“Tributaries” (1) trích trong tập “A Village Life” của Louise Glück. Bài thơ mang đến cho độc giả những cảm xúc thâm trầm về các trạng thái tâm lý cá nhân và xã hội thông qua những câu chuyện vụn vặt diễn ra quanh ngôi làng nơi bà đang sống. Không gian này vừa thực tế vừa mang tính ám dụ xã hội. Những mẩu chuyện thật ngắn, thật nhỏ, đôi khi giản đơn qua góc nhìn người tường thuật nhưng ẩn chứa những diễn biến tâm lý phức tạp, tinh tế mang nhiều ý nghĩa hơn những gì được trình bày.
NHỮNG CON ĐƯỜNG GIAO CẮT
Mộc Nhân dịch (2)
Nguyên tác: “Tributaries”, from “A Village Life”, by Louise Glück
Mọi con đường trong làng đều giao cắt ở đài phun nước.
Đại lộ Tự do, Đại lộ Cây keo –
Đài phun nước nhô lên ở trung tâm quảng trường;
những ngày nắng, cầu vồng có trong nước tiểu của bọn trẻ.
Vào mùa hè, các cặp đôi ngồi bên bờ hồ.
Có gian phòng trong khu hồ lắp nhiều tấm kính phản chiếu
Quảng trường gần như trống vắng,
Hàng keo không trồng nơi chỗ xa này.
Đại lộ Tự do trông xấu xí và khắc khổ;
hình ảnh của nó không soi bóng nước.
Xen lẫn trong các cặp đôi, mấy bà mẹ dắt theo con nhỏ
Họ đến đây để trò chuyện với nhau,
Dường như để hóng một chàng trai,
để xem liệu họ còn chút xuân sắc nào không.
Khi họ nhìn xuống, một khoảnh khắc buồn:
mặt nước không khích lệ chút nào.
Những người chồng đang nghỉ giữa ca
nhưng bằng một phép màu nào đó
tất cả những chàng trai đa tình luôn rảnh rỗi
Họ ngồi bên bờ đài phun nước, nghịch nước người yêu
và dòng nước phun ra.
Quanh đài phun đặt những cái bàn kim loại
Đây là nơi dành cho người già
cách xa độ phun của tia nước.
Đài phun dành cho giới trẻ, họ vẫn muốn ngắm bản thân
Hoặc dành cho những bà mẹ, giữ những đứa con hiếu động
Một vài người già ngồi nán lại ở bàn.
Cuộc sống lúc này thật đơn giản: bữa nay cognac, bữa khác
cà phê và thuốc lá.
Các cặp đôi, thể hiện rõ
ai sống ở ngoại ô, ai ở trung tâm
Trẻ con khóc lóc, có khi giành đồ chơi.
Nhưng kia là hồ nước, nhắc nhở các bà mẹ rằng
họ phải chú ý những đứa trẻ,
Để chúng chết đuối sẽ rất khủng khiếp.
Mẹ thường xuyên mệt mỏi, lũ con luôn giành giật
Các ông chồng lo làm việc hay giận dữ.
Không có chàng trai trẻ nào đến.
Những cặp đôi tựa như bóng hình thuở xưa xa
một tiếng vọng mơ hồ từ những ngọn núi.
Họ cô đơn tại đài phun, trong một cái giếng tối.
Họ đã bị đày ải bởi thế giới hy vọng,
đó là thế giới của hành động,
nhưng thế giới suy tư vẫn chưa mở ra với họ.
Khi nó mở ra, mọi thứ sẽ thay đổi.
Bóng tối buông xuống, quảng trường thưa vắng.
Những chiếc lá đầu thu lác đác rơi trên đài nước.
Những con đường không còn giao cắt nơi đây nữa;
Đài nước xua chúng về những ngọn đồi, nơi chúng đến.
Đại lộ Thất Tín, Đại lộ Thất vọng,
Đại lộ Cây Keo, Đại lộ Ô-liu,
Gió cuốn lá bàng bạc,
Đại lộ Mất Thời gian, Đại lộ Tự do kết thúc nơi đá chặn
không phải ở rìa cánh đồng mà ở chân núi.
------------------------
(1). Tributaries: nghĩa gốc là những phụ lưu, những nhánh
sông. Thực ra trong bài không có hình ảnh dòng sông và nhánh sông nào cả, nên
có thể hiểu tựa đề này nghĩa mở là những con đường nhỏ trong làng hội tụ (giao cắt) về một
điểm trung tâm. Tác giả nêu những tên con đường trong bài thơ cũng
mang ý nghĩa ẩn dụ tượng trưng cho những lối rẽ, những trạng thái, số phận của
con người thông qua một lăng kính xã hội thu nhỏ.
(2). Nguồn Anh ngữ: newyorker.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét