- "Không gì có thể diễn tả được nỗi đau của tình yêu, mất mát, hy vọng và sự cứu rỗi như thể loại nhạc phổ biến trên khắp châu Mỹ Latinh: nhạc bolero." (Nothing captures the agony of love, loss, hope and redemption like the song form known across all of Latin America: the bolero.)
- Tháng 12 năm 2023, UNESCO đã công nhận nhạc bolero là "di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại" và "là một phần không thể thiếu trong những bài hát tình cảm của Mỹ Latinh" (an intangible cultural heritage of humanity and an indispensable part of the Latin American sentimental song).
***
Bolero là một thể loại nhạc có nguồn gốc từ Cuba vào cuối thế kỷ 19 như một phần của phong cách âm nhạc trova truyền thống (âm nhạc đại chúng được thể hiện bởi những nghệ sĩ hát rong). Nó phổ biến ở các trung tâm đô thị như Havana vào thời điểm đó. Nó ra đời như một hình thức thơ ca dân gian lãng mạn được nuôi dưỡng bởi những người hát rong từ Santiago de Cuba. Nó không liên quan đến điệu nhảy Bolero ở Tây Ban Nha dẫu cùng tên; nó cũng không bắt nguồn từ âm nhạc truyền thống châu Âu.
Các nhà nghiên cứu gọi các bài hát bolero là "bài
hát lãng mạn Mỹ Latinh tinh chất của thế kỷ XX". Đặc trưng của bolero là lời
ca tinh tế, giai điệu thắm thiết. Bolero thường có nhịp 4/4 và bản phối linh hoạt
đã khiến bolero tồn tại, pha trộn cùng với nhạc son, rumba Cuba mà tạo ra các thể
loại phụ mới như bolero-son, bolero-cha, rhumba châu Phi…
Có thể kể ra một số bài bolero tiêu biểu của thế giới:
- "Tristezas" (Nỗi buồn), được ghi nhận là bản
bolero đầu tiên do ns Cu Ba, Jose Pepe Sanchez sáng tác năm 1885. Bản này vẫn
được biểu diễn cho đến ngày nay.
- "Dos Gardenias", được sáng tác bởi ns Cu
Ba, Isolina Carrilo (1930). Bài này càng trở nên nổi tiếng khi xuất hiện trong
album "Buena Vista Social Club" của Ibrahim Ferrer.
- "Veinte Años", được sáng tác bởi nữ ns Cu
Ba, Maria Teresa Vera. Bà là một nghệ sĩ guitar, ca sĩ và nhạc sĩ xuất sắc.
- "Historia De Un Amor", được sáng tác bởi
ns Panama, Carlos Almaran. Bài hát có trên 2.000 phiên bản, được nhiều nghệ sĩ
trình bày và là nhạc phim cùng tên năm 1956.
- "Besame Mucho", được sáng tác bởi nữ ns 15
tuổi người Mexico, Velazquez (1941). Velazquez chưa bao giờ được hôn vào thời
điểm cô viết nên bản bolero tuyệt đẹp này, điều này chứng minh rằng sự lãng mạn
nằm trong trí tưởng tượng nhiều như trong xác thịt (nói như vậy). Bản bolero
này nằm trong nhóm các bài hát bolero được cover và thu âm nhiều nhất.
- "Guantanamera" (Tên một tỉnh của Cu Ba) được
sáng tác bởi ns Cu Ba, Joseito Fernandez (Jose Fernandez Diaz) vào năm 1929. Có
lẽ là một trong những bài bolero Cuba mà ngay cả những người không nghiện nhạc
Latin cũng từng nghe. Các nhạc sĩ Tito Puente, Celia Cruz, Trini Lopez… đã
thành công trong sự nghiệp nhờ bài hát này.
(Còn nhiều nữa)
***
Boléro du nhập vào Việt Nam vào khoảng thập kỷ 1930s.
Chưa biết ai là người sáng tác nhạc Boléro đầu tiên nhưng kể từ khi xuất hiện
trong dòng chảy tân nhạc đến nay, nhạc Boléro đã có một chỗ đứng riêng trong
lòng người yêu nhạc mà không lẫn lộn, không tranh hơn thua với bất kì điệu nhạc
nào khác. Ở miền Nam Việt Nam trước 1975, bolero là loại nhạc phổ biến.
Nhạc Bolero Việt Nam thường có nhịp độ chậm hơn so với
nhạc bolero của Tây Ban Nha, Mỹ Latin nên chất chất lãng mạn khá rõ, thể hiện cảm
xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ thơ ca. Trước 1975, bolero được xếp vào loại nhạc
vàng - đối lập với nhạc đỏ - và bị cấm đoán. Lệnh cấm được nới lỏng sau 1986,
trong thời kỳ bắt đầu đổi mới.
***
Từ một điệu nhạc, dần dần bolero trong đời sống sinh
hoạt âm nhạc ở Việt Nam lại mang thêm những nét nghĩa mới chỉ về “phong cách, lối
chơi” đôi khi hàm ẩn ý nghĩa mới từ đời sống âm nhạc bình dân như: nhạc sến, nhạc
cái bang, nhạc thất tình, nhạc bình dân, nhạc vàng, nhạc đãi vàng … Thực ra nếu
đặt ngược lại vấn đề : thế nào là “nhạc sến” thì chẳng ai lí giải phân định được
rõ ràng.
Bolero được nhiều người yêu mến - tất nhiên - nhưng
nhiều người không mấy hứng thú khi nghe bởi nó thường được bình dân hóa trong
hình ảnh những cái bang hát ven đường, trong chợ hay giữa chỗ
đông người để khơi gợi chút từ tâm của kẻ khác; cũng có thể nó được hát trong
hơi men pha với chút nước mắt kèm theo khuôn mặt bi ai sầu não của ca công và
kiểu chơi đàn pha phách, quằn quại chả giống ai của nhạc công chưa sạch nước đệm
chăng!
Ai nói gì cũng mặc, Boléro vẫn sống cùng với người yêu
nhạc Boléro trong cái giai điệu “chách chách… chách bùm chách…” đơn
điệu, hiền từ đặc trưng.
Nhạc cụ chính trong một cuộc chơi Boléro bình dân chỉ
cần một cây guitare là đủ, đôi khi những fans bình dân máu me thái quá còn sắm
thêm “bộ gõ” bằng thùng, thậm chí là xoong nồi bát đĩa, đũa, muỗng,
chai lọ, que gỗ, mặt bàn, li tách… thật vui và thú vị - được chấp nhận!
Nhạc công Boléro thực thụ phải biết các kĩ thuật “ép
dây”, đánh hợp âm rời theo giai điệu kết hợp với tiếng bass, vỗ, gõ... thì mới
ra Boléro - lại có thêm chút sang trọng. Còn nếu chỉ “chách chách chách
bùm chách” một cách chân phương thì sẽ ra kiểu “Boléro chợ” hoặc “Boléro
vườn”.
Mà vẫn là Boléro thôi, chả sao cả. Còn loại Bolero sân
khấu thì lại được khoác thêm tấm áo sang trọng của hiệu ứng âm thanh ánh sáng,
kết hợp nhịp nhảy uốn éo phụ họa của vũ công, hòa âm phối khí bài bản, đôi khi
có những phá cách kỉ thuật để "kết hợp giữa truyền thống và hiện đại"
làm lạ hóa ca khúc.
Một số bài hát Boléro một thời đã được các nhạc sĩ phối
lại theo phong cách hiện đại hơn trong tiết điệu Cha cha cha, Jazz, Surf … làm
cho bài hát Boléro trở nên lạ lẫm, đem lại cảm hứng thẩm mĩ mới cho người “xem
nhạc” (nhiều hơn là nghe nhạc).
Dù nhạc sĩ sáng tác Boléro trên âm giai nào cũng mặc,
nhạc công Boléro cứ chọn hợp âm “dễ chịu” như Đô trưởng, Rê trưởng,
La thứ, Rê thứ, Si thứ … để dễ chơi, dễ chạy ngón và ca sĩ cũng cất giọng.
Về giai điệu thì nhạc Bolero dễ hát, dễ thuộc; về ca từ
thì giản dị, không triết lí, không cầu kì chữ nghĩa; mang cái hơi thở của đời sống
như: tình yêu, thất tình, cuộc sống nghèo, những mảnh đời bất hạnh, hoặc giản dị
hồn nhiên như làng quê …
Nhạc tình Boléro có ủy mị ướt át nhưng đó là thứ ủy mị
chân tình chứ không lòe loẹt phấn son.
Nhiều người lí giải sở dĩ Boléro từ xa xưa đã có chỗ đứng
trong đời sống ca nhạc VN bởi một đất nước còn nghèo, dân trí còn hạn chế, đa số
sống bằng lao động chân tay đơn giản thì món ăn tinh thần kiểu như Boléro là hợp
khẩu vị. Họ quên mất rằng Boléro không chỉ dành cho giới bình dân mà cả giới
bác học, bằng chứng là nhiều nhạc sĩ tên tuổi trong dòng nhạc trữ tình hiện đại
vẫn sáng tác Boléro (Phạm Đình Chương); nhiều ca sĩ nổi danh với air nhạc sang trọng blue, slow rock,
valse … nhưng họ vẫn hát Boléro (Khánh Ly hát "Xóm đêm")...
Trong 100 năm qua, Boléro đã lưu dấu trong lòng dân
yêu nhạc bằng những ca khúc lừng danh, sống mãi trong lòng người như: Lan và Điệp,
Hàn Mặc Tử, Đường xưa lối cũ (Hoàng Thi Thơ), Xóm đêm (Phạm Đình Chương)…
Tuy nhiên bạn phải thừa nhận với tôi rằng những bài
hát và phong cách sáng tác, biểu diễn mới luôn ra đời rồi tiêu biến theo kiểu
"instand noodle" (mì ăn liền), còn những ca khúc, giai điệu Boléro thực
sự thì vẫn luôn có chỗ đứng riêng không thể thay thế được trong lòng người.
Chính vì vây, trong một đêm lang thang ngao du nào đó,
bạn buộc lòng phải dừng lại khi nghe tiếng guitare vang lên cùng với âm nhạc
Boléro của ai đó cất lên giữa một “chiếu rượu gạo” bên đường. Lúc ấy bạn phải
có đủ bản lĩnh để thoát khỏi sự cám dỗ “nhập cuộc” bởi ma lực của Boléro.
Bạn có đồng ý như vậy không ?
------------------
References:
3. Npr.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét