ
xích chân, xích cổ vào hòn giả sơn. Tôi thấy Tô Hoài cứ đứng hàng giờ quan sát
các con vật và thỉnh thoảng lại phát hiện ra một điều gì lạ ở chúng, như chân
con vạc nó thế nào đấy, hay con khỉ lại biết chơi trò thủ dâm…
Thì ra Tô Hoài thích quan
sát tỉ mỉ, phát hiện những cái lạ ở người hay những con vật tầm thường quen
thuộc quanh ta. Cho nên ông viết nhiều về phong tục của người dân Nghĩa Đô, quê
ông. Và trong thời kháng chiến chống Pháp, công tác ở Viêt Bắc, ông thích viết
về phong tục độc đáo của những dân tộc H’ Mông, Mán… Phong tục, theo tôi, chính
là những chuyện lạ đời thường của các dân tộc. Ông phát hiện người H’mông sinh
hoạt có nhiều cái rất Tây: Váy áo như đầm. Gọt khoai, gọt củ, quay ngược lưỡi
dao vào trong. Ăn bánh bột ngô để nguội hàng tuần như người Tây ăn bánh mì,
dùng thìa gỗ hoặc bốc, không dùng đũa. Theo đạo tin lành. Ông đọc sách của
Sabina nói người H’mông đi từ phương Tây, qua Đông Âu, Bắc á rồi bị dồn xuống
phương Nam. Thuyết của Tầu thì cho người H’mông vốn ở vùng sông Dương Tử di cư
xuống. Tô Hoài cho thuyết của Tây đúng hơn. Người Mèo rất khái tính, bị xúc
phạm là tự tử (bằng lá ngón). Nhà có con gái đẹp, thanh niên kéo đến quấy nhiễu
đông quá, có khi ông bố đem súng ra bắn để giải tán. Thời Tây, công sứ Châtel
thi hoa hậu chỉ thi con gái dân tộc thiểu số như gái Hmông, gái Mường, gái Mán…
Tô Hoài, ở Hà Giang, đã gặp hai người đàn bà từng thi hoa hậu ở Hà Nội thời
Pháp thuộc. Người Mán khi ăn xong, cả nhà tắm nước nóng rồi lại mặc quần áo cũ
và đi đất. Về chuyện chợ tình Sa Pa, Tô Hoài cho biết, sự thực, đối với người
Mèo, người Mán, chợ là nơi ăn chơi, nơi gặp gỡ người quen, trong đó có chuyện
trai gái. Nay ta biến thành chợ tình. Rất nhảm!
Tô Hoài hay tả kỹ loài
vật và cũng thấy ở chúng có lắm “phong tục” lạ như người vậy thôi. Sở trường tả
loài vật, ở Tô Hoài, xét ra cũng nằm trong cảm hứng phong tục. Mà hình như về
phương diện này, ông cũng chẳng phân biệt người hay vật. Trong tập truyện O chuột, ông viết về toàn loài vật quanh
ta, nhưng lại xen vào đó một truyện về người (Cu Lặc). Truyện này Nguyễn Minh Châu rất thích. Ông kể chuyện Cu
Lặc không khác gì con vật. Vợ chồng gặp nhau, lấy nhau do bản năng tình dục.Và
họ bỏ nhau vì cả hai đều ăn khoẻ quá, không sống nổi với nhau được.
Tô Hoài khác với phần lớn
văn nghệ sĩ, không ngại làm những công việc sự vụ hành chính, những công việc
vặt vãnh chẳng “văn chương” chút nào. Ông nhận đủ việc, từ đại biểu quốc hội,
chấp hành Hội nhà văn trung ương, chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội, đến tổ trưởng
khu phố. Việc gì cũng làm. Cũng đi tuần tra ban đêm, cũng đôn đốc “triệt để
chó”, cũng đến từng gia đình kiểm tra hố xí hai ngăn… Về hưu, ông không sinh
hoạt chi bộ ở cơ quan Hội nhà văn như hầu hết các nhà văn cao tuổi khác, mà
sinh hoạt với chi bộ địa phương. Và ông không muốn người ta biết mình là nhà
văn. Vì ông thích nói chuyện với mọi người như một người thường nói chuyện với
người thường về những chuyện thường.
Tôi để ý đến cặp mắt của
ông: nhỏ, dài và hẹp. Gọi là mắt ti hí. Mắt như thế là tinh quái lắm. Cái gì
cũng biết, không gì qua mắt được. Mà toàn phát hiện những điều ngộ nghĩnh, buồn
cười ở người ta và diễn đạt bằng một vài từ rất gọn và đích đáng. Người nào bị
phát hiện ở khía cạnh ấy lập tức trở thành tầm thường. Ngay – danh nhân, vĩ
nhân cũng vậy. Thí dụ, ông cho Nhật kí
trong tù của Hồ Chí Minh chỉ là một tập thơ kêu oan. Kể ra cũng đúng: “Ta
người ngay thẳng lòng trong trắng/ Lại bị tình nghi là Hán gian” (Đường đời hiểm trở); “Hôm nay xiềng sắt
thay giây trói/ Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung/ Tuy bị tình nghi là gián
điệp/ Mà như khanh tướng vẻ ung dung” (Đi
Nam Ninh).
Những bài thơ như thế thì
đúng là thơ kêu oan. Nhưng coi Nhật kí
trong tù chỉ là tập thơ kêu oan thì quả là đã tầm thường hoá tập thơ của cụ
Hồ.
Phạm Tiến Duật khi nói
thì đúng là khua môi múa mép, ông gọi là thằng lái trâu. Còn Chế Lan Viên thì
ông gọi là thằng “nặc nô” của Đảng. Ông phát hiện Huy Cận ngày nào cũng ra trụ
sở Hội Liên hiệp văn nghệ (51 Trần Hưng Đạo), tuy chả có việc gì cả, chỉ cốt
được ăn một bát phở miễn phí. Huy Cận rất tham, đi đâu cũng vơ vét, càm cắp. Tô
Hoài kể chuyện, một lần ông và Nguyên Ngọc tình cờ gặp Huy Cận ở sân bay quốc
tế Mạc Tư Khoa. Tự nhiên Cận lân la đến vỗ vai nói chuyện thân mật với Nguyên
Ngọc. Tô Hoài vội bấm Nguyên Ngọc lảng đi: “Này nó sắp gạ ông xách đồ cho nó đấy!”.
Quả nhiên, sau đấy Huy Cận hai tay xách hai cái cặp nặng, lại buộc giây kéo một
cái thùng giấy lệt xệt đằng sau. Buồn cười nhất là ông phát hiện Nguyễn Xuân
Sanh sở dĩ bị Tố Hữu ghét, vì chỉnh huấn, chuyển biến nhanh quá, không đúng quy
luật – đấu tranh tư tưởng thì phải lâu dài gian khổ chứ! Còn Hoàng Cầm thì hồi
bị tù, hết hạn người ta cho ra, lại xin ở lại thêm để viết nốt bản kiểm thảo.
Ông cho biết Thợ Rèn sở dĩ nổi tiếng là vì lúc đầu người ta tưởng là Cụ Hồ, là
bút danh của Cụ Hồ. Thanh Tịnh thì ai đến chơi cũng đem đồ cổ ra khoe. Nhưng
theo Tô Hoài, ông ta cứ tán ra thế thôi, chứ nhiều cái ông ta bê ở Bát Tràng
về. Bùi Giáng thì rất mê Kim Cương, chỉ ước khi chết, được Kim Cương đái lên
mồ… Trương Tửu là tay huênh hoang thế thôi, thực chất chỉ là trôtkit mồm… Mấy ông Chế Lan Viên, Hoài
Thanh, Đồ Phồn, Huyền Kiêu thì tự thấy trước cách mạng có tội nên ra sức nịnh
đảng…
Có những chuyện có lẽ chỉ
có Tô Hoài mới đi kể với người khác. Vì là chuyện rất nhếch nhác, rất bẩn. Mà
là chuyện của bản thân ông. Tôi nhớ hồi ở khách sạn Traphaco, Đà Nẵng, tự nhiên
ông kể với tôi chuyện ấy. Chứ tôi có hỏi đâu, có biết đâu mà hỏi: “Hồi hoạt
động Văn hoá cứu quốc ở Hà Nội, bị lộ, nó bắt bốn người: Tô Hoài, Nguyễn Đình
Thi, Nguyễn Hữu Đang, Như Phong và đưa về Nam Định xử. Vì Vũ Quốc Uy bị bắt ở
Nam Định khai ra. Nguyễn Đình Thi, Như Phong, gia đình có tiền chạy án nên được
tha. Tôi và Nguyễn Hữu Đang nhờ thế cũng được tha. Trước khi thả ra, nó giam
chúng tôi ở nhà lao Nam Định, bốn thằng giam chung một phòng. Ngồi buồn tình,
bốn thằng tụt quần ra thi cái ấy xem cái của thằng nào to. Của Thi dài đuỗn ra
như quả chuối tiêu, được nhất, Nguyễn Hữu Đang nhì, nhưng Đang không chịu vì
Đang cho của mình ngắn hơn nhưng to hơn. Tô Hoài và Như Phong bét.
Đấy, gặp Tô Hoài một hai
buổi là biết đủ mọi thứ chuyện linh tinh như thế. Và nghe ông nói một chập,
thấy con người ta, nói chung đều tầm thường cả thôi, đều là người thường vậy
thôi. Mà cuộc đời không có ai là thần thánh thì cũng vui, thì càng vui chứ sao!
Tôi chắc Tô Hoài nghĩ như thế. Vì khi kể những chuyện ấy, ông có vẻ lấy làm thú
vị.
Nhận xét văn của người
khác, Tô Hoài cũng thường phát hiện rất tinh những nhược điểm. Thí dụ, văn Anh
Đức là thứ văn cải lương, có lúc viết anh hùng là “hùng anh”. Nguyễn Khải xây
dựng nhân vật theo lối ghi chép rất sáng tạo, nhưng văn Nguyễn Khải vậy mà chưa
thoát được lối biền ngẫu. Nguyễn Đình Thi là anh sinh viên, rất xa đời sống,
nên mắt không chọc thủng được tờ giấy để nhìn vào hiện thực. Thi tả cảnh chùa
có cây bạch đàn. Xưa làm gì có bạch đàn ở chùa! Thơ Bùi Giáng, theo ông cũng là
một thứ thơ Bút Tre. Thơ Hoàng Cầm thì là thứ vàng mã trang kim. Một thứ thơ
trang sức hoa lá cành, sơn son, giát vàng, thực chất không có gì. Phan Cự Đệ,
Hà Minh Đức viết văn học sử, tuy có tài liệu đấy, nhưng không có hồn. Lưu Trọng
Lư giờ hết thời rồi. Tài năng cũng chỉ có một thời thôi. Thơ Huy Cận và thơ Tố
Hữu giờ chỉ còn là thơ thù tạc. Vậy mà Huy Cận cứ tuyên bố: “Chưa bao giờ tôi
sáng tác dồi dào như bây giờ”… Tô Hoài biết rõ cả lai lịch Bút Tre. Bút Tre tên
thật là Đặng Văn Đăng, sáng tác trước cả Tô Hoài, ký tên Lục Y Lang, Chàng áo
xanh, có bằng tú tài Tây. Bút Tre định lăng xê một kiểu thơ sử dụng rộng rãi enjambement, chứ không phải anh vô học
làm thơ… Tô Hoài đọc cả những cây bút trẻ. Ông cho bọn này có học. Viết được.
Nhưng thiếu một cái gì đó. Thiếu chữ của riêng mình, thiếu phong cách. Hồ Anh
Thái, viết mới đấy nhưng rắc rối, khó hiểu. Chưa thấy hay. Bọn trẻ nói chung
rất kiêu ngạo. Nguyễn Huy Thiệp giỏi viết cái ác. Phạm Thị Hoài rất trí thức,
đồng thời lại muốn dân dã…
Một điều lạ là Tô Hoài
biết cả những chuyện đời tư, rất riêng tư, thậm chí cả những chuyện thầm kín
của người ta một cách rất cụ thể. Biết có đầu có đuôi, có ngành có ngọn, nói ra
vanh vách. Ông nói, do phụ trách đảng uỷ văn nghệ nên biết nhiều chuyện, nhất
là qua những đợt kiểm tra đảng. Một vài ví dụ: Ngân Giang từng lấy nhiều chồng,
có nhiều con. Hồi kháng chiến ở vùng tự do dinh tê vào thành. Giải phóng Hà Nội
là viên chức lưu dung. Vì thế có mặc cảm, nên hay khoe mình đã tham gia kháng
chiến. Anh Thơ lấy một bác sĩ tên là Vịnh, người miền Nam tập kết, công tác ở
bênh viện Việt Xô. Bà Trường và Nguyễn Đình Thi làm mối. Anh Thơ có thời gian
vào Nam, làm tập thơ Quê chồng. Sau
lại bỏ ra Hà Nội. Chồng theo ra và chết ở Hà Nội. Hồi kháng chiến Anh Thơ định
lấy Tây địch vận. Hồi ấy có phong trào phụ nữ xung phong lấy hàng binh làm địch
vận cho ta. Sau có người theo chồng sang Pháp, tự hào là đã tham gia công tác
cách mạng, như diễn viên múa Thuý Cẩm… Lấy Tây cũng là hy sinh vì nước, như
Chiêu quân cống Hồ trong truyện cổ…
Anh Thơ viết hồi ký bịa
ra nhiều chuyện cụ thể như thật. Vì có mặc cảm mình xấu nên cứ bịa ra là mình
ngày xưa rất đẹp, lắm người mê, như Nguyễn Bính chẳng hạn. Tô Hoài nói : “Bà ấy
mà mê Nguyễn Bính, chưa chắc Bính đã xúc động gì. Bính nó có hàng trăm gái theo
ấy chứ. Anh Thơ lúc trẻ cũng xấu, lợi hở như miếng thịt trâu. Tính thì đồng
bóng. Sang Liên Xô với Nguyễn Văn Bổng, Thanh Tịnh, lại hỏi thăm Goocki, tưởng
ông ấy còn sống. Anh Thơ mà đẹp thì chết với tôi rồi!”.
Nguyễn Bính xấu giai thế
mà lắm vợ. Bính là con một ông có Hán học, phụ trách trạm ngựa. Nhà khá nhưng
sa sút. Giống gia đình Nam Cao. Vì thế Trúc Đường là anh thì được học hành tử
tế (như Nam Cao), còn Bính thì không được học mấy. Bính vào Nam, từ trước 1945.
Năm 1954, không có tiêu chuẩn tập kết vẫn cứ ra Bắc. Trước khi ra Bắc có
lấy một người vợ đẻ ra cô con gái nay phụ trách Sở Giáo dục Bến Tre. ở Hà Nội,
Tố Hữu bầy ra tờ báo tư nhân Trăm hoa
giao cho Bính. Bính làm trái ý Tố Hữu, bị phê phán, Bính bực mình bỏ đi Nam
Định. Bính có hai vợ chính thức. Hiện cả hai đều làm bảo tàng lưu niệm Nguyễn
Bính.
NTNT trước dạy học ở Sơn
Tây, có mối tình đầu với Nguyễn Quang Sáng, Sáng giúp T viết văn. T có lần tặng
Sáng một bó hoa bảo là vừa tự tay hái ở vườn về. Sáng xem hoa thấy không có
cuống, cắm tăm, tức lắm, tìm T, tát cho một cái. T hay viết nhật ký, Chánh là
chồng, bắt được, lộ hết chuyện bồ bịch. NTTH lắm lúc chất vấn mẹ: “Con là con
ai? Con Nguyễn Quang Sáng, Thu Bồn, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Văn Bổn, Xuân Trình…
hay ông Chánh? H cũng đã có hai đời chồng. (có lẽ Nguyễn Thị Ngọc Tú- Ngọc
chú).
PTTN cũng có hai đời
chồng. Sau yêu một bồ nhí, có cưới hẳn hoi, nhưng sau nó bỏ. Không có con. (Tôi
hỏi Tô Hoài: “Dương Thu Hương bảo tôi, YN thì mê Nguyễn Đình Thi, còn PTTN thì
mê Tô Hoài , có đúng thế không?” Tô Hoài nói: “Cô ấy xấu, tôi không thích”. (có lẽ Phan Thị Thanh Nhàn- Ngọc chú)
Bạch Diệp lấy Xuân Diệu.
Vì cao tuổi mới lấy chồng nên thiết thực và cảnh giác. Đám cưới tổ chức to
nhưng không đăng kí kết hôn. Xuân Diệu chắc do thủ dâm nhiều nên bất lực. Như
gà nhẩy lên là tuột ngay. Bạch Diệp bỏ luôn, sau có lấy chồng khác nhưng không
có con.
Nguyễn Đình Thi lấy vợ
sớm, có ba con, hai trai, một gái: Lễ, Chính, Như. Thi ở gửi rể. Vợ chết, gia
đình vợ định gả cô em tên là Nghĩa cho. Nhưng cô này bị sốt ác tính chết. Hoà
bình lập lại, Thi cần có vợ, định nhằm con gái cụ Ngô Tất Tố hay cô Hồng con
Nam Cao. Sau người ta làm mối lấy bà Trường, nhưng không có con. Thi nam tính
mạnh, người đen, nói chuyện có duyên, đàn bà thích. Nhưng Thi là tay bạc tình,
ngủ với cô này đã nghĩ đến cô khác. Gia đình Nguyễn Đình Thi như cái địa ngục.
Thi hay bồ bịch, còn bà Trường thì ghen ghê gớm. Gia đình cụ Ngô Tất Tố cũng
thế, cụ sống với hai bà vợ suốt ngày xung đột…
Chế Lan Viên trước cách
mạng, có thời gian dạy học ở Đà Nẵng. Có một nữ sinh tên là Giáo rất mê. Giáo
nhà giầu, gia đình không cho lấy Chế Lan Viên. Cô cứ đến ở với Chế Lan Viên,
mãi đến cách mạng tháng Tám mới cưới. Hoà bình lập lại ở miền Bắc, hai vợ chồng
sống ở Hà Nội. Chế Lan Viên ốm, phải sang chữa ở Trung Quốc. Giáo ngoại tình
với một tay làm mi báo tên là Quang. Chế Lan Viên chữa bệnh về, biết chuyện
nhưng định bỏ qua. Hai vợ chồng đêm nằm đắp chung chăn, nói chuyện. Giáo nói,
cái đầu của em thì thuộc về anh, nhưng thân mình em thì thuộc về Quang. Vậy là
họ không trở lại với nhau được. Sau Chế Lan Viên lấy Vũ Thị Thường, cán bộ phụ
nữ, quê Thái Bình, đã quá lứa lỡ thì. Thường xui Chế vào Sài Gòn ở, một là
Thường có bà con di cư ở trong ấy, hai là vì vợ cũ của Chế hay đến bám quấy
nhiễu, xin tiền… Đúng là chẳng có chuyện gì dấu ông được. Ông biết cả chuyện
Lưu Trọng Lư túng tiền, ăn cắp xe đạp của Chế Lan Viên bán; Học Phi thì hủ hoá
nhiều quá, biết tội nên xin đi B. Còn Trần Huyền Trân thì sở dĩ bị khai trừ, vì
lấy vợ nghệ sĩ, hai vợ chồng cứ dắt nhau đi lang thang biểu diễn, không sinh
hoạt đảng. Lê Văn Trương thuộc thế hệ đàn anh của ông, nhưng ông có đến nhà.
Ông rất sợ, vì trên bàn Lê Văn Trương có bầy hai cái đầu lâu. Lê Văn Trương,
Đinh Hùng thích chơi đầu lâu. Lê Văn Trương tiêu xài rất hoang vì viết khoẻ, có
tiền. Ông quen cả hai tay nhà văn tên là Hiến và Hồng viết thuê cho Lê Văn
Trương vì túng tiền. Tô Hoài không thích văn Lê Văn Trương nhưng thích nhân vật
người hùng của Lê Văn Trương. Triết lý sức mạnh của Lê Văn Trương là do Trương
đọc bản dịch Nietzsche của Phạm Ngọc Khuê. Khuê và Trương Tửu là trốtkit…
Về vụ Nhân văn – Giai
phẩm, thế mà không phải ai cũng biết rõ. Tô Hoài thì nắm được từ gốc đến ngọn.
Theo Tô Hoài, đó thực chất là một vụ án chính trị, nhưng vì quàng vào một số
nhà văn nên người ta cứ tưởng là một vụ án văn chương. Nhân sai lầm của cải cách
ruộng đất và ta chuẩn bị cải tạo tư sản ở Hà Nội, hai thằng Tây, một là Tổng
giám mục ở nhà thờ Hà Nội tên là Dudley, hai là tay tuỳ viên văn hoá của Sứ
quán Pháp tên là Durand Fischer, bèn xúi giục mấy ông đảng xã hội: Hoàng Văn
Đức, Đỗ Đức Dục, Vũ Đình Hoè đòi ngang quyền với đảng Lao động. Fischer có liên
hệ với Nguyễn Hữu Đang, Thuỵ An, Minh Đức (Trần Thiếu Bảo). Lúc này tư nhân ra
báo không phải xin phép (hồi ấy ta vẫn còn theo chế độ của Pháp). Ta bắt ba
người có dính đến Pháp là Đang, An và Bảo. Còn hai thằng Tây thì ra lệnh trục
xuất khỏi Việt Nam sau một tuần lễ. Còn Hoàng Văn Đức, Đỗ Đức Dục, Vũ Đình Hoè
thì lặng lẽ cho thôi thứ trưởng. Chuyện có thế thôi, có thể tổng kết rõ ràng,
nhưng chẳng có ai làm cả. Bây giờ sửa sai thì cứ lặng lẽ kết nạp lại vào Hội
nhà văn và tặng giải thưởng Nhà nước cho mấy ông Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm…
Cho nên vụ án vẫn mù mờ chưa mấy người hiểu rõ.
Tổng chỉ huy chống nhân
văn là Hoàng Văn Hoan. Tố Hữu chỉ là người thừa hành.
Ta có một trại giam tù
chính trị ở Quảng Bạ (Hà Giang). Có người bị giam suốt đời ở đó như Chu Bá
Phượng. Còn Nguyễn Hữu Đang thì bị giam 15 năm. Khi ra tù, phụ cấp cho 40 đồng
một tháng. Đang khi ra tù không hề biết có cuộc chiến tranh chống Mỹ và sự kiện
giải phóng miền Nam 30.4.1975. Đúng là Tô Hoài cái gì cũng biết. Mà toàn thiên
về phía mặt trái của cuộc đời, mặt trái của người đời.
Những hiểu biết tỉ mỉ,
thóc mách như thế, ông cứ nhẩn nha, đều đều kể lại với tôi. Có lẽ vì ông thấy
tôi khoái những chuyện ấy và ông cũng thích kể những chuyện ấy.
Vậy là đã rõ. Tôi bèn
viết bài Tô Hoài với quan niệm con
người là con người. Tôi cho rằng tư tưởng chi phối mọi tác phẩm củaTô Hoài
là thế. Nghĩa là trên đời này chẳng có ai là thần thánh gì hết. Cho nên Tô Hoài
có cảm hứng đặc biệt viết về đời thường, người thường, chuyện thường. Cứ đều
đều một giọng sành sỏi lọc lõi, cố che dấu một nụ cười tinh quái, có phần khinh
bạc. Tô Hoài có lúc còn chủ trương viết những chuyện chẳng cần có chuyện, càng
nhạt càng hay – có lần ông nói với tôi như vậy và tự thấy là một thuyết kì quặc
của mình. Nhưng ông từng nghĩ như thế. Mỹ học của Tô Hoài là như vậy chăng?
Tất nhiên trong thời
chiến tranh, ông không thể không phải khuôn theo xu hướng chung của nền văn học
cả nước, nghĩa là phục vụ chính trị, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng. Nhưng ngay
thời ấy, đôi khi ông cũng cho xen vào ít nhiều khía cạnh “người thường” ở những
nhân vật anh hùng. Như nữ cán bộ cách mạng Hai Tâm đa dâm, lẳng lơ trong tiểu
thuyết Mười năm chẳng hạn. Tác phẩm
này vì thế đã từng bị phê phán kịch liệt. Thậm chí dân Hà Đông còn kéo đến phản
đối tác giả, cho là ông đã bôi nhọ người quê mình.
Còn những tác phẩm
như Truyện Tây Bắc, Tuổi trẻ Hoàng
Văn Thụ, Kim Đồng, Vừ A Dính, Miền Tây thì đúng là chuyện anh hùng.
Nhưng ông tự đánh giá chỉ có những trang tả cảnh miền núi là đáng kể, ngoài ra
không có gì đặc sắc. Cảnh chiến đấu viết không bằng cảnh phong tục.
Nhưng truyện Tô Hoài viết
sau 1975, nhất là sau 1986, mới thực sự là Tô Hoài: Chiều chiều, Cát bụi chân ai, Ba người khác,
Giấc mơ ông thợ dìu... Chuyện đời thường, người thường nổi trội hẳn lên.
Nhưng thường mà vẫn lạ mới là văn Tô Hoài. Phát hiện những cái lạ trong những
chuyện vặt vãnh đời thường chính là chỗ sắc sảo, lọc lõi, tinh quái của ông. Vì
thế tôi gọi Tô Hoài là “Nhà văn của chuyện lạ đời thường”.
Nhớ hồi ông làm nhóm
trưởng nhóm nghiên cứu một đề tài khoa học (đề tài “Văn hoá và phát triển”), có
Hoàng Ngọc Hiến, Vương Trí Nhàn, Ngọc Trai tham gia. Hoàng Ngọc Hiến kể rằng,
ông đưa Ngọc Trai vào chẳng qua là để tổ chức những bữa liên hoan cho tốt, vì
Ngọc Trai người Huế, nấu ăn rất giỏi. Mỗi lần họp nhóm, Hiến để ý thấy ông tỏ
ra khó chịu khi anh đến đúng giờ. Rút kinh nghiệm, lần sau anh đến muộn, quả nhiên
thấy ông tươi vui hẳn lên. Đúng ông rất ghét quan trọng hoá. Đến đúng giờ tức
là quan trọng hoá. Chắc hẳn, ông nghĩ, làm khoa học ở cái nước này là chỉ làm
chơi, cốt tiêu tiền nhà nước cho vui thôi mà. Có gì quan trọng đâu!
Đối với chuyện viết văn,
Tô Hoài cũng không hề quan trọng hoá: Viết văn khó, nói thế thì đúng, nhưng nói
là một nghề đặc biệt khác thường thì không phải. Cũng như các nghề khác thôi,
như làm ruộng, làm mộc, làm rèn hay chài lưới vậy thôi. Ông không tán thành tác
phong tài tử, viết phải đợi có cảm hứng. Tại sao không làm như các nghề bình
thường khác vẫn làm! Không hứng cũng cứ viết. Còn viết hỏng, bỏ đi, lại là
chuyện khác.
Mà nghề văn đâu phải là
nghề khổ nhất. Nguyễn Vỹ làm thơ: “Nhà văn Annam khổ như chó”. Nguyễn Vỹ có
bằng tú tài, hắn có khổ gì lắm đâu !
Nhiều nghề khác khổ hơn
chứ!.
Nhưng đã là nghề thì phải
học nghề. Nhiều anh viết chưa có nghề. Phải chuyên môn hoá, thành nghề hẳn hoi.
Đừng viết nhiều thể văn khác nhau. Làm chơi thì được, như thỉnh thoảng ông có
làm thơ. Nhưng làm thật thì không nên. Về mặt học thì Tô Hoài rất chịu khó. Cái
học nhà trường của ông không nhiều, nên ông phải gắng tự học. Ông học tiếng
Pháp Nam Cao. Ông có bà dì tên là Phượng dạy trường Tiểu học tư thục Công Thành
ở dốc Tam Đa. Nam Cao cũng dạy ở đấy. Bà Phượng (nguyên mẫu của nhân vật Oanh
trong Sống mòn) giới thiệu Nam Cao dạy tiếng Pháp cho Tô Hoài. Lúc ấy trò đã có
tên tuổi rồi, mà thày thì chưa.
Hồi Pháp thuộc, đọc thư
viện lớn ở Tràng Thi, phải có bằng thành chung (diplôme). Tô Hoài chỉ mới học
hết cấp tiểu học. Ông đến Vũ Ngọc Phan nhờ giới thiệu với thư viện Hà Nội để
đọc sách. Vũ Ngọc Phan có một biệt thự ở Thái Hà ấp. Phan nói cứ đến đọc sách ở
thư viện riêng của ông, ông hướng dẫn cho. Tô Hoài thành ra rất thân với gia
đình Vũ Ngọc Phan, nhiều khi cùng ăn cơm với gia đình. Nhà Vũ Ngọc Phan cũng
gần nhà cụ Lê Dư - Sở Cuồng là bố vợ của Phan. Mấy chị em Hằng Phương, Hằng
Huân, Hằng Phấn… con cụ Lê Dư đều rất đẹp. Các cô ngồi xe nhà đi học, bao nhiêu
thằng bám theo. Bọn Đinh Hùng ghen với Tô Hoài về cái số may mắn của ông. Nhưng
lúc bấy giờ Tô Hoài chỉ là một chàng trai nhà quê, mặc áo dài thâm, đi guốc, ăn
thua gì! ở nhà Vũ Ngọc Phan, Tô Hoài đọc được nhiều tiểu thuyết Pháp.
Ông cũng chịu khó đọc tác
phẩm của các nhà văn khác, đọc cả sách lý luận phê bình, sách văn học sử, đọc
từ Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Đăng Mạnh đến Phong Lê, Trần Hữu Tá, đọc cả
Văn Giá… Đọc và có nhận xét hẳn hoi.
Đến thời kháng chiến, lên
Tây Bắc, để hiểu người H’mông, ông học tiếng H’mông. Một lần đi cùng vợ chồng A
Phủ từ Phù Yên lên Điện Biên, ông vừa đi vừa học tiếng H’mông. Ông còn đọc
nhiều sách nghiên cứu về các dân tộc H’mông, Mán, sách về tục ngữ Mường… Nguyễn
Tuân cũng đi Tấy Bắc, nhưng theo Tô Hoài, chủ yếu là đi xem vườn hoa cây cảnh,
còn ông mới đi sâu nghiên cứu các dân tộc, tuy bên cạnh đó cũng có thú giang
hồ, xê dịch, thú exotique chẳng kém gì Nguyễn Tuân.
Ông đặc biệt rất chú ý
học chữ. Ông chê nhiều người viết văn bây giờ thiếu chữ và dùng chữ rất ẩu.
Nhiều chữ họ không hiểu. Làm văn thì phải học chữ. Có cách học và chịu khó thì
lúc nào cũng học được. Ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú về những từ tế nhị như
những từ chung quanh chuyện ăn, uống, chết… Ông cho nên biên soạn một cuốn từ
điển về từ ngữ các nghề nghiệp. Ông thấy tiếng Việt ta có chữ “ăn nằm” rất hay,
tránh nói thô. Ông phân biệt “mồm” với “miệng”. Nói “miệng’ sang hơn nói “mồm”.
Cờ nhà chùa thì phải gọi là cờ “điều” chứ không phải là cờ đỏ, sơn đen thì phải
gọi là sơn “then”, quần đen thì phải gọi quần “thâm”… Ông khoe học được một từ
nghề nghiệp mới: “thầy dìu”. Thầy dìu là thầy dạy khiêu vũ, dìu dắt (entrainer) người tập khiêu vũ.
Theo ông “tai vách mạch
rừng” vốn là “tai vách mạch dứng”. Còn “run như cầy sấy”, Xuân Diệu cho đúng ra
phải là “run như cây sậy” . Nhưng Tô Hoài cho thế là Tây nói chứ không phải ta
nói…
Có một chuyện rất vui là,
vào những năm 60 của thế kỉ trước, Phạm Văn Đồng có đề xướng một cuộc vận động
gọi là “Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt”. Ông triệu tập một số nhà văn,
nhà ngôn ngữ đến trao đổi về vấn đề này. Tô Hoài không được mời vì bị coi là viết
sai tiếng Việt, sai ngữ pháp, nghĩa là vi phạm vào sự trong sáng của tiếng Việt
(!). Chính Tô Hoài nói cho tôi biêt chuyện này).
Tô Hoài chủ trương chỉ
viết về cái gì đích thân mình có sống, có quan sát được, viết bằng thực tế và
tình cảm của mình, không thích viết những cái chỉ nghe người khác kẻ lại. Một
đầu óc rất tỉnh táo, chỉ tin ở sự thể nghiệm của bản thân mình. Ông đi cải cách
ruộng đất bốn lượt, từng làm đội phó phụ trách toà án. Vậy mà ông kết luận trái
hẳn với đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn: “Cơ sở cách mạng trước 1945
phải là trung nông trở lên, chứ dựa vào bần cố nông, nó đói, nó “bán” cách mạng
ngay”.
Viết văn, Tô Hoài không
băn khoăn về chuyện thể loại, chỉ cốt nói được rõ ràng ý định của mình. Nhưng
tôi thấy dù viết tiểu thuyết, truyện ngắn hay ký, dù viết về đề tài gì, tác
phẩm của ông cũng có tính chất hồi ký, tự truyện – Hình như ông có một thói
quen có thể gọi là tư duy – hồi cố hay cảm hứng hồi tưởng.
Tô Hoài nói, ông tán
thành quan niệm của A. Maurois rằng sự thật của quá khứ khi hồi tưởng lại không
tách biệt với cái hiện tại – quá khứ, hiện tại lẫn vào nhau như là đồng hiện vậy.
Tôi đọc bài ký Ông già ở Agra, thấy
đúng như thế. Tôi rất thích tác phẩm này của ông. (André Maurois đề tựa cuốn Đi
tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, có câu: “Sự cặp đôi cảm giác hiện tại
với kỉ niệm sống lại đối với thời gian, cũng chính là kính hội tụ đối với không
gian”).
Tô Hoài cho viết truyện
thì phải lấy nhân vật làm gốc. Chữa văn là chữa nhân vật. Thừa hay thiếu cũng
là từ nhân vật. Ông tán thành kinh nghiệm của Fadéev: “Viết một câu, rồi câu
thứ hai, câu thứ ba cùng đều đều như câu đầu tiên tức là tuột dần vào một thứ
tẻ nhạt khó chịu. Phải tránh đặt câu giống nhau, phải làm sao cho câu văn nổi
bắp, nổi gân lên”. Phải viết sao cho người ta đọc văn mình, đọc đi đọc lại, vẫn
thấy hay. Có truyện đọc lần đầu thấy hay. Đọc lại không thấy hay nữa. Văn phải
đọc đi đọc lại, phải thử đi thử lại mới đáng tin.”
Tô Hoài đi nhiều, xê dịch
còn hơn cả Nguyễn Tuân. Trước cách mạng tháng Tám, ông đã đi khắp Bắc Trung
Nam. Vừa đi vừa viết. Bài gửi về cho nhà Tân Dân, và nhận nhuận bút qua bưu
điện. Ông cho biết, truyện Trăng thề viết ở Dầu Tiếng… Nhưng ông cho rằng, mỗi
người có một quê hương. Đi khắp nơi để lại càng hiểu sâu hơn quê hương mình.
Vậy là thực tế tự nhiên và những vui buồn của quê hương ông vẫn là nguồn chất liệu
chính đã bồi đắp nên tâm hồn các nhân vật của ông và những trang viết của ông.
Ông vẫn là nhà văn của Nghĩa Đô, của sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức – Ông là Tô
Hoài.
Tô Hoài còn có một trí
nhớ tuyệt vời. Ông lên Đà Lạt viết Chiều
chiều, không đem theo một tài liệu nào hết. Viết xong về nhà mới kiểm tra
lại tư liệu. Ông không thích trực tiếp nói tình cảm của mình, muốn nói tình cảm
qua những cái mình mô tả.
Có người xui ông viết
tiếp Dế mèn phiêu lưu ký. Ông
nói, tôi không viết. Tôi không dại như Lưu Trọng Lư, viết Tiếng thu II, Tiếng thu III, chẳng ra gì cả. Đúng là Tô Hoài rất
tỉnh. Nhìn người khác hay nhìn mình đều rất tỉnh. Tỉnh đối với mình, không dễ
đâu!.
Tô Hoài quê ở làng Cát
Động, huyện Thanh Oai, Hà Đông. Nhưng sinh ở Nghĩa Đô. Mãi đến năm 20 tuổi mới
về quê nội. Mà cũng chỉ thỉnh thoảng thôi. Ông thân sinh bỏ đi Sài Gòn biền
biệt từ khi ông còn nhỏ. Nhà có khung cửi. Ông cũng biết dệt. Nghĩa Đô có nghề
dệt lĩnh, dệt lụa và làm giấy. Ông lớn lên trong cảnh tàn tạ của làng quê. Nghề
dệt, nghề giấy đều lụi dần. Năm đói (1945) người chết la liệt. Nội thành được
phát bông gạo. Nghĩa Đô thuộc ngoại thành nên tuy chỉ cách có một con đường mà
cả làng chết đói – người ta chỉ phát bông gạo tới Thuỵ Khuê thôi.
Đấy, quê hương, nơi đi về
của kí ức ông là như thế. Cho nên truyện củaTô Hoài nói chung là buồn. Chuyện
nhà, chuyện cửa, chuyện làng xóm đều buồn. Toàn kí ức buồn. Mà kí ức tuổi thơ
bao giờ cũng sâu đậm và lâu bền nhất. Bản thân ít được học. Lang thang lêu lổng,
bắt chim, đúc dế… Lớn lên, có thời gian làm anh bán hàng cho hiệu giầy Ba ta,
mỗi tháng đâu được dăm, sáu đồng. May mà có nghề làm văn, làm báo là cái nghề
không cần vốn liếng gì, cũng chẳng cần bằng cấp để bám vào. Nhưng cũng như
Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân…, Tô Hoài thuộc loại nhà văn lăn lộn
với đời. Có thể nói là “rất bụi”, khác hẳn với cánh viết văn, làm báo sang
trọng như Nhất Linh, Khái Hưng, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Lương Ngọc hay có trí thức
như Nguyễn Tuân, Đoàn Phú Tứ, Thạch Lam, Hoài Thanh… hoặc ăn lương viên chức,
lương giáo học như Nguyễn Công Hoan, Bùi Hiển… Thời trước, loại làm văn làm báo
như thế, xã hội viên chức nền nếp, sạch sẽ rất khinh bỉ, cho là loại vô học, vô
nghề nghiệp… Nhưng cuộc sống như thế lại là cái vốn liếng độc đáo của họ mà các
cây bút kia không có.
Tô Hoài là nhà văn của
đời thường, người thường, chuyện thường, và ông cũng thích sống như một người
thường. Mình là gì mà cao đạo! Mà cần gì phải cao đạo! Cho nên đời cho hưởng
cái gì, hưởng cái đó, không chê – chắc ông nghĩ thế !.
Về mặt này, ông cũng
chẳng dấu tôi điều gì. Và tôi cũng tranh thủ hỏi ông một cách thoải mái:
- Gái H’mông thế nào?
- Anh đã biết mùi đầm bao
giờ chưa?
- Hồi cải cách ruộng đất,
cán bộ hủ hoá thoải mái. Anh thì sao? – Nguyễn Khải cho tôi biết, anh có chuyện
với L.M. Có đúng không? Tô Hoài trả lời cũng rất thoải mái:
- Gái H’mông nguy hiểm
lắm! Nó ngủ với cán bộ, hôm sau đi khoe cả làng, cả bản. Nhiều anh bị kỷ luật,
có anh bị xử bắn vì chuyện ấy.
- Tây đầm nó quần nhau,
đùa nhau rất mệt. Ta không chịu nổi. Lính tập, bồi bếp ở bên Tây, dính với đầm,
sợ lắm!
Tôi có lần sang Rumani,
có một cô phục vụ đòi hỏi ghê quá. Mình phải xin giấy chứng nhận huyết áp cao
mới thoát được.
- Hồi cải cách ruộng đất
ấy à: có! có!
- Chuyện ấy sao Nguyễn
Khải nó biết được nhỉ? Tay N.D chồng L.M có lần mắng vợ: “Đi mà ở với thằng Tô
Hoài !”.
Tô Hoài rât thích bia
rượu. Thỉnh thoảng tôi tìm đến ông, ông hay rủ uống bia. Ông yếu bụng nên cũng
hay uống rượu mạnh. Ly rượu mạnh ông chỉ làm một hơi.
Tô Hoài nay đã cao tuổi.
Sức khoẻ xem chừng ngày càng xuống. Tiểu đường thời kì thứ hai. Huyết áp không
ổn định. Lại bị gút.
Ông là một pho từ điển
sống về giới nhà văn, về đời sống muôn mặt, về kinh nghiệm viết văn. Ông là một
kho chữ nghĩa… Người như thế bây giờ là của hiếm lắm đấy!
Một trong những may mắn
của đời tôi là được tra cứu vào cuốn từ điển Tô Hoài. Không biết đến bao giờ
mới khai thác hết được. Mà ông thì tuổi đã cao, tôi cũng tuổi đã cao.
NĐM, Láng Hạ. 9. 6. 2007.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét