“At The River” trích trong tập “A Village Life” của Louise Glück. Bài thơ này khá dài, kể lại những câu chuyện trong gia đình tác giả và sự biến đổi tâm sinh lý của một cô gái thành một người phụ nữ qua các chi tiết tự sự bình dị (1).
BÊN SÔNG
Mộc Nhân dịch (2)
"At The River”, from “A Village Life” by Louise Glück
Đêm mùa hè năm ấy mẹ tôi quyết định
đã đến lúc kể cho tôi nghe điều mà bà gọi là lạc thú,
mặc dù bạn có thể nhận ra bà có chút khó khăn
về nghi lễ này, bà cố gắng che giấu
bằng cách, trước hết là nắm lấy tay tôi
như thể có ai đó trong gia đình vừa qua đời –
Bà tiếp tục nắm tay tôi mà nói
tựa như bài phát biểu về kỹ thuật máy móc
hơn là một cuộc trò chuyện về khoái lạc.
Tay kia bà cầm một cuốn sách
hiển nhiên bà đã lấy những ý chính trong đó.
Bà cũng từng trình bày với người khác,
tương tự như với hai chị em tôi.
Lúc nào cũng là cuốn sách đó, màu xanh đậm,
mặc dù mỗi chúng tôi đều có giữ bản sao.
Ngoài bìa sách có một nét vẽ
hai bên là một đàn ông và một đàn bà nắm tay nhau
nhưng đứng cách nhau về hai phía
của con đường đất lầy.
Có thể thấy rõ là bà và bố tôi không có tiếng nói chung
cho những gì họ đã làm
qua đó, điều mà tôi có thể đánh giá, đấy không phải là khoái lạc.
Đồng thời, bất cứ điều gì níu giữ con người bên nhau
có thể khó giống những hình nét đen trắng lạnh lùng kia.
Nó gợi ý rằng trong số những điều
mà bạn có thể đạt được khoái cảm
chỉ có thể là với một người khác giới.
Vậy nên bạn không thể có hai lỗ mà không có phích cắm (*).
Không có buổi học ở trường
tôi trở về phòng và đóng cửa lại
mẹ tôi vào bếp
nơi bố tôi đang tự rót những ly rượu cho ông
và vị khách vô ảnh của ông
là ai - thật ngạc nhiên – vô hình tướng.
Không, chỉ có bố tôi và bạn của ông là Thánh Linh (3)
tiệc tùng suốt đêm cho đến khi cạn chai,
rồi bố tôi ngồi nán ở bàn
với một cuốn sách mở trước mặt.
Để không làm vị Thánh ngượng ngùng
một cách khéo léo, bố tôi nâng cả hai ly lên
ly đầu tiên là của ông, ly kia của người,
rồi uống qua lại, cứ thế hàng đêm.
Lúc đó tôi đã rời nhà.
Mùa hè; bạn bè tôi thường gặp nhau ở bên sông.
Mọi chuyện dường như thật lúng túng
mặc dù sự thật là, ngoại trừ bọn con trai,
có lẽ chúng tôi chả hiểu gì về máy móc (*).
Bọn con trai đều có chìa khóa để sẵn trong tay (*)
nhiều người trong số họ cho biết,
nếu muốn, họ đều biết sử dụng (*)
một cậu nói điều này, những cậu khác cũng nói vậy,
và tất nhiên dẫu cho mọi người đều có anh hay chị.
Chúng tôi ngồi bên bờ sông nói chuyện chung về bố mẹ
còn chuyện tình dục thì riêng.
Và rất nhiều thông tin đã được chia sẻ,
tất nhiên chủ đề này vô cùng thú vị.
Tôi cho mọi người xem cuốn sách “Hôn nhân lý tưởng” (4)–
tất cả chúng tôi đều phá lên cười vui vẻ.
Một đêm nọ, một cậu mang đến chai rượu
và chúng tôi chuyền nhau một thoáng.
Mùa hè ấy, càng lúc chúng tôi càng hiểu
rằng có điều gì đó sắp xảy ra
nó sẽ thay đổi chúng tôi.
Và lũ chúng tôi, từng gặp nhau theo cách này,
sẽ tan rã, giống như một cái vỏ sò mở ra (*)
để con chim có thể xuất hiện (*).
Tất nhiên chỉ có hai con chim đang hiện hình thành đôi.
Chúng tôi ngồi trong đám lau bên sông
ném những viên đá nhỏ. Khi những viên đá chạm vào,
bạn có thể thấy muôn vì sao lóe lên trong một giây,
vỡ òa những quầng sáng nhỏ lung linh rồi tắt lịm.
Có một cậu trai, tôi bắt đầu thích,
không phải để tâm tình mà chỉ để ngắm.
Tôi thích ngồi phía sau cậu ấy để đắm nhìn sau gáy.
Lúc sau chúng tôi cùng đứng dậy
và đi xuyên màn đêm trở về làng.
Phía trên cánh đồng, trời trong,
sao khắp mọi nơi, như dòng sông,
mặc dù đây là những ngôi sao thực,
thậm chí những ngôi sao tắt lịm cũng thật.
Nhưng những ngôi sao dưới mặt sông –
chúng dường như lóe lên vài ý tưởng
rồi bỗng nhiên bùng nổ thành ngàn ý tưởng,
có thể là ảo, nhưng bằng cách nào đó lại như thật.
Khi tôi về, mẹ đã ngủ, bố vẫn còn ở bàn đọc sách
Tôi nói, người bạn của bố đã đi rồi à?
Ông nhìn chằm vào tôi một lúc,
rồi nói: Mẹ và bố thường uống với nhau một ly rượu vang
sau bữa cơm tối.
------------------
Chú thích:
(1). Bài thơ văn xuôi này khá dài, kể lại
những câu chuyện cá nhân cuả tác giả như mối quan hệ không cùng tiếng nói giữa
cha và mẹ nhưng giấu kín với con cái, người cha hoang tưởng, lập dị, người mẹ
giáo dục giới tính cho con, sự biến đổi tâm sinh lý của một cô gái thành một
người phụ nữ với tất cả những biểu hiện qua các chi tiết tự sự bình dị. Vậy điều
gì khiến bài thơ này và những câu chuyện của nó trở nên sâu sắc. Theo tôi, nó
khác với thơ ca truyền thống: tác giả đã thể hiện nó bằng hình thức phi thơ ca
(unpoetical), đơn giản (plain) và tính giải cấu trúc (deconstructive). Nếu bạn
không quen phong cách này, nó có thể gây ra sự nhàm chán bởi khó hiểu. Tất
nhiên không phải ai cũng cảm nhận như thế. Những chi tiết trong bài thơ pha trộn
các cảm xúc ở người đọc, đôi khi tức cười, tiếc nuối, buồn bã và có cả yếu tố
tâm thần phân liệt. Có vài hình ảnh ngôn từ khá kín đáo khi tác giả đề cập đến
vấn đề tâm sinh lý của tuổi mới lớn.
(2). Nguồn: newyorker.com
(3). Trong nguyên tác là từ “Holy Ghost” dùng để chỉ Đức Thánh Linh. Từ này đồng nghĩa với "Holy Spirit" (đôi khi chỉ viết tắt Spirit). Hai chữ này được sử dụng nhiều lần trong bản Kinh Thánh tiếng Anh.
(4). Trong nguyên tác là cuốn “Ideal Marriage” đề cập đến vấn đề hôn nhân tuổi dậy thì.
(*). Những câu đánh dấu này có các từ ngữ, hình ảnh, diễn đạt kín đáo, nói tránh khi đề cập đến tâm sinh lý tuổi mới lớn.
--------------------
Dịch và chú thích bởi Mộc Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét