20/7/21

2.120. BÁNH MÌ - LƯƠNG THỰC THIẾT YẾU

 


Chiều ngày 18-7-2021, thanh niên tên Trần Văn Em, làm công nhân ở Tp Khánh Hòa vì đói bụng nên ra ngoài mua bánh mì về ăn. Trên đường, anh bị lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra, xử lý vi phạm vì cho rằng ra đường khi đang giãn cách xã hội với lí do không cần thiết, không chính đáng, đồng thời thu chứng minh nhân dân và xe máy đưa về phường. Sau khi về phường, anh được vị phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang giảng giải rằng: "bánh mì không phải lương thực, thực phẩm thiết yếu"... 

Câu chuyện ngu ngốc, ngớ ngẩn này đã lan truyền trên mạng xã hội...

***

Chỉ cần gõ từ khóa "bánh mì" lên Google chúng ta sẽ thấy có khoảng 50 triệu kết quả tìm kiếm sau 0,65 giây. 

1. Phương Tây có câu: "Nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng nửa sự thật lại là điều giả dối".

2. Tiếng Anh có cụm từ “Bread and butter” (Bánh mì và bơ) để chỉ những thứ "thực phẩm thiết yếu" của loài người. Ngoài ra còn có từ "Breadwinner" (người kiếm được bánh mì - hàm nghĩa là người trụ cột trong gia đình).

3. Ở Mỹ có khẩu hiệu "Bread and Roses" (Bánh mì và hoa hồng) để nói lên con người cần "thực phẩm thiết yếu" (vật chất) và cả yếu tố tinh thần.

4. Nhân vật Jean Valjean trong tiểu thuyết “Nhà thờ Đức Bà Paris” của nhà văn Pháp Vitor Hugo là một thanh niên nghèo. Anh chỉ chuyên làm thuê kiếm sống qua ngày để nuôi 7 đứa cháu. Càng về sau công việc càng khó khăn, các cháu anh đã phải nhịn đói mấy ngày. Trước hoàn cảnh đó, Jean Valjean đã đến tiệm bánh mì ăn cắp một miếng bánh mì nhỏ đem về cho các cháu ăn nhưng bị bắt. Người ta đã tuyên án anh 5 năm tù giam vì tội ăn cắp. Ở trong tù anh tìm cách trốn thoát nhiều lần nhưng đều thất bại, lại bị gia hạn thêm năm tù nên tổng cộng số năm anh ở trong tù là 19 năm.

5. Kinh Cựu ước có câu: bánh mì là "thực phẩm thiết yếu" Chúa ban cho loài người (theo Ru-tơ 1:6).

6. Kinh Tân ước có tích "Bữa tiệc chia ly": nói về bữa tiệc cuối cùng được Chúa Giêsu tổ chức cho môn đồ trước ngày ông bị bắt và đóng đinh trên thập tự giá. Bữa tiệc chỉ có bánh mì và rượu - ngụ ý về 2 thứ quan trọng nhất mà người muốn chia sẻ trước khi hi sinh.

7. Ngày 20/7/2016, hai thiếu niên ở Tp HCM vì thiếu "thực phẩm thiết yếu" (ĐÓI) nên quỵt 2 ổ bánh mì. Sau đó bị bắt, VKSND Tp HCM truy tố khung 3-10 năm tù về tội “chiếm đoạt tài sản” & tòa tuyên án tù giam tổng cộng 18 tháng 20 ngày.

8. Ngày 19/7/2021, một thanh niên vì thiếu "thực phẩm thiết yếu" (ĐÓI) nên đi mua 2 ổ bánh mì giữa lúc giãn cách, bị phó CT phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang (Khánh Hòa) Trần Lê Hữu Thọ ra lệnh thu giữ giấy tờ, xe máy vì đi mua bánh vì không phải là việc thiết yếu. Sau đó pct này còn giảng giải rất chi là "biện chứng" rằng "bánh mì không phải lương thực, thực phẩm thiết yếu, nó chỉ là món ăn…".

9. Việt Nam có câu thành ngữ mới: "Ra đường kiếm bánh mì" để chỉ đám người "lợi dụng chức vụ và quyền hạn" kiếm ăn bằng vòi vĩnh người đi đường, chủ yếu là cánh tài xế - tất nhiên bọn người "Ra đường kiếm bánh mì" này không đến mức ĐÓI vì thiếu "thực phẩm thiết yếu"...


***

Tôi sẽ không kết luận bánh mì có phải là thứ lương thực thiết yếu hay không vì điều đó là thừa. Tôi chỉ trích xuất tản mạn các nhu liệu về bánh mì để bạn đọc tham khảo và tự kết nối thành câu chuyện của mình, ngay tại xứ ta.

Dường như mấu chốt câu chuyện xứ ta là:

1. Trình độ quan chức thấp kém, luôn gây phiền hà nhũng nhiễu thái quá cho dân. Bi kịch của chúng là không biết mình ngu dốt nên tự khoe cái dốt lên mạng.

2. Kẻ ngu dốt thường ngoan cố và không nghi ngờ; hắn biết tất cả mánh khóe - ngoại trừ sự ngu dốt của chính mình (vậy nên tên phó ct này mới quay video câu chuyện và tự khỏe thành tích lên facebook của hắn). Đáng thương cho nền chính trị đã đưa những kẻ như thế này vào ghế quản lý xã hội. Nghe nói sau vụ việc này, chính quyền Tp Nha Trang, Khánh Hòa còn ra một văn bản liệt kê danh mục các loại “thực phẩm thiết yếu” để hàng quan chức dốt nát của mình khỏi vi phạm.

3. Và cuối cùng là dường như giữa người đi mua bánh mì hoặc đi lao động để kiếm bánh mì và kẻ “Ra đường kiếm bánh mì” (như trong câu thành ngữ trên) là có sự xung đột...

Tùy bạn kết nối.



 

 

Không có nhận xét nào: