29/7/21

2.127. XUYÊN TÂM LIÊN

                      Mộc Nhân



Ngày đẹp trời mùa Covid thứ IV, 24/7/2021, Bộ Y tế ra Công văn số 5944/BYT-YDCT đưa thuốc Xuyên Tâm Liên cùng với 11 bài thuốc cổ truyền giúp phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19 với căn cứ: “Một số nước đã đưa vào điều trị và cũng thấy hiệu quả nên chúng ta có thể đưa vào điều trị thể nhẹ kết hợp cùng nâng cao thể trạng, dinh dưỡng". Đến ngày 26/7, Bộ Y tế ban hành công văn số 5967/ BYT-YDCT thu hồi Công văn số 5944/BYT-YDCT nói trên vì ngay sau khi văn bản được phát hành, nhiều dược sĩ đã lên tiếng phản ứng cho rằng hiện chưa có các nghiên cứu cụ thể nào về việc sử dụng các loại thuốc cổ truyền này trong hỗ trợ điều trị COVID-19. Có thể nói công văn này đã làm sống dậy cái tên Xuyên Tâm Liên ngỡ đã quên lãng từ lâu.

Bài viết này ghi lại những ký ức về Xuyên Tâm Liên, không đề cập đến vấn đề chuyên môn.

***

Nhớ hồi thập kỷ 80, thời còn là sinh viên, đau ốm kiểu chi cũng chạy xuống phòng y tế nhà trường xin thuốc và trong toa thuốc luôn có "Xuyên tâm liên" - thuốc dạng viên nén hình tròn như cúc áo, màu đất mốc, vị đắng.

Ngày đó kiến thức y học có bao lăm, nền y tế nước nhà sau chiến tranh cũng khó khăn, đời sống xã hội khốn khổ, đâu có quyền lựa chọn. Sinh mạng con người phó thác cho “đồng chí bao cấp” nên có chi dùng nấy…

Ngay cả bản thân mình giờ đây cũng đã quên mất loại thuốc Xuyên Tâm Liên này dù rằng đã dùng nhiều. Chỉ còn nhớ là vị của nó rất đắng và công dụng của nó là "bá bịnh", xem như là “thần dược”.

Đau bụng: Xuyên tâm liên. Đau đầu: Xuyên tâm liên. Khó thở: Xuyên tâm liên. Nhức mỏi: Xuyên tâm liên. Nghẹt mũi: Xuyên tâm liên. Ung nhọt: Xuyên tâm liên. Cảm cúm: Xuyên tâm liên. Sốt rét: Xuyên tâm liên. Giun sán: Xuyên tâm liên ...

Đi kèm với "Xuyên Tâm Liên" là “Bạch Địa Căn” nhưng "Xuyên Tâm Liên" được nhắc đến nhiều hơn, “Bạch Địa Căn” có vẻ mờ nhạt.

Sau này, bạn bè lúc rảnh rỗi ngồi kiếm chuyện, giễu nhại thêm: Thất tình, Tâm thần, Đói ăn: cũng dùng Xuyên Tâm Liên...

Lại đặt thêm cái tên cho nhân viên y tế cấp xã phường, cấp trường là: "Bác sĩ Xuyên Tâm Liên”.

Mà ngẫm ra cũng có phần đúng. Vị đắng kinh hồn của nó khiến không có con giun sán nào chịu nổi nên nó có công dụng tẩy giun. Vị đắng của nó khiến thần kinh chuyển hướng tập trung vào vị giác nên tạm quên đi cơn đau đầu. Khó thở uống Xuyên Tâm Liên vào, vì đắng quá le lưỡi ra mà thở nên nhịp thở lại bình thường. Bệnh tâm thần dùng Xuyên Tâm Liên vì vị đắng của nó làm thần kinh tỉnh táo lại ngay. Uống vài viên Xuyên Tâm Liên phải kèm theo nhiều nước để giải đắng nên no bụng vì nước, vậy là nó có công dụng trị chứng đói… he he. 

Thuốc đắng như thế nên dân gian đặt tên cho nó là “thuốc mặt nhăn” – dầu sao thì thuốc đắng dã tật, có còn hơn không; không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang – có chết ai đâu mà sợ.

Chỉ có đàn ông yếu sinh lí là chưa nghe nói dùng Xuyên Tâm Liên. He he.

***

Đám sinh viên nghịch ngợm chúng tôi có nhiều chuyện cười thú vị về “Xuyên Tâm Liên”:

Một cậu sinh viên xuống phòng y tế:

- Chị cho em xin một ít thuốc Xuyên Tâm Liên

Cô nhân viên y tế hỏi lại: “Em đau chi mà xin Xuyên Tâm Liên?”.

- Chừ em có khai bệnh chi chị cũng cho Xuyên Tâm Liên. Thôi khỏi khai báo, chỉ xin thuốc.

 Thời bếp ăn tập thể cho sinh viên chỉ có canh rau lễnh loãng; một bữa nọ anh em hè nhau không ăn nữa và kéo nhau xuống phòng y tế xin thuốc “Xuyên Tâm Liên” với lí do nhà bếp nấu ăn mất vệ sinh gây ngộ độc, tiêu chảy. Cả trăm người như thế gây áp lực lên y tế và nhà trường, vậy là tuần sau bữa ăn có cá thịt tươm tất. Bạn bè gọi đó là phong trào đấu tranh “Xuyên Tâm Liên”.

Hồi đó mình chơi thân Phạm Văn Bố, hắn ta đau ốm quanh năm, bệnh hen suyễn và bệnh thận, thuốc men kiểu chi cũng không khá. Một lần hết chịu đựng, hắn xin giấy chuyển viện xuống bệnh viện đa khoa thành phố ĐN để khám và điều trị. Bác sĩ ở đây khám và cấp cho toa thuốc Tây với những loại thuốc đặc hiệu trị bệnh thận và hen - tất nhiên không có “Xuyên Tâm Liên”

Hồi đó bao cấp, được nhận thuốc miễn phí. Hai thằng mừng quá đem ra chợ thuốc Tây hỏi bán được số tiền kha khá. Lúc bấy giờ, nhớ nhất là câu hắn nói: cả xã hội ni dùng “Xuyên Tâm Liên” đâu ai chết, tau với mi bán số thuốc này ăn tiêu thoải mái dăm ngày rồi tính sau. Hắn dùng số tiền đó tẩm bổ: sáng bún bò, tối ly sinh tố trái cây, cafe lai rai... (tất nhiên tui cũng hưởng xái ít nhiều). Sau đó về phòng y tế nhà trường xin thuốc “Xuyên Tâm Liên” mà trị bệnh … 

Vài tháng sau hắn khỏe ru mạnh ù. He he.

Khi mình ra trường đi dạy miền núi luôn tích trữ thuốc “Xuyên Tâm Liên” trong ba lô - không phải để trị bịnh mà để làm hàng hóa trao đổi với người dân tộc vùng cao khi có dịp. Nhiều giáo viên công tác vùng cao cũng làm thế. Loại thuốc rẻ tiền mà có công năng trị bá bịnh này trở thành "mồi nhử" người vùng cao: một lọ “Xuyên Tâm Liên” đi kèm với cái mồm nói dẻo đeo, mị dân là có thể đổi được vài con "A tướk" (con gà), một tảng thịt lợn, trái cây ăn cả tuần không hết. Nhiều ông khéo mồm, miêng lưỡi như Tô Tần còn đổi “Xuyên Tâm Liên” lấy cả vàng sa khoáng của đồng bào Cơ Tu bằng cách thổi phồng loại thần dược này thành "kim chỉ nam cho nền y học hiện đại". 

Anh em lại đặt tên cho hiện tượng này là "giáo viên Xuyên Tâm Liên”. He he.

***

Cùng với "Xuyên Tâm Liên", xã hội ta lúc bấy giờ nháo nhào lên với “Niệu Liệu Pháp” (phép chữa bệnh bằng uống nước tiểu) được báo chí chính thống tuyên truyền, quảng bá hẳn hoi.  He he.

Đáng tiếc, quả thật đáng tiếc vô cùng, thời đại rực rỡ tên vàng “Xuyên Tâm Liên” sau 40 năm ngỡ đã trôi vào dĩ vãng, lâu nay không nghe ai nhắc tới. “Niệu Liệu Pháp” cũng phai dần như mùi nước tè để lâu cũng hết khai.

Bỗng một hôm đẹp trời mùa Covid thứ IV, nó được Bộ Y Tế cho sống lại một cách lung linh kỳ vĩ – “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

***

Nhưng hơi ngạc nhiên là khi mình ra mấy hiệu thuốc địa phương hỏi mua “Xuyên Tâm Liên” về “Hỗ trợ phòng tránh Covid 19” như khuyến cáo của Bộ Y tế, thì mấy em bán thuốc trẻ tuổi có vẻ ngơ ngẩn: "Cái tên thuốc lạ quá chú ơi". Qua chỗ khác lại nhận được câu trả lời "Quầy thuốc em không có". Có mấy chị lịch sự hơn nói: "Anh qua chỗ tiệm thuốc bắc xem có bán không".

He he.

Thuốc có bán trên mạng nhưng nghe nói sau cái Công văn 5944/BYT-YDCT thì nó đã đội giá và khan hàng - dù công văn này đã được chính chủ thu hồi.

Xuyên Tâm Liên muôn năm.

Dù sao cũng cảm ơn đồng chí Xuyên Tâm Liên đã đồng hành cùng thế hệ chúng tôi những tháng năm của một thời thổ tả.

 


Không có nhận xét nào: