5/11/23

2.970. NOBEL VĂN HỌC, GẦN VÀ XA

              Mộc Nhân 


Bài đã đăng trên Tạp chí Đất Quảng số 230/ tháng 10 năm 2023

Cứ đến tuần đầu tiên của tháng 10 hàng năm, những người quan tâm đến giải Nobel Văn chương lại hóng chờ công bố của Ủy ban Nobel về tác giả đoạt giải thưởng cao quý này. Tất cả đều bất ngờ và khó đoán định dẫu các trang đặt cược vẫn hoạt động, các diễn đàn Nobel Prize Speculation (Suy đoán giải Nobel) vẫn chia sẻ thông tin đều đặn.

Theo công bố giải mật sau mỗi 50 năm (kể từ năm tác giả được đề cử Giải Nobel Văn học), Việt Nam từng có nhà văn Hồ Hữu Tường (1910-1980) được đề cử dự giải Nobel Văn chương năm 1969. Ông có nhiều sáng tác - nghiên cứu văn học, nhiều tác phẩm về chính trị, kinh tế, triết học viết bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp. Năm 2022, chúng ta cũng được biết thi sĩ Vũ Hoàng Chương (1915-1976) cũng đã được đề cử dự Nobel Văn chương năm 1972. Dù ông xuất hiện khá muộn nhưng có nhiều dấu ấn đặc biệt cho Thơ mới với các tập Thơ say (1940), Mây (1943), Hoa đăng (1959)… Thơ ông được dịch sang các thứ tiếng Đức, Anh, Pháp. Ngoài ra, nhiều nhà văn gốc Việt như Linda Lê (1963 – 2022), nhà văn Pháp gốc Việt, lọt vào vòng chung khảo giải Goncourt 2012 – Pháp); Ocean Vuong (sinh 1988), nhà văn Mỹ gốc Việt, Giải thương Eliot TS 2017 - Hoa Kỳ); Nguyễn Thanh Việt (sinh 1971), nhà văn Mỹ gốc Việt, Giải Pulitzer 2016 - Hoa Kỳ). Tuy chưa có thông tin về việc họ có được đề cử Giải Nobel Văn chương hay không nhưng đó là những tác giả được nhắc đến trên các diễn đàn, kỳ vọng làm rạng danh nền văn chương Việt, dẫu họ sống và viết bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

***

Từ nhiều năm nay, văn học Việt Nam lại dấy lên câu chuyện khát vọng Giải Nobel Văn chương. Mới nhất là năm 2022, Hội Nhà văn Việt Nam nhận được thư yêu cầu đề cử cho giải Nobel Văn chương 2022 từ Ủy ban Nobel/ Viện Hàn Lâm Hoàng giaThụy Điển. Theo nguyên tắc bí mật, tên tác giả được đề cử phải giữ kín nên chưa biết tác giả nào của Việt Nam được đề cử. Các tên tuổi lớn lại được nhắc đến như Bảo Ninh (sinh 1952), Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021) - dẫu cho Giải Nobel không trao cho người đã mất… Và các cuộc thảo luận lại dấy lên ở cả hai chiều tích cực và tiêu cực.

Một giải Nobel Văn học (hay chỉ là lọt vào danh sách chấm chọn của Ủy ban Nobel) không chỉ là mong mỏi của giới văn chương mà của cả nhà lãnh đạo đất nước: "Tôi luôn mong ước một ngày không xa Việt Nam sẽ có nhà văn đạt giải thưởng Nobel văn chương, mang đến niềm tự hào cho đất nước. Tôi có niềm tin mạnh mẽ vào tất cả các nhà văn, tác giả trẻ hôm nay" – Lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong buổi gặp mặt các cây bút trẻ (Dẫn theo Báo Tuổi trẻ/ ngày 09-01-2022).

Phải thừa nhận là Văn học Việt Nam hiện nay đã có những bước đổi mới, có khả năng tiếp cận các hệ hình mỹ học, rộng mở hơn về đề tài, đa dạng về giọng điệu và thi pháp; cởi mở hơn trong cách phản ảnh và lý giải hiện thực… Điều này đã đem đến một sắc thái mới cho nền văn học đương đại nhờ sự hòa nhập với các nền văn hóa, văn học thế giới.

Tuy nhiên, để tiếp cận với các giải thưởng văn học khu vực hay quốc tế như giải Nobel, trước hết đó là tài năng và nỗ lực của cá nhân tác giả nhằm rút ngắn khoảng cách với văn học thế giới, được thế giới tiếp cận và chú ý. Văn Việt thường khu trú trong các đề tài quen thuộc như gia đình, quê hương, hoài cổ, tức cảnh, thế sự, chiến tranh, nỗi đau, tình người… trong mối tương quan với hiện thực đời sống, phù hợp với hiện tình đất nước qua mỗi giai đoạn. Điều đó tạo nên sự phong phú, có những giá trị nhất định về thẩm mỹ - nhân văn. Tuy nhiên, những giá trị phổ quát ở tầm nhân loại dường như chúng ta ít thể hiện hoặc có mà chưa sâu sắc. Đồng thời, những giá trị đổi mới của văn học Việt Nam thường đến muộn so với thế giới, nói thẳng thắn là đi sau, tiếp cận trong sự dè dặt

Chúng ta thử điểm lại một số tác giả Nobel Văn chương gần đây nhất cùng đánh giá của Ủy ban Nobel để thấy điều này: Năm 2016: Bob Dylan, nam ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ, được trao giải Nobel Văn học vì “đã tạo ra những cách thể hiện thơ trong truyền thống ca khúc vĩ đại của Mỹ". Năm 2017: Kazuo Ishiguro, tiểu thuyết gia Anh gốc Nhật Bản, được trao giải Nobel Văn học vì “những cuốn tiểu thuyết giàu cảm xúc, đã khám phá ra vực thẳm bên dưới cảm giác ảo tưởng của chúng ta về sự kết nối với thế giới". Năm 2019: Ủy ban Nobel trao đồng thời 2 giải vì năm 2018 do có scandal trong nội bộ nên Viện hàn lâm Thụy Điển ngừng trao năm này: Olga Nawoja Tokarczuk, nhà văn Ba Lan, đoạt giải Nobel Văn học vì "trí tưởng tượng và niềm say mê kiến thức rộng lớn, đã thể hiện những hành trình vượt qua các ranh giới như một dạng thức của sự sống”. Đồng giải 2019 là Peter Handke, tiểu thuyết gia, nhà viết kịch người Áo nhận giải Nobel Văn học vì “Tác phẩm có ảnh hưởng cùng sự khéo léo về ngôn từ đã khám phá được ngoại diên và sự độc đáo của trải nghiệm làm người”. Năm 2020: Louise Glück, nhà thơ Mỹ, đoạt giải Nobel Văn chương vì “giọng thơ không thể nhầm lẫn với vẻ đẹp khắc khổ làm cho sự tồn tại cá nhân trở nên phổ quát”. Năm 2021: Abdulrazak Gurnah, tiểu thuyết gia người Tanzania, sống và viết tại Vương quốc Anh, đoạt giải Nobel Văn chương vì “sự thâm nhập kiên định và nhân ái của ông đối với những tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa”. Năm 2022: Annie Ernaux, nữ văn sĩ người Pháp, giải Nobel Văn học 2022 vì "lòng can đảm và sự nhạy bén bên trong mà bà đã khám phá ra cội rễ, sự ghẻ lạnh bên những hạn chế của ký ức cá nhân”.

Tất cả những nhận xét trên chỉ dấu về nội dung mà ban giám khảo Giải  Nobel Văn chương quan tâm là nỗi đau nhân loại, vẻ đẹp, số phận con người trong tương quan với các giá trị phổ quát, các sự kiện mà thế giới quan tâm cùng với các giá trị hình thức, đổi mới của tác phẩm.

***

Văn chương Việt đã và đang tiếp cận các khuynh hướng như trừu tượng (abstract), lập thể (cubist), hậu hiện đại (postmodernism)… là những dạng hình nghệ thuật đặc thù thuộc trào lưu, xu hướng góp phần thay đổi diện mạo văn học. Tuy nhiên để đạt được yêu cầu đổi mới về hình thức, cùng với các giá trị mỹ học trong nội dung đồ sộ các tác phẩm với dấu ấn nào đó không thể nhầm lẫn của một tác giả, tôi nghĩ chúng ta chưa tiếp cận các tiêu chí từ Hội đồng chấm giải Nobel. Tất nhiên chẳng bao giờ có một bảng tiêu chí cụ thể cho một tác phẩm văn học đoạt giải Nobel Văn học bởi nó là một thứ phi thường đạo đạt tới bản chất tinh túy của văn chương, trong đó mỗi người đọc nhận thấy nhân loại và thời đại cùng với những thể nghiệm mới mẻ.

Ở một góc nhìn khác, tính triết học, thần học trong văn thơ Việt nhạt nhòa hơn so với văn thơ nước ngoài. Điều này do môi trường văn hóa, hệ tư tưởng của xã hội chi phối nên việc tiếp cận, kết nối, thể hiện nó là một chặng đường dài đòi hỏi những nỗ lực, học tập, tiếp biến của mỗi tác giả.

Ngoài ra phải kể đến một điều quan trọng là muốn thơ Việt đi ra với thế giới thì việc quan trọng là tác giả phải có sáng tác bằng tiếng nước ngoài hoặc dịch tác phẩm sang các ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Pháp, Đức… và phát hành bên ngoài lãnh thổ Việt Nam để nền văn học Việt được bạn bè quốc tế biết đến. Chúng ta chưa làm được điều đó một cách bài bản hoặc có làm nhưng chưa để lại dấu ấn đặc biệt nào. Tôi nghĩ người giỏi ở ta không thiếu nhưng có lẽ họ chưa khao khát làm điều này.

Cũng cần nói thêm, việc trao giải Nobel Văn chương cho một tác giả ngoài các giá trị nói trên đôi khi còn có yếu tố chính trị. Điều này là một vấn đề nhạy cảm từ phía người trao, người nhận, bạn đọc, thể chế… Tôi không lạm bàn, tuy nhiên phải thừa nhận điều ấy đã từng là lựa chọn của Ủy ban Nobel. Xin đơn cử: Nobel Văn chương 1915 được trao cho Romain Rolland để thể hiện thái độ trung lập bởi tác giả đã viết loạt tác phẩm ở cả hai phe tham chiến là Pháp và Đức trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Năm 1947, André Gide, khi được trao tặng giải này đã khẳng định, ông được giải nhờ tư tưởng bài chính sách thực dân nhiều hơn là nhờ tài năng văn học. Năm 1958, Boris Pasternak, nhà văn Nga được trao Nobel Văn học nhưng trước đó, những cuốn sách nổi tiếng của ông không được xuất bản tại Liên Xô. Khi công bố giải, ông cũng từ chối nhận vì những áp lực chính trị…

***

Năm 2023, Giải Nobel Văn học đã thuộc về Jon Fosse, tác giả người Na Uy “Vì những vở kịch và văn xuôi đầy mới mẻ đã lên tiếng cho điều không thể nói được”. Các tác phẩm đồ sộ của Jon Fosse bao gồm nhiều thể loại: kịch, tiểu thuyết, thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi và dịch thuật đầy sáng tạo, mới mẻ. Trong một bài viết nhàn đàm chúng tôi không thể đánh giá cùng với những trích dẫn vừa đủ về tác giả lớn này, chỉ có thể tóm tắt thành tựu của ông qua mấy nét chính:

Về kịch: ông xây dựng các tình huống nổi loạn, gây cảm xúc mạnh mẽ qua các chủ đề: tự tử, sợ hãi, ghen tị tột độ… trong hầu hết các vở kịch đồng thời giảm thiểu ngôn ngữ và hành động kịch tính, thay vào đó là thể hiện nội tâm bằng những cụm từ đơn giản, lấy trong đời sống.

Về văn xuôi: ông sáng tạo những câu chuyện tàn khốc về tình yêu và bạo lực, mang lại khả năng tiếp cận sâu sắc, gần gũi, liên quan đến thần thánh nhưng hài hước, mạnh dạn chạm vào những tổn thương của con người để đưa họ đến những trải nghiệm xúc cảm mới; dũng cảm trong việc cởi mở với những bất ổn và lo lắng của cuộc sống hàng ngày nằm đằng sau những giá trị đặc biệt đã được công nhận.

Về thơ: Jon Fosse thiên về hướng nội, gần với thiền và các màu sắc tôn giáo, mang sức hấp dẫn của chủ nghĩa nhân văn cơ bản. Yếu tố trữ tình đậm chất trong ngôn ngữ thi ca.

***

Hiện chúng ta đang khao khát một Nobel Văn học nhưng nhìn lại những gì đã điểm trên, tôi và các bạn đều nhận thấy đó là một hành trình còn ở phía trước. Và chúng ta không chờ cơ chế hay bất cứ điều gì khác để có được cái mà chúng ta kỳ vọng cho nền văn học của mình. Nói như nhà văn  nữ người Mỹ, Toni Morrison, Nobel Văn học 1993: “Nếu có một cuốn sách bạn muốn đọc nhưng nó chưa được viết ra, thì bạn phải viết nó” (If there’s a book that you want to read, but it hasn’t been written yet, then you must write it).




Không có nhận xét nào: